Trải nghiệm săn sản vật ở miệt rừng U Minh Hạ

Anh Huỳnh Vũ Hoàng (40 tuổi), ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) là một nông dân có thâm niên trên 15 năm gắn bó với cánh rừng tràm miệt U Minh Hạ. Công việc hằng ngày của anh Hoàng là vào rừng giăng câu, đặt lờ, lọp… bắt cá để mưu sinh. Với anh Hoàng, những sản vật có từ tự nhiên là nguồn thu nhập giúp anh nuôi sống cả gia đình.

Anh Hoàng kiểm tra chiếc lọp trước khi đặt.

Tay cầm mớ lờ, lọp và dàn câu diền (sợi dây dài, được mắc nhiều lưỡi dùng để bẫy cá - PV) bước vội xuống chiếc vỏ máy đang neo đậu ở bìa rừng, anh Hoàng thúc giục: “Anh em chuẩn bị đồ đạc, nước uống để vào rừng. Do đặt nhiều lờ, lọp, giăng câu bắt cá, đặt bẫy rắn nên chúng ta đi hơi lâu”.

Dứt lời, anh Hoàng lấy chiếc nón kết đội lên đầu rồi xua tay: “Đi thôi”. Rồi nhanh thoăn thoắt, anh Hoàng nhảy xuống chiếc vỏ nổ máy đưa chúng tôi vào rừng. Tài điều khiển vỏ máy của anh Hoàng rất điêu luyện, con đường vào rừng vừa hẹp, dưới nước có những cánh bèo làm vật cản, nhưng anh Hoàng vẫn vững vàng điều khiển phương tiện luồng lách qua từng kênh mương để vào rừng.

Đặt xong, anh Hoàng cẩn thận lấy cỏ phủ kín bề mặt chiếc lọp.

Đến nơi, anh Hoàng vội nhảy ùm xuống nước, quơ tay vén những lớp bèo, cỏ để lộ ra khoảng trống vừa đủ để đặt những chiếc lờ, lọp xuống mặt nước. Sau đó, anh tiếp tục dùng tay lấy mớ bèo, cỏ khi nãy đậy lên mặt lờ, lọp để bẫy cá lóc.

Anh Hoàng nói: “Số lờ, lọp này anh mới mua nên đặt để đó, vài ba ngày sau mình mới thăm. Chứ thăm liền chẳng có cá đâu, đặt xong anh dẫn chú đi thăm những cái lờ, lọp mà anh đặt trước đó mấy ngày. Còn câu diền, thăm lọp xong, mình quay lại là thăm được. Vì để lâu, cá dính câu sẽ sảy mất liền. Lâu lâu đi rừng, mình trải nghiệm trọn vẹn công việc của nông dân tụi anh một lần cho biết”.

Những con cá lóc to bự vùng vẫy trong chiếc lọp...

Cứ thế, anh Hoàng vác mớ lờ, lọp xuyên qua những cánh rừng để đặt bẫy cá. Anh làm rất chuyên nghiệp, mỗi nơi đặt, anh đều làm dấu riêng để tiện cho lúc thăm. “Rừng thì bao la, rộng lớn, em mà không để lại ký hiệu gì thì lạc mất hết. Nghề này, lội rừng suốt ngày, dẫu mệt nhưng vui. Vui nhất là khi mình bắt được nhiều cá, bán được nhiều tiền để lo chi phí sinh hoạt của gia đình”, anh Hoàng tâm tình.

...chúng tìm đường thoát ra ngoài.

Sinh ra và lớn lên ở miệt rừng tràm nên tình yêu thiên nhiên từ lâu đã ngắm sâu vào máu thịt của anh Hoàng. Anh chia sẻ rằng, hễ ngày nào không vào rừng là ngày đó anh thấy bồn chồn, day dứt một cảm giác rất khó chịu. Anh chia sẻ, bản thân gắn bó với rừng rất lâu, anh không nhớ rõ khi nào, chỉ biết vào những năm học cấp 2 là anh đã biết đi rừng giăng câu, đặt bẫy cá.

Giữa không gian bốn bề là rừng tràm, tiếng chim rừng kêu hót lanh lảnh. Dưới nước, từng đàn cá lóc tranh mồi, rượt đuổi đá nhau làm nước dợn sóng xua tan sự tĩnh lặng, yên bình của khu rừng. Chỉ tay về phía mương nước trước mặt, anh Hoàng cho hay: “Ở đây, cá lóc nhiều lắm. Ngoài cá đồng, thì rùa, rắn, trăn rừng…, có vô số. Chẳng biết chúng sinh sản như thế nào, nhưng vào rừng thứ gì cũng có. Loại nào bắt được thì mình bắt, loài nào hoang dã thì mình thả lại rừng để bảo tồn, tái tạo. Nhờ vậy, mà sản vật từ rừng ở đây chưa bao giờ vơi cạn”.

Móc mồi giăng câu diền giữ rừng.

Xế chiều, khi vừa giăng xong câu diền, anh Hoàng nhảy vội lên vỏ nổ máy di chuyển xuyên qua các cánh rừng để thăm số lờ, lọp cũ mà anh đặt từ nhiều ngày trước. Anh Hoàng nói, khu này rất rộng, khoảng hơn 60ha. Bởi thế, người dân xứ rừng rất dễ tìm kiếm cá để chế biến thức ăn.

Vén lớp bèo tai chuột, lộ ra chiếc lọp thâm đen do bị ngâm nước quá lâu, thấy nặng, anh Hoàng vội nói: “Có cá lớn”. Rồi anh nhẹ nhàng nâng chiếc lọp khỏi mặt nước đưa lên vỏ lãi. Vẻ mặt hớn hở, anh Hoàng cười: “Thấy chưa, anh nói mà không sai đâu”. Những con cá lóc nặng khoảng 1kg thi nhau trườn qua lại trong lọp để tìm hướng thoát ra ngoài. Cứ thế, anh Hoàng đưa chúng tôi đi thăm lợp bắt được vô số cá lóc.

Cá lóc dính câu.

Thăm xong lọp, lờ, chúng tôi quay lại thăm câu giềng đã giăng trước đó khoảng 2 giờ đồng hồ. Vừa dừng vỏ máy mé bờ rừng, lộ la trước mắt tôi là những con cá lóc to đang dính câu. Thấy bóng người, chúng cố giãy giụa để tìm cách thoát thân làm nước văng tung toé.

Chỉ tay về những con cá lóc đang dính câu, anh Hoàng hớn hở: “Anh không nói khoác đúng không? Cá ở đây còn nhiều, dân tụi anh chỉ bắt cá lớn thôi, nhưng chỉ được bắt khi đã qua mùa sinh sản”. Trời chiều, khi ánh mặt trời dần tắt nắng, anh Hoàng nổ máy, đưa chúng tôi về nhà, kết thúc một ngày vào rừng trải nghiệm hoạt động săn bắt cá lóc.

Niềm vui của anh Hoàng khi cá cắn câu.

Xứ tràm U Minh Hạ, nơi đây còn lưu giữ được nét đẹp tự nhiên, hoang sơ của vùng đất trù phú, giàu sản vật. Người dân nơi đây vẫn còn giữ được nét quê, mộc mạc của những cánh rừng bạt ngàn. Trên bờ trồng rừng để phát triển sản xuất, dưới những kênh mương, bà con tận dụng để bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi cá đồng.

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh từng chia sẻ, rừng tràm U Minh Hạ vẫn còn vẹn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc, nên nơi đây rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. "Thời gian qua, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn hướng dẫn cho bà con nhân dân cách làm các dịch vụ, du lịch từ lợi ích kinh tế từ rừng mang lại. Đồng thời, hướng dẫn các chủ rừng đầu tư quy hoạch lại hệ thống kênh mương trong khu vực rừng quản lý; đầu tư nuôi cá đồng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm tham quan trong rừng tràm bằng xuồng ba lá; tổ chức các hoạt động câu cá, đánh bắt cá; tham quan trải nghiệm nghề gác kèo ong, lấy mật để thu hút khách du lịch", ông Thịnh cho biết.

Thành quả kiếm được sau một ngày rong ruổi trong rừng cùng anh Hoàng.

Những sản vật như cá, rùa, rắn…, thậm chí, nhiều loài động vật hoang dã vẫn còn tồn tại ở xứ rừng này. Chính sự trù phú, đa dạng về chủng loại ấy đã làm nên một cánh rừng tràm U Minh hạ đậm đà bản sắc thiên nhiên. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Vườn có tống diện tích 8.256ha thuộc địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau). Đây là nơi được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/index.php/san-thu-rung-u-minh-a66833.html