F0, F1 ở nhà cần lưu ý những gì để nâng cao sức khỏe?

Cập nhật: 10:38 - 29/07/2021 | Lần xem: 363770

F0, F1 ở nhà cần lưu ý những gì để nâng cao sức khỏe?

Một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng giúp bản thân vượt qua được bệnh tật. Các F0, F1 khi thực hiện cách ly tại nhà cần lưu ý một số vấn đề sau để nâng cao sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng đảm bảo nguyên tắc cân đối và đầy đủ dinh dưỡng

- Ăn đủ số lượng, đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo nhu cầu theo từng nhóm tuổi bào gồm chất bộ đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất sơ và nước.

- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, có thể thêm 1-3 bữa phụ.

- Đảm bảo nguyên tắc chế biến hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn. Bệnh nhân có tình trạng chán ăn, đau họng, giảm vị giác, khứu giác có thể chế biến dạng mềm, lỏng, dễ ăn và dễ hấp thu.

- Thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến và sử dụng, bảo quản thực phẩm.

- Trẻ em, người trưởng thành có bệnh lý nền: đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn, ... cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.

Đảm bảo đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

- Protein (đạm): thành phần nền tảng cơ bản, cấu tạo nên tế bào và mô của cơ thể tham gia các phản ứng miễn dịch của cơ thể.

- Thiếu protein, sẽ bị ức chế việc hình thành kháng thể, giảm khả năng chống lại vi-rút.

- Bữa ăn trong ngày đều cần chất đạm, cần phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa, ...) và đạm thực vật (các loại đậu, nấm, đậu phụ, …).

Các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất

- Nhóm Vitamin

+ Vitamin A: gan động vật, các loại rau củ có màu vàng, đỏ, xanh sẫm, ...

+ Vitamin C: ổi, cam, chanh, đu đủ, bưởi, nhãn, kiwi, ớt chuông, rau ngót, cần tây, rau đay, rau cải, ...

+ Vitamin D: dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, cá trích, ...

+ Vitamin E: dầu thực vật, quả hạch, hạt hướng dương, mầm lúa mì, hạt ngũ cốc toàn phần, đậu phộng, rau bina, cải xoăn, ...

+ Acid Folic: thịt bò, cam, các loại rau màu xanh đạm, ...

+ Vitamin B6: cá hồi, cá ngừ, các loại trái cây, rau rủ đa dạng, ...

+ Vitamin B12: trứng, thịt, cá, phomai, …

- Nhóm khoáng chất

+ Sắt: gan động vật, nghêu, vừng, các loại đậu, ...

+ Kẽm: các loại sò, thịt động vật, vừng, đậu, …

+ Đồng: nội tạng động vật và ngũ cốc nguyên cám, ...

+ Selen: nội tạng và thịt động vật, hải sản...

Đảm bảo đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

- Nhóm thực phẩm chứa Flavonoid: giúp tăng khả năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể và đã được chứng minh là có thể ức chế các hoạt động của nhiều loại vi-rút: quả họ dâu (berries), trà xanh, cần tây, hành tây, trái cây họ cam chanh bưởi, các loại rau gia vị (như các loại húng, tía tô), súp lơ xanh, cải xanh, táo, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh, dầu olive, đậu nàng, …

- Nhóm thực phẩm chứa các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotics) và chất xơ (Prebiotics)

+ Probiotics: yaourt (sữa chua), sữa, phó mát, dưa chua, kim chi, tương bần, cà pháo, …

+ Prebiotics: hạt óc chó, chocolate đen, hành tây, yến mạch, táo, tỏi tây, đậu lăng đỏ, ...

- Nhóm chất béo, đặc biệt chất béo giàu Omega-3

Ưu tiên sử dụng những loại chất béo không no: cá, quả bơ, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, … hơn là những chất béo no (thịt mỡ, bơ thực vật, dầu dừa, pho mát, …).

Omega-3 là acid béo thiết yếu, cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch, có nhiều trong dầu cá, dầu gan cá tuyết, cá mòi, cá hồi, basa, cá bơn, cá trích, cá thu, cá ngừ, …

Uống đủ nước theo nhu cầu và đúng cách

- Uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, nước đun sôi để nguội hoặc đã tiệt trùng, uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, ngay cả khi không khát, không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

- Tránh các loại thức uống có gas, nước ngọt, đồ uống có chứa cồn, …

Xây dựng lối sống, tập luyện, sinh hoạt lành mạnh

- Luyện tập đều đặn (cả khi ở trong nhà), cường độ vừa phải phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nên tập luyện hàng ngày, tối thiểu 30 phút/ngày.

- Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh: ngủ đủ giấc 7-8 giờ/ngày, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc

- Giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ về những điều tích cực, tránh lo lắng thái quá.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sát khuẩn và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm.

- Hạn chế thức ăn chiên xào, nhiều dầu - mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, mỳ tôm, ... chứa nhiều chất béo, đường và muối không tốt cho cơ thể. Lượng muối tối đa: 5g/ngày (kể cả muối trong thực phẩm).

Tải file thiết kế tại đây!

Biên soạn: Giảng viên khoa YTCC - Đại học Y Dược TP.HCM

Thiết kế: Ngọc Giàu, Lê Vân - khoa YTCC, Đại học Y Dược TP.HCM

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế (2016), Nhu cầu Dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.

2. Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn chế độ Dinh dưỡng trong điều trị người bệnh COVID-19.

3. Hội tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam (2020), Hướng dẫn Dinh dưỡng dự phòng COVID-19.

4. World Health Organization (WHO) (2020), Coronavirus disease (COVID-19): Food safety and nutrition.

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/bi-f1-nen-lam-gi-a37835.html