BVK - Sau khi chẩn đoán mắc ung thư vòm họng, cần xác định giai đoạn bệnh (vùng ảnh hưởng và mức độ lan rộng của khối u) bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: chụp cắt lớp vi tính (CT scan), cộng hưởng từ (MRI), PET-CT…; từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, cũng như đánh giá được tiên lượng sống của người bệnh.
Ung thư vòm họng giai đoạn 4 có tiên lượng xấu, việc điều trị khó khăn bởi các tế bào ung thư ác tính đã di căn đến các cơ quan khác và phá hủy hạch bạch huyết. Các triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn cuối thường nghiêm trọng khiến việc điều trị khó khăn, cần phối hợp nhiều phương pháp để gia tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân.
Hiện nay, hiệu quả của điều trị ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng đã có nhiều thay đổi, thời gian sống còn và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đã được cải thiện đáng kể.
Ung thư vòm họng giai đoạn 4 được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn là IVA và IVB.
Tế bào ung thư có kích thước lớn hơn 6cm di căn đến các hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên;
Hoặc tế bào ung thư di căn đến các hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên, đồng thời những hạch này nằm ở vùng thấp của cổ);
Hoặc tế bào ung thư vòm họng phát triển lớn xâm lấn vào hộp sọ, chèn ép dây thần kinh sọ, hạ họng, tuyến nước bọt chính, xương ổ mắt hoặc mô mềm của hàm. [1]
Đây là giai đoạn ung thư vòm họng đã lây lan, di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Dựa trên số liệu của cơ quan Giám sát, dịch tễ học và kết cục, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) đã chia ung thư vòm họng thành 3 nhóm:
Tại chỗ: Không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ung thư đã lây lan ra ngoài vùng vòm họng.
Tại vùng: Các tế bào ung thư đã lan ra ngoài vòm họng đến các cấu trúc và hạch bạch huyết lân cận.
Di căn xa: Các tế bào ung thư vòm họng đã lây lan đến các bộ phận xa của cơ thể điển hình như, xương, gan hoặc phổi. [2]
Triệu chứng, dấu hiệu của ung thư vòm họng giai đoạn 4
Đau đầu: Các cơn đau đầu, đau nửa đầu nghiêm trọng xuất hiện thường xuyên do khối u đã phát triển lớn. Các cơn đau có thể xuất hiện đột ngột theo từng cơn và không thuyên giảm khi điều trị với thuốc giảm đau.
Khó nói và hạn chế ăn uống: Khả năng nhai, nuốt gặp khó khăn; khó nói, khàn tiếng, thậm chí mất giọng do khối u chèn dây thanh quản.
Các triệu chứng liên quan đến tai: Hiện tượng ù tai, nghe kém, mất thính lực có thể diễn ra. Tai chảy mủ hoặc viêm nhiễm nặng, có mùi khó chịu.
Các triệu chứng liên quan mũi: Nghẹt mũi, chảy dịch nhầy, chảy mủ, chảy máu mũi.
Hạch bạch huyết: Xuất hiện hạch ở các vùng thấp nhất của cổ như góc hàm, xương đòn… Ban đầu các hạch có kích thước nhỏ, không đau, di động, sờ vào chắc. Tuy nhiên đến giai đoạn IV của ung thư vòm họng, kích thước các khối hạch tăng lên, cố định vào thành mô, chèn ép lên các bộ phận xung quanh. Một số khối còn bị hoại tử, viêm nhiễm, chứa dịch có mùi.
Tổn thương vùng mặt: Tổn thương các dây thần kinh sọ gây đau và tê bì vùng mặt, đau phần hốc mắt, mắt lé, nhìn đôi, nhìn mờ, liệt cơ mặt…
Các tổn thương bộ phận khác: Ung thư vòm họng đã di căn đến phổi - xương - gan… Do đó, bên cạnh các biểu hiện ung thư vòm họng giai đoạn IV, bệnh nhân sẽ xuất hiện kèm các dấu hiệu của vùng bị di căn (ho, khó thở trong di căn phổi; đau nhức xương trong di căn xương…), dẫn đến việc điều trị khó khăn, người bệnh chịu nhiều đau đớn hơn
Phương pháp điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 4
Bác sĩ sẽ dựa vào thể trạng người bệnh và mức độ tổn thương để xác định phương pháp điều trị phù hợp. Hầu hết các phương pháp điều trị ung thư giai đoạn cuối có mục đích chung là giảm nhẹ triệu chứng, các cơn đau từ đó kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Cụ thể:
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối nếu các tế bào ung thư được xác định chưa di căn xa thì có thể điều trị bằng phương pháp xạ trị. Bác sĩ sẽ dùng tia X có năng lượng cao chiếu vào vùng ung thư nhằm giảm kích thước, ức chế khả năng nhân lên và ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.
Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị như mệt mỏi, cơ thể suy nhược, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn. Tuy nhiên, những tác dụng phụ không mong muốn này sẽ mất dần sau khi kết thúc liệu trình điều trị xạ trị.
Ở giai đoạn IVB, lúc này các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể như hạch bạch huyết, não, xương, gan, phổi… do đó việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, giai đoạn này phương pháp điều trị hóa trị được áp dụng nhiều hơn so với phương pháp xạ trị. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hóa trị ở dạng viên, tiêm truyền qua tĩnh mạch hoặc cả hai.
Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ gặp các tác dụng phụ không mong muốn khác nhau phụ thuộc vào loại thuốc điều trị như buồn nôn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, rụng tóc, viêm niêm mạc miệng, độc tính thần kinh vùng ngoại biên,… Nếu người bệnh có thể trạng sức khỏe kém, không thể đáp ứng để thực hiện phương pháp hóa trị, hoặc có các bệnh lý nền đi kèm được khuyến cáo chống chỉ định đối với hóa trị, lúc này bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chăm sóc giảm nhẹ và điều trị giúp thuyên giảm các triệu chứng cho người bệnh.
Ngoài ra, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của Y học, một phương pháp mới được áp dụng thời gian gần đây trong điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối gọi là liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp này được đánh giá cao bởi tính an toàn, ít độc tính và tác dụng phụ cho người điều trị. Tuy nhiên, liệu pháp này có chi phí điều trị khá cao, hiếm khi được áp dụng tại Việt Nam.
Phụ thuộc vào từng trường hợp, cụ thể là tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tiến triển bệnh mà khả năng đáp ứng điều trị của người mắc ung thư vòm họng giai đoạn 4 sẽ khác nhau. Khi bệnh di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể rất khó điều trị, tỷ lệ sống rất thấp. Vì vậy công tác khám sàng lọc ung thư sớm là một biện pháp phòng ngừa vô cùng quan trọng đối với tất cả các mặt bệnh ung thư trong đó có ung thư vòm họng. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ ung thư vòm họng nên thăm khám và điều trị khi bệnh ở giai đoạn sớm, tránh để bệnh chuyển biến nặng khiến việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/ung-thu-vom-hong-giai-doan-cuoi-a37597.html