Bước qua tháng 5, người dân TP.HCM vẫn phải đối mặt với cái nóng bỏng da, nhiệt độ trong ngày có thể lên đến 38 độ C hoặc 42 độ C. Trong mùa nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu tìm nước uống giải khát, hạ nhiệt cơ thể tăng cao. Các quầy nước mát như nước mía, nước sâm, trà tắc, dừa tắc… phải hoạt động cả ngày lẫn đêm để phục vụ khách hàng.
Đối với những người trẻ, thay vì ngồi hưởng máy lạnh mát rượi trong các quán cà phê, họ lại chuộng các món nước mát vì mức giá hợp túi tiền, công dụng giải nhiệt tốt, cơn khát được đập tan chỉ trong vài phút chờ đợi.
Là nơi sinh sống của nhiều người gốc Hoa, nước sâm dần trở thành thức uống quen thuộc ở TP.HCM. Loại thức uống này có nguồn gốc từ thảo mộc, thích hợp giải nhiệt khi tiết trời oi ả. Bên cạnh sâm nấu bằng rễ tranh, mía lau, sâm bông cúc, rong biển, nước mát 24 vị… cũng được bày bán rộng rãi, thêm sự lựa chọn cho thực khách.
Với thâm niên hơn 40 năm, quầy nước sâm Bình trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) buôn bán tập nập mỗi ngày.
Thực khách Vân Vân thường mua nước sâm đóng chai để dùng dần. Ảnh: @van.9145.Nước sâm ở đây thơm đậm mùi thảo mộc, có độ ngọt vừa phải nhờ công thức gia truyền. Toàn bộ nguyên liệu được tuyển chọn kỹ lưỡng, không sử dụng chất tạo màu hay đường hóa học. Các mẻ nước sâm cũng nấu mới mỗi ngày, hầm nguyên liệu trong nhiều giờ để tiết ra hết chất dinh dưỡng.
Thực đơn có đa dạng loại sâm như mía lau, bông cúc, rong biển, củ sen, nha đam đường phèn… Ngoài ra, tại đây còn có thêm các topping như củ năng, hạt sen, nhãn nhục, táo đỏ. Mức giá cho chai đóng sẵn và ướp lạnh là 15.000 đồng, cốc lớn là 18.000 đồng.
Thực khách Vân Vân, người thường xuyên mua nước sâm tại quầy sâm Bình, chia sẻ: “Tôi thấy vị sâm ngon, ngọt thanh nhưng chất sâm hơi loãng, đậm đặc thêm một chút sẽ ngon hơn. Dễ uống nhất là sâm mía lau và rong biển. Tôi hay mua các loại nước sâm đóng trong chai về uống dần, những ngày nắng nóng tôi uống càng nhiều”.
Nép mình trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), quầy nước sâm 861 được bày trí khá đơn sơ, chỉ có chiếc tủ kính nhỏ đặt trên vỉa hè để trưng bày các loại nước sâm. Bên dưới đặt thêm một thùng đá lớn chứa nước sâm ướp lạnh.
Lâm Nguyễn Thanh Hiền trở thành khách hàng “ruột” của quầy nước sâm 861 vào ngày nắng nóng. Ảnh: Thanh Hiền.Nước sâm ở quầy này được nấu theo đúng công thức gia truyền của người Hoa nên đậm đặc, vị đầu tiên khi uống hơi nhẫn, mùi thảo mộc xộc lên khá rõ. Đọng lại sau cùng ở cổ họng là vị ngọt thanh nhẹ của đường phèn.
Mỗi loại nước sâm đều có tác dụng cho sức khỏe, từ sâm bông cúc, sâm mía lau, sâm rong biển cho đến nước đắng. Mức giá dao động 9.000-17.000 đồng/món. Quầy nước sâm 861 còn là nơi hiếm hoi ở TP.HCM phục vụ nước yếm rùa làm từ cao quy linh và cam thảo, giúp giải nhiệt tức thì.
Lâm Nguyễn Thanh Hiền (22 tuổi, sinh sống tại quận 5) cho biết các loại nước sâm tại đây nấu từ nhiều loại thảo mộc, ít sử dụng đường cát. Sau khi uống, bạn trẻ này cảm thấy cơ thể được thanh lọc và da dẻ cũng dần cải thiện. Tuy nhiên, một vài loại nước vẫn còn vị đắng nhiều.
“Hiện nay, TP.HCM nắng gay gắt vì sắp đến mùa hè, nhu cầu giải khát và làm mát từ bên trong cơ thể của mọi người cũng gia tăng. Các thức uống như trà sữa hay cà phê không thể đáp ứng được nhu cầu đó, nên tôi lựa chọn sâm rong biển, sâm bông cúc, nước yếm rùa… để giúp cơ thể hạ nhiệt”, Thanh Hiền bày tỏ.
Mùa hè năm 2018, trà tắc bắt đầu phổ biến rộng, được nhiều người ưa chuộng nhờ hiệu quả giải nhiệt nhanh chóng, hương vị lôi cuốn khi kết hợp giữa vị chát nhẹ của trà cùng vị chua của nước cốt tắc.
Đi dọc các con đường ở trung tâm, không khó để bắt gặp các quầy trà tắc đông khách chờ mua. Vào những ngày nắng nóng, cầm trên tay ly trà tắc mát lạnh, thực khách sẽ cảm thấy đoạn đường sắp đi trở nên dễ chịu hơn.
Giữa muôn vàn nơi bán trà tắc, quầy trà tắc Tuấn Kiệt trên đường Cô Giang (quận 1) vẫn thu hút nhiều thực khách nhờ món trà tắc mật ong đá nhuyễn pha theo công thức độc quyền.
Trà tắc cũng là loại thức uống giải nhiệt tốt. Ảnh: Nga Trần, Bụng Béo Food.Trà tắc mật ong tại đây sử dụng cốt hồng trà, xay nhuyễn cùng nước cốt tắc và đá, thêm mật ong để tạo độ ngọt. Với cách pha chế này, đá sẽ hoà lẫn với trà, mang đến cảm giác mát lạnh hơn. Khi uống, thực khách cảm nhận được vị chua thanh, đan xen chút chát nhẹ. Tuy nhiên, trà tắc mật ong có độ ngọt khá gắt, thực khách nên chờ đá tan bớt để vị ngọt và chua cân bằng.
Ngoài trà tắc, trong thực đơn còn một vài loại thức uống khác như trà đào, sâm dứa sữa, trà bí đao hạt chia, nước đắng, đá me… Mức giá dao động 15.000-30.000 đồng/cốc.
Cùng nằm trên đường Cô Giang, cách trà tắc Tuấn Kiệt không xa là quầy trà tắc Kiên Ký có màu vàng nổi bật, điểm xuyến thêm vài bức tranh kính đặc trưng của người Hoa.
Trà tắc pha từ trà ô long mang đến hương vị khác biệt. Ảnh: Trương Mỹ Linh, @odaucungchup.Món nước làm nên tên tuổi của quầy Kiên Ký là trà tắc với cốt trà olong nấu từ lá tươi, không sử dụng chất bảo quản. Khi có khách đến mua, chủ quán sẽ dùng bình lắc trà và nước cốt tắc thật mạnh để trà sủi nhiều bọt, dậy lên mùi thơm nồng nàn.
Nói về hương vị trà ô long tắc, thực khách Trương Mỹ Linh cho biết vị trà khi vừa uống sẽ hơi chát ở đầu lưỡi, đi kèm với vị chua của tắc tạo nên một tổng thể hương vị rất riêng.
Tương tự với Trương Mỹ Linh, Nguyễn Tuấn Anh (24 tuổi, sinh sống tại quận 8), thực khách quen của quầy trà tắc Kiên Ký, nói: “Thời tiết TP.HCM dạo này nóng bức, tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi hay chạy xe đến mua. Vị trà ô long tắc ở đây không giống các nơi khác. Trà thơm rõ mùi, độ ngọt dịu và không bị gắt khi xuống cổ. Mức giá cũng khá rẻ”.
Bên cạnh trà ô long tắc, thực khách có thể thử thêm nước mát 24 vị và sâm bông cúc. Mỗi loại nước đều có cùng mức giá 20.000 đồng cho cốc lớn.
Không chỉ trà tắc, dừa tắc cũng hút khách không kém vào những ngày nhiệt độ tăng cao. Các quầy dừa tắc thường tập trung trên đường Pasteur, dần trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng.
Không bảng hiệu, chỉ vỏn vẻn dòng chữ: “bán trên 20 năm”, quầy dừa tắc 250 nổi bật trên con đường Pasteur với lượng khách vây kín. Vào mỗi buổi tối, chủ quán sẽ chuẩn bị sẵn vài chiếc ghế cóc cho thực khách ngồi thưởng thức, trò chuyện rôm rả.
Thực khách Cathy Chan lui tới quầy dừa tắc 250 lúc nắng nóng như một thói quen. Ảnh: @cathy.foodaholic, @thon.foodie.Một cốc dừa tắc gồm nước dừa, cơm dừa và tắc rim thơm. Mỗi ngày, quầy dừa tắc 250 đều nhập dừa tươi từ Bến Tre để nước có độ ngọt tự nhiên. Cơm dừa cắt miếng lớn, dày và ăn sần sật. Phần tắc rim thơm cũng được chủ quán tự tay ngào với đường phèn, không pha thêm xí muội để giữ lại mùi thơm đặc trưng và độ nhẫn nhẹ của tắc. Một cốc nhỏ có giá 15.000 đồng, cốc lớn có giá 20.000 đồng.
Cathy Chan, thực khách từng thưởng thức dừa tắc tại quầy 250, chia sẻ dừa tắc có vị thanh mát, hòa quyện cùng tắc sợi rim chua nhẹ khá lạ miệng. “Vào ngày TP.HCM quá nóng, tôi lui tới đây như một thói quen. Dừa tắc thích hợp cho mùa hè vì cung cấp điện giải tốt hơn so với các thức uống khác. Mức giá cho một cốc lớn, đủ xoa dịu cơn khát rất hợp lý, chỉ vài chục nghìn”, người này bộc bạch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của vài thực khách khác, dừa tắc tại quầy 250 có độ ngọt khá đậm, cơm dừa ăn kèm đôi lúc còn cứng.
Với mức giá hợp túi tiền và độ phổ biến rộng, nước mía được xem như món giải khát quen thuộc. Vào ngày nắng nóng, nước mía có thể bù đắp năng lượng vì các loại đường đơn trong loại thức uống này được cơ thể hấp thụ dễ dàng.
Ở TP.HCM, nước mía có mặt khắp nơi, nhưng không phải quầy nước mía nào cũng khiến thực khách xếp hàng giữa trưa nắng để mua như quầy nước mía Ông Út, nằm trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận).
Nước mía Ông Út là quầy lâu đời nhất nhì TP.HCM với thâm niên hơn 60 năm. Ảnh: Lê Yến Nhi, Hoàng Kim.Quầy sử dụng mía lau, vị thanh, không ngọt gắt và giải nhiệt tốt hơn mía xanh thông thường. Bí quyết tạo nên điểm khác biệt để “đánh bại” những quầy khác là mía ép cùng cam tươi. Tắc thường có độ chua đậm, át đi vị mía, nhưng cam lại cân bằng giữa chua và ngọt, mùi thơm thoảng của cam cũng làm nước mía trở nên hấp dẫn.
Một cốc nhỏ có giá 12.000 đồng, một túi lớn có giá 20.000 đồng. So với mặt bằng chung, mức giá này có phần cao hơn. Thời gian chờ mua cũng khá lâu vì lượng khách đông.
“Tôi là người quận Phú Nhuận nên được uống hồi còn bé. Nước mía ở đây sạch, được mấy cô chú sơ chế tại nhà. Mía lúc nào cũng tươi, ép ra là trộn với đá ngay để giữ độ lạnh. Mùa nắng nóng, một ngày tôi mua 2-3 cốc”, thực khách Lê Yến Nhi chia sẻ.
Đi vào con hẻm nhỏ bên cạnh chợ Phú Nhuận, quầy nước mía Hai Vợ Chồng với chiếc xe ép mía truyền thống cũng là địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn trẻ.
Mai Tây thường xuyên uống nước mía tại quầy Hai Vợ Chồng. Ảnh: Mai Tây, Nguyễn Tiến Dũng.Một cốc nước mía tại đây khá đầy, không pha thêm đường hay chất hóa học nên sóng sánh, có lớp bọt tự nhiên trên bề mặt. Khi uống nghe mùi thơm nồng và cảm nhận được độ tê nhẹ ở đầu lưỡi do vỏ quýt tiết ra tinh dầu. Mức giá cho một cốc tương đối rẻ, chỉ 10.000 đồng.
Mai Tây, thực khách quen của quầy nước mía Hai Vợ Chồng, cho biết: “Tôi thường uống nước mía khi nắng gắt. Đơn giản vì nước mía ngon, dễ uống, lại hợp vệ sinh. Một cốc cũng khá đầy, thỏa cơn khát. Chỉ cần tấp xe vào chờ 2-3 phút là có nước mía uống tại chỗ. Nước mía ở TP.HCM không thiếu nhưng tôi uống ở đây vẫn thấy ngon, độ ngọt cũng vừa phải”.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/hinh-anh-nuoc-sam-lanh-a66740.html