Vì sao vẫn thích người khác dù đã có người yêu hoặc bạn đời?
Cách mà não bộ xử lý thông tin
Việc bị cuốn hút bởi ai đó là điều không thể tránh khỏi và kiểm soát. Gary Lewandowski, tác giả cuốn "Khoa học về các mối quan hệ" cho rằng khi chúng ta nhìn vào một người, não sẽ nhanh chóng xử lý thông tin hình ảnh mà mắt nhìn thấy, và ngay lập tức đưa ra đánh giá về sự quyến rũ của người đối diện.
Quá trình này không dừng lại, dù bạn đang ở trong mối quan hệ, bởi vì nó hoàn toàn tự nhiên và thuộc về phản xạ con người.
Các đặc điểm tiến hóa
Các nhà khoa học tiến hóa cho rằng con người luôn có xu hướng đi tìm gen tốt để duy trì nòi giống. Như một bản năng, não con người phát triển để thu hút và bị thu hút bởi những người tiềm năng đem lại giống nòi tốt.
"Điều đó giải thích vì sao chúng ta vẫn có thể có cảm xúc với người khác dù đang có người yêu hoặc bạn đời. Vì nếu ta gặp đủ người, ta sẽ tìm ra nhiều cặp DNA phù hợp hơn." - Patricia Love, nhà trị liệu và tác giả cuốn "Sự thật về tình yêu" giải thích.
Những nhu cầu không được đáp ứng trong mối quan hệ
Cảm giác với người thứ ba cũng phát triển khi họ đáp ứng được những điều ta thiếu trong mối quan hệ như sự chú ý, tình dục, xúc tác vật lý, khoảng cách địa lý hoặc ngoại hình.
Ví dụ, khi có người yêu, nhiều người lại nhớ cảm giác bản thân họ quyến rũ, được tán tỉnh và có sự chú ý như hồi độc thân. Sẽ có giai đoạn trong mối quan hệ, ai đó không phải người yêu cho họ cảm giác bản thân đặc biệt khi được chăm sóc và đối xử tinh tế.
Giai đoạn “trăng mật” đã qua đi
Khi mối quan hệ đã qua thời kì "trăng mật", cảm xúc dành cho đối phương đi vào trạng thái ổn định hơn. Bởi vì lúc này những chất hóa học như oxytocin và dopamine (những loại hoocmon khiến ta cảm thấy hưng phấn), dần mất đi tác dụng.
Lúc này, sự xuất hiện của "crush" khiến chúng ta cảm thấy mình quyến rũ và sinh động trở lại, bởi vì nồng độ của các chất kể trên tăng một lần nữa.