Bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày, Dao

Thực trạng sử dụng tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày, Dao

Ngôn ngữ là một thành tố trong văn hóa, đồng thời là một phương tiện bảo tồn và phát triển nhiều thành tố văn hóa khác của các dân tộc. Một trong những thành quả to lớn về văn hóa của các dân tộc là sự hình thành và phát triển hệ thống tiếng nói, chữ viết.

Theo kết quả điều tra dân số thời điểm 1/4/2019, dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Kạn có 165.055 người, chiếm 59,74% dân số toàn tỉnh. Người Tày phân bố chủ yếu ở hầu khắp các huyện và các xã trong tỉnh.

Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhóm ngôn ngữ Tày - Thái trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tiếng Tày vẫn đang được duy trì thực hành trong đời sống văn hóa, sinh hoạt thường ngày của cộng đồng người Tày tại địa bàn 8 huyện, thành phố.

Cùng với tiếng nói, từ lâu đời, người Tày đã biết sử dụng hệ thống ký tự chữ Hán để ghi âm Tày, các nhà nghiên cứu gọi là chữ Nôm Tày. Không gian tồn tại của chữ Nôm Tày là trong cộng đồng cư dân Tày, trong đó các thầy Tào, Pụt sử dụng là phổ biến, bên cạnh đó còn có những người học chữ. Do đó, chữ Nôm Tày thịnh hành trên hai loại văn bản là sách cúng và sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian. Sách cúng được dùng trong các nghi lễ đầy tháng, giải hạn, một số nghi lễ ở đám tang người Tày, cúng vào nhà mới, giải hạn. Trước đây số lượng người biết chữ ít, do đó với những sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian muốn truyền tải đến người dân thường phải thông qua một người sử dụng thông thạo chữ Nôm Tày ở địa phương. Thông qua những trí thức địa phương này mà nhiều truyện thơ, thơ ca dân gian được bảo lưu, lưu truyền cho các thế hệ sau. Thuộc thể loại chữ tượng hình nên chữ Nôm Tày là một thể loại chữ rất khó học, khó viết.

Trong quá trình lịch sử, tộc người Tày chịu nhiều tác động của hoàn cảnh kinh tế - xã hội, quá trình hoàn thiện hệ thống chữ viết riêng của dân tộc chưa hoàn thành nên việc nghiên cứu, hoàn thiện từ điển chữ Nôm Tày là rất cần thiết trong việc bảo tồn hệ thống chữ viết này.

Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn rất ít người có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Tày. Phần lớn những người nắm giữ di sản này đều thuộc lớp người cao tuổi, đặc biệt là tầng lớp làm nghề thầy cúng.

Đối với dân tộc Dao,kết quả điều tra dân số thời điểm 1/4/2019, số lượng người Dao của tỉnh Bắc Kạn là 56.067 người, chiếm 20,29 % dân số toàn tỉnh. Số người Dao đứng thứ hai sau người Tày. Người Dao phân bố trên cả 8 huyện và thành phố của tỉnh.

Một lớp dạy chữ Nôm Dao tại bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Ảnh sưu tầm)

Về tiếng nói, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoại trừ nhóm Dao Áo Dài có sự khác biệt lớn, còn lại các nhóm Dao đều chung một ngôn ngữ giao tiếp, có khác nhau chút ít về mặt âm sắc, thanh điệu. Một số bộ phận sống xen cư với người Tày nên trong giao tiếp ngôn ngữ có ảnh hưởng của tiếng Tày. Theo kết quả nghiên cứu, người Dao ở Bắc Kạn có hai phương ngữ: Kềm miền và Kìm mùn. Phương ngữ Kềm miền thuộc các nhóm Đại Bản, Tiểu Bản còn phương ngữ Kìm mùn chỉ có ở nhóm Dao Áo Dài. Tuy nhiên, đây chỉ là những sự khác biệt tương đối trong ngôn ngữ giao tiếp, còn trong ngôn ngữ văn chương lại khá thống nhất.

Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ khi có ngôn ngữ, người Dao mới thực hiện việc ghi chép kho tàng tri thức của mình bằng Chữ Nôm Dao. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng những người thông thạo chữ viết này không còn nhiều bởi đây là ngôn ngữ mượn chữ Hán cấu tạo, sắp xếp lại để ghi chép và đọc bằng một hệ thống âm tiết gần như khác hẳn với ngôn ngữ giao tiếp. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện chữ Nôm Dao chỉ còn thực hành ở xã Ngọc Phái (Chợ Đồn), xã Lam Sơn (Na Rì), xã Đức Vân (Ngân Sơn), trong đó xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) có tổ chức hoạt động truyền dạy chữ viết của dân tộc.

Bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày, Dao

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Kế hoạch tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả kiểm kê, các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh vẫn đang duy trì tiếng nói của dân tộc mình trong đời sống sinh hoạt thường ngày, trong các nghi lễ và hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Về chữ viết, qua kiểm kê cho thấy, hai dân tộc sử dụng chữ viết của dân tộc mình là dân tộc Tày và dân tộc Dao.

Bên cạnh đó, trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp phát huy tác dụng bằng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số thông qua các chương trình nghệ thuật, kịch tuyên truyền lưu động, văn nghệ, đưa thông tin về cơ sở, chiếu phim vùng cao...

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy tiếng nói dân tộc Tày

Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2012, lập hồ sơ di sản “Chữ Nôm của người Dao” (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn); năm 2014, lập hồ sơ di sản “Chữ Nôm của người Tày” (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm). Hai di sản văn hóa trên thuộc loại hình di sản tiếng nói, chữ viết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/12/2019 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030, trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu xây dựng và triển khai dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Chữ nôm của người Dao” (Chợ Đồn) để khai thác kho tàng tư liệu chữ cổ của các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Việc triển khai các nhiệm vụ trên sẽ giúp bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, từ đó phát huy chức năng tích cực của chúng trong đời sống xã hội./.

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/chu-viet-cua-dan-toc-tay-a39934.html