Trong vài năm trở lại đây, thuật ngữ “BSC” đã dần trở nên phổ biến và được biết đến là một trong những phương pháp quản lý toàn diện về các khía cạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy, BSC là gì? BSC mang lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp? WEONE mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu một cách chi tiết hơn nhé.
Mô hình BSC là gì?
BSC là viết tắt của Balanced scorecard - một hệ thống quản lý để thiết lập, giám sát, đo lường và thực hiện các chiến lược, mục tiêu của doanh nghiệp. BSC còn có tên gọi khác là thẻ điểm cân bằng. Ở đây, chúng ta hiểu chính là sự cân bằng giữa những khía cạnh trong hoạt động kinh doanh. Thay vì, doanh nghiệp quản lý và đánh giá công việc dựa trên chỉ số tài chính thì BSC sẽ đưa ra bộ chỉ số đo lường tốt và hoàn hảo hơn.
Thẻ điểm BSC cần thiết trong nền kinh tế thị trường bởi chúng khắc phục được những nhược điểm của thước đo tài chính và có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Những bước lùi tạm thời trong quá khứ có thể là động lực phát triển bền vững cho công ty trong tương lai.
Thực tế, mô hình BSC đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Cụ thể:
- Được Harvard Business Review bình chọn là một trong những ý tưởng về kinh doanh có tầm ảnh hưởng nhất.
- Được áp dụng tại nhiều công ty lớn của Mỹ (theo khảo sát, con số có thể lên tới 60%).
- Được các doanh nghiệp đánh giá là đạt hiệu quả ứng dụng rất cao.
Mô hình thẻ điểm cân bằng - BSC bao gồm những gì?
Cấu trúc của mô hình BSC sẽ bao gồm 4 yếu tố sau đây:
Thước đo tài chính
Thước đo tài chính sẽ gồm các yếu tố về chi phí, doanh thu và lợi nhuận. Trước đây, chúng được coi là phương tiện duy nhất để xác định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Công ty đạt lợi nhuận thấp đồng nghĩa với việc hiệu quả hoạt động không cao. Thực ra, đây là một ý kiến khá chủ quan. Với các doanh nghiệp sản xuất, chi phí để mua sắm hệ thống máy móc, trang thiết bị là khá lớn, việc bị lỗ trong những năm đầu hoạt động là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đánh giá doanh nghiệp kém hiệu quả trong thời điểm này là khá sớm và không có cơ sở.
Thước đo hoạt động nội bộ của doanh nghiệp
Công ty chỉ hoạt động tốt khi nội bộ doanh nghiệp ổn định và vững vàng. Hãy rà soát lại các quy trình nội bộ và xác định các chỉ số liên quan đến đào tạo, nhân sự. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp tục phát huy những điểm tốt và điều chỉnh những điểm chưa hợp lý.
Thước đo khách hàng
Sự hài lòng của khách hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của công ty. Tại sao ta có thể khẳng định điều này? Khi khách hàng hài lòng tức là khả năng họ quay lại sử dụng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp là rất cao. Điều này sẽ làm tăng doanh thu cho công ty.
Các bạn có thể dựa trên bộ câu hỏi sau để nhận định về mức độ hài lòng của khách hàng:
- Đây có phải là khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp hay không?
- Họ có hứng thú với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty hay không?
- Phần trăm phản hồi sau khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ là bao nhiêu?
- Tỷ lệ giữa phản hồi tích cực và tiêu cực là bao nhiêu?
- Khách hàng đánh giá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bạn như thế nào so với các đối thủ cạnh tranh?
Thước đo học tập, phát triển
Chất lượng nguồn nhân lực cũng quyết định đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cùng với việc khuyến khích nhân viên tự trau dồi kiến thức, doanh nghiệp có thể mở thêm các lớp đào tạo nghiệp vụ hoặc tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn.
Lợi ích mà thẻ điểm BSC mang lại cho doanh nghiệp là gì?
Những lợi ích mà BSC mang lại cho doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Cụ thể:
BSC giúp lập các kế hoạch về chiến lược
Do thẻ điểm cân bằng BSC rất tổng thể và toàn diện nên chúng thường là nền tảng để doanh nghiệp hoạch định các chiến lược về trung và dài hạn. 4 yếu tố trong BSC sẽ được ban lãnh đạo xem xét một cách kỹ càng trước khi đưa ra quyết định về các bước đi sau này của doanh nghiệp.
BSC giúp quảng bá doanh nghiệp bằng truyền thông
Khi doanh nghiệp đã chốt được kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo thì việc thông tin cho nhân viên biết kế hoạch đó là cần thiết. Truyền thông ở đây được hiểu ở cả hai mặt là nội bộ và bên ngoài. Đối tác của bạn nắm được các chiến lược cơ bản của công ty cũng sẽ giúp cho việc hợp tác được dễ dàng và đơn giản hơn.
BSC là cầu nối giúp liên kết các dự án trong doanh nghiệp
Sau khi đã xây dựng một bộ khung thẻ điểm BSC vững chắc thì việc kết nối các dự án nhỏ lẻ với dự án trọng điểm của doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hãy đảm bảo rằng, tất cả các thành viên trong công ty đều đang cùng một chí hướng, cống hiến hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp.
BSC giúp cải thiện hiệu suất công việc
Như đã nói ở trên, thẻ điểm cân bằng BSC có ưu điểm là thể hiện sự tổng quan và toàn diện. Điều này không có nghĩa là mọi khía cạnh bị đánh đồng và dàn trải. Ở các báo cáo tổng quan, chúng ta vẫn thấy được những nội dung trọng điểm. Thứ tự thực hiện các công việc sẽ được ban giám đốc giao nhiệm vụ đến từng phòng, bộ phận nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được suôn sẻ.
Doanh nghiệp nào nên áp dụng thẻ điểm cân bằng BSC
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng cần thiết và có thể áp dụng mô hình BSC. Tuỳ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, quy mô và mục tiêu chiến lược của công ty mà các CEO nên lựa chọn hệ thống quản lý cho phù hợp.
Một số doanh nghiệp nên sử dụng thẻ điểm cân bằng BSC là:
- Doanh nghiệp sản xuất hoạt động với quy mô vừa và lớn: Hệ thống các phòng, ban cùng các dây chuyền sản xuất khổng lồ chính là lý do khiến những doanh nghiệp này nên áp dụng BSC. Thẻ điểm sẽ được sử dụng theo từng phòng ban và xuyên suốt toàn thể công ty. Điều đó giúp các nhân viên và ban lãnh đạo hình dung rõ hơn về các mục tiêu sắp tới của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề: Do hoạt động ở nhiều lĩnh vực nên sự thiếu bao quát sẽ khiến doanh nghiệp đầu tư và thực hiện mục tiêu một cách dàn trải. BSC là cầu nối tập trung lại các kế hoạch mục tiêu và sắp xếp thứ tự thực hiện chúng một cách phù hợp nhất.
- Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vốn nhà nước thường có quy mô lớn nên việc áp dụng BSC là cần thiết và thích hợp.
- Tổ chức phi lợi nhuận: Đây là dạng đơn vị điển hình khi áp dụng mô hình BSC. Do mục tiêu của tổ chức hướng tới là các thành tựu ngoài lợi nhuận nên các khía cạnh của BSC như khách hàng, phúc lợi, đào tạo… sẽ được phát huy một cách tối đa nhất.
Quản lý doanh nghiệp, hoạch định chiến lược phát triển luôn là bài toán khó đối với các CEO. Hy vọng bài viết về BSC là gì trên đây sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin hữu ích. Chúc các bạn vui vẻ!