Từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, thanh hao hoa vàng được nghiên cứu nhiều, các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra được nhiều hợp chất hóa học, đánh giá tác dụng dược lý của chúng và ứng dụng trong sản xuất thuốc và chữa bệnh.
Thanh hao hoa vàng.
Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua L.) thuộc Họ Cúc (Asteraceae) còn có tên gọi khác là thanh cao hoa vàng, thảo cao, ngải hoa vàng, ngải tiên, ngải si, ngải hôi, ngải mèo, hoàng hoa cao…
Thanh hao hoa vàng là cây dược liệu thân thảo, sống hàng năm, hoa màu vàng ở đầu ngọn nở vào mùa thu, lá cây vò ra có mùi thơm đặc biệt.
Trên thế giới, thanh hao hoa vàng phân bố rải rác ở các vùng ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới Bác bán cầu. Ở Việt Nam, thanh hao hoa vàng mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía bắc.
Nguồn thanh hao hoa vàng mọc tự nhiên ở Việt Nam tương đối phong phú. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất artemisinin ngày càng cao, từ năm 1990 trở lại đây, lượng dược liệu thanh hao hoa vàng trên thị trường chủ yếu do trồng trọt.
Lá thanh hao hoa vàng được thu hái ở những cây sắp ra hoa (khi hàm lượng artemisinin cao nhất), rửa sạch, phơi hoặc sấy ở 30 - 40oC đến khô. Theo dược điển Việt Nam V, dược liệu đạt tiêu chuẩn có màu vàng nâu hoặc nâu sậm, giòn, dễ vụn nát, mùi thơm hắc đặc biệt, vị đắng, có thể lẫn một ít cành hoặc ngọn non, định lượng artemisinin không ít hơn 0,7% tính theo dược liệu khô kiệt.
Thanh hao hoa vàng là nguồn cung cấp nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, với hơn 220 hợp chất được phân lập và xác định, bao gồm ít nhất 28 monoterpen, 30 sesquiterpenes, 12 triterpenoids và steroid, 36 flavonoid, 7 coumarin, 4chất thơm và 9 hợp chất béo.
Artemisinin là thành phần hoạt tính sinh học quan trọng nhất trong thanh hao hoa vàng. Cấu trúc hóa học của artemisinin là một sesquiterpene lacton có chứa một liên kết endoperoxide bất thường với công thức hóa học C15H22O5. Liên kết endoperoxide bất thường này là vị trí hoạt động chính trong cơ chế hoạt động của thuốc.
Artemisinin.
Tuy nhiên, artemisinin có những hạn chế nhất định như khả năng hòa tan trong nước và sinh khả dụng kém, vì vậy các dẫn xuất bán tổng hợp khác nhau được phát triển bao gồm dihydroartemisinin, β-artemether và artesunate thể hiện hiệu lực cao hơn, cải thiện khả năng hòa tan trong nước, chuyển hóa thuận lợi cũng như tính ổn định thủy phân.
Thanh hao hoa vàng đã được sử dụng từ lâu đời để điều trị các bệnh như sốt rét, giun sán, ung thư, sán máng, Leishmaniasis, HIV, viêm gan B, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm phổi… Dưới đây là các tác dụng của thanh hao hoa vàng đã được nghiên cứu.
Thành phần chính của thanh hao hoa vàng là artemisinin (thanh hao tố) và nổi tiếng với tác dụng chống sốt rét. Nhà khoa học người Trung Quốc Tu Youyou đã cô lập được Artemisinin (một loại endoperoxide sesquiterpene lactone) vào đầu thập niên 1970 và trong các thập niên sau đó đã chứng minh được hiệu quả của chất này chống lại bệnh sốt rét.
Artemisinin có tác dụng ức chế và tiêu diệt ký sinh trùng, trong đó có ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum. Artemisinin tạo ra sự thanh thải ký sinh trùng nhanh chóng, nhanh hơn đáng kể so với các loại thuốc chống sốt rét khác, điều này rất quan trọng về mặt lâm sàng, đặc biệt trong các trường hợp sốt rét ác tính và thể não.
Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn đang điều tra tác dụng của artemisinin và các dẫn xuất của nó đối với ký sinh trùng Plasmodium bằng cách sửa đổi cấu trúc của peroxit, ete và ozon trong artemisinin. Điều này cải thiện tỷ lệ tiêu diệt ký sinh trùng Plasmodium cho cả mô hình in vitro, in vivo cũng như đáp ứng lâm sàng nhanh hơn.
Ngoài artemisinin, các yếu tố liên quan đến tác dụng chống sốt rét của thanh hao hoa vàng còn có flavonoid và tinh dầu thơm.
Trước khi bùng phát COVID-19, đã có một số nghiên cứu xoay quanh đặc tính kháng virus của thanh hao hoa vàng như khả năng giảm thiểu sự sao chép của virus herpes; ức chế virus viêm gan B và C; chống lại một số loại virus tiêu chảy ở bò, virus Epstein-Barr, virus SARS xuất hiện vào năm 2002.
Năm 2003, các nhà khoa học thuộc Học viện khoa học Trung Quốc đã chỉ ra artemisinin trong thanh hao hoa vàng là một trong những ứng cử viên để điều trị coronavirus (SARS-CoV). Nó ức chế sự nhân lên của coronavirus và cho thấy hoạt tính kháng virus với với với giá trị nồng độ hiệu quả 50% (EC50) là 34,5 ± 2,6 μg/mL và nồng độ độc tế bào 50% (CC50) là 1,053 ± 92,8 μg/mL.
Gần đây, bệnh hô hấp cấp tính do coronavirus 2 (SARS-CoV-2), loại virus nguy hiểm với tốc độ lây lan cao và có thể gây chết người. Do thanh hao hoa vàng hoạt tính kháng virus phổ rộng, trong đó có SARS-CoV-1, nhiều nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi liệu thanh hao có ức chế được SARS-CoV-2 hay không? Trong các nghiên cứu gần đây về tác dụng chống COVID-19, thanh hao hoa vàng được đánh giá là loại dược liệu tiềm năng.
Trong một nghiên cứu trên động vật, hoạt tính ức chế miễn dịch của chiết xuất ethanol của thanh hoa hoa vàng được đánh giá đối với sự tăng sinh tế bào lách, và kết quả cho thấy thanh hoa hoa vàng được sử dụng để điều trị một số bệnh tự miễn dịch và nó có thể được coi là một chất ức chế miễn dịch cho các nghiên cứu trong tương lai.
Thanh hao hoa vàng có hàm lượng kẽm cao, được báo cáo là có hiệu quả đối với tác dụng điều hòa miễn dịch đối với phản ứng của vật chủ và tăng mức CD4 (một loại glycoprotein được tìm thấy trên bề mặt của các tế bào miễn dịch). Cần lưu ý rằng khả năng chống oxy hóa của thanh hao giúp tăng cường khả năng phòng thủ miễn dịch.
Thanh hao hoa vàng có tác dụng chống ung thư, hoạt động theo cách đa hiệu chống lại các khối u. Phản ứng tế bào của dược liệu, hoạt chất chính (artemisinin) và các dẫn xuất của nó (dihydroartemisinin, artesunate, artemether, arteether) đối với tế bào ung thư bao gồm stress oxy hóa, sửa chữa DNA, gây chết theo chương trình, ức chế tăng sinh mạch các con đường dẫn truyền tín hiệu liên quan đến khối u. Các nghiên cứu in vitro và in vivo đã chứng minh tác dụng này trên các bệnh ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư xương, bệnh bạch cầu cấp tính, ung thư đại tràng…
Ngoài tác dụng chống sốt rét, chống virus, điều hòa miễn dịch, chống ung thư nói trên, thanh hao hoa vàng đã được nghiên cứu đánh giá các tác dụng khác như chống nhiều loại ký sinh trùng, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm… Đây là loại dược liệu quý, nhiều tiềm năng sinh học, cần phải được bảo tồn và phát triển tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cho ngành y dược.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/rau-hanh-hao-a41098.html