Vào giữa tháng 4, các quốc gia theo đạo Phật ở khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan lại nô nức đón năm mới với những màn Té nước vui tươi và độc đáo. Tết Té Nước mang ý nghĩa sẽ cuốn trôi những mệt mỏi, ưu phiền, xấu xa trong năm cũ, mang lại sự sống sinh sôi, đâm chồi nảy lộc, ấm no hạnh phúc cho vạn vật trong năm mới. Người dân té nước vào nhà sư để tỏ lòng tôn kính. Người nhỏ té nước vào người lớn để chúc sống lâu, an khang thịnh vượng. Bạn bè té nước cho nhau để gửi những lời chúc tốt lành. Và ai té càng nhiều nước thì sẽ được càng nhiều may mắn.
Tuy diễn ra cùng một khoảng thời gian, mang cùng một ý nghĩa nhưng Lễ hội Té Nước ở mỗi quốc gia lại có tên gọi và những tập tục rất riêng mang đậm văn hóa mỗi vùng. Dù ở quốc gia nào thì Lễ hội Té nước bao giờ cũng vui tươi, thu hút rất đông du khách quốc tế hào hứng tham gia.
Độc đáo Tết Bunpimay Lào
Lễ hội Té Nước ở Lào có tên là Bunpimay, thường diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 15/4 theo Phật lịch. Vào dịp này, người dân Lào tập trung đến chùa lễ Phật, tắm Phật bằng nước thơm, nghe sư giảng đạo, rồi té nước cho các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Ngoài ra, người Lào còn té nước vào nhà cửa, dụng cụ lao động và súc vật để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc một năm mới tốt đẹp và mạnh khỏe.
Ngoài nghi lễ té nước, người Lào có một tục lệ khá độc đáo đó là buộc chỉ cổ tay. Họ buộc những sợi chỉ màu như gửi lời chúc hạnh phúc và sức khỏe đến người được buộc. Tục lệ này tuy đơn giản như nó phản ánh sâu sắc tính cách hiền hòa của người dân Lào. Họ không bao giờ cầu cho mình mà chỉ cầu cho người khác, bởi theo họ khi làm điều gì tốt lành cho người khác, thì điều tốt lành ấy cũng sẽ đến với mình.
Dịp Bunpimay, người Lào còn rủ nhau đắp núi cát ở sân chùa, trang trí đèn hoa, cờ đuôi nheo, cờ phướn 12 con giáp và chỉ ngũ sắc dâng lên các nhà sư để tỏ lòng thành kính, cầu nguyện sang năm mới sẽ được phước lành nhiều như những hạt cát trên núi.
Hoa Chămpa và hoa Muồng vàng là hai loài hoa không thể thiếu trong dịp tết của người Lào. Người dân thường kết hoa Chăm pa thành vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc và treo hoa Muồng vàng trong nhà hoặc trên xe trong dịp năm mới để cầu may mắn.
Và món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Bunpimay của người Lào là Lạp, một món ăn làm từ thịt heo, gà hoặc bò và đặc biệt là không thể thiếu thính gạo nếp. Trong tiếng Lào, “Lạp” có nghĩa là “Lộc”, người Lào dùng món Lạp với hi vọng sẽ phát tài, phát lộc, gặp nhiều may mắn cả năm.
Đám rước Nữ chúa xuân Xẳng Khản, một trong bảy người con gái của Thần bốn mặt - vị thần đem những điều tốt lành cho người dân Lào là sự kiện luôn được người dân hào hứng tham gia.
Thiêng liêng ngày Tết Chol Chnam Thmay Campuchia
Lễ hội Té Nước Chol Chnam Thmay của người Campuchia cũng diễn ra cùng một thời điểm với Lào, từ ngày 13-15 tháng 4 hàng năm. Lễ hội Té Nước là dịp để người dân Campuchia hướng về Đức Phật và mừng năm mới. Trong những ngày này, khắp nơi đều trang trí đèn hoa rực rỡ, nhất là những ngôi chùa, những con đường dẫn đến Hoàng Cung.
Ngày đầu năm, người dân Campuchia mặc đồ đẹp, lên chùa lễ phật và làm lễ dâng cơm cho các nhà sư trong chùa để thể hiện sự tôn kính và cầu bình an cho cả gia đình. Các phật tử còn làm lễ té nước lên tượng Phật và các vị sư sãi cao niên trong chùa bằng nước thơm để tỏ lòng tôn kính. Sau đó, mọi người từ người già đến trẻ nhỏ vui vẻ té nước vào nhau thay cho lời chúc tốt lành dịp đầu năm. Người Campuchia cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian, ca hát và cùng nhau múa vũ điệu Apsara truyền thống ở các phum sóc.
Giống như người Lào, Campuchia cũng có tục lệ đắp núi cát. Họ đắp cát thành 8 hoặc 4 ngọn núi nhỏ ở các hướng và 1 ngọn núi lớn ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ để cầu mưa thuận gió hòa, cầu hạnh phúc cho mọi người. Ở một số vùng, người dân Campuchia còn thay thế cát bằng gạo, bánh hoặc trái cây.
Sôi động lễ hội té nước Songkran Thái Lan
Cũng với những nghi lễ thể hiện lòng tôn kính Đức Phật, mang đậm truyền thống văn hóa nhưng Lễ hội Té nước Songkran mừng năm mới của Thái Lan lại cực kỳ vui nhộn với những cuộc thi, những sự kiện thú vị diễn ra liên tiếp 3 ngày liền, thu hút hàng triệu du khách tham quan.
Mở đầu năm mới, người Thái đến các ngôi chùa, té nước thơm lên tượng Phật và dâng lời cầu an cho gia đình. Cũng như người Lào và Campuchia, trong dịp này, người dân Thái Lan cũng kéo nhau ra bờ sông hoặc sân chùa, thi nhau dựng những ngôi chùa bằng cát. Tập tục này của người Thái mang triết lý Phật giáo sâu sắc, một hạt cát tượng trưng cho một lời cầu nguyện xóa đi bao tội lỗi, cứu rỗi một linh hồn.
Nếu như ở Campuchia, việc dùng súng nước được xem là không hợp với truyền thống đạo đức thì ở Thái Lan người dân có thể thỏa sức dùng súng nước, thậm chí là ném bóng nước vào nhau để góp vui cho ngày hội. Lễ hội Té nước ở Thái Lan bao giờ cũng có sự tham gia của nhiều du khách. Những người không cùng tôn giáo, màu da, sắc tộc cũng hồ hởi té nước cho nhau, thắt chặt thêm tình thân ái, hữu nghị.
Bên cạnh lễ hội Té nước sôi động, Thái Lan còn tổ chức cuộc thi sắc đẹp Miss Songkran. Những năm gần đây những người đẹp chuyển giới cũng được phép tham gia và cuộc thi này.
Tuy diễn ra cùng một khoảng thời gian, mang cùng một ý nghĩa nhưng Lễ hội Té Nước của Lào, Campuchia và Thái Lan lại có những nét đặc sắc rất riêng. Phải một lần tự mình đến nơi đây, khám phá và trải nghiệm ngày hội Té Nước, du khách mới cảm nhận hết được sự vui tươi nhưng không kém phần ý nghĩa và thiêng liêng của tập tục mừng năm mới độc đáo này ở các nước bạn.
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG DU LỊCH VIỆT - VIET MEDIA TRAVEL Top 10 công ty du lịch hàng đầu Việt Nam VP chính: 175 Nguyễn Thái Bình, P.Nguyễn Thái Bình, Quận 1 TPHCM Điện thoại: (08)3914 6688 - Fax: (08)3915 2235 VP Hà Nội: 21 Văn Miếu, P.Văn Miếu, Q.Đống Đa, Hà Nội Điện thoại: (04)3512 3388 - Fax: (04)3512 2769 Hotline Du lịch trong nước: 0909 189 888 Hotline Du lịch Châu Á: 0938.30.4488 - 0909 502 588 Hotline Du lịch Âu Úc Mỹ: 0938.34.6588 - 0934.14.6588 Website: www.dulichviet.com.vn - Email: info@dulichviet.com.vn
Đăng ngày: 24/03/2016
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/le-hoi-te-nuoc-campuchia-a64405.html