Bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên có đáng lo không?
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khóc chính cách bé giao tiếp với những người xung quanh. Vậy nên, nhiều ông bố bà mẹ cho rằng bé đang ngủ tự nhiên khóc thét lên là dấu hiệu cho thấy con đang mắc phải một bệnh lý nào đó và cảm thấy lo lắng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về trẻ em, việc trẻ nhỏ thỉnh thoảng khóc trong khi ngủ thường không phải là nguyên nhân đáng báo động, cụ thể:
- 1 tháng tuổi: Ở độ tuổi này, hiện tượng khóc khi ngủ xảy ra khá phổ biến, thời gian chuyển đổi giữa các chu kỳ ngủ rất ngắn, thời gian ngủ rất dài và một số em bé dường như có sự nhầm lẫn giữa ngày hay đêm.
- 3 tháng tuổi: Bé vẫn đang thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Một số bé đã bắt đầu hình thành lịch trình ngủ đều đặn, nhưng rất khó để ngủ trọn đêm nên đôi khi bé sẽ khóc khi ngủ hoặc thức dậy khóc khi đói.
- 3 - 7 tháng tuổi: Một số bé bắt đầu có giấc ngủ dài hơn trước hoặc có thể ngủ xuyên đêm. Mỗi ngày, các bé sẽ có hai giấc ngủ chính là ngủ ngắn vào ban ngày và ngủ dài vào ban đêm. Trong các giấc ngủ ban đêm, thỉnh thoảng bé vẫn có thể khóc khi đang ngủ.
- 7 - 12 tháng tuổi: Hầu hết các bé sẽ ngủ suốt đêm khi được 9 tháng tuổi. Vào khoảng 1 tuổi, một số bé chỉ ngủ một giấc mỗi ngày.
- 1 tuổi trở lên: Trẻ mới biết đi cần ngủ 12-14 giờ mỗi ngày, được chia ra giữa giấc ngủ ngắn ban ngày và giấc ngủ ban đêm. Với bất kỳ tình trạng thiếu ngủ nào như thức dậy sớm vào buổi sáng, bỏ lỡ hoặc ngủ trưa ngắn, đi ngủ muộn đều có thể dẫn đến tình trạng quá mệt mỏi và bé có thể khóc, chảy nhiều nước mắt trong khi ngủ.
Mặc dù vậy, mẹ cũng cần theo dõi tình trạng khóc đêm của bé và đưa con đi khám khi xuất hiện các triệu chứng sau:
- Bé khóc không ngừng và tỏ ra đau đớn, vô cùng khó chịu khi khóc
- Thói quen ngủ của bé đột ngột thay đổi
- Tình trạng khó ngủ kéo dài nhiều đêm và cản trở khả năng hoạt động của bé
- Mẹ gặp khó khăn khi cho bé bú, khiến giấc ngủ bị cản trở như ngậm ti không đúng cách, không đủ sữa cho con bú hoặc lo ngại về độ nhạy của sữa công thức.