Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và luôn mang đậm nét văn hóa truyền thống của từng vùng miền. Từ hình dáng, hương vị cho tới cách chế biến, cách thưởng thức, mỗi món bánh là một câu chuyện thú vị của vùng đất sản sinh ra chúng. Hãy cùng Vua Nệm điểm qua Top 22 bánh truyền thống Việt Nam đặc trưng nhất nhé.
Bánh chưng - bánh tét chính là nét ẩm thực thể hiện rõ nền văn minh lúa nước của người Việt Nam. Về bản chất, bánh chưng hay bánh tét ‘’tuy 2 mà 1’’ bởi có nguyên liệu và cách nấu cầu kỳ giống nhau, chỉ khác ở hình dạng.
Người miền Bắc hay gói bánh chưng hình vuông, còn người miền Nam hay gói bánh tét hình trụ. Bánh được gói từ gạo nếp mềm dẻo, đậu xanh nhuyễn và nhân thịt mỡ ướp muối tiêu. Khi bánh chín sẽ tỏa ra hương thơm ngào ngạt của lá dong, lá chuối gói bên ngoài. Với người Việt Nam, thấy bánh chưng, bánh tét cũng chính là thấy Tết Nguyên Đán đang về.
Cùng với bánh chưng, bánh dày đã trở thành một biểu tượng trong nền ẩm thực truyền thống Việt Nam. Bánh được làm bằng cách đồ chín gạo nếp và giã thật nhuyễn mịn, nặn thành hình tròn.
Bánh dày có nhiều biến thể như bánh dày chay, bánh dày nhân đậu xanh mặn / ngọt, bánh dày kẹp giò chả. Trong đó bánh dày kẹp giò chả nay đã trở thành món ăn sáng quen thuộc của người Việt.
Bánh bèo là loại bánh truyền thống của Việt Nam được nhiều người yêu thích. Mỗi vùng miền thì bánh bèo lại có nét đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, loại bánh này có đặc điểm chung là: được hấp từ bột gạo, nhân bánh có thịt lợn hoặc tôm xay nhuyễn, ăn kèm với nước mắm chấm.
Nước chấm chính là linh hồn của món ăn này, chén nước chấm được pha vừa miệng sẽ khiến món bánh bèo tăng thêm vị ngon gấp nhiều lần.
Bánh bột lọc là món bánh hay được bán cùng với bánh bèo. Tùy theo vùng miền mà nhân bánh bột lọc lại có sự khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất là bánh có lớp vỏ được làm từ bột năng, nhân tôm thịt hoặc nhân đậu xanh, bọc bằng lá chuối và đem hấp. Khi ăn, bánh có vị dai mềm, vỏ bánh trong suốt nhìn thấy phần nhân bên trong, chấm cùng nước chấm chua cay mặn ngọt.
Bánh gai là loại bánh đặc trưng chỉ tìm thấy ở vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Bánh gai có hình dáng lạ mắt với màu vỏ bánh đen tuyền, được gói hình vuông, bên trong là nhân đậu xanh dừa sợi ngọt bùi. Bánh gai được yêu thích bởi hương vị ngọt nhẹ mà không gắt, khiến cho những ai lần đầu thưởng thức cũng khó mà quên được.
Bánh ú là loại bánh dân gian được người dân Nam Bộ dùng nhiều vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Nguyên liệu để làm bánh này khá cầu kì: gạo nếp, đậu xanh, đậu phộng, lạp xưởng, nấm, trứng vịt muối, tôm khô, thịt mỡ … Bánh được gói trong vỏ lá chuối hoặc vỏ lá dong và đem hấp chín.
Bánh ít có hình tam giác thuôn dài, vỏ bánh được làm từ bột nếp giã nhuyễn. Nhân bánh có thể là nhân đậu xanh, nhân dừa hoặc nhân tôm thịt. Sau khi gói, bánh được hấp cách thủy đến khi chín là có thể thưởng thức.
Bánh giò là một món ăn sáng và lót dạ buổi chiều vô cùng phổ biến. Vỏ bánh được làm bằng cách trộn hai loại bột: bột năng và bột gạo tẻ, hòa với nước xương hầm, gói trong lá chuối thật dày. Nhân bánh được làm từ thịt xay, mộc nhĩ, hành, tiêu, mắm, muối. Do tỷ lệ bột có trong vỏ bánh thấp nên khi ăn bạn sẽ thấy bánh có độ mềm mượt vô cùng.
Có thể nói rằng bánh xèo thuộc top 22 bánh truyền thống Việt Nam được yêu thích bậc nhất. Bánh có lớp vỏ được chiên vàng giòn trên lửa lớn, nhân bánh truyền thống thường là tôm, thịt băm, hành và giá. Một số loại bánh xèo được biến tấu với phần nhân là thịt bò, mực … cũng làm cho món bánh này đa dạng hơn. Bánh được ăn khi nóng hỏi, cuốn với bánh tráng kèm rau sống và nước chấm chua ngọt.
Bánh tẻ là món bánh rất dân dã của vùng quê Bắc Bộ. Bánh cũng được chế biến đơn giản từ bột gạo, nhân bánh có chút đậu xanh, thịt heo bằm với mộc nhĩ. Bánh được gói hình chữ nhật nhỏ trong lá chuối và hấp chín.
Bánh đúc cũng là món ăn vô cùng giản dị của miền Bắc. Bánh được làm từ bột gạo, thêm chút lạc, hấp thành nắm to. Khi ăn bánh được cắt nhỏ, chấm với tương bần. Tuy cách làm và cách ăn rất đơn giản nhưng hương vị bánh vẫn rất đậm đà, mang phong vị của miền quê Bắc Bộ.
Có một số loại bánh đúc sau này được biến tấu thêm, đó là bánh đúc nộm và bánh đúc nóng. Hai loại này được chan với nước dùng khi thưởng thức.
Bánh cuốn chắc chắn không thể nào vắng mặt trong danh sách Top 22 bánh truyền thống Việt Nam. Đây là một món ăn vô cùng phổ biến với người Việt. Bánh cuốn có thể dùng ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn tối. Bánh được tráng bằng bột gạo siêu mỏng, cuốn khéo léo với nhân thịt bằm mộc nhĩ, phủ thêm hành khô, dùng kèm nước mắm mặn ngọt.
Tùy từng vùng mà bánh cuốn có nhiều loại khác nhau như bánh cuốn nhân thịt, bánh cuốn ăn kèm chả, bánh cuốn trứng … vô cùng đa dạng.
Bánh hỏi là món ăn hấp dẫn thu hút thực khách cả trong và ngoài nước. Món bánh được làm từ bột gạo với công đoạn chế biến tỉ mỉ. Những phiên bản bánh hỏi nổi tiếng được nhiều người yêu thích có thể kể đến: bánh hỏi heo quay, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng…
Bánh căn có vỏ bánh và cách chế biến khá tương đồng với bánh xèo nhưng kích thước nhỏ hơn. Vỏ bánh mỏng, giòn, phần nhân bánh rất đa dạng, tùy theo sở thích của thực khách mà người chế biến sẽ bỏ các loại nhân như: tôm, trứng, mực, thịt … Bánh căn được ăn cùng nước chấm và rau sống, hương vị rất hòa quyện và hấp dẫn.
Bánh bò là loại bánh ngọt được làm từ bột gạo truyền thống của Việt Nam. Bánh có vị ngọt nhẹ, thơm thơm mùi nước cốt dừa. Khi ăn bánh có cảm giác dẻo, xốp, miếng bánh có nhiều bọt khí nhỏ bên trong. Bánh bò là món ăn vặt quen thuộc với người dân miền Tây Nam Bộ.
Bánh trôi nước là món chè tráng miệng truyền thống của người Việt rất được ưa thích. Bánh được nặn từ bột nếp xay nhuyễn thành những viên tròn, bên trong là đậu xanh ngọt làm nhân. Để tạo mùi thơm khi ăn, bánh trôi nước sẽ được bỏ thêm gừng tươi xắt mỏng cùng một chút mè trắng.
Bánh da lợn có màu vàng xanh xen kẽ rất đẹp mắt. Miếng bánh có sự dẻo dai, mềm mại, vị ngọt thanh. Nguyên liệu chính của bánh da lợn là bột mì và đậu xanh. Món bánh này phổ biến ở miền Nam và miền Tây, được dùng như một tráng miệng.
Bánh in là đặc sản của thành phố Huế - là loại bánh ngọt truyền thống thường được dùng để dâng/cúng trong các ngày lễ, tết. .. Nguyên liệu của bánh gồm bột nếp, bột năng, đậu xanh, đường kính trắng … Bánh được đúc và cho vào khuôn ép chặt, khuôn bánh được khắc rất nhiều hình, phổ biến nhất là khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ. Thành phẩm cuối cùng được gói trong những tờ giấy bóng kính ngũ sắc thật đẹp để bày lên bàn thờ.
Bánh cam là tên gọi quen thuộc của người miền Nam, miền Bắc còn hay gọi là bánh rán. Bánh có hình tròn, vỏ làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh ngọt.
Bánh sau khi được nặn sẽ đem đi chiên trong chảo dầu cho đến khi vàng giòn. Bánh được phủ bên ngoài là đường, vừng trắng hoặc mật. Cho đến nay, bánh cam hay bánh rán vẫn là món quà vặt được nhiều người yêu thích.
Bánh khúc hay xôi khúc là món ăn sáng quen thuộc và phổ biến của người Việt. Bánh được làm từ rau khúc, bọc nhân đậu xanh và thịt lợn, bên ngoài được phủ bằng lớp áo xôi nếp. Bánh thơm mùi xôi nếp mới, phần nhân béo bùi, mặn mặn, ăn rất ngon.
Bánh phu thê thường được dùng làm lễ vật trong các dịp cưới hỏi và là quà ra mắt của 2 họ dành cho các quan khách. Bánh phu thê là bánh ngọt được làm từ bột gạo, nhân đậu xanh, dừa tươi. Tuy phần nhân bánh đơn giản nhưng cách gói lại cầu kỳ, đẹp mắt để trưng bày trong đám cưới.
Bánh tai heo là món bánh ăn vặt hấp dẫn cả trẻ em và người lớn, Bánh có màu nâu - vàng hoặc xanh - vàng, hình xoắn ốc xinh xắn. Vị giòn rụm, ngọt béo của bánh tai heo rất hợp để nhâm nhi cùng với nước trà nóng.
Trên đây là top 22 bánh truyền thống Việt Nam được gìn giữ và lưu truyền từ xa xưa cho tới hiện tại. Bạn đã thử hết những món bánh này chưa? Nếu chưa hãy dành thời gian để khám phá nền ẩm thực thú vị này nhé.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/cac-loai-banh-ngot-truyen-thong-viet-nam-a38183.html