Theo dòng "người nổi tiếng" xứ Bình Định: Thì ra có cả bầu Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Dũng "lò vôi"...

Bình Định là nơi đã sinh ra nhiều doanh nhân thành đạt, nổi tiếng với sự quyết liệt trên thương trường. Có thể kể đến như ông Đoàn Nguyên Đức, Lê Phước Vũ, Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi),...

Tuy nhiên, cùng với tiếng vang trong sự nghiệp là những chìm nổi trong cuộc đời của các doanh nhân đất võ kể trên.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Cuộc đời chìm nổi của 3 đại gia Bình Định nổi tiếng

Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong 1 gia đình nông dân nghèo, đông anh em ở An Nhơn, Bình Định. Chứng kiến cảnh mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai, lúc bấy giờ, ông Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và có nghề nghiệp ổn định để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn.

Năm 1982, ông Đức khăn gói vào TP HCM thi đại học, nhưng bị trượt. Trở về quê, ông lại sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng như một định mệnh, cả 4 lần đi thi ông Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.

22 tuổi không tiền, không bằng cấp, ông Đoàn Nguyên Đức quyết rời khỏi quê, làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng. Sau một thời gian làm thuê, Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra từng chiếc bàn. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, trong đó nổi bật là bất động sản để hình thành nên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Cho đến tận bây giờ, ông Đức tâm sự: “Mỗi lần về thăm quê, tôi lại thấy mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa”.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Cũng xuất thân từ một gia đình nghèo ở Bình Định, dù phải làm nhiều việc để mưu sinh khi theo học tại trường Trung cấp Giao thông, Lê Phước Vũ vẫn đạt kết quả học tập xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Lê Phước Vũ đã từ chối bởi cơ chế đãi ngộ khó có thể cho phép ông đỡ đần gia đình.

Cuộc đời chìm nổi của 3 đại gia Bình Định nổi tiếng

Ra trường, ông cùng gia đình khăn gói ngược phương Nam. Hai năm đầu, Lê Phước Vũ làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh, thường xuyên chạy tuyến Sài Gòn - Vinh, ông và gia đình vẫn phải sống trong khó khăn. Hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn đẩy vợ chồng ông lên Buôn Ma Thuột thử lập nghiệp. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng thay đổi.

Trở lại Sài Gòn lần hai, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành. Trong thời gian này, ông tình cờ gặp giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và được gợi ý thử tự kinh doanh. Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn.

Đến năm 1997, nhận ra cửa hàng kinh doanh tôn hoạt động không còn hoạt động hiệu quả, Lê Phước Vũ nghĩ đến chuyện sản xuất với việc mở một xưởng cán tôn. Bên cạnh việc mua máy móc thiết bị thanh toán trả góp, ông phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác, thậm chí nhiều lúc xưởng của ông ngấp nghé bở vực phá sản.

Dần dần, xưởng của ông thu hút được khách hàng, hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi. Lê Phước Vũ tính chuyện mở rộng, thành lập thêm nhiều xưởng cán tôn khác. Trong thời gian đó, ông đã tìm cách tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau cũng như học hỏi các công nghệ sản xuất mới và kiến thức về quản trị kinh doanh.

Năm 2001, Lê Phước Vũ thành lập CTCP Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, vỏn vẹn 22 nhân viên. Từ một công ty nhỏ, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế một Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn tại Việt Nam.

Ông trùm gỗ Việt Võ Trường Thành

Cuộc đời chìm nổi của 3 đại gia Bình Định nổi tiếng

Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, trên đất võ Tây Sơn, Bình Định. Năm 21 tuổi, đang làm nghề "gõ đầu trẻ", ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định để lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của ông với gỗ.

Sau hơn 7 năm miệt mài với xưởng gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong đóng tại Tây Nguyên, ông được bầu vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong.

Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy vị giám đốc “ra riêng” với số vốn vay mượn 50 triệu đồng để thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990. Năm 1999, doanh nghiệp của ông mua lại Công ty Vinaprimart, mở rộng hoạt động đến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phát triển thành Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành. Sau 2 tháng kể từ thương vụ này, Trường Thành đã xuất khẩu 5 container hàng đầu tiên sang châu Âu.

Dưới sự chèo lái của ông Võ Trường Thành, Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành liên tục phát triển và trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam. Đầu năm 2016, cổ phiếu Gỗ Trường Thành còn đạt mức giá kỷ lục từ khi niêm yết và được đại gia Vingroup tỏ ý muốn thâu tóm.

Tuy nhiên sau đó, Gỗ Trường Thành đã gây sốc cho các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp khi sau kiểm toán, Gỗ Trường Thành báo lỗ tới 1.271 tỷ đồng trong năm 2016. Cổ phiếu TTF khi đó đã có chuỗi giảm sàn kỉ lục tới 24 phiên liên tiếp từ 43.600 đồng xuống 8.100 đồng và sau đó bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Ngày 25/8/2020, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) thông báo, ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn (con trai ông Thành) đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với tập đoàn này được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2017.

Như vậy, 3 năm kể từ ngày hai bên thỏa thuận khắc phục hậu quả, nhà sáng lập thương hiệu Gỗ Trường Thành cuối cùng cũng đã khép lại “duyên nợ” với tập đoàn này sau khi khắc phục xong hậu quả do quản lý yếu kém khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, âm vốn… Đến nay, Gỗ Trường Thành đã rơi vào tay người mới nhưng vẫn đang phải chật vật để tái cơ cấu và ổn định trở lại.

Đại gia Dũng "lò vôi"- ông chủ siêu dự án Đại Nam

Cuộc đời chìm nổi của 3 đại gia Bình Định nổi tiếng

Ông Dũng sinh năm 1961 tại Tuy Phước, Bình Định. Trên thực tế, tên khai sinh của ông là Huỳnh Phi Dũng nhưng sau đó ông tự đổi thành Huỳnh Uy Dũng, với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.

Đúng với biệt danh “Dũng lò vôi”, quá trình lập nghiệp của vị doanh nhân này cũng bắt đầu từ chiếc lò vôi. Ông là người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam, sở hữu trong tay nhiều bất động sản và tài sản “khủng” như: Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…

Tuy nhiên, khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Bình Dương. Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở Bình Dương của đại gia Dũng “lò vôi” rộng 450 ha, kinh phí đầu tư 6.000 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Uy Dũng được cho là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nếu cổ phần hóa. Tuy nhiên như đã từng chia sẻ trên báo chí, đại gia này không quá để tâm đến tiền bạc bởi ông xác định, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.

Ai đứng sau cặp siêu du thuyền 700 tỷ ở Việt Nam, đắt gấp 7 lần du thuyền của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn?

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/nhung-nguoi-noi-tieng-o-binh-dinh-a66272.html