Nội chuyện hàng trăm chiếc ghế đá được đặt khắp khu mộ Cô năm và đường lên núi dẫn đến nơi an nghỉ của Tổng trấn Mạc Cửu đủ hiểu sự sùng kính của bà con tứ phương tới nơi này?
Từ trong tâm thức
Câu chuyện nhuốm sắc màu huyền hoặc hư hư thực thực kia đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trên chuyến xe. Câu chuyện càng thêm phần rôm rả khi có người góp chuyện với tự bạch mình là dân Hà Tiên, và như nhiều người nhờ có lòng thành đã từng "thọ lộc" Cô Năm, được Cô giúp cho gia đạo bình an sau những cú sốc, tai nạn khủng khiếp tưởng chừng khó qua khỏi?
"Cô Năm tu Phật nên rất độ người... Ở Hà Tiên, hàng trăm năm qua, từ người trẻ đến người già, ai khi được nghe nhắc đến Cô cũng tỏ lòng tôn kính hết đó", người phụ nữ tên Hà, có nhà ở gần chân núi Bình San, nơi mộ Cô Năm tọa lạc, góp chuyện.
Nếu như ở Đông Nam Bộ có "thần nữ Long Hải" (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), thì ở miền Tây có Cô Năm ở Hà Tiên. Đồn rằng người muôn phương trắc trở công danh tình duyên, hay trở ngại trong lĩnh vực làm ăn mua bán, hoặc có người thân mắc bệnh nan y tìm đến van vái cầu Cô Năm phù hộ, độ mạng đếm không xuể.... Nhưng Cô Năm chỉ giúp cho những người liêm chính. Chứ kẻ tham tàn gian tà hay làm điều thất đức hại người mà đến khấn cầu van vái thì cũng chẳng được gì - chị Hồng, một trong 4 người phụ nữ góp chuyện.
Công viên văn hóa Bình San và bia đá ghi rõ lược sử Mạc Mi Cô.Thần nữ Long Hải mà chị Hồng nói đến tên tục là Thị Cách, được người dân lập đền thờ gọi là Dinh Cô ở thị trấn Long Hải (huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Cách đây không lâu, tôi có dịp theo chân dòng người hành hương đến trẩy hội Dinh Cô, nghe ông Thái Văn Cảnh, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô kể rằng: "Thần nữ Long Hải" tương truyền là người Tam Quan (Bình Định), bẩm sinh giàu lòng nhân ái, đức độ.
Trong một lần theo cha đi biển gặp gió lớn, Thị Cách bị vỡ thuyền, thi thể tấp vào bờ và được người dân bản xứ chôn cất. Sau đó hồn trinh nữ Thị Cách hiển linh giúp người đi biển thoát khỏi bệnh tật và gió bão nên được người dân tôn thần, xây miếu thờ trên núi Kỳ Vân, hằng năm tổ chức ngày giỗ kéo dài từ ngày 10 đến 12 tháng 2 Âm lịch.
Trở lại câu chuyện tìm đến mộ Cô Năm của chị Hồng và nhóm bạn. Chị Hồng tuổi Đinh Mùi, chuyên kinh doanh phòng trọ tại phường Tân Chánh Hiệp (đường Tô Ký, quận 12) và đây là lần đầu tiên chị tìm đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) đặng cầu xin Cô Năm ban cho gia đạo bình yên. Nghe về sự hiển linh của Cô Năm qua một số chị em tập dưỡng sinh ở Công viên Gia Định, chị Hồng cũng muốn tìm đến... Có thờ có thiêng có kiêng có lành, đang lúc gia đình có chuyện lục đục, sẵn dịp nên mỗi người mỗi cảnh cùng rủ nhau đến gặp Cô Năm những xin Cô cứu giúp trợ phù.
Chuyện về lòng tin, chẳng thể tranh cãi. Nhưng hỏi ra thì thật buồn cười, hóa ra cả những chuyện rất... đời người ta cũng nghĩ tới việc đi cầu cúng thánh thần phù trợ vậy sao? Mới phát hiện chồng lem nhem với tình nhân trẻ hơn mình chục tuổi, sợ làm lớn chuyện thì mất chồng nên chị Hồng hy vọng cầu xin Cô Năm giúp chồng hồi tâm chuyển ý về với vợ con? Ba chị còn lại người làm ăn liên tục thua lỗ, người có con nghiện hút, người chẳng gặp trúc trắc gì nhưng cũng tìm cầu Cô Năm ban cho gia đạo mãi bình yên?
"Vừa rồi, có chị bạn cùng xóm đến viếng mộ Cô Năm kể vì Cô tốt bụng, thiêng linh nên hằng năm đến ngày giỗ Cô, nhiều người ở nơi khác tìm tới dâng hương. Như vậy cho thấy cô linh thiêng lắm" - chị tên Mai, ngoài 50 tuổi, bồi thêm...
Một góc rừng ghế đá tạ ơn của những người thọ ơn Mạc Mi Cô tiểu thư.Tiểu thư mệnh yểu
Từ bến xe Hà Tiên đến mộ Cô Năm chỉ hơn 1km. Mộ nằm dưới chân núi Bình San, trên con đường tên Mạc Công Nương. Các bậc cao niên quanh vùng cho biết Bình San vốn là chốn an nghỉ của riêng dòng họ Mạc cùng các cận vệ, người hầu trung thành. Nhưng về sau, người ta chôn cất loạn xạ, thành ra có đến hàng trăm ngôi mộ mới cũ, lớn bé ở vùng này. Từ số liệu của một thành viên Ban quản lý di tích, tôi được biết khu vực này có 50 cổ mộ, trong đó mộ Cô Năm với tên gọi khác là Mạc Mi Cô cổ mộ có số thứ tự 43.
Ẩn dưới rừng cây đại thụ xanh um, ngôi Mạc Mi Cô cổ mộ không quá đỗi hoành tráng như nhiều người mô tả. Được đắp hình vòng cung, trước mộ có bia đá, đôi hạc, và dãy bàn đá để nhiều người đặt lễ vật đến dâng cúng, tạ ơn Cô Năm. Hỏi ông Nguyễn Văn Năn, thành viên Ban quản lý di tích núi Bình San thì được ông khuyên nên sang bên kia khu mộ, nơi có Công viên Văn hóa Bình San (xây dựng hoàn thành năm 2011) để xem rõ lược sử về Cô trên bia đá.
Lược sử Mạc Mi Cô được tạc trong bia đá ghi Cô là cháu nội của đức khai trấn Mạc Cửu, và là con gái thứ 5 của Mạc Thiên Tích với phu nhân họ Nguyễn (tự Hiếu Túc), được người đời truyền khẩu tôn xưng là "Bà Cô Năm". Mạc Cửu là vị tổng trấn đầu tiên của đất Hà Tiên. Sử liệu ghi lại tháng 8 năm Mậu Tý 1708, Mạc Cửu viết sớ xin đầu phục và được chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Tổng binh, tước Cửu Lộc Hầu.
Năm 1735, Mạc Cửu lâm trọng bệnh và qua đời. Con trai ông là Mạc Thiên Tích tiếp quản cơ nghiệp của cha, tiếp tục mở mang, phát triển, bảo vệ vùng đất Hà Tiên. Không chỉ nổi danh với tài ngoại giao và quân sự, Mạc Thiên Tích còn là nhà văn hóa có tài với bút pháp kiệt xuất. Ông lập nên Tao đàn Chiêu Anh Các vào đầu thế kỷ XVIII, để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác văn học, nổi bật là "Hà Tiên thập cảnh" gồm 10 bài thơ mô tả vẻ đẹp diệu kỳ của 10 cảnh đẹp bậc nhất trấn Hà Tiên.
Như vậy, chiếu theo sử liệu, Mạc Mi Cô là cháu nội của Tổng trấn Mạc Cửu chứ không phải con gái của ông như một số truyền khẩu sai lẫn xưa nay của nhiều người. Nội dung trên bia đá còn ghi rằng Mạc Mi Cô sinh năm Canh Ngọ (1750), lúc sinh thời rất hiếu thảo, hiền hậu, chăm chỉ đèn sách, được người cùng thời và hậu thế ca ngợi lòng nhân từ bác ái, hay giúp đỡ mọi người: "Bà thường có mặt trong việc ủy lạo cứu trợ, an ủi nhân dân khổ lụy vì chiến tranh, hay khi có thiên tai địch họa. Đức hạnh và lòng nhân ái của người cha Mạc Lệnh Công truyền dạy cho Mạc Mi Cô người thiếu nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết nổi danh khắp vùng".
Là con nhà quyền quý đẹp người đẹp nết nhưng buồn làm sao, tiểu thư Mạc Mi Cô mệnh yểu. Bia đá ghi tiểu thư nhà họ Mạc thất lộc sớm, vào ngày 29-9-1763, vào cuối mùa thu: "Mọi người vô cùng yêu quý, tiếc thương một tiểu thư bạc mệnh. Mạc Lệnh Công cho lập ngôi mộ thật hoàn chỉnh, bia đá đề Tiểu thư Mạc Mi Cô mộ. Tình yêu của cha và lòng tôn quý của xã hội đã tôn vinh hồn thiêng người trinh nữ".
Hồn thiêng trinh nữ và tín ngưỡng dân gian
Bia đá lược sử Mạc Mi Cô chỉ ghi ngắn gọn như thế. Bia đá còn ghi rằng sau khi qua đời, hồn thiêng trinh nữ của Mạc Mi Cô đã kết tinh thành sự hiển linh, biểu hiện bằng việc cứu nguy, cứu nạn, tạo được tâm đức trong lòng người dân khắp vùng.
Khi đi tìm hiểu và lấy tư liệu tại Hà Tiên, hỏi ai tôi cũng ghi nhận nhiều sẻ chia, tâm tình thành kính của người dân bản xứ về sự hiển linh, độ mạng, cứu người của Cô Năm. Trong một chừng mực nào đó, người dân sở tại xem Cô Năm ở Hà Tiên như Chị Sáu ở Côn Đảo, hay thần nữ Thị Cách ở Long Hải. Khi có chuyện đau buồn, trước khi dong thuyền ra biển, khi gặp những trúc trắc trong cuộc sống, họ ra mộ Cô Năm van vái khấn cầu. Những người dân mà tôi tiếp cận ai nấy đều tin người sống đức độ, có lòng thành đều được Cô che chở, cứu giúp, chuyện dữ hóa lành, tiêu trừ bạo bệnh...
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành xưa nay vẫn vậy. Nói về Cô Năm, tùy đức tin, trải nghiệm mà mỗi người có cách hiểu, cách nhìn nhận và chia sẻ khác nhau. Quanh khu vực mộ, và dọc dài con đường dẫn lên núi, có hàng trăm ghế đá được cung tiến, sắp đặt chỉnh tề, theo hàng theo lối. Ông Năm, ông từ trông coi Mạc Nhi cổ mộ, cho biết đó là cách bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn của những người đến đây khi những nguyện cầu, mong ước của họ được Cô Năm lắng nghe và ban cho được ý toại (!).
Mộ Cô Năm - Mạc Mi Cô.Trên mỗi thành ghế, có thông tin của người dâng cúng ghế đá cho Cô Năm. Tôi thấy có người ở Cà Mau, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ, Hà Nội, thậm chí ở Mỹ, Úc, Cananda, Hàn Quốc... Và tôi cũng thấy có người đàn ông gầy trơ xương nằm trên ghế đá được những người bán buôn quanh khu vực mộ Cô Năm cho biết anh bị bệnh nan y giai đoạn cuối, đường cùng tìm đến đây những mong cầu Cô Năm độ mạng. Ông Năm chia sẻ rằng người ta có bệnh thì vái tứ phương là điều hiển nhiên. Họ đến đây không phải mong cầu Cô Năm chữa hết bệnh cho họ, mà phải chăng là tìm đến sự thanh thản, như một phương pháp trị liệu cuối cùng về tinh thần thì cũng có sao...
Vậy đã rõ về huyền tích Bà Cô Năm ở đất Hà Tiên. "Cô Năm" hay tiểu thư nhà họ Mạc với tên họ Mạc Mi Cô, là nhân vật có thật, và tồn tại trong tín ngưỡng dân gian vì sự đức độ. Được biết, hằng năm lễ giỗ Cô Năm được Ban Quản lý di tích dòng họ Mạc, cùng các ban ngành địa phương tổ chức vào cuối tháng 9 Âm lịch.
Khép lại bài viết, bên cạnh một tiểu thư nhà họ Mạc hết lòng giúp dân, có chỗ đứng trong tâm khảm của nhiều đời người bằng sự nhân từ đức độ lưu truyền hậu thế, cần nói rõ là chúng tôi ghi nhận không ít nỗi niềm ưu tư, trăn trở của nhiều người dân Hà Tiên. Lý do bởi để sự đồn đoán thêm phần ly kỳ, có người đã gán ghép nhiều chuyện giật gân cho con gái thứ năm của Tổng trấn Mạc Thiên Tích, nhất là chuyện đặt nghi vấn Cô Năm sinh ra là... yêu quái đầu thai?!
Có công ty du lịch xây dựng tour bằng cách xào nấu thông tin trên các trang mạng, ghi sai tên Mạc Mi Cô thành Mạc Ni Cô, rồi tự suy diễn cô là con nhà họ Mạc, từ nhỏ đã mê tụ đạo, có Phật tính, nên được người đời gọi là Mạc Ni Cô (như phần đầu đã đề cập đến). Suy diễn kiểu ấy thiệt... hết biết!
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/mo-co-nam-chau-doc-a65060.html