Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 140.200 ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 87,53% diện tích tự nhiên của tỉnh. Sau 15 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã đạt được những thành công vượt bậc trong nông nghiệp với hàng loạt sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, hai sản phẩm nông nghiệp là khóm (dứa) Cầu Đúc và chanh không hạt đang được các doanh nghiệp thu mua để chế biến xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, Nhật. Ở trong nước, ngoài hai sản phẩm trên thì xoài cát Hậu Giang, chả cá thát lát… cũng đã có mặt tại nhiều chợ đầu mối, siêu thị, kênh phân phối. Tỉnh Hậu Giang cũng đang xây dựng thương hiệu giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, gồm: Bưởi Châu Thành, cam sành Ngã Bảy và cá tra.
Gần đây, Hậu Giang đã có những chủ trương, chính sách được coi là đột phá nhằm đưa Hậu Giang bứt lên, phát triển xứng tầm với tiềm năng. Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có việc xác định lại thứ tự ưu tiên: thủy sản, rau quả, lúa gạo… cũng như đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là sự cụ thể hóa những chủ trương, chính sách và quyết tâm đó.
Ngoài mang lại giá trị cao cho nông sản và thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp, việc kết nối, tiêu thụ nông sản còn khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap. Sự gắn kết chặt chẽ này cũng đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, bởi tất cả sản phẩm được phân phối ra thị trường đều dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm chất lượng tốt được đưa tới tay người tiêu dùng đã tạo thành những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững.
Khóm (dứa) Cầu Đúc
Có nguồn gốc từ Thái Lan, khóm Cầu Đúc dần trở thành loại cây đặc sản của Hậu Giang. Thuộc giống Queen, khóm ở xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh này có vị ngọt thanh, ngon nổi tiếng. Vẻ ngoài của khóm cũng đẹp và bắt mắt, quả to đều, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu. Bổ ra thấy thịt khóm màu vàng đậm, ít xơ, ít nước. Đặc biệt, riêng trái khóm có thể để khoảng 10 - 15 ngày vẫn không bị hỏng.
Bưởi Năm Roi Phú Hữu
Bưởi Năm Roi là một loại trái cây đặc sản của người miền Tây nói chung và người dân xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nói riêng. Với hương vị ngon ngọt, bưởi Năm Roi Phú Hữu không chỉ được lòng người dân trong nước mà thực khách nước ngoài cũng rất ưa thích. Chính vì thế, bưởi Năm Roi Phú Hữu không chỉ phân phối tới người dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong các loại trái cây đặc sản Hậu Giang. Những năm gần đây, để kích cầu sản phẩm, nhiều nông dân Phú Hữu đã thay đổi hình dáng trái bưởi Năm Roi với nhiều tạo hình độc đáo như bưởi hình hồ lô, bưởi hình bàn tay phật, bưởi tạo hình các chữ Tài, Lộc, bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam... Đồng thời người dân Hậu Giang còn đăng ký tham gia vào mô hình trồng bưởi theo quy trình VietGap. Việc này đạt cùng lúc hai mục tiêu là tạo ra sản phẩm trái cây sạch và khẳng định được giá trị trái bưởi Năm Roi của vùng đất Hậu Giang. Nhờ vậy mà giá bưởi được bán lên rất cao, xuất khẩu ngày càng nhiều, đời sống người dân trồng bưởi được cải thiện.
Cam sành Ngã Bảy
Thị xã Ngã Bảy hiện là 1 trong 2 địa phương có diện tích trồng cam sành lớn của tỉnh. Để nâng tầm vị thế cho cam sành, thời gian qua đã có nhiều giải pháp được thị xã Ngã Bảy triển khai thực hiện, trong đó có việc xây dựng nhãn hiệu cho cam sành Ngã Bảy. Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy” đã tạo điều kiện thuận lợi để loại trái cây này vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện trong tổng số hơn 4.000 ha đất vườn ở thị xã Ngã Bảy có hơn 2.500 ha đất trồng cam sành, trong đó có 1.800 ha đang cho trái, với sản lượng trung bình mỗi năm hơn 30.000 tấn. Đây là nguồn cung ứng tương đối lớn, vì vậy nếu thị xã Ngã Bảy khai thác tốt các lợi thế, trong đó lợi thế về Nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy”, thì về lâu dài trái cam sành vẫn sẽ là thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của thị xã Ngã Bảy.
Mặc dù tập trung nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, tuy nhiên việc phân phối, tiêu thụ nông sản tại Hậu Giang hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của các chuyên gia, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên bởi một số yếu tố sau:
- Một là, nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh ở địa phương chưa bảo đảm tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm, chứng nhận chất lượng, ATVSTP… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.
- Hai là, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được chú trọng dẫn đến năng lực quản lý, cạnh tranh không đáp ứng được yêu cầu hội nhập hiện nay.
- Ba là, sản xuất theo chuỗi giá trị, theo chuỗi ATVSTP còn nhiều vấn đề bất cập và là tồn tại cơ bản trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh do tỉnh còn có quá ít doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao, chế biến bảo đảm các tiêu chuẩn và có đầu ra ổn định cho nông sản. Bên cạnh đó, nông sản của tỉnh Hậu Giang hiện nay cũng khá tương đồng so với các địa phương khác nên cần có biện pháp hợp tác giữa các địa phương, nếu không có thể dẫn đến cạnh tranh, gây khó lẫn nhau. Ngoài ra còn thiếu những hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm; vai trò chủ thể của nông dân còn hạn chế trong việc tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
- Bốn là, chưa có người đứng ra đại diện gom hàng của các hộ nông dân trong chuỗi liên kết để giao cho siêu thị. Người dân vẫn thích bán theo kiểu truyền thống, không quen với các hợp đồng và phương thức thanh toán của doanh nghiệp.
- Năm là, hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, trong khi vẫn chưa có sự đầu tư đủ lớn để tận dụng mạng lưới sông rạch phục vụ cho giao thông đường thủy.
Để giải quyết những thực trạng trên, trong những năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã có chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Tại huyện Long Mỹ, UBND tỉnh Hậu Giang vừa thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5.200 ha. Mục tiêu của dự án này là hình thành khu trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm có giá trị cao. Hiện Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang hợp tác với đối tác Hàn Quốc triển khai thí điểm canh tác lúa với các chế phẩm sinh học, bước đầu đạt kết quả khả quan.
Bên cạnh Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang còn có nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, với các sản phẩm như cá thát lát cườm, khóm Cầu Đúc, xoài, chanh không hạt, mảng cầu.
Tuy nhiên, tỷ lệ chế biến sâu đối với các loại nông sản này vẫn còn hạn chế nên nhìn chung chưa tối ưu hóa được giá trị kinh tế.
Vào ngày 12/12/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh 2018 với chủ đề phát triển chuỗi giá trị nông sản. Sự kiện có sự tham gia của nhiều lãnh đạo trung ương, địa phương, hàng trăm nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước nằm trong một loạt nỗ lực thu hút các nhà đầu tư đến với Hậu Giang, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng giúp nông dân kết nối doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thông qua “Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Hậu Giang năm 2018”. Tại hội nghị diễn ra lễ ký kết 5 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang với các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài nước. Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang ký bản ghi nhớ cung cấp lúa, cây ăn trái và rau màu cho Công ty Dong Yan (Hàn Quốc); Hợp tác xã Danh Tiến đại diện cho nông dân ký bản ghi nhớ tiêu thụ lúa với Công ty TNHH một thành viên Gạo Miền Tây.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, thông qua hội nghị này, kỳ vọng địa phương sẽ mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, giúp nông dân ổn định được đời sống kinh tế.
UBND tỉnh cũng nhận thấy vẫn còn nhiều thách thức lớn cho Hậu Giang. Nếu được đầu tư đồng bộ về logistics, trong đó đặt trọng tâm vào logistics hướng thủy tận dụng lợi thế sẵn có của vùng sông nước, ngành nông nghiệp Hậu Giang sẽ có được bệ đỡ vững chắc hơn để có thể phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Một điểm cần cải thiện nữa đó là, hiện nay dù Hậu Giang được coi là vựa lúa, vựa thủy sản và trái cây, nhưng công nghiệp chế biến vẫn chưa phát triển tương xứng.
Khi chưa có các doanh nghiệp chế biến sâu đủ mạnh, thì giá trị của nông sản vẫn chưa được tối ưu hóa. Đây là những điều mà chính quyền Hậu Giang đã nhận thấy và đang quyết tâm cải thiện trong thời gian tới.
Nguồn: VITIC