Cây măng tây có nguồn gốc từ các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ireland, Anh, Đức; được nhập vào trồng ở Việt Nam đã rất lâu ở các vùng Đông Anh (Hà Nội), Kiến An (Hải Phòng) hay Đức Trọng (Lâm Đồng).
Vì cây có chịu hạn khá tốt nên với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, măng tây sinh trưởng tốt và dần trở nên phổ biến. Song, hiện nay vẫn còn không ít người tiêu dùng không biết về sự tồn tại của loại rau dinh dưỡng này.
Hình ảnh măng tây
Măng tây có thân dày, xốp, có màu nâu sáng và đường kính khoảng 5-6mm. Thân cây mọc ngầm trong đất, mang nhiều rễ dài nên thường được gọi là thân rễ. Phần thân vươn lên trên mặt đất sẽ có lá hình kim. Măng tây cũng có hoa, nhưng hoa rất nhỏ chỉ dài dài khoảng 6mm, có màu lục, hình chuông và mọc thành từng nhóm 4-6 hoa ở nách lá. Quả măng tây có hình cầu, dày và màu đỏ đặc trưng.
Măng tây có thể được phân loại theo 3 màu sắc phổ biến: Măng tây trắng, măng tây tím và măng tây xanh. Trong đó, loại cây màu tím chứa nhiều chất anthocyanins và photochemical, giúp mang lại màu tím độc đáo. Còn măng tây xanh khi được trồng ở khu vực hạn chế ánh sáng và không thể hấp thụ đủ chất diệp lục sẽ tạo ra loại măng tây trắng.
Măng tây phân loại theo 3 màu sắc phổ biến: Măng tây trắng, măng tây tím và măng tây xanh
1. Thời vụ trồng măng tây
Trong năm có thể trồng măng tây vào 2 thời vụ:
- Gieo hạt giống từ tháng 8 đến đầu tháng 9 và đem ra trồng từ tháng 2 đến tháng 3.
- Gieo hạt cuối tháng 2 đến tháng 4 và đem trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
2. Điều kiện nhiệt độ
Măng tây được trồng và sinh trưởng tốt nhất ở vùng nhiệt độ từ 15-30 độ C, lý tưởng nhất là khoảng 25 độ C. Tuy nhiên, do sự tiến bộ trong việc chọn giống mà hiện nay, có những giống măng tây được trồng trong vùng có nhiệt độ trung bình năm cao và vẫn sinh trưởng, phát triển rất tốt.
3. Đất trồng măng tây
Dù có cách trồng măng tây nào, tốt nhất nên chọn loại đất:
- Đất phù sa, đất đỏ, đất xám, thịt nhẹ có cát pha
- Đất có độ tơi xốp cao, nhiều mùn và giàu chất hữu cơ.
- Đất cần có độ thoát nước tốt, có tầng canh tác dày từ 30-40cm.
- Độ ẩm trung bình từ 65-70%.
- Độ pH từ 6.6-7.0.
- Đất không bị phèn chua, không ngập úng trong mùa mưa và được tưới nước đầy đủ vào mùa nắng.
- Trước khi trồng, đất cần được cày bừa kỹ, phơi ải, nhặt cỏ dại sạch, xử lý nấm bệnh, tuyến trùng và phải san bằng đất.
- Lên liếp trồng rộng 10-120cm và cao 20-15cm.
1. Cách trồng măng tây bằng cây
Làm đất trồng
Đất trồng phải được làm thật kỹ trước khi tiến hành trồng măng tây khoảng 2 tháng. Và làm đất theo quy trình cách 15 ngày/lần.
- Lần 1: Cày đất sâu khoảng 40-50 cm, dọn sạch cỏ rác, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh cỏ mọc và tiếp tục cày xới đất.
- Lần 2: Sau lần 1 là 15 ngày. Tiến hành rải vôi khắp mặt ruộng và cày xới để vôi được trộn đều vào đất. Tiếp tục phơi nắng để tiêu diệt mầm bệnh, nấm có trong đất.
- Lần 3: Bón lót lần 1 các loại phân chuồng ủ hoai, rơm rạ, tro trấu hay mùn mục, phân trùn quế và phân hữu cơ tổng hợp để tăng cường dưỡng chất cho đất.
- Lần 4: Là trước ngày trồng cây 15 ngày. Tiếp tục cày xới cho đất tơi xốp, dọn cỏ, sản phẩm, làm rãnh và lên luống cho đất trồng.
- Lần 5: Bón lót lần 2 và tiến hành xới đất cho đều, lên luống đất trồng.
Khi làm đất, cần làm rãnh thoát nước với độ rộng và sâu khoảng 20-30 cm; luống lên cao 20-30 cm, rộng 1m bởi cây không chịu được ngập úng.
Trồng cây
- Hố trồng cây được đào với chiều rộng và sâu khoảng 20-30 cm, hố cách hố 40-50 cm và hàng cách hàng 1-1.5 m.
- Nhấc nhẹ bầu cây, rạch bỏ túi nilon rồi vùi xuống hố đất, lấp kín, đôn chặt gốc.
- Phủ lên quanh gốc một lớp đất, tro đấu mùn hoặc phân chuồng ủ hoai để bảo vệ và giữ cây măng đứng thẳng. Và cần lưu ý là nên trồng cây vào buổi chiều mát.
2. Cách trồng măng tây bằng gốc (rễ)
Chọn gốc (rễ)
- Bộ rễ măng tây phải là loại ít nhất trên 2 năm tuổi để đảm bảo độ khỏe và khả năng sinh sống sau khi gieo trồng. Một nhánh măng tây phải đảm bảo có từ 15-20 rễ phụ và dài từ 15-20cm. Rễ cây khỏe mạnh, không bị nhiễm nấm bệnh hoặc mốc.
- Đất trồng là các loại đất phù sa màu mỡ, đất thịt pha cát, đất tơi xốp… với độ nghiêng dốc không quá 10%, đảm bảo thoát nước tốt. Trước khi trồng, đất cần được cày bừa kỹ lưỡng, làm sạch lại cỏ dại và sâu bệnh; bổ sung thêm phân hữu cơ, đạm, trùn quế… và tro, trấu để giúp đất tơi xốp hơn, đồng thời cải thiện độ màu mỡ.
- Tạo luống rãnh để trồng măng tây với khoảng cách theo đúng kỹ thuật thông thường 100-120cm, khoảng cách giữa các khóm măng là 50-60cm.
Trồng cây
Sau khi xử lý đất trồng và tạo luống rãnh trồng măng tây bạn có thể lựa chọn thời điểm chiều mát để trồng rễ măng tây.
- Bước 1: Ngâm bộ rễ măng tây vào nước khoảng vài tiếng để rễ măng ngậm đủ nước, không bị khô héo khi trồng.
- Bước 2: Tạo các mô đất để trồng rễ măng tây bằng cách đào giữa các luống sâu 20cm. Sau đó cách 50-60cm vun một mô đất tròn cao chừng 10-15cm để áp bộ rễ măng tây lên trên.
- Bước 3: Khi rễ măng tây đã ngậm đủ nước bạn bắt đầu tác từng rễ cây ra và áp sang 2 bên hoặc theo vòng chụp như chiếc nón lên mô đất sao cho cụm nhánh ở chính giữa và lấp đất lên.
Lưu ý: Đất lấp không quá dày và không được lèn chặt đất khiến măng tây chậm phát triển, đảm bảo luống măng tây sau khi vun trồng có chiều cao từ 10-20cm so với rãnh thoát nước. Quá trình tách và xếp rễ làm khéo léo theo đúng chiều của bộ rễ và không làm đứt gãy rễ nhánh.
- Bước 4: Sau khi lấp đất tiến hành tưới ẩm cho măng tây bằng công nghệ phun sương để mặt đất có độ ẩm mà lại không quá sũng hay đọng nước.
Ngoài ra, sau khi bộ rễ bắt đầu lên cây cao chừng 20-30cm bạn có thể bắt đầu vun thêm đất vào gốc măng để đảm bảo độ cao cho luống và giữ măng được tốt hơn.
3. Trồng bằng hạt
Ngâm hạt
Trước khi tiến hành ngâm ủ hạt giống măng tây, cần mang ra phơi nắng chiều từ 2-3 giờ cho hạt khô để tăng cường khả năng hút nước trước khi ngâm hạt, bởi hạt giống măng tây lớn và có vỏ khá dày. Sau khi ngâm, xả nước lạnh và chà xát hạt cho sạch bụi bẩn, loại bỏ hạt lép.
Hạt giống măng tây được ngâm 15-20 giờ trong nước ấm nhiệt độ khoảng 40-45 độ C. Liên tục cứ 4 tiếng thay nước một lần. Cuối cùng vớt ra và sửa sạch lại.
Ủ hạt
Ủ hạt là hoạt động tiếp theo đối với hạt giống đã ngâm. Đồi với người canh tác lớn và trồng tại nhà thì sẽ có những cách ủ hạt khác nhau.
- Nếu ủ hạt số lượng lớn thì cần dùng một tấm lưới tối màu và cách ủ như sau:
+ Bắt đầu rải lên mặt nền hay mặt đất ở chỗ kín một lớp tro hoặc mùn dày 1-1.5 cm.
+ Trải lót tấm lưới đã chuẩn bị lên trên rồi lại tiếp tục rải lên đó một lớp tro tương tự như thế.
+ Hạt giống được rắc lên lớp tro này và bên trên lớp hạt sẽ lại được phủ một lớp tro trấu dày tầm 1cm.
+ Trên cùng sẽ phủ thêm một tấm lưới và tưới đều đặn 2 lần/ngày vào sáng và tối.
- Nếu ủ hạt tại nhà với số lượng ít thì chỉ cần đem hạt ủ trong tấm khăn tối màu, có nhiệt độ 30-40 độ C trong khoảng 1 tuần.
+ Khăn sau đó được đặt vào khay nhựa và để vào nơi kín gió, khuất sáng. Cứ 12 giờ sẽ phun nước ấm 1 lần.
+ Trong 9-12 ngày ủ, hạt giống sẽ nứt nanh, kiểm tra lại rồi lấy ra chuẩn bị ươm bầu đất.
Làm đất
Cần phải sử dụng loại đất sạch, không cỏ rác sâu bệnh, tơi xốp và nhiều dưỡng chất để ươm hạt. Trước ngày ươm hạt 10 ngày cần tiến hành bón vôi để diệt sâu bệnh trong đất.
Đồng thời, các bầu đất cũng cần được bổ sung phân xanh, mùn mục, tro trấu hay các loại phân chuồng ủ hoai, phân ure, cày xới kỹ và phơi nắng để diệt mầm bệnh trong đất.
Ươm hạt
Đây là công đoạn quan trọng nhất khi trồng măng tây và thời gian ươm hạt giống có thể mất từ 2-3 tháng. Khi ươm nên ươm trong bầu đất để tránh bị sâu bệnh, côn trùng phá hoạt thay vì ươm trên ruộng, sử dụng túi nilon tự phân hủy.
Quá trình tiến hành ươm hạt giống như sau:
- Cho đất vào bầu ươm, phun ít nước để tạo độ ẩm.
- Dùng ngón tay ấn xuống bầu để tạo một lỗ sâu khoảng 1-2 cm.
- Đặt hạt giống măng tây sau khi ủ nứt nanh xuống lỗ rồi lấp nhẹ bằng một lớp tro trấu mục hoặc đất tơi bên trên.
- Tưới phun nhẹ trên toàn bộ bầu ươm.
- Đục lỗ ở đáy bầu giúp thoát nước, đặt bầu ươm ở nơi có ánh sáng để kích thích hạt nảy mầm.
Tưới nước
Vào mùa nắng, nên tưới 2-3 lần, nhưng tránh tưới nước cho măng tây sau 17h để không làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú, kết hợp phủ rơm rạ, tro trấu hoặc xơ dừa để giữ ẩm.
Vào mùa mưa, làm rãnh thoát nước, thường xuyên kiểm tra để măng không bị ngập úng gây thối rễ, chết gốc.
Phân bón
Cây măng tây sau khi trồng được 15-20 ngày thì sẽ được bón thúc lần một bằng phức hợp NPK 15-15-15 pha với nước tưới vào gốc cây và sau đó vun đất ở gốc.
Định kỳ cứ cách 10-15 ngày tiếp tục bón thúc phân NPK 16-16-8 kết hợp với các loại phân bón vi sinh cho đến thời điểm cách thu hoạch tầm nửa tháng.
Nhiệt độ
Măng tây ưa khí hậu mát mẻ, ưa nước nhưng lại không chịu được rét và ngập úng, trong điều kiện thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây.
Nhiệt độ thích hợp nhất là khoảng 25-30 độ C. Đồng thời, cần để cho cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì đây là loại cây ưa sáng, nếu không, cây sẽ sinh trưởng chậm và cho năng suất kém.
Sâu bệnh
Nếu được trồng trong điều kiện hợp lý về khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm cũng như chăm bón thì măng tây ít gặp phải các vấn đề về sâu bệnh hại. Ngược lại, cây có thể bị mắc các loại sâu bệnh hại như:
- Sâu đất, sâu xanh, các loại côn trùng gây hại: Cần làm đất kỹ, vun xới và lên luống cao, đảm bảo độ ẩm của đất, làm sạch cỏ và cắt tỉa cành lá già.
- Các loại rầy rệp, bọ trĩ nhiều vào mùa khô nóng: Chú ý tưới nước, làm đất thông thoáng cho cây.
- Các bệnh nấm, virus gây hại khiến măng tây bị thối gốc rễ, cây bị khô héo, bệnh sương mai: Trong trường hợp này cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Kasai, Kasumin, Carban, Carbenzim, Daconil, Triscophos, Validan,…
Trường hợp cây bị nấm tấn công khiến rễ bị thối, chết gốc thì cần phun thuốc Wofatox hoặc Dipterex 0,1%.
Chu trình chăm sóc qua các tháng
Dù có cách trồng măng tây như thế nào thì qua các tháng vẫn nên có chế độ chăm sóc như sau:
- 1 tháng: Lúc này, cây măng tây mọc cao nên cần cắm cọc có chiều cao từ 1-1.5 m ở hai đầu luống, dùng cây cước giăng thành một hàng đôi kẹp lỏng giữa thân cây vào giữa đôi dây để giữ cây không bị nghiêng đổ.
Đồng thời, tăng thêm phân bón NPK 16-16-8, phân lân, vôi pha với nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển cũng như phòng trừ bệnh hại cho cây.
- 2 tháng: Khi cây đã mọc thêm nhiều thân mới thì cần tỉa những cây nhỏ, còi cọc, cây bị sâu bệnh và để lại mỗi bụi từ 3-4 cây mẹ.
- 3 tháng: Tăng cường giăng thêm hàng dây tùy theo độ cao lớn của cây. Vun đất cao ở gốc cây để bảo vệ bộ rễ, lên luống cao so với mặt đất 60-80 cm.
Tỉa bỏ cây già, còi cọc và cắt bỏ lá ở sát gốc. Bổ sung phân chuồng ủ hoai, tro trấu, mùn, phân trùn quế, phân phức hợp NPK 16-16-16-9+TE và Better HG01 để kích thích cây phát triển.
- 4-5 tháng: Tỉa bỏ cây già, cây nhỏ, cành lá rậm, làm sạch cỏ và vun xới ở phần gốc, chỉ giữ lại 4-6 cây mẹ khỏe. Bón thúc bằng phân NPK 16-12-8-11+TE vào gốc cây măng tây để kích thích cây mọc nhiều cây con mới.
- 6-9 tháng: Ở thời gian này, tiến hành cắt ngọn cho các cây mẹ, chỉ để lại mỗi bụi có chiều cao 1-1.2 m để tập trung trổ măng con. Vun xới gốc cây, kết hợp tăng cường bón thúc phân chuồng, phân NPK loại 15-15-15 để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây mẹ đẻ nhiều măng non.
Cắt tỉa và làm cỏ
Trong quá trình trồng măng tây, cần chú ý làm cỏ thường xuyên. Kiểm tra và tiến hành cắt tỉa những cây già, cây nhỏ còi cọc, cây quá cao và cành lá rậm rạp ở phần gốc để tạo độ thông thoáng.
Thu hoạch
Sau khi trồng từ 6-9 tháng thì cây măng tây sẽ cho thu hoạch măng tơ, khi các cây măng con cao từ 20-30 cm. Chỉ cần dùng tay nắm chặt sát gốc chồi măng, nghiêng cây rồi xoay nhẹ thì chồi măng sẽ dễ dàng bị tách ra.
Nên thu hoạch măng vào buổi sớm từ 4h-9h sáng. Sau khi thu hoạch xong, măng tây cần được đem vào nơi thoáng mát để tránh tiếp xúc với ánh nắng.
Và cho phép thu hoạch liên tục trong 15 ngày đầu, sau đó thì tạm ngưng 15 ngày để bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây rồi mới tiếp tục thu hoạch tiếp. Cứ 15 ngày thu hoạch sẽ có 15 ngày ngưng để chăm sóc cây. Sau 3 tháng thì ngưng hẳn, tiến hành đổi cây mẹ bằng cách tỉa bỏ cây già, mỗi bụi chỉ giữ lại 3-4 cây mẹ.
Trong 1-3 năm đầu, sản lượng thu hoạch măng tây còn thấp nhưng từ năm thứ 4 thì cho năng suất thu hoạch cao và chất lượng hơn nhiều. Nếu biết cách chăm bón thì măng tây có thể cho thu hoạch suốt 20-30 năm.
Theo chuyên gia, măng tây là loại rau có chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Theo đó, cây có một số công dụng như:
- Tốt cho tim mạch: Măng tây chứa nhiều kali giúp điều hòa huyết áp, các folate giúp tim khỏe mạnh, chất xơ giúp điều hòa lượng cholesterol trong máu.
- Tốt cho đường ruột: Một loại carbohydrate có tên là inulin có trong măng tây là thành phần quan trọng tạo điều kiện cho hệ thống ruột hoàn thành tốt chức năng, giúp cho sự tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi cho đường ruột lactobacilli và Bifidobacteria. Đồng thời có tác dụng nhuận tràng khi măng tây chứa nhiều chất xơ.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Đây chính là nguồn chất xơ và protein dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Tốt cho hệ hô hấp: Rễ của măng tây giúp chữa ho, đau họng.
- Chống viêm: Loại cây này có đặc tính chống viêm, bảo vệ cơ thể tránh nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, măng tây cũng có khả năng chữa bệnh viêm bàng quang, ngừa sỏi thận, sỏi mật…
Măng tây là loại rau có chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe
- Ngăn ngừa lão hóa: Chất chống oxy hóa - glutathione có trong măng tây giúp bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời.
- Ngăn ngừa loãng xương: Sử dụng măng tây sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin K, giúp cho quá trình đông máu nhanh hơn và tăng cường sức khỏe của xương.
- Ngăn ngừa ung thư: Trong măng tây có chứa chất glutathione - một chất chống oxy hóa, nó có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư.
- Làm đẹp: Măng tây có khả năng giúp làm giảm cân, làm đẹp da khi chứa ít calo, nhiều loại vitamin và chất kháng oxy hóa.
Khác với những loại măng thông thường khác, măng tây được xem là loại rau hoàng đế. Không chỉ bởi cây có nhiều dinh dưỡng, tác dụng rất tốt đối với sức khỏe mà măng tây còn có hương vị thơm ngon, chế biến nên được nhiều món ăn hấp dẫn. Ví dụ như măng tây xào tỏi, măng tây xào thịt bò, măng tây xào tôm, măng tây xào nấm, cá hồi măng tây, măng tây cuộn thịt xông khói, nem măng tây rán hay món súp măng cua vô cùng hấp dẫn...
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/cach-trong-mang-tay-a36876.html