Thị trường việc làm vẫn còn cần rất nhiều nhân lực nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao? Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do người lao động không tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp trước khi chọn ngành học, hoặc chọn vị trí công việc. Để tình trạng này hạn chế tiếp diễn trong tương lai, Ms. Uptalent đã thống kê 5 xu hướng nghề nghiệp hiện nay trong bài viết chia sẻ dưới đây. MỤC LỤC: 1. Xu hướng nghề nghiệp là gì? 2. Nắm bắt xu hướng nghề nghiệp có lợi như thế nào? 2.1. Thiết lập lộ trình phát triển sự nghiệp hiệu quả 2.2. Đầu tư nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuẩn xác 2.3. Dễ dàng ghi điểm với nhà tuyển dụng 2.4. Thương lượng mức lương phù hợp 2.5. Chủ động trước những biến đổi 3. Danh sách 5 xu hướng nghề nghiệp hiện nay 3.1. Lĩnh vực công nghệ thông tin 3.2. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe 3.3. Lĩnh vực bảo vệ môi trường 3.4. Lĩnh vực thương mại điện tử 3.5. Kinh doanh tự do, làm việc tư do 4. Làm sao tận dụng tối đa lợi thế từ việc nắm bắt xu hướng nghề nghiệp? 4.1. Hiểu rõ thế mạnh của bản thân 4.2. Đầu tư kỹ năng chuyên môn 4.3. Tham gia các hội nhóm tuyển dụng 4.4. Thực hành, lắng nghe phản hồi và đúc kết kinh nghiệm
1. Xu hướng nghề nghiệp là gì?
Xu hướng là những dự báo thay đổi trong tương lai gần với xác suất thực sự sẽ diễn ra rất cao, do đó, mọi người thường dựa vào xu hướng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống của mình ở thì tương lai.
Xét riêng về khía cạnh nghề nghiệp thì xu hướng nghề nghiệp chính là những thay đổi trên thị trường lao động, cung cấp cho ứng viên những thông tin cần thiết về:
-
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực mới, cũng như nhu cầu giảm nhân sự ở mỗi chuyên ngành
-
Yêu cầu về mặt kỹ năng, bằng cấp, kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đang hướng đến
-
Mức lương bình quân cho mỗi vị trí công việc…
Những xu hướng này sẽ góp phần giúp người lao động định hướng tốt hơn cho ngành nghề mà mình nên theo đuổi, giữ thế chủ động trước những chuyển biến gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
2. Nắm bắt xu hướng nghề nghiệp có lợi như thế nào?
Nhịp sống ngày nay diễn ra quá nhanh, nhiều chuyển biến xuất hiện liên tục, vì vậy, nắm bắt tốt xu hướng nghề nghiệp sẽ rất có lợi cho người lao động:
2.1. Thiết lập lộ trình phát triển sự nghiệp hiệu quả
Cũng giống như hai người cùng xuất phát ở địa điểm A và cùng muốn đến ở địa điểm B nhưng người thứ nhất biết đường và đi đúng hướng nên tới trước, còn người thứ hai cứ vừa đi vừa dò đường, có khi còn đi lạc nên tới nơi rất trễ.
Việc nắm bắt xu hướng chính là cách giúp chúng ta xác định “đường đi” đúng và nhanh nhất cho lộ trình phát triển sự nghiệp của mình. Hãy luôn nhớ rằng, dù bạn có năng lực vượt trội đến mấy mà cứ đi chệch xu hướng mãi thì lãng phí tài năng đã đành, bản thân còn có thể bị người có năng lực thấp hơn vượt mặt.
2.2. Đầu tư nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuẩn xác
Năng lực luôn cần trau dồi nhưng nội dung trau dồi sẽ rất bao la, như kiểu học ngoại ngữ vậy, có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… nên học tiếng nào đây? Xu hướng nghề nghiệp sẽ cho bạn biết điều mà mình nên lựa chọn. Nhờ vậy, bạn sẽ không lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức vào những nội dung trau dồi không mang lại giá trị cao cho tương lai.
2.3. Dễ dàng ghi điểm với nhà tuyển dụng
Thị trường kinh doanh ngày một cạnh tranh nên doanh nghiệp tuyển dụng cũng phải thường xuyên nắm bắt xu hướng kinh doanh để có những kế hoạch phát triển phù hợp. Việc tuyển dụng nhân sự cho bất kỳ vị trí nào cũng đều nhằm đáp ứng mong muốn hoàn thành những kế hoạch phát triển này, do vậy, xu hướng kinh doanh sẽ tác động đến xu hướng tuyển dụng, xu hướng tuyển dụng sẽ tác động đến xu hướng nghề nghiệp. Ứng viên nào đáp ứng tốt xu hướng nghề nghiệp thì cơ hội cạnh tranh ứng tuyển sẽ rất cao.
2.4. Thương lượng mức lương phù hợp
Xu hướng nghề nghiệp cũng phản ánh mức độ tăng hoặc giảm nhu cầu tuyển dụng trong ngành nghề mà ứng viên có thế mạnh. Từ đó những nhận định về thu nhập, phụ cấp… cũng sẽ được định hướng phù hợp hơn, giúp cho quá trình thương lượng mức lương và điều kiện làm việc giữa ứng viên và nhà tuyển dụng thuận lợi đạt được sự đồng thuận. Hơn nữa, yếu tố này cũng giúp người lao động có những đánh giá tốt cho nguồn thu nhập của bản thân, qua đó cân đối lại chi tiêu và lập kế hoạch tài chính hiệu quả hơn.
2.5. Chủ động trước những biến đổi
Khi thị trường lao động biến đổi thì những gì cần cho một thị trường lao động mới, người nắm bắt tốt xu hướng nghề nghiệp đều đã trang bị đầy đủ. Đây chính là sự chủ động cần thiết để bản thân không trở thành đối tượng bị thị trường lao động đào thải, không cảm thấy hụt hẫng hoặc chơi vơi mất phương hướng.
3. Danh sách 5 xu hướng nghề nghiệp hiện nay
Hiểu được tầm quan trọng của xu hướng nghề nghiệp rồi, vậy thì đã đến lúc chúng ta phải cập nhật ngay 5 xu hướng nghề nghiệp quan trọng sẽ tác động đến thị trường lao động:
3.1. Lĩnh vực công nghệ thông tin
Ngày trước cứ làm việc trong ngành công nghệ thông tin là “ngon lành” bất kể người đó làm ở vị trí nào nhưng giờ thì không như vậy nữa. Bởi lẽ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang kiến tạo không ngừng những tính năng ưu việt cho phép thay thế sức người ở nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có cả công nghệ thông tin.
Vì vậy, chọn ngành công nghệ thông tin là hợp thời rồi nhưng để đúng với xu hướng nghề nghiệp thì lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, chuyên viên an ninh mạng vẫn sẽ là nơi thu hút nhân sự nhiều nhất.
3.2. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Sau một thời gian dài chạy theo nhu cầu của cải, vật chất, giờ đây con người càng thấm thía hơn giá trị to lớn của sức khỏe. Ngày Tết xưa thì chúc nhau phát tài đầu tiên, nay ai ai cũng chúc nhau sức khỏe trước cả.
Xu hướng này mở ra nhiều cơ hội lớn cho các vị trí công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y tá, điều dưỡng, tư vấn tâm lý, giáo dục thể chất, chuyên viên dinh dưỡng… Cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cũng như cơ hội khởi nghiệp tự mình kinh doanh đều khởi sắc.
3.3. Lĩnh vực bảo vệ môi trường
Hướng đến năng lượng sạch, giảm thiểu phát thải nhà kính là xu hướng toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam. Việc khích lệ phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, sử dụng xe điện thay cho xe xăng, phát hành chứng chỉ cacbon… chính là những minh chứng vô cùng rõ nét về xu hướng này.
Chính vì vậy, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, an toàn cho cuộc sống tương lai sẽ là lựa chọn rất giá trị, đặc biệt là những vị trí công việc như quản lý môi trường, kiến tạo năng lượng sạch, kỹ thuật tái tạo năng lượng…
3.4. Lĩnh vực thương mại điện tử
Chính phủ số, xã hội số đã trở thành chủ trương của nhà nước ta và đang được ráo riết triển khai, vì vậy, kinh tế số - trong đó thương mại điện tử giữ vị thế chủ lực - chắc chắn không còn là đồn đoán của cư dân mạng nữa, mà sẽ được hiện thực hóa ngày càng mạnh mẽ hơn.
Các hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đều sẽ ưu tiên sử dụng công nghệ trực tuyến, cho nên thị trường lao động sẽ rất cần nhân lực làm việc cho các ngành Marketing kỹ thuật số, thương mại trực tuyến, quản trị mạng, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, phân tích dữ liệu, phát triển trải nghiệm người dùng, Logistics…
3.5. Kinh doanh tự do, làm việc tư do
Thông qua những nền tảng trực tuyến như Facebook, Tiktok, Shopee, Lazada, Tiki…, những cá nhân ở mọi độ tuổi đều có thể tự tìm kiếm nguồn hàng, tự kinh doanh trực tuyến mà không phải tốn nhiều chi phí thiết lập cửa hàng hay phải đầu tư nhiều cơ sở vật chất.
Ngoài ra, những cơ hội làm việc tự do (Freelancer) cũng được mở rộng, điển hình như các vị trí thiết kế, viết nội dung, lập trình, dịch thuật… Việc tự kinh doanh hoặc làm việc tự do này cạnh tranh cũng khá cao, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và khả năng tự quản lý công việc, quản lý tài chính để có thể duy trì nguồn thu nhập tốt, nhưng bù lại bản thân sẽ được tự do hoạt động theo kế hoạch riêng.
4. Làm sao tận dụng tối đa lợi thế từ việc nắm bắt xu hướng nghề nghiệp?
Xu hướng nghề nghiệp ai cũng có thể cập nhật nhưng để tận dụng tốt nguồn thông tin này cho tương lai sự nghiệp của mình thì không phải ai cũng thực hiện được. Nếu bạn muốn bản thân nằm trong nhóm những người tận dụng tốt lợi thế này thì Ms. Uptalent có vài kinh nghiệm chia sẻ đến bạn đây:
4.1. Hiểu rõ thế mạnh của bản thân
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, mỗi người có thể mạnh khác nhau, khi biết tận dụng thế mạnh của mình vào lĩnh vực nghề nghiệp và phát triển liên tục thì dù lĩnh vực đó không quá “hot”, bạn vẫn sẽ tạo được kỳ tích. Cho nên, sau khi nắm bắt xu hướng, bạn hãy ngồi lại và đánh giá đam mê của bản thân, tổng hợp những kỹ năng đã tích lũy để có được lựa chọn xu hướng nghề nghiệp phù hợp nhất.
4.2. Đầu tư kỹ năng chuyên môn
Sau khi đã xác định lĩnh vực nghề nghiệp mà mình nên lựa chọn, bạn hãy tìm kiếm những tin tuyển dụng trên các trang tuyển dụng trực tuyến, đọc các bài viết tư vấn nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đó. Mục đích để cập nhật chuẩn xác những tiêu chuẩn tuyển dụng mà các doanh nghiệp trong ngành đặt ra. Từ đó, biết được bản thân còn đang thiếu sót điều gì để có kế hoạch đầu tư, trau dồi ngay từ bây giờ. Như vậy sẽ không lo đầu tư sai hướng.
4.3. Tham gia các hội nhóm tuyển dụng
Các hội nhóm nghề nghiệp trên mạng xã hội là nơi cập nhật rất nhiều thông tin về nghề nghiệp. Tham gia các hội nhóm này, ngoài việc mở rộng mối quan hệ công việc, tiếp cận nhiều tin tức tuyển dụng thì bạn còn cập nhật nhanh xu hướng nghề nghiệp mà mình đang hướng đến. Qua đó kế hoạch phát triển năng lực ứng tuyển sẽ có những điều chỉnh phù hợp sớm nhất, góp phần đáng kể cho khả năng chinh phục nhà tuyển dụng trong tương lai.
4.4. Thực hành, lắng nghe phản hồi và đúc kết kinh nghiệm
Tìm kiếm cơ hội thực hành thông qua:
-
Dự án ngắn hạn cần tuyển người làm bán thời gian hoặc làm thời vụ
-
Công việc hiện tại với nhiều khía cạnh chuyên môn liên quan đến xu hướng nghề nghiệp đã lựa chọn
-
Chương trình thiện nguyện, không có thu nhập nhưng sẽ có rất nhiều trải nghiệm giá trị
Hãy tận dụng thật tốt những cơ hội này để tăng thêm bề dày thành tích trong CV ứng tuyển của bạn.
Top 5 xu hướng nghề nghiệp trong bài viết của Ms. Uptalent cho chúng ta biết được những thay đổi mà thị trường lao động sẽ phải đối mặt trong tương lai gần. Điều này vừa giúp các bạn trẻ chọn ngành học, chọn nghề hiệu quả hơn, vừa giúp những người đang đi làm có những đầu tư phát triển năng lực phù hợp. Nỗi lo khó tìm việc, sợ bị giảm biên chế, không theo kịp thời đại… cũng nhờ vậy mà giảm thiểu đáng kể.