Công ty TNHH Thu phí tự động VETC vừa thông báo về việc thu phí dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC). Theo đó, từ ngày 6.8 trở đi, khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ (dán lại). Việc thu phí sẽ được trừ qua tài khoản giao thông của khách hàng (không thu tiền mặt).
Trước đó, đơn vị cung cấp dịch vụ dán thẻ ETC khác là Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cũng đã tính phí dán thẻ 120.000 đồng/lần từ ngày 25.7.
Sau động thái này, trên các diễn đàn mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tranh luận xung quanh mức giá 120.000 đồng/lần dán thẻ.
Cụ thể, cả hai loại thẻ của hai nhà cung cấp trên đều sử dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - nhận dạng tần số sóng vô tuyến). Công nghệ này có ưu điểm cho độ nhận diện chính xác cao, chi phí sử dụng thấp và dễ dàng triển khai lắp đặt.
Anh Q.B.N (quản trị viên diễn đàn OFFB) cho biết công nghệ RFID được chọn sử dụng do có chi phí sử dụng thấp, thiết bị đầu cuối không cần cấp nguồn điện, giá thành tham khảo từ các nhà cung cấp nước ngoài có giá thành chỉ từ 1.000 đến 2.500 hoặc 7.000 đồng/tem, chưa tính đến số lượng hàng triệu tem thì còn rẻ nữa.
"Thế nhưng 2 công ty cung cấp dịch vụ lại đang đưa ra con số 120.000 (đồng) cho một lần dán tem. Rất mong các nhà quản lý xem xét để cánh lái xe chúng tôi được sử dụng đúng giá, không cần trợ giá. Mặt khác sản phẩm có giá rẻ, đúng tiêu chí của Bộ thì sẽ thu hút người dùng nhiều hơn, càng làm cho một chính sách đúng đắn của nhà nước mau chóng thành công trong thực tế" - anh Q.B.N chia sẻ.
Tài xế V.T chia sẻ lên diễn đàn cũng cho biết: "Theo tôi tìm kiếm qua giá một tem công nghệ RFID cao nhất cũng chỉ có giá 7.000 đồng/tem (có thể rẻ hơn với đơn hàng số lượng cực lớn). Ấy vậy mà bắt dán với giá 120.000 đồng/thẻ".
Trong khi đó, trả lời báo chí về mức giá dán thẻ, theo lý giải của doanh nghiệp thu phí không dừng (ETC), mức thu 120.000 đồng mỗi thẻ dán nhưng các chi phí phải bỏ ra đã chiếm gần hết mức này.
Phía VDTC cho biết, mức giá này là hợp lý, phù hợp theo bảng tham chiếu căn cứ trên hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) giữa nhà cung cấp dịch vụ và Tổng cục Đường bộ. Bên cạnh đó, giá thành này cũng để chi trả cho nhiều khoản như chi phí mua, nhập khẩu thẻ, phí để chi cho các kênh bán lẻ, nhân sự dán thẻ,...
Còn phía VETC nói số tiền thu được sẽ còn phải chi trả cho nhiều bên liên quan, đồng thời, chọn lọc được khách hàng có nhu cầu thực sự, có trách nhiệm trong việc sử dụng và bảo vệ thẻ, tránh gây lãng phí.
Trước đó, ngày 15.8, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, VEC và các nhà đầu tư BOT, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu chủ động rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thu phí không dừng, nhất là lỗi không nhận diện thẻ định danh của phương tiện; tăng cường nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm thường trực đường dây nóng để xử lý các sự cố phát sinh, kịp thời hỗ trợ chủ phương tiện có nhu cầu kích hoạt hoặc chuyển đổi tài khoản thu phí giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Từ ngày 1.8.2022, tất cả 10 tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí tự động hoàn toàn. Các phương tiện không đủ điều kiện thu phí ETC như không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản giao thông không được đi vào cao tốc.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/phi-dan-the-vetc-a37085.html