Du khách làm đẹp, chăm sóc da liễu tại Bệnh viện Trung ương Huế
Háo hức “gặp” Huế
Sau nhiều lần trì hoãn thì cuối cùng nhóm bạn thời đại học của tôi cũng “chốt” Huế là điểm gặp nhau trong mùa hè 2023. Từ miền Đông Nam bộ, cô bạn ở TP. Đồng Xoài gửi dòng tin: “Lên lịch check-in suối khoáng nóng Thanh Tân hỉ. Nghe nói nguồn nước được dẫn về từ Trường Sơn luôn á. Đến đây, người lớn tụi mình thì được thải độc, lại được trẻ hóa với các hoạt động chăm sóc tâm - thân, còn bọn trẻ thì tha hồ mà mạo hiểm, thử sức với trò chơi đu dây, đi thăng bằng trên dây…”.
Ở tận Bình Phước nhưng bạn lại như thể rành Huế lắm, bạn nhắn: “Cái lưng cứ trở trời là đau lắm luôn đây. Chuyến ni ra Huế phải tính ở lại lâu lâu, tranh thủ vừa rong chơi, nghỉ ngơi, vừa tìm cách khắc chế những cơn đau lưng từ cả Tây lẫn Đông y của Huế”. Hóa ra, từ nơi xa bạn không chỉ nhắm những điểm ăn chơi “lên rừng về phá” của Huế, mà còn có vẻ rất thích thú với các dịch vụ “2 trong 1” mà Cố đô đang hướng đến: du lịch tham quan kết hợp khám, chữa bệnh.
Không chỉ nhóm bạn, mà ngay đến anh chị em của tôi ở vùng trung du Nghệ An cũng “chấm” Huế để tụ họp gia đình trong kỳ nghỉ hè 2023 của bọn trẻ. Mấy chị em thì “chọn Huế cho gần, người Huế hiền nữa, đi mô cũng không lo”, còn cánh đàn ông lại nhắm đến Huế “đổi gió”, tìm đến các thầy thuốc Đông y Huế bắt mạch, chẩn trị và “đánh thức các giác quan” bằng những bài thuốc bổ dưỡng, tăng cường sinh lực một thời của vị vua Minh Mạng.
Thừa Thiên Huế gần như ôm trọn những lợi thế tài nguyên để phát triển du lịch, với đa dạng sinh thái, thiên nhiên hoang sơ, môi trường trong lành và nhiều bãi biển đẹp. Là Kinh đô của triều Nguyễn, Huế có Thái y viện, cơ quan y tế cấp Trung ương hình thành từ thời vua Gia Long và hoàn chỉnh dưới thời vua Minh Mạng. Về Tây y, có Bệnh viện Trung ương Huế là Bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập theo sắc lệnh của vua Thành Thái (1894). Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thuộc hạng đặc biệt và là một trong ba bệnh viện đa khoa trung ương lớn nhất nước, luôn tiên phong trong nhiều lĩnh vực với vai trò là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung. Đây là lợi thế để Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh - du lịch chăm sóc sức khỏe.
Kết nối để đi xa
Trong định hướng hướng đến là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xác định rõ mục tiêu xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cao về y học, ngang tầm các trung tâm y tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến và thúc đẩy y tế trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Trong lộ trình đó, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền. Đồng thời, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh và nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền Huế, đặc biệt là của Thái Y viện triều Nguyễn. Qua đó, hình thành Trung tâm Đào tạo về y học cổ truyền và điểm tham quan du lịch, quảng bá y học cổ truyền Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Với cơ sở của Bệnh viện Y học cổ truyền hiện nay - Bệnh viện chuyên khoa hạng II, Sở Y tế đang huy động các nguồn lực để đầu tư trang, thiết bị và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, tiến đến xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế như định hướng.
Tại diễn đàn du lịch 2022 vừa được tổ chức tháng 11/2022, 2 “Nhà nước” của Thừa Thiên Huế là Sở Du lịch và Sở Y tế đã ký kết hợp tác giữa hai ngành và với một số hội lữ hành, doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đây có thể được xem là một trang mới của Thừa Thiên Huế khi nỗ lực chuyển những tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành sản phẩm kinh tế cụ thể.
“Sở Y tế sẽ là đầu mối giúp chúng tôi kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với những cơ sở y tế cụ thể. Chúng tôi hy vọng sự kết nối này sẽ tạo thêm cho Thừa Thiên Huế một loại hình du lịch tiềm năng, bổ trợ cho du lịch tham quan di sản, du lịch cộng đồng, giữ khách ở lại Huế lâu hơn, trải nghiệm những dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và chi tiêu nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch bày tỏ.
Bài, ảnh: Đồng Văn
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/di-xa-a36714.html