Bà cố nội tôi là người Quảng Ngãi. Bà vào Nam tính đến lúc bấy giờ đã hơn 50 năm, nhưng vẫn giữ giọng Quảng rặt, không lai được.
Bà kể, ngày bà độ tuổi trăng tròn, đang chơi với đám bạn ở đầu làng thì được người nhà gọi về; biểu bà sửa soạn, ăn mặc gọn gàng cho người ta “coi méc” (coi mắt). Lúc đó bà còn chưa biết coi mắt là ra làm sao. Bà còn nhanh miệng cãi mắt bà có chi đâu mà coi.
Sau bà về làm vợ nhỏ của ông, sinh được 2 con trai. Con trai đầu của bà không chịu nổi cảnh khó khăn, mẹ lớn (vợ lớn của ông) lại la rầy nên bỏ nhà đi vào Nam. Mãi đến nhiều năm sau bà vào tìm con, gặp được con rồi bà ở luôn không về quê nữa.
Bà tôi rất siêng năng. Tờ mờ sáng, khi tôi còn đang ngái ngủ là đã nghe tiếng chổi quét sân sột soạt của bà. Sân đất cát mà bà quét sạch bong. Xung quanh nhà là những cây me già to tướng, lá rụng khắp nơi. Bà quét, dồn lại thành đống. Xong bà lấy cái sàng sàng cho cát rớt xuống, phần lá me bà đem đổ xuống hố rác rồi đốt đi.
Bà tôi siêu lắm, rửa chén không cần nước rửa chén như bây giờ mà cái nào cũng sạch bóng. Mấy cái nồi nấu than không cái nào bám lọ nghẹ được với bà. Bí quyết là bà dùng nước vo gạo hoặc có khi là “cát lồi” - loại cát này như một loại vôi sống, có nhiều trong núi, khu vực quê tôi ở. Tôi nhớ có lần tôi giành rửa chén, nhưng bà chê tôi rửa không sạch, rồi bà tự làm. Hình như với bà, cái gì chính tay bà làm thì mới sạch, mới vừa ý bà; còn ai làm bà cũng không ưng ý.
Như thói quen, cứ hễ 6g chiều trở đi là bà sẽ không ăn thêm gì nữa. Ai cho bánh, kẹo, trái cây bà cũng nhét vào đầu hoặc cuối chiếc giường tre bà nằm. Có khi táo, lê bà để quên 2, 3 ngày sau, giở ra hư hết. Mấy cây me xung quanh nhà, tới mùa trái chín, chú tôi leo lên rung cây cho trái rớt xuống. Bà nhặt trái, lột vỏ rồi tách phần nhân và hột me ra. Phần nhân bà mang ra chợ bán, kiếm ít đồng. Phần hột me, bà đem ngâm với nước tro, mấy ngày sau thì mềm. Rồi bà ngồi cạo lớp vỏ đen, bỏ qua thau nước mới, tiếp tục ngâm; xong bà lại tách đôi phần trắng bên trong để lấy phần tim ra, để lúc ăn không bị đắng.
Hồi đó nấu bằng than củi nên để hầm cho nhừ phần hạt me mất rất nhiều thời gian. Đến khi hột me mềm bà mới cho đường tán vào. Đợi đường tan và sôi lên là nhấc xuống. Món chè bà nấu nguyên liệu chỉ có đường và hạt me, nhưng rất ngon. Hạt me mềm, bùi bùi, dẻo dẻo vị đặc trưng hòa với mùi thơm của đường mía; ăn khi còn nóng rất ngon, còn khi nguội thì hạt me sẽ cứng lại một chút, nhưng vẫn ngon.
Vì món chè hột me làm quá kỳ công nên sau này tôi không thấy bà làm nữa. Bà lúc đó lưng cũng đã còng nhiều, do di chứng sau lần bị té. Ngày đó, bà hằng ngày đi bộ, gánh theo đôi gánh vào tận trong núi mót than vụn. Một lần bà gánh than về, bị té nặng, phải ở nhà điều trị. Từ đó, nhà không ai để bà đi mót than nữa. Về sau, lưng bà gù nhiều hơn, người bà nhỏ thó trong chiếc áo bà ba nhăn nhúm. 2 túi áo lúc nào cũng ghim băng chắc chắn. Bà đựng những gì trong túi, đố ai biết được. Bà vẫn ngày ngày dậy sớm quét rác quanh sân nhà.
Ai cũng nói bà tôi keo kiệt, kiểu người ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Nhưng tôi biết bà tôi chăm làm, chắt mót từng đồng để con cháu đau ốm nhờ cậy là bà không tiếc thứ chi. Em tôi 1, 2 tuổi, vì má tôi bệnh nên không có sữa, nhà nghèo, nên nấu ít đậu xanh với đường cho em ăn. Hết tiền, tôi chạy qua xin bà, bà không chần chừ mà vào buồng, giở chiếc chiếu lên. Cục tiền bà gói kỹ trong túi vải, bà đưa cho tôi mấy tờ, đủ về mua đường, đậu nấu cho em.
Bà mất lâu rồi, mấy cây me quanh sân nhà giờ cũng bị chặt hết. Nhưng trong tâm trí tôi, mỗi khi nhớ về quê nhà, lúc nào cũng có bóng dáng bà ở đó. Nhớ những câu la rầy rặt tiếng Quảng mà bà hay nói mỗi khi chị em tôi nghịch phá; nhớ tiếng quét sân vào mỗi sáng sớm của bà và nhớ nhất là món chè hột me bà nấu. Chiều nay, ngồi ăn chén chè, con nhớ bà lắm bà ơi!
Phan Thanh Hiền
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/cach-nau-che-hot-me-a36671.html