Phố xưa
Tôi trở lại phố chợ Kỳ Lừa, thơ thẩn tản bộ theo dọc con phố đầy ắp hàng hóa hai ven đường. Bỗng nhiên, ký ức ùa về nét xưa, chốn cũ. Nơi phố chợ tràn ngập sắc áo chàm xanh đen, tiếng ngựa hý, lợn con kêu và những đàn trâu, bò nhẫn nại chờ người mua bán. Nhưng đến với chợ Kỳ Lừa, nhiều người không cần mua bán mà tìm bạn tình, hò hẹn và cùng nhau giăng câu Sli, câu Lượn khắp phố.
Bà Chu Quế Ngân, cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, phố Kỳ Lừa được manh nha hình thành từ rất sớm. Thế kỷ XI - XII, nơi đây đã diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi giữa thương nhân hai nước Việt - Trung. Đến cuối thế kỷ XVII, cùng với sự di cư của cộng đồng người Hoa từ Trung Quốc đến các tỉnh Nam, Trung bộ nước ta, họ cũng đã đến làm ăn, định cư ở phố Kỳ Lừa do Tả đô đốc, Hán quận công Thân Công Tài lập nên. Năm 1717, Chúa Trịnh chính thức cho người Hoa cư trú tại Kỳ Lừa và 4 khu phố khác ở Việt Nam. Nhiều tư liệu, sử sách cho thấy, người Hoa ở phố Kỳ Lừa rất đông, họ ở thành từng khu riêng biệt trong chợ. Sự cộng cư, giao thoa văn hóa giữa người Hoa và cư dân bản địa qua nhiều thế kỷ đã dần định hình, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo của cư dân nơi miền phố chợ.
Phố chợ Kỳ Lừa xưa ảnh: tư liệu
Bà Trần Bích Hợp, 68 tuổi, hiện sinh sống tại số nhà 12, Phan Đình Phùng, phường Hoàng Văn Thụ cho biết, gia đình bà sống lâu năm ở phố chợ Kỳ Lừa và được ông bà, cha mẹ kể lại về nguồn cội của ngôi chợ này với niềm tự hào, thành kính. Thuở ấu thơ, bà Hợp thường được cha mẹ dẫn đi chơi chợ, vừa ăn kem lại nghe cha ngâm ngợi câu ca dao: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh...”.
“Ngày đó, Kỳ Lừa là phố chợ gần con sông Kỳ Cùng chảy ngược. Hàng hóa được vận chuyển từ các chi lưu (nhánh lạch nguồn nhỏ) chảy theo đó tập kết tại chợ. Còn thời điểm mùa nước rút thì hàng hóa vận chuyển bằng lừa, ngựa, từ núi cao xuống. Kề cạnh chợ cũng có đồng cỏ xanh tốt nên con lừa của dân bản địa tập trung đến ăn. Ngay cả Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài cũng nuôi hai con lừa rất tinh khôn. Khi san đồi phá rừng dựng chợ thì chúng thường bơi qua sông Kỳ Cùng, tìm sang đồi Kỳ Cấp ở phía Bắc ăn cỏ non. Nhưng rồi một hôm, hai con lừa biến mất, ai cũng thương tiếc. Khi đặt tên cho chợ, mọi người tình cờ nghĩ đến hai con lừa kỳ lạ đó mà đặt tên là Kỳ Lừa để thể hiện nỗi niềm chia sẻ”, bà Hợp kể.
Giao thương tấp nập
Chợ Kỳ Lừa là một trong những chợ lớn nhất xứ Lạng. Trước đây, đồng bào các dân tộc ở các bản giáp biên, làng xã lân cận như Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng mang thổ cẩm, mật ong, bó hương thắp, hoa trái vườn nhà đi bán. Người phố thì bán cuốc, xẻng, liềm. Người dân tộc Choang bên kia biên giới mang quần áo, giầy dép, xì dầu, đèn pin… đến Kỳ Lừa đổi hàng, mua bán nhộn nhịp.
Bà Trần Bích Hợp chỉ về phía dãy chợ giới thiệu: Có thể nói, chợ Kỳ Lừa là “chiếc nôi” của nhiều nghề gia truyền nổi tiếng, những món ăn đặc sản thuộc hàng tinh hoa ẩm thực của xứ Lạng như: lợn quay, vịt quay, phở chua, khau nhục, bánh cao xằng, bánh cuốn trứng, bánh áp chao.
Chợ Kỳ Lừa sầm uất ngày nay Ảnh: Duy Chiến
“Kỳ Lừa là nơi bảo lưu những di sản văn hóa được coi là giá trị, tiêu biểu nhất của xứ Lạng với 3 di tích được xếp hạng Quốc gia, 1 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gắn với nhiều di vật, cổ vật quý”.
Bà Chu Quê Ngân, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn
Nói đoạn, bà Hợp rủ chúng tôi ghé thăm dãy quán bán món bánh cao xằng ở dốc Phai Món, góc chợ Kỳ Lừa. Đây là món ăn đường phố được người dân địa phương ưa chuộng. Sở dĩ gọi cao xằng là món ăn bình dân bởi nó được làm từ những nguyên liệu đơn giản gạo tẻ, nhân là thịt lợn và hành khô. Bà Chu Tuyết Vân, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ là một trong 3 gia đình có nghề làm bánh cao xằng cổ truyền. Bà cho biết, qua các đời ông, cha, bà đã có mấy chục năm làm và bán món cao xằng ở chợ Kỳ Lừa.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết, hiện nay ở chợ Kỳ Lừa có gần 300 hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng điện tử, đồ dùng chủ yếu là hàng Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, hàng ăn uống cũng rất phong phú. Cách 5 ngày, chợ Kỳ Lừa lại đến chợ phiên, đồng bào mang nông sản, hoa quả, rau xanh, gia cầm nhà nuôi trồng được đến bán tạo nên khung cảnh náo nhiệt, vui vẻ.
Theo ông Hạnh, sau khoảng 2 năm có dịch COVID-19, nay chợ Kỳ Lừa đã hồi sinh trở lại. Mới đây, thành phố Lạng Sơn tái khởi động Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng với sự tham gia của hàng vạn du khách. Phố đi bộ Kỳ Lừa được tổ chức vào 2 ngày nghỉ cuối tuần với những hoạt động buôn bán nhộn nhịp và đặc sắc, riêng có của xứ Lạng. Du khách có thể chọn cho mình những bộ trang phục thổ cẩm, thưởng thức món ăn ngon đặc sản núi rừng. Ngoài ra, khi tới chợ Kỳ Lừa, mọi người còn được lựa chọn các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày cũng có cơ hội giao lưu và gặp gỡ các đồng bào dân tộc địa phương, được tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống.
Tôi đi giữa chiều tà cuối thu, phố chợ Kỳ Lừa thật đẹp và thơ mộng. Nơi đây cũng trở thành niềm hứng khởi của các Thi nhân, sứ giả thời kỳ Trung đại mỗi dịp công cán qua xứ Lạng. Và bên tai tôi bỗng văng vẳng lên bài thơ của danh nhân văn hóa nổi tiếng Nguyễn Tông Khuê:
“Kỳ Lừa rợp bóng cây êm/ Cửa the nhà gấm vây thêm tứ bề/ Khách thương buôn bán đi về/ Cửa thông hai nước chợ lề sáu phiên”.