DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỐ ĐÔ HOA LƯ
I. KHÁI QUÁT VỀ KINH ĐÔ HOA LƯ
Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây, lần đầu tiên trong lịch sử đã trở thành trung tâm kinh tế - chính trị và văn hóa của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền của Việt Nam, nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý.
Năm 968, sau khi dẹp loạn xong 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.
Năm 980, Lê Đại Hành lên ngôi Hoàng đế kế tục sự nghiệp triều Đinh, ông đã cho xây dựng rất nhiều cung điện nguy nga, tráng lệ, cột dát vàng bạc để làm nơi coi chầu.
Trong điều kiện lịch sử của thế kỷ X, đất nước mới giành được độc lập tự chủ, chính quyền Phong kiến Trung ương tập quyền còn non trẻ. Vì vậy, Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Hoa Lư hiểm trở để định đô, cũng là để xây dựng một quân thành kiên cố, “bất khả xâm phạm” đối phó với thù trong giặc ngoài.
Năm 1010, để đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự hưng thịnh của quốc gia phong kiến độc lập, vua Lý Thái Tổ đã dời đô ra thành Đại La, sau đổi là Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Từ đó, Hoa Lư trở thành Cố đô.
Tương truyền, sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô, để tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công dựng nước, giữ nước, triều Lý đã cho xây dựng một ngôi đền quay hướng Bắc.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi đền triều Lý xây dựng không còn nữa. Hiện nay, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành là hai công trình được xây dựng và trùng tu kế tiếp nhau qua nhiều triều đại, nhưng vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (Thế kỷ XVII).
II. ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng mô phỏng theo lối cung điện, kết cấu kiến trúc kiểu “Nội công, ngoại quốc”.
Nội điện gồm ba tòa: Bái đường, Thiêu hương và Chính cung.
Tòa Bái đường thờ Công đồng.
Tòa Thiêu hương là nơi thờ các quan văn võ triều Đinh.
Tòa Chính cung bài trí tượng vua Đinh Tiên Hoàng cùng ba hoàng tử: Nam Việt Vương Đinh Liễn, Thái tử Đinh Hạng Lang và Vệ Vương Đinh Toàn.
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng được tạc uy nghiêm trong tư thế thiết triều, đầu đội mũ Bình thiên, khoác áo Hoàng bào, ngự trên ngai.
Tượng các hoàng tử tạc trong trang phục của quan, đầu đội mũ ô sa, ngồi trên bục.
Vua Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, sinh năm Giáp Thân (924) ở Châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), là con trai ông Đinh Công Trứ - Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An). Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh về quê sống với mẹ. Hàng ngày đi chăn trâu cho chú và tập trận cờ lau. Mỗi khi thắng trận, bọn trẻ tôn Đinh Bộ Lĩnh làm trưởng, khoanh tay làm kiệu rước như nghi vệ Thiên tử.
Năm 944, Ngô Quyền băng hà, triều Ngô suy vong, các hùng trưởng nổi lên cát cứ mỗi người một phương, sử gọi là loạn 12 sứ quân.
Lúc này, yêu cầu cấp thiết là sớm chấm dứt nạn cát cứ để thống nhất đất nước. Người làm nên sứ mệnh lịch sử đó là Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh đã chiêu binh tụ nghĩa, lấy động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu khởi nghiệp. Khi lực lượng lớn mạnh, Đinh Bộ Lĩnh quyết định vừa hưng binh đánh lớn vừa dụ hàng các sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đấy, uy danh lẫy lừng. Ba quân tướng sĩ tôn vinh là Vạn Thắng Vương.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” để sánh ngang với “Đại Tống”, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 970, ông đặt Niên hiệu Thái Bình để sánh ngang với niên hiệu “Khai Bảo”. Với việc xưng Hoàng đế, đặt Quốc hiệu riêng, kinh đô riêng, Đinh Tiên Hoàng đã thể hiện ý chí và tinh thần tự tôn của dân tộc. Sử thần Phan Huy Chú nhận xét “Đến khi Đinh Bộ Lĩnh bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước”. Các sử gia đã khẳng định, Đinh Tiên Hoàng là người mở nền chính thống. Bức đại tự “Chính thống thủy” được cung tiến dưới triều Nguyễn, treo ở đền thờ vua Đinh cũng một lần nữa ca ngợi vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mở ra nền độc lập cho dân tộc. Bức đại tự như tấm bảng vàng lưu lại công lao nghìn thu của Tiên đế.
Trong 12 năm trị vì đất nước, vua Đinh Tiên Hoàng đã có rất nhiều công lao. Để củng cố nền độc lập, tự chủ, ông đã xây dựng một bộ máy Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó. Ông cũng đã xây dựng lực lượng quân đội tinh nhuệ với 10 Đạo quân. Lực lượng quân đội mạnh đã đảm bảo cho đất nước được bình yên.
Kinh tế hàng hóa được hình thành trong nước và có sự giao thương với nước ngoài, Nhà nước có các xưởng thợ chuyên đúc tiền. vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền “Thái Bình hưng bảo” là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam.
Về Văn hóa - Nghệ thuật: vua Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng nghệ thuật hát chèo để phục vụ quân đội, khích lệ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ. Như vậy, kinh đô Hoa Lư được xem là trung tâm của nghệ thuật hát chèo cung đình và Ninh Bình rất tự hào là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo nước ta từ thế kỷ X.
Có thể nói, dưới triều Đinh, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội nước ta đã đi vào ổn định và phát triển. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng đã được khẳng định, ông là vị anh hùng dân tộc có công thống nhất đất nước, đáp ứng được yêu cầu lịch sử và nguyện vọng của nhân dân. Sự nghiệp vĩ đại ấy được nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét: “Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái là 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết”.
Tháng 10 năm Kỷ Mão (979), nhà vua băng hà, hưởng thọ 56 tuổi.
Sau khi vua Đinh băng hà, triều thần đưa ấu chúa Đinh Toàn 6 tuổi lên nối ngôi. Nhưng bấy giờ, đất nước ta lại đứng trước họa xâm lăng. Để bảo vệ giang sơn xã tắc, Thái Hậu Dương Vân Nga cùng ba quân tướng sĩ suy tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều Tiền Lê. Ảnh Đền Thờ Vua Đinh Tiên Hoàng
III. ĐỀN THỜ VUA LÊ ĐẠI HÀNH
Đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng thế kỷ XVII. Kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” giống như đền vua Đinh. Nhưng đặc biệt, đền vua Lê còn giữ được nhiều mảng điêu khắc đẹp của thời Hậu Lê.
Nội điện gồm ba tòa: Bái đường, Thiêu hương và Chính cung.
Tòa Bái đường thờ Công đồng.
Tòa Thiêu hương thờ các quan, những công thần của triều Tiền Lê.
Tòa Chính cung bài trí tượng vua Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga và Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều). Các pho tượng có niên đại thế kỷ XVII.
Tượng vua Lê được tạc tư thế thiết triều, đầu đội mũ bình thiên, áo hoàng bào, ngự trên ngai.
Tượng Thái hậu Dương Vân Nga được tạc cân đối, thanh thoát, toát lên vẻ đẹp quý phái từ vóc dáng đến nội tâm sâu lắng. Trang phục ước lệ theo mô típ tượng Phật.
Tượng Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh được tạc trong trang phục của quan: đầu đội mũ ô sa, ngồi trên bục.
Vua tên húy là Lê Hoàn, sinh năm Tân Sửu (941), tại Châu Ái (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, mồ côi cha mẹ nhưng Lê Hoàn luôn tỏ rõ là người có chí khí.
Tuổi trưởng thành, đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, Lê Hoàn tham gia dẹp loạn, lập nhiều chiến công. Đất nước thống nhất, Đinh Tiên Hoàng phong cho Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân.
Năm 979, triều Đinh kết thúc, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều Tiền Lê vào năm 980. Niên hiệu Thiên Phúc.
Sau khi đăng quang, vua Lê Đại Hành đã làm nên hai chiến công hiển hách: phá Tống giữ yên phương bắc, bình Chiêm dẹp giặc phương nam.
Năm 980, quân Tống kéo sang xâm lược nước ta theo 2 đường thủy, bộ, từ 3 mũi tiến công: Bạch Đằng, Chi Lăng và Tây Kết. Trước thế giặc rất mạnh, nhà vua làm tướng để chỉ huy trận then chốt ở Bạch Đằng, quân Tống vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân ta. Lê Đại Hành đã thực hiện được chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, tiêu diệt gọn lực lượng thủy quân của giặc. Mặt khác, khi quân Tống kéo đến Chi Lăng, nhà vua sai người trá hàng, dụ bắt được tướng giặc. Sứ nhà Tống cấp báo tình hình thua trận về triều, vua Tống xuống chiếu lui quân.
Sau chiến thắng quân Tống ở phía Bắc, năm 982, Lê Đại Hành tiếp tục đem quân chinh phạt Chiêm Thành ở phía Nam. Đây là cuộc Nam phạt đầu tiên trong lịch sử của dân tộc ta.
Cuộc kháng Tống bình Chiêm thắng lợi. Một lần nữa, nhân dân ta đã bằng sức chiến đấu của mình, khẳng định quyền làm chủ đất nước, bảo vệ vững chắc những thành quả đấu tranh và xây dựng của tổ tiên mình. Tên tuổi của Lê Đại Hành và quân tướng nhà Tiền Lê mãi khắc sâu vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Đất nước bình yên, vua Lê Đại Hành rất quan tâm đến việc củng cố nền thống nhất quốc gia.
Năm 984, nhà vua cho đúc tiền “Thiên Phúc” để phục vụ cho việc trao đổi, mua bán.
Vua Lê còn chú trọng mở mang đường giao thông, hệ thống sông ngòi vừa phục vụ cho giao thương, vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử đi cày ruộng tịch điền để khuyến khích nghề nông phát triển. Sử chép: “Đinh Hợi, năm 987, mùa Xuân vua cày ruộng ở núi Đọi được một chĩnh vàng nhỏ, lại cày ở núi Bàn Hải được một chĩnh bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”.
Với những đóng góp trong công cuộc dựng nước, giữ nước, Cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành được khẳng định ông là vị anh hùng dân tộc, một danh tướng lẫy lừng. Người đã có công giữ vững nền tự chủ, mở đầu công cuộc Nam tiến, củng cố nội trị và ngoại giao, đưa vị thế Đại Cồ Việt tiến lên một bước mới. Sự nghiệp đó được nhà sử học Ngô Sĩ Liên đánh giá:“Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu ăn chắc của vua tôi bọn họ, có thể coi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.
Năm 1005, nhà vua băng hà, hưởng thọ 65 tuổi. Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh lên nối nghiệp cha.
Vua tên húy Chí Trung, sinh năm 985, con thứ 5 của vua Lê Đại Hành.
Lên ngôi vua, Lê Long Đĩnh chấn chỉnh lại triều đình, đặt quan hệ với nhà Tống và đem quân đi trấn áp các cuộc nổi dậy của mán Cử Long (nay là Cẩm Thủy, Thanh Hóa) và những vùng xa.
Về ngoại giao, năm 1007, Long Đĩnh sai sứ là Minh Sưởng và chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã sang nhà Tống dâng biểu xin Cửu kinh và kinh sách Đại Tạng. Nhà Tống ưng thuận. Long Đĩnh còn cho người sang mua bán, trao đổi hàng hóa với người Tống ở Liêm Châu và trấn Như Hồng.
Năm 1009, vua Long Đĩnh băng hà, hưởng thọ 24 tuổi.
Triều Tiền Lê kết thúc, triều thần đã suy tôn Điện tiền đô chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lập nên vương triều Lý.
Năm 1010, để phát triển đất nước, nhà Lý dời đô.
Sử chép là Dương hậu (Hoàng hậu họ Dương). Theo tài liệu sưu tầm ở Hồ sơ khoa học về đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cho biết Thái hậu tên là Dương Vân Nga, con gái ông Dương Thế Hiển ở vùng đất thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Năm 979, đất nước ta đứng trước một tình thế vô cùng nguy nan, độc lập hay bị thôn tính? Tổ quốc đang cần một người anh hùng tài đức để chèo lái con thuyền Đại Cồ Việt ra khỏi cơn binh đao. Trước tình hình đó, Thái hậu Dương Vân Nga đã hội triều để bàn kế hoạch chống giặc, sau lời đề cử của ba quân tướng sĩ, Thái hậu đã quyết định trao ngôi báu cho người tướng tài Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế để Lê Hoàn chuẩn bị cuộc kháng Tống, bình Chiêm giữ nước.
Năm 982, khi vua Lê ca khúc khải hoàn trở về cũng là lúc Thái hậu mãn tang thờ chồng, bà đã tái giá với vua Lê. Việc vua Lê Đại Hành kháng Tống, bình Chiêm đại thắng chứng tỏ hành động của Thái hậu là sáng suốt, thức thời. Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, Thái hậu đã hành động theo ý nguyện của quân đội. Lê Hoàn lên ngôi đã giương cao ngọn cờ đánh ngoại xâm bảo vệ đất nước. Trao quyền cho Lê Hoàn là trao quyền cho người tướng tài mà Tổ quốc đang cần đến. Thái hậu là người phụ nữ đã hi sinh quyền lợi của con, của dòng họ mình cho người tài thuộc dòng họ khác vì nền độc lập dân tộc. Thái hậu là người phụ nữ thức thời ở thế kỷ X. Sau khi mất, Thái hậu Dương Vân Nga được nhân dân tạc tượng thờ để tri ân công trạng.
Ảnh Đền Thờ Vua Lê Đại Hành
IV. KHU KHAI QUẬT KHẢO CỔ HỌC
Lần khai quật năm 1998, các nhà khảo cổ đã phát hiện được phế tích nền móng cung điện thời Đinh - Tiền Lê. Xuất lộ nền đã cho thấy nguyên vật liệu kiến trúc bao gồm: Gạch hình chữ nhật “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, “Giang Tây quân”, ngói bò úp nóc, ngói mũi lá, ngói âm dương.
Vật liệu trang trí gồm : Mặt linh thú với khuôn mặt một con thú dữ được tạo hình theo tư duy tưởng tượng. Trang trí trên nóc mái cung điện là những đôi uyên ương (vịt đất nung). Đây là những con vật mở đầu cho nghệ thuật trang trí những con vật có cánh trong điêu khắc, hội họa của người Việt. Về đồ dùng sinh hoạt Hoàng cung gồm: Vò, vại …
Qua các di vật đã cho ta thấy các đề tài trang trí trên vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt thời Đinh - Tiền Lê tuy còn đơn giản, mộc mạc trong cách thể hiện, nhưng nó lại mang đậm màu sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc. Nghệ thuật này đã tạo ra những tiền đề cơ bản để văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ trong thời kỳ tiếp theo.
Vua tên húy là Lý Công Uẩn, sinh năm Giáp Tuất (974), người châu Cổ Pháp (Tiên Sơn, Bắc Ninh).
Lúc nhỏ, vua rất thông minh, tuấn tú khác thường. Trưởng thành, ông là người có chí khí. Lê Long Đĩnh lên ngôi, đã thăng ông đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Khi vua Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên ngôi Hoàng đế vào năm Kỷ Dậu (1009).
Năm 1010, để phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, vua Lý Thái Tổ đã có một quyết định đặc biệt quan trọng mang tính lịch sử đó là dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, con đường dời đô của vua Lý là đường thủy (đường sông). Đoàn thuyền của triều đình sẽ khởi hành từ sông Sào Khê, xuôi về phía Bắc khoảng 3km qua các địa danh cầu Đông, cầu Dền thì gặp sông Hoàng Long, sau đó xuôi thuyền về hướng Đông tới ngã ba Gián Khẩu, nơi hạ lưu của sông Hoàng Long, gặp sông Đáy. Từ đây, đoàn thuyền lại ngược dòng lên hướng Bắc tới sông Châu (Hà Nam). Từ sông Châu ra tới sông Hồng nhằm hướng Bắc đi khoảng 50km là tới thành Đại La.
Để ghi lại dấu ấn lịch sử trọng đại, một hành trình lịch sử của đất nước từ khôi phục độc lập tự chủ đến thời kỳ phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội, đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã dựng nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ tại bến thuyền rời đô.
Văn bia do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn, đây là một áng văn hay theo thể biền ngẫu. Văn bia gồm 4 khổ.
Nội dung khổ 1: Thái tổ ta xưa - Viết về thân thế, sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ.
Nội dung khổ 2: Sự nghiệp Hoa Lư thuở ấy - Ca ngợi sự nghiệp dựng nước, giữ nước của triều Đinh - Tiền Lê và công cuộc thiên đô của vua Lý Thái Tổ.
Nội dung khổ 3 và khổ 4: Truyền thống Hoa Lư bất diệt - Đất nước hôm nay - Kế thừa và phát huy truyền thống Hoa Lư bất diệt, hơn 10 thế kỷ qua, các thế hệ con cháu của vùng đất địa linh nhân kiệt Hoa Lư - Ninh Bình đã đoàn kết, dũng cảm, kiên trung cùng với quân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh cho quê hương đất nước, làm cho truyền thống Hoa Lư mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
KẾT LUẬN
Cố đô Hoa Lư không chỉ là khu di tích có giá trị cao về mặt lịch sử - văn hóa, nơi ghi dấu ấn vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mà còn là nơi có thắng cảnh nổi tiếng với những núi non, hang động kỳ tú, sông nước hữu tình, đã tạo cho nơi đây có nét đẹp độc đáo, xứng đáng với tên gọi “Vịnh Hạ Long cạn”.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử.
Hiện nay, Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu sinh thái Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng đặc dụng Hoa Lư là 3 khu vực bảo tồn thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, đã được Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 10/5/2012. Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới.
Với tài liệu tham khảo này, Hải Đăng Travel hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử trên dải đất hình chữ S. Thân mến!
Nguồn: Sở Du Lịch Ninh Bình
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/gioi-thieu-ve-co-do-hoa-lu-a66181.html