Thông tin được Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ trong buổi Tư vấn trực tuyến "Tiêm vaccine phòng 6 bệnh nguy hiểm - Món quà sức khỏe mừng con chào đời trọn vẹn".
Thưa bác sĩ, đâu là những căn bệnh nguy hiểm đối với nhóm trẻ từ 0 - 2 tuổi?
- Trẻ nhỏ sau khi ra đời, miễn dịch được truyền từ mẹ chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Trong khi đó, môi trường xung quanh lại tồn tại nhiều tác nhân gây bệnh. Các căn bệnh nguy hiểm ở độ tuổi này phải kể đến như lao, viêm gan siêu vi B, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Hib; các căn bệnh chưa có vaccine như tay chân miệng, hay các bệnh như bệnh sởi, thủy đậu chỉ có thể tiêm vaccine khi trẻ lớn hơn.
Vì trẻ càng nhỏ càng dễ mắc bệnh và dễ có biến chứng , nên việc phòng ngừa những căn bệnh này vô cùng quan trọng.
Xin bác sĩ cho biết thêm thông tin về vaccine 6 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - viêm gan B - bệnh do vi khuẩn Hib?
- Vaccine chính là một "món quà" ý nghĩa của khoa học giúp bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của các bệnh truyền nhiễm. Khi mới chào đời, phần lớn trẻ sẽ được tiêm mũi phòng bệnh lao BCG, viêm gan B và sau đó là đến các mũi vaccine 6 trong 1. Tiêm vaccine 6 trong 1 đủ liều và đúng lịch đóng vai trò rất quan trọng.
Lịch tiêm vaccine 6 trong 1 gồm 4 mũi, trong đó có 3 mũi cơ bản với mũi đầu tiên cần được tiêm lúc trẻ 1,5 - 2 tháng, sau đó có thể triển khai theo phác đồ các mũi cách nhau 1- 2 tháng (cố gắng hoàn thành 3 mũi này trong 6 tháng đầu) và 1 mũi tiêm nhắc khi trẻ đủ 15-18 tháng. Hoàn thành đủ liều và đúng lịch vắc-xin 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời sẽ giúp bảo vệ trẻ an toàn và hiệu quả khỏi các tác nhân gây bệnh.
Ngay từ giai đoạn thai kỳ, người mẹ nên chủ động tìm hiểu và lựa chọn loại vaccine để phòng ngừa cho cả mẹ và con, trong số đó có vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Nếu vaccine 5 trong 1 đa phần là trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thì vaccine 6 trong 1 thuộc tiêm chủng dịch vụ nên có lịch tiêm linh hoạt hơn. Tất cả các loại vaccine 6 trong 1 trên thị trường đều an toàn và có thể tiêm chủng cho trẻ. Riêng đối với vaccine 6 trong 1, hiện có dạng pha sẵn và dạng cần phải hoàn nguyên (hòa tan bột Hib với dung môi). Dạng pha sẵn có thể giúp rút ngắn thời gian tiêm do giảm được thời gian chuẩn bị. . Phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại vắc-xin phù hợp nhất cho con.
Nếu trễ tiêm vắc-xin thì việc tiêm bù có làm giảm tác dụng của các mũi tiêm không và nếu trễ nhiều mũi thì cần ưu tiên mũi nào?
- "Tiêm sớm ngừa sớm, tiêm trễ ngừa trễ và trễ còn hơn không" là ba điều quan trọng cần ghi nhớ. Việc tiêm trễ không làm mất tác dụng phòng bệnh của mũi trước đó. Tuy nhiên, khoảng cách của vaccine không có tối đa, chỉ có tối thiểu. Và nếu không may, giữa khoảng cách trễ lịch đó, trẻ có thể nhiễm bệnh. Đây mới là điều nguy hiểm. Như vậy, chỉ có thể nói, nếu trễ lịch tiêm, bố mẹ hãy cố gắng đưa con đi tiêm bù sớm nhất có thể.
Hầu hết các điểm tiêm chủng hiện nay đều đã lên kế hoạch tư vấn cho phụ huynh bao gồm tiêm những mũi nào, mũi quan trọng nhất là gì và thời gian tiêm các mũi đó ra sao. Do đó, ngay khi có cơ hội bù lại cho trẻ, phụ huynh nên có kế hoạch đưa con đi tiêm sớm nhất tất cả các vaccine đáng lẽ con phải được tiêm trong thời gian giãn cách, để tránh mầm bệnh tấn công
Phụ huynh cần phải lưu ý gì về phản ứng thường gặp sau tiêm của trẻ và cách xử trí gì?
- Sau khi tiêm vaccine, ba phản ứng thường thấy nhất ở trẻ nhỏ sẽ là sốt, quấy khóc và đau nhức vị trí tiêm. Các mẹ không nên vì quá lo lắng trước các phản ứng sau tiêm mà bỏ lỡ các mũi tiêm phòng quan trọng cho trẻ.
Trước tiên, bố mẹ nên xem vết tiêm có tấy đỏ hay không. Trong trường hợp chỗ tiêm không đỏ nhưng con vẫn khóc không chịu bú thì có thể kiểm tra bằng cách chạm tay vào vết tiêm để quan sát phản ứng của trẻ. Khi trẻ liên tục khóc vì đau nhức, hãy chườm mát cho con và dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần.
Với trường hợp trẻ nóng sốt, phụ huynh có thể sử dụng paracetamol nhưng cần tuân thủ liều lượng hợp lý. Sau 6, 12 và 24 tiếng chăm sóc, trẻ sẽ dần ổn định và sinh hoạt bình thường trở lại.
Ngoài ra, mẹ nên chia thành nhiều cữ bú để bổ sung đủ nước và năng lượng cho trẻ. Sau cùng, trong bất cứ trường hợp nào, nếu con bỏ cữ hoặc sức ăn chỉ còn 1/3 bình thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán bệnh và chữa trị kịp thời. Điều quan trọng nhất là, các mẹ không nên vì quá lo lắng về các phản ứng sau tiêm mà bỏ lỡ các mũi tiêm phòng quan trọng cho trẻ.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/bac-si-tiem-phong-a37335.html