Ngày của Mẹ có nguồn gốc vào thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, thường được tổ chức vào mùa xuân. Vào thời điểm bấy giờ, người Hy Lạp thường tổ chức long trọng sự kiện này để tri ân những người mẹ, đặc biệt là thần Rhea - người mẹ của nhiều vị thần trong thần thoại Hy Lạp cổ đại.
Tuy nhiên, giả thiết khác cho rằng Ngày của Mẹ bắt nguồn từ nước Anh. Sự kiện này được tổ chức thường niên trước Lễ Phục sinh khoảng 40 ngày nhằm tri ân những người mẹ. Vào ngày này, các em nhỏ thường tặng hoa và bánh trái cho mẹ của mình. Thế nhưng, phong tục này dần rơi vào quên lãng ở thế kỷ 19.
Sau đó, Ngày của Mẹ - Mother‘s Day chính thức được ra đời gắn liền tên tuổi của hai phụ nữ Mỹ là bà Ann Maria Reeves Jarvis và con gái Anna Marie Jarvis.
Năm 1911, Ngày của Mẹ được tổ chức ở hầu hết các tiểu bang của liên bang Hoa Kỳ. Vào ngày 8/5/1914, Tổng thống Woodrow Wilson ký một nghị quyết ấn định ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 làm Ngày của Mẹ. Hiện nay, Ngày của Mẹ đang lan rộng ra toàn thế giới.
Ý nghĩa Ngày của Mẹ nhằm nhắc nhở những người con nhớ đến công sinh thành dưỡng dục của mẹ. Trên đời này, không có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử. Tình cảm và sự hy sinh của mẹ dành cho con luôn là điều không có gì có thể thay thế, con cái phải lấy đó để nhắc nhở mình về lòng hiếu thảo.
Ngày của Mẹ ra đời để con cái thể hiện sự biết ơn, lòng hiếu thảo đối với ơn nghĩa sinh thành của bậc làm cha mẹ.
Ở Việt Nam, bên cạnh ngày 8/3, ngày 20/10 hoặc lễ Vu Lan báo hiếu, Ngày của Mẹ cũng được nhiều người hưởng ứng.
Vào Ngày của Mẹ, con cái sẽ tặng quà, gửi tới mẹ lời chúc ngọt ngào để thể hiện tình yêu và sự kính trọng dành cho mẹ của mình.
Vịnh Nhi (tổng hợp)
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/mothers-day-2023-a37405.html