Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Đây là thời điểm các thí sinh đang cân nhắc việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển dựa. Trong đó ngành Kế toán, Marketing được nhiều chuyên gia giáo dục dự đoán điểm chuẩn vẫn giữ ở mức ổn định, có thể tăng nhẹ so với điểm chuẩn năm học 2023.
Điểm chuẩn được dự đoán có thể “chỉ tăng, không giảm”
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Vân Anh, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội cho biết, phổ điểm thi năm nay ở mức ổn định, không có biến động quá lớn so với năm 2023.
Năm 2024, nhà trường giữ ổn định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh như năm 2023. Cô Vân Anh dự đoán điểm trúng tuyển năm nay của ngành Kế toán tại Trường Đại học Hà Nội vẫn trong khoảng điểm của các năm trước, có thể chỉ tăng từ 0.5 đến 1 điểm.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Hà Nội dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu ngành Kế toán, bằng số chỉ tiêu của năm 2023. Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2024-2025 chiếm 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong 4 năm trở lại đây, điểm chuẩn đầu vào ngành Kế toán của Trường Đại học Hà Nội theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dao động trong khoảng 31,5 điểm đến 33,5 điểm (điểm tiếng Anh nhân hệ số 2). Năm 2023, điểm chuẩn ngành Kế toán là 33.52 điểm (điểm tiếng Anh nhân hệ số 2).
Như vậy, so với ngưỡng điểm sàn của Trường Đại học Hà Nội là 16 điểm (điểm tiếng Anh không nhân hệ số), điểm trúng tuyển dự kiến có thể cao hơn điểm sàn khoảng 8 điểm.
Cũng đồng tình với dự báo này, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương Mại cho rằng ngành Kế toán, Kiểm toán của nhà trường sẽ giữ nguyên điểm chuẩn so với năm 2023, có thể tăng nhưng không đáng kể. Theo thầy Trung, 2 ngành này có mức điểm chuẩn vốn đã cao và nhiều sự cạnh tranh, luôn là ngành “mũi nhọn” của nhà trường nên sẽ không xảy ra nhiều biến động.
“Qua quan sát vào phổ điểm năm nay hầu hết điểm các môn đều tăng nhẹ. Mức điểm chuẩn để đỗ vào Trường Đại học Thương Mại khá cao, dự kiến điểm mỗi môn của thí sinh phải đạt từ 8 điểm trở lên. Tuy nhiên, với môn Toán, số lượng thí sinh đạt mức điểm 8 trở lên không nhiều. Do vậy dự kiến điểm chuẩn của trường sẽ giữ ở mức ổn định, không tăng nhiều so với năm 2023", Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung nhận định.
Năm 2023, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngành Kế toán, Kiểm toán của Trường Đại học Thương mại dao động từ 25.08 đến 26.2 điểm với 4 tổ hợp A00, A01, D01, D07.
Trong khi đó, Thạc sĩ Trịnh Huỳnh Quang Cảnh, giảng viên khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing, Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá điểm chuẩn năm nay đối với ngành Marketing sẽ tăng từ 0.5 đến 1 điểm.
Thầy Cảnh cho biết: “Điểm chuẩn năm 2024 ngành Marketing tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2023. Năm 2023, điểm chuẩn ở mức là 27 điểm thì tới năm 2024, điểm chuẩn có thể dao động từ 27.3 tới dưới 28 điểm. Vì nội lực và nhu cầu ngành này tại Việt Nam còn rất nhiều và vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ thí sinh. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường được giữ ở mức ổn định như năm 2023 nên chắc chắn sẽ không hạ điểm chuẩn”.
Không nên bỏ qua cơ hội đặt nguyện vọng nào dù là nhỏ nhất
Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh đăng ký nguyện vọng, Tiến sĩ Đỗ Vân Anh nhấn mạnh, các bạn cần đặt nguyện vọng đầu tiên dựa trên ngành nghề mà bản thân yêu thích thay vì chọn trường đại học top đầu.
“Các thí sinh không nên bỏ qua bất kỳ cơ hội nào dù là nhỏ. Thay vì chỉ đăng ký 1 đến 2 nguyện vọng thì các bạn có thể đăng ký nhiều nguyện vọng hơn nữa để tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu thí sinh không đỗ ở 2 nguyện vọng đầu vẫn còn các nguyện vọng sau chống trượt.
Không nên dồn tất cả các nguyện vọng vào những trường ở top đầu mà nên đặt nguyện vọng ở cả các trường có điểm chuẩn thấp hơn. Chọn ngành quan trọng hơn chọn trường nên các bạn phải cố gắng tăng cơ hội để đỗ được ngành mình yêu thích”, cô Vân Anh chia sẻ.
Trong khi đó, Thạc sĩ Trịnh Huỳnh Quang Cảnh cho rằng: “Nếu thí sinh đã thi đỗ theo các phương thức xét tuyển sớm, hãy đặt nguyện vọng đó ở vị trí cuối cùng trong bộ nguyện vọng của mình. Khi thí sinh không đạt hết tất cả các nguyện vọng ở trên, các bạn vẫn được xét trúng tuyển tại nguyện vọng đã trúng tuyển của các phương thức xét tuyển sớm đó”.
Cũng theo thầy Cảnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký, do đó, thí sinh không nên đặt quá ít nguyện vọng nhưng cũng không nên đặt nguyện vọng tràn lan.
Thí sinh có thể nghiên cứu về điểm chuẩn các năm trước đây của ngành học dự định đăng ký xét tuyển so với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của mình để đối chiếu và đưa ra quyết định phù hợp.
Ngoài ra, Tiến sĩ Đỗ Vân Anh thông tin thêm, có một số thí sinh rất lo lắng và nhắn tin về các trang tuyển sinh của Trường Đại học Hà Nội thắc mắc về vấn đề tiêu chí phụ của khối ngành Kinh tế. Tiến sĩ Đỗ Vân Anh cho hay, Trường Đại học Hà Nội không có tiêu chí phụ, chỉ dựa vào điểm chuẩn để xét tuyển.
Tuy nhiên, trong trường hợp có nhiều thí sinh cùng có điểm xét tuyển bằng với điểm chuẩn nhưng do chỉ tiêu có giới hạn, không thể tuyển được tất cả thí sinh. Khi đó, hệ thống xét tuyển sẽ xét tới tiêu chí nguyện vọng của thí sinh và những thí sinh đăng ký thứ tự nguyện vọng cao hơn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.
Tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Trịnh Huỳnh Quang Cảnh cho biết, trong trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển ở cuối danh sách và vượt chỉ tiêu tuyển sinh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển theo thứ tự ưu tiên, lần lượt là kết quả bài thi Toán, kết quả bài thi tiếng Anh và thứ tự nguyện vọng.
Đánh giá về chất lượng thí sinh thi đầu vào ngành Kế toán năm nay, Tiến sĩ Đỗ Vân Anh khẳng định, một trong những sự hiểu nhầm về ngành Kế toán là “học giỏi toán mới làm được kế toán”.
“Nếu bạn học xuất sắc môn Toán thì đấy là một lợi thế vì kết quả đó cũng thể hiện được khả năng tư duy phân tích, logic cũng như hiểu biết về các phương pháp tính toán.
Trên thực tế, ngành Kế toán, Kiểm toán đòi hỏi nhiều tố chất khác như sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm, tính linh hoạt trong xử lý tình huống, đạo đức trong công việc và kỹ năng giao tiếp, trình bày thông tin.
Do đó, chất lượng đầu vào của ngành Kế toán, Kiểm toán không phụ thuộc vào kết quả của chỉ riêng môn Toán mà sẽ cần sự kết hợp với các phẩm chất khác để thí sinh có thể đạt kết quả học tập tốt khi lựa chọn học ngành này”, cô Vân Anh chia sẻ.