Mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản

Khi ông lớn “ngã ngựa” vì bê bối tình dục

Ngày 2/10, công ty giải trí lớn nhất Nhật Bản Johnny & Associates đã tuyên bố giải thể, thành lập công ty mới Smile-up kể từ ngày 17/10.

Đây được xem là cái giá thích đáng sau khi Johnny Kitagawa - người sáng lập công ty bị phanh phui bê bối lạm dụng hàng trăm ca sĩ nhạc pop tuổi teen trong nhiều thập kỷ, trước khi ông qua đời vào năm 2010. Đáng nói, bộ máy quản lý của công ty đã biết đến sự vụ, nhưng cố ý giấu nhẹm, vô tình tiếp tay cho tội ác của “bố già” showbiz xứ Phù Tang.

Mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản -0
Diễn viên kiêm đạo diễn Hideo Sakaki (phải) và diễn viên Houka Kinoshita đều vướng phải bê bối tình dục.

Vụ bê bối bắt đầu nổ ra vào tháng 4/2022. Thời điểm đó, Kauan Okamoto - cựu thành viên nhóm Johnnys Jr, lên tiếng tố cáo bị Kitagawa tấn công tình dục từ 15 đến 20 lần trong thời gian ký hợp đồng với công ty từ năm 2012-2016. Okamoto cho biết, Kitagawa đã lợi dụng quyền lực trong ngành công nghiệp Jpop, đặc biệt ở công ty riêng Johnny & Associates để tấn công ít nhất 3 người khác mà Okamoto biết.

Okamoto cũng tuyên bố rằng, nhiều đàn em khẳng định phải "phục vụ" chu đáo "ông trùm" thì mới có thể thành công trong làng giải trí.

Vụ việc được đẩy lên đỉnh điểm khi đầu tháng 8/2023, một nhóm làm việc của Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền kêu gọi chính phủ Nhật Bản hành động. Theo cáo buộc, ông Kitagawa đã yêu cầu các ca sĩ và vũ công non nớt kinh nghiệm, nhiều người trong số họ là trẻ em, đến ở tại ngôi nhà sang trọng của mình. Khi ông ta yêu cầu một người trong số họ đi ngủ sớm, mọi người đều hiểu rằng điều đó nghĩa là “đến lượt bạn”, các nhân chứng chia sẻ.

Các cậu bé bị Kitagawa cưỡng hiếp khi mới 14-15 tuổi, sau đó được ông ta cho 10.000 yên (1,6 triệu đồng). Họ nói thêm rằng các nạn nhân sợ bị phạt nếu từ chối. Nhóm này khuyến nghị những ai là nạn nhân thì nên trình báo và hứa rằng quyền riêng tư của họ sẽ được bảo vệ. Báo cáo cho biết, những người đã lên tiếng nói rằng, họ từng bị tổn thương nặng nề và không thể nói với bất kỳ ai, kể cả gia đình. Đến giờ, họ vẫn phải chịu đựng những ký ức nhơ bẩn ấy.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng Nhật Bản đã mở cuộc điều tra tra kéo dài 3 tháng, bao gồm việc trò chuyện với 23 nạn nhân. Hôm 29/8, nhóm điều tra kết luận ông Johnny Kitagawa đã tấn công và lạm dụng tình dục các bé trai từ những năm 1950. Hiện, con số đã là 478 nạn nhân bị lạm dụng tình dục (tính đến ngày 30/9).

Theo NHK, đây là vụ bê bối lớn bậc nhất trong lịch sử ngành giải trí Nhật Bản. Sau khi xảy ra bê bối, nhiều công ty đã xem xét lại việc hợp tác với Johnny & Associates. Các nghệ sĩ của công ty cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ không chỉ mất quảng cáo, phim hoãn chiếu mà còn không được mời tham gia sự kiện, chương trình giải trí.

Ngay cả sau khi Johnny & Associates thành lập công ty mới và cho biết vẫn sẽ tham gia vào công việc bồi thường cho các nạn nhân, các nhãn hàng vẫn chưa có động thái hợp tác trở lại. Đơn cử, công ty McDonald's Nhật Bản cho biết sẽ không gia hạn hợp đồng quảng cáo có sự góp mặt của Takuya Kimura và các thần tượng khác do Johnnys quản lý. Tương tự, gọi việc lạm dụng là một “vấn đề nhân quyền nghiêm trọng”, người phát ngôn của gã khổng lồ bia Kirin Holdings tuyên bố sẽ không tiếp tục hợp đồng với công ty quản lý tài năng này. Hãng ôtô Nissan cũng sẽ hạn chế các mẫu quảng cáo sử dụng hình ảnh của các nghệ sĩ Johnnys cho đến khi có thông báo mới với lý do hành vi của người sáng lập Johnny Kitagawa “trái ngược” với các nguyên tắc tôn trọng nhân quyền của Nissan. Ông lớn trong lĩnh vực sản xuất đồ uống Suntory cũng tuyên bố rằng sẽ không có mối quan hệ quảng cáo mới nào với Johnnys cho đến khi “đủ yên tâm rằng các biện pháp giúp đỡ những nạn nhân và ngăn chặn sự tái diễn được thực hiện hợp lệ”.

Mánh khóe sau những bản hợp đồng độc quyền

Nhật Bản không chỉ được mệnh danh là “con rồng châu Á” trong lĩnh vực kinh tế mà còn là đất nước đi đầu trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Liên đoàn kinh tế Nhật Bản Keidanren thậm chí còn đề xuất với chính phủ nước này về mục tiêu năm 2033 đưa doanh thu của ngành giải trí tăng trưởng khoảng 15.000-20.000 tỷ yen (khoảng 115-154 tỷ USD) gấp 4 lần so với hiện nay.

Mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản -0
Johnny & Associates đào tạo ra những nhóm nhạc hàng đầu Nhật Bản như SMAP.

Tuy nhiên, phía sau sự hào nhoáng và phát triển mạnh mẽ ấy là những góc khuất kinh hoàng. Trước bê bối của Johnny & Associates, ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản đầy rẫy nạn tấn công tình dục. Một cuộc khảo sát vào năm 2018 do Viện Lao động Nhật Bản thực hiện cho kết quả 60% nghệ sĩ được hỏi thừa nhận từng bị tấn công tình dục, 90% số người xác nhận bị bóc lột. Nhưng rất ít phần trăm trong số đó dám thừa nhận và công bố.

Theo Japan Times, ở Nhật Bản, các nhóm nhạc thần tượng có tới hàng trăm người mỗi nhóm. Diễn viên đào tạo hàng năm cũng lên tới hàng nghìn người. Họ phải chịu cảnh bị bóc lột và lợi dụng bởi các công ty quản lý bằng những bản cam kết được gọi là hợp đồng độc quyền dài hạn.

Tuy nhiên, trong các hợp đồng ràng buộc, nghệ sĩ luôn nằm chiếu dưới. Họ đối diện vô số điều khoản bất lợi nhưng không có nhiều hứa hẹn tương lai tươi sáng. “Đó là cách để các nghệ sĩ sau đó phải nghe theo lời công ty nếu muốn phát triển. Họ bị bóc lột, tiền ít, làm nhiều và đôi khi trở thành công cụ tình dục”, Shohei Sakakura - Tổng biên tập tờ Posse tiết lộ.

Một công ty giải trí tại Nhật Bản đồng quan điểm cho rằng: “Đa phần đều bước chân vào nghề khi còn rất trẻ. Vì họ đều khao khát được trở thành ngôi sao nổi tiếng nên mới vô tư ký vào giấy “bán thân” mà không hề hay biết”. Chẳng vậy mà một nữ nghệ sĩ Nhật Bản giấu tên từng khóc nức nở khi chia sẻ trên On của Trung Quốc: “Tôi đã khóc khi tỉnh dậy với những cơn đau khắp người. Tôi bị chuốc rượu, ép lên giường và chẳng thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mình”, cô nói.

Chính nữ diễn viên Kiko Mizuhara, người từng góp mặt trong phim “Rừng Na Uy” cũng đầy ám ảnh khi kể về việc mình bị quấy rối: “Tôi bị quấy rối từ những ngày bước chân vào giới giải trí. Nhiều đạo diễn xúc phạm tôi bằng từ ngữ thô thiển. Với họ đó là trò đùa nhưng điều đó khiến tôi bị ám ảnh”. Liên tiếp trong nhiều năm qua, loạt vụ xâm hại tình dục với nữ nghệ sĩ đã được phanh phui tại Nhật Bản. Các đạo diễn, diễn viên tên tuổi của làng giải trí Nhật Bản như Hideo Sakaki, Sion Sono, Houka Kinoshita... bị hàng chục diễn viên giấu tên tố cáo tấn công tình dục, yêu cầu sao nữ đổi tình lấy vai diễn. Điển hình như năm 2022, đạo diễn Hideo Sakaki bị hàng loạt phụ nữ tố cáo dùng quyền lực để thực hiện hành vi bạo lực tình dục. Ông còn thường xuyên gửi ảnh bộ phận sinh dục cho các diễn viên nữ với mục đích gạ tình hoặc gợi ý dùng tình dục đổi lấy vai diễn. Vụ việc khiến hai bộ phim mới của ông là “Mitsugetsu” và “Hazard Lamp” hủy kế hoạch phát hành.

Khi scandal của Hideo Sakaki chưa hạ nhiệt, tài tử Houka Kinoshita bị hai diễn viên nữ giấu tên tố cáo tội cưỡng dâm. Họ cung cấp cho trang Bunshun các bằng chứng Houka Kinoshita lấy lý do hướng dẫn diễn viên mới vào nghề đóng phim, đề nghị họ tới nhà riêng của tài tử, sau đó tấn công tình dục. Vì bê bối, Houka Kinoshita bị công ty quản lý đuổi việc và buộc phải tuyên bố giải nghệ chỉ ít ngày sau bê bối nổ ra.

Khi tội ác được tiếp tay, dung túng

Trên NHK Japan, nhà sản xuất Shigeaki Nojim ví nạn quấy rối tình dục trong showbiz như chiếc hộp Pandora, nếu cứ cố mở bóng đen tội ác sẽ nuốt chửng ngành giải trí Nhật Bản. Theo Shigeaki Nojima, ngoài dùng quyền lực, tiền bạc hay vai diễn để ép buộc nạn nhân thỏa hiệp, hành vi săn mồi tình dục của đàn ông trong showbiz diễn ra trót lọt đều có sự giúp sức từ những tay chân xung quanh như các nhà sản xuất dưới quyền, trợ lý, thư ký. Họ cố tình phớt lờ hoặc thậm chí còn cố tình tiếp tay cho tội ác.

Mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản -0
Nữ diễn viên Kiko Mizuhara (vai Midori) và Ken’ichi Matsuyama (Toru) trong phim “Rừng Na Uy”.

Có thể kể đến bê bối của đạo diễn kiêm nhà thơ Sion Sono. Trên trang Prime, nữ diễn viên giấu tên kể bị trợ lý Sion Sono lừa vào tròng sau khi từ chối đạo diễn. “Tôi nghĩ mình được trợ lý của Sion Sono giải nguy, và đưa đến nơi an toàn. Nhưng cuối cùng, người đó đưa tôi tới khách sạn và để tôi một mình đối mặt với ác thú”, nữ nghệ sĩ nói. Cô cho biết đội ngũ nhân viên của Sion Sono còn đe dọa vòi tiền khi diễn viên tới thử vai, dụ dỗ các cô gái lên giường với sếp. Họ còn không ngại tuyên bố: “Chấp nhận lên giường với Sion Sono có ngay một vai diễn”. Không ít nghệ sĩ trẻ mới vào nghề chấp nhận ngủ với vị đạo diễn để có cơ hội diễn xuất.

Yahoo Japan khẳng định, ngay cả các công ty quản lý đều biết rõ bản chất và hành vi làm càn của nghệ sĩ núp bóng tội phạm tình dục, nhưng lựa chọn che giấu để duy trì lợi ích kinh tế. Sự bao che vì lợi ích cá nhân biến ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản trở thành “bữa tiệc tình dục” trên mọi lĩnh vực. Điều này chứng minh cho thực tế những “yêu râu xanh” vẫn mặc nhiên được tôn sùng như một “đấng tối cao” trong ngành giải trí.

Nhằm làm trong sạch ngành giải trí, mới đây, phái đoàn của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Nhật đã tiến hành điều tra vấn nạn lạm dụng trong ngành. Bê bối của ông Johnny Kitagawa và công ty Johnny & Associates là chiến dịch đầu tiên được triển khai vào cuối tháng 7. Akemi Sugawara - người phát ngôn của Hiệp hội các nhà sản xuất phim điện ảnh Nhật Bản cũng cho biết đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng trong ngành: "Hiệp hội kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức bạo lực và quấy rối, kể cả bạo lực tình dục, điều mà hiệp hội coi là không thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, khi nhìn vào mặt tối đã tồn tại hàng chục năm ở showbiz Nhật Bản, những người trong ngành giải trí nước này vẫn tỏ ra ít lạc quan về khả năng thay đổi. Kaori Shoji - nhà phê bình phim lâu năm của The Japan Times, cho rằng vấn nạn lạm dụng tình dục vẫn tồn tại ở nhiều nước trên thế giới nhưng ít nhất vấn đề này vẫn được chú ý. Trong khi đó, ở Nhật, ngành điện ảnh và truyền thông vẫn còn quá cổ hủ. “Các ngành công nghiệp khác có thể đã phát triển nhưng các phương tiện truyền thông ở Nhật vẫn do nam giới kiểm soát. Nhiều người trong số họ sẵn sàng lạm dụng quyền lực mà họ có để đàn áp phụ nữ”, cô nói thêm.

Đó còn chưa kể đến việc, các chủ trong giới showbiz Nhật Bản luôn biết và sẵn sàng tạo ra đồng yen một cách nhanh nhất, kể cả sẵn sàng dung túng cho tội ác. Như trường hợp của Johnny Kitagawa, Sion Sono, Hideo Sakaki và Houka Kinoshita, họ thực hiện hành vi thú tính với nghệ sĩ và nhân viên nữ hàng chục năm qua. Nhưng phải đến khi làn sóng phẫn nộ của công chúng đạt đến đỉnh điểm các công ty quản lý mới có động thái rõ ràng.

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/giai-tri-nhat-ban-a64974.html