Nếu du khách có dịp ghé thăm vùng đất Quảng Trị đã từng hứng chịu nhiều bom đạn thời chiến tranh đều không thể bỏ qua những món ngon đặc trưng nơi đây. Ví dụ như thịt trâu lá trơng, bắp hầm, lòng sả, cháo vạt giường, bún hến… và nhiều món ăn đặc sản khác. Để có cái nhìn tổng quan về ẩm thực vùng đất này, dưới đây là danh sách món ngon Quảng Trị mà du khách có thể thưởng thức.
Quảng Trị không chỉ có những danh lam, thắng cảnh và di tích gắn liền với lịch sử chiến tranh khắc nghiệt. Ở đây còn có nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng và vô cùng tinh tế. Để hiểu thêm về con người, văn hóa sống của vùng đất này, du khách đừng quên khám phá ẩm thực Quảng Trị qua các món ăn chứa đựng cả nhân sinh của con người dây. Sau đây là những món ăn ngon ở Quảng Trị du khách nên thưởng thức khi có dịp đến vùng đất xứ Quảng này.
Ngay tên gọi món ăn là có thể biết được nguyên liệu chính làm nên sự đặc biệt của món ăn là thịt trâu và lá trơng (trơơng). Thịt trâu với nhiều công dụng bổ dưỡng, chữa được nhiều loại bệnh như đau lưng, phù chân, phong thấp… Thậm chí có người còn cho rằng nó tốt hơn thịt bò. Nhờ những hữu ích này, món thịt trâu lá trơng trở thành đặc sản chỉ có ở Quảng Trị này.
Món ăn là sự kết hợp giữa thịt trâu non và loại lá rừng mọc hoang khắp Quảng Trị mang đến mùi thơm cay rất đặc trưng của món ăn. Với 2 nguyên liệu là thịt trâu và lá trơng người ta có thể chế biến thành 2 món ăn đó là thịt trâu lá trơng nướng và thịt trâu xào lá trơng. Nếu du khách thích vị ngọt mềm, thơm nưng nức của thịt trâu còn nguyên vị thì gọi thịt nướng ăn với rau cải, tiêu ớt xanh và nước tương pha tương ớt. Còn nếu muốn đậm vị hơn thì gọi thịt xào vừa chín tới. Món nào cũng thơm ngon vô cùng. Đặc biệt thịt trâu lá trơng mà ăn vào những ngày mưa sẽ mang đến cảm giác tuyệt vời.
Lòng sả một món ăn chỉ mới nghe tên thôi cũng muốn được thưởng thức ngay lập tức. Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món cháo lòng ở miền Bắc, tuy nhiên món ăn này tại Quảng Trị lại đặc biệt hơn. Tiết heo hoặc tiết vịt được đánh tan vụn, đổ nước vào, nấu chung với gạo rang, đậu xanh cho nhừ. Lòng heo hoặc vịt được làm sạch, thái miếng vừa ăn rồi thả vào nồi đang đun, sôi lần nữa là có thể ăn được.
Món ăn Quảng Trị này được cho rất nhiều ớt nên vị hơi cay nồng. Tuy nhiên, khi ăn vào thời điểm tiết trời se lạnh thì sẽ rất ngon. Du khách sẽ cảm nhận được vị tê tê đầu lưỡi. Chính hương vị và sự cay nòng này đã khiến cho món ngon Quảng Trị này nhận được rất nhiều sự yêu thích của du khách. Đặc biệt, với những ai đang bị cảm mạo có thể thưởng thức món lòng sả để thải mồ hôi và trị cảm rất tốt. Muốn ăn một món cháo lạ và thơm ngon ở đất Quảng thì Lòng sả là một lựa chọn không thể nào tốt hơn.
Quê Hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày, Ai là người con Quảng Trị, chắc hẳn đã từng ăn và nếm thử mùi vị bánh bột lọc đặc sản của hải lăng, vùng đắt khô cằn, mà thấm đậm vị ngọt của ẩm thực nơi đây. Vị tươi ngon của nhân bánh, mùi thơm của lá chuối, làm xao xuyến thực khách đã đặt chân đến vùng đất này. Bánh bột lọc là món ăn dân giã, nguyên liệu lại dễ tìm, món ăn không có gì là đặc biệt nhưng lại mang hương vị rất đặc biệt mà chỉ có ở Quảng Trị.
Bánh bột lọc Mỹ Chánh được làm từ tinh chất của cây sắn, nhân của bánh được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt lợn, thịt gà, tôm, đậu xanh. Nhưng ngon nhất vẫn là tôm tươi cùng thịt lợn thái nhỏ ướp gia vị, xào chín tới. Bánh bột lọc cũng được làm nhỏ và gói lá, để khi dọn ra mâm người ăn bao giờ cũng có cảm giác là nó ít, sẽ ăn hết không bị ngán từ cái nhìn đầu tiên. Bánh bột lọc với hình dáng bên ngoài trong suốt phơi bày con tôm và lát thịt đỏ au ăn với trái ớt xanh, cay vô kể nhưng cứ bắt người ta phải nhớ.
Bánh ướt Phương Lang là món ăn đặc sản tại Quảng Trị, món bánh này gắn với làng nghề bánh ướt Phương Lan đã có cách đây cả thế kỷ về trước. Bánh ướt được làm từ gạo nhưng bánh ướt Phương Lan mang hương vị thơm ngon, trở nên thân thuộc với người nông dân. Món bánh dân dã này đã trở thành một đặc sản của làng quê yên bình giản dị, gắn liền với con người mộc mạc nơi đây. Cứ đâu đó nhắc đến làng Phương Lang người ta lại nhớ đến bánh ướt và người dân ở đây rất đôn hậu, niềm nở, và hiếu khách.
Cũng như bánh ướt ở các nơi khác, bánh ướt Phương Lang được làm từ nguyên liệu chính là gạo. Gạo vo sạch sẽ được ngâm nước qua đêm. Sau đó tiến hành xay gạo thành bột nước rồi tráng trên một chiếc nồi hơi đang sôi. Cách làm bánh ướt Lang Phương rất đơn giản, nhưng người làm bánh phải khéo léo để bánh không quá dày, cũng không quá mỏng. Ăn cùng với bánh ướt Phương Lang thì không thể thiếu thịt heo luộc cùng rau sống. Tiếp đó không thể thiếu chén nước chấm được làm từ nước mắm, có pha đường và ớt cay xè. Món ăn hấp dẫn này đảm bảo sẽ thuyết phục bạn ngay từ những giây đầu tiên thưởng thức.
Cháo cá Vạt Giường hay còn gọi là Cháo bột cá lóc hoặc tên đơn giản người dân địa phương thường dùng gọi là Cháo cá. Sở dĩ có cái tên Cháo cá vạt giường bởi sợi bột của cháo có hình khối dài giống như chiếc vạt giường. Cháo cá Vạt Giường có thể nấu từ bột gạo, bột lọc hoặc bột mì tùy vào sở thích. Phổ biến nhất là nấu từ bột gạo, gạo được vo sạch và ngâm nước, sau đó xay nhuyễn rồi cho vào những tấm vãi sạch, buộc kĩ, đằn đá lên cho khô thành từng tảng lớn. Tiếp theo là nhào thành bột, dùng ống tre, hoặc chày gỗ cán mỏng thành tấm rồi thái đều. Để có sợi bột ngon phải có độ dai nhất định, không quá ướt, vì thế mà công đoạn nhào bột là rất quan trọng.
Nguyên liệu chính là nên món cháo cá Vạt Giường đó là cá lóc, phải chọn những con cá lóc đồng, to, săn chắc, có màu đen bóng, chắc thịt và tươi ngon. Các sau khi được làm sạch thì để nguyên con luộc, sau đó lóc thịt, xương, đầu, lòng riêng ra mỗi thứ ra ướp kỹ cùng với các gia vị khác như muối, tiêu, ném, ớt, nước mắm… để thịt cá thêm đậm đà. Phần xương và đầu cá thì xay nhuyễn và nấu nước dùng. Khi mọi thứ chuẩn bị xong, thì chỉ cần cho ít sợi bột gạo vào tô, một vài lát cá đãn ướp sẵn rồi chan nước dùng ninh từ xương cá vào. Rắc lên tô cháo một ít hành lá, hành phi, người thích ăn cay thì có thể thêm ít ớt ngâm nước mắm, hạt tiêu tạo độ thơm. Khi thưởng thức cháo cá, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của nước dùng, vị đậm đà mặn mà của cá đã thấm gia vị, vị dai ngon của sợi bột, cùng vị cay nồng của tiêu, ớt.
Bún hến Mai Xá là món ăn đặc sản của làng Mai Xá (Giao Mai, Gio Linh, Quảng Trị). Gọi là bún hến nhưng món ăn này thực ra làm từ con chắt chắt chứ không phải con hến như tên của món ăn. Chắt chắt nhỏ hơn hến một chút nhưng có vị bùi, béo ngậy hơn. Để nấu bún hến, người Quảng Trị phải bỏ rất nhiều công sức vì phải đãi chắt chắt. Vì có hình dáng bên ngoài khá giống với hến, nên khi người ta ăn bún chắt chắt mà cứ lầm tưởng mình ăn bún hến.
Chắt chắt được đãi về thì làm sạch và phi thơm với hành, gia vị cho đến khi săn lại rồi đổ nước vào. Người ta cho thêm vào miếng rừng để nồi nước dùng thêm ngon lành, ít béo. Cho bún vào bát, thêm ít rau thơm, ngò lên trên và chan một vá nước dùng là có thể thưởng thức ngay. Khi ăn, giã thêm chén ớt tươi cùng gừng, sao cho thật cay, thật nhuyễn để bên cạnh và thưởng thức mới đúng vị món ngon Quảng Trị.
Quảng Trị có một món ăn đặc sản mà không phải vùng miền nào trên đất Việt cũng có. Một món ăn ngon làm mát lòng người, khi được thưởng thức chính tại vùng đất này mới thấy hết sự ngọt bùi của nó, đó là món Bắp hầm (Ngô hầm). Để có được những hạt bắp dẻo, thơm, tròn mẩy, người ta phải chọn đúng loại bắp nếp màu trắng. Được hình thành như một lẽ tự nhiên, với vị ngon ngọt, béo bùi, món bắp hầm trở nên quen thuộc trong ký ức nhiều người dân Quảng Trị, với họ món ăn này chính là sự chia sẻ.
Sau khi ngâm bắp qua đêm, họ sẽ đun bắp với lửa nhỏ bằng củi khô. Khi hạt bắp vừa chín tới, họ tiếp tục cho vào nồi đậu xanh hầm nhừ và trộn gia vị đảo thật đều. Tuy công đoạn chế biến đơn giản là vậy, nhưng việc canh nồi bắp hầm sao cho vừa đủ độ dẻo nhưng bắp vẫn ráo khô, không bị nhão là cả một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệp và sự khéo léo của người đứng bếp. Món bắp hầm công phu như chính con người vùng đất nắng gió vậy. Nếu có dịp về Quảng Trị, du khách có thể tìm và thưởng thức món ăn này ven đường bán bắp hầm được gói bằng lá giản dị. Một gói bắp hầm có đủ vị, đó là vị béo bùi của bắp, của mè, của đậu phộng, vị ngọt của đường, vị mặn của muối.
Bánh khoái là một món ăn dân dã, hấp dẫn và được bán tại nhiều nơi trong tỉnh, từ các hàng quán nhỏ ven đường…. Theo như lời kể của người làm bánh lâu năm, ngày xưa bánh được làm trên bếp củi hoặc bếp than, lúc mở nắp nồi thì nghi ngút khói, người Quảng Trị phát âm từ “khói” khá giống từ “khoái” nên người mua cứ quen gọi là bánh khoái. Giống như bánh xèo ở miền Nam, bánh khoái Quảng Trị cũng làm từ bột gạo, nhưng đổ trong khuôn nhỏ chỉ bằng khoảng một bàn tay xòe ra, da bánh dày và giòn rụm.
Nhân của bánh khá đa dạng, nhưng phổ biến nhất là tôm thịt với giá, một số nơi thêm vào hành tây, nấm rơm, các loại hải sản… Khi thưởng thức món bánh Quảng Trị này, du khách sẽ được ăn kèm với rau sống và không thể thiếu 3 loại chính đó là cải non, chuối chát và trái vả non xắt lát. Điểm đặc biệt của món ăn này còn nằm ở chén nước chấm rất ngon. Loại nước chấm chế biến theo công thức riêng của người Quảng Trị, gan và nạc heo xay nhuyễn, lạc vừng giã nhỏ, tỏi, ớt bột… tạo nên vị cay, mặn, bùi, béo.
Đặc sản Quảng Trị không chỉ có bột Kẻ Diên, bánh ướt Phương Lang, mắm đam Trà Trì, thì canh ám Làng Lam cũng là một trong những đặc sản ẩm thực quê hương Hải Lăng (Quảng Trị). Canh ám Làng Lam là món ăn đặc trưng của vùng đất này, nguyên liệu chính làm nên món ăn này chính là cá lóc và rau sôông. Để đảm bảo món ăn Quảng Trị này ngon đúng chuẩn thì các lóc phải là loại cá lóc đồng, chắn thịt tươi ngon. Đặc biệt, nếu chọn được cá lóc có trứng thì càng thêm ngon và hấp dẫn hơn. Rau sôông là loại rau phải vừa mới hái xuống, rửa sạch và chế biến luôn.
Khi thưởng thức món ăn này, du khách sẽ cảm nhận được hương vị khác biệt. Vị béo béo, chua chua pha chút vị chát vô cùng đậm đà. Chính vì sự độc đáo của món ăn Quảng Trị này luôn khiến du khách phải thổn thức mãi không quên. Đặc biệt, khi lấy nước canh ăn kèm với cơm trắng sẽ rất ngon và hấp dẫn. Cũng vì thế món ăn này thường được người dân Quảng Trị nấu trong những dịp đặc biệt như lễ, têt hay giỗ chạp.
Cái tên “bún nghệ” chắc hẳn không còn quá xa lạ với nhiều người dân Quảng Trị, kể cả một số địa phương khác. Tuy nhiên bún nghệ Quảng Trị có một hương vị riêng mà chỉ ở vùng đất này mới có, ai đã từng tưởng thức sẽ nhớ mãi không quên. Món ăn dân dã của người dân Quảng Trị mang đậm hương vị cay nồng của nghệ tươi Vĩnh Linh, tiêu xanh vùng Cùa, … được chắt chiu từ những tinh hoa của vùng đất, cái ngọt béo của miếng lòng, … thấm đậm qua từng miếng gắp. Nếu có dịp du lịch đến Quảng Trị, du khách hãy một lần thưởng thức món bún nghệ bắt vị này để cảm nhận hương vị đậm đà nơi đây.
Để có một tô bún nghệ ngon đúng điệu, thì nguyên liệu chính phải bao gồm lòng heo, bún, nghệ tươi Vĩnh Linh giã nhỏ, tiêu xanh vùng Cùa. Lòng được làm sạch thì cắt miếng vừa ăn và ướp cùng các gia vị. Nghệ tươi, phải là loại nghệ địa phương trồng trên đất đỏ Vĩnh Linh, củ tuy nhỏ nhưng rất cay nồng. Nghệ tươi được cạo sạch vỏ đập và băm nhỏ. Lòng sau khi thắm gia vị thì đưa vào xào cùng với hành tím, tỏi cho săn lại rồi bỏ nghệ băm nhỏ vào xào đến lúc chín thì cho bún vào xào tiếp cho đến khi sợi bún hơi khô và cháy cạnh tỏa mùi thơm nồng, tiếp đến nêm gia vị. Một tô bún nghệ sẽ gây hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên với du khách bằng một màu vàng tươi, chan thêm một ít nước mắm biển ớt cay nồng, rải thêm ít ngò xanh, tiêu xanh, rồi rắc thêm một ít tiêu bột, vậy là có ngay một đĩa bún nghệ thơm ngon, vừa làm nức lòng, vừa làm đã mắt du khách.
Bàu Trạng là một nhánh nhỏ nằm trong khu vực Bàu Thủy Ứ rộng lớn. Xung quanh Bàu Trạng được bao phủ những hàng cây lớn nhỏ xanh ngát, mát mẻ. Sở dĩ có tên gọi Bàu Trạng có lẽ xuất phát từ cái tên Trạng được gắn liền với vùng đất là cái nôi của làng Trạng Vĩnh Hoàng ngày xưa. Bàu Trạng với diện tích mặt nước lớn cho tôm cá nhiều, mà tiêu biểu ở đây là con tép, một nguyên liệu chính để làm nên món tép nhảy Bàu Trạng trứ danh. Món gỏi tép nhảy vốn nổi tiếng gần xa và làm hài lòng bất cứ du khách nào ghé qua vùng đất Vĩnh Linh lịch sử và nổi tiếng với những món ăn lạ.
Ngoài ra, nguyên liệu cho món ăn trứ danh này gồm có các loại rau thơm đặc biệt là ngò tây, xoài xanh, tiêu xanh, ớt, tỏi. Và quan trọng nhất là nhiều chanh. Bởi chanh có công dụng làm chín tép trong gỏi sống, đồng thời tạo vị chua cay cho món gỏi thêm phần hấp dẫn. Tép sẽ được ngâm trong nước muối 10 phút, sau đó cho vào cùng với các nguyên liệu như rau thơm, ngò tây, xoài xanh, tiêu xanh, ớt, tỏi được cắt nhỏ và giã nhuyễn trước đó. Du khách khi thưởng thức phải cho nước cốt chanh vào chậu đựng tép, nhanh tay đậy nắp để tép không nhảy ra ngoài, lắc đảo thật kỹ để tép thấm tất cả gia vị và thưởng thức, chấm với món nước chấm sền sệt pha lẫn giữa xì dầu và mù tạt.
Rau xà lách xoong ở Quảng Trị hay còn gọi với tên khác là rau liệt. Loài rau này có nhiều ở vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Người dân Quảng Trị ưa chuộng rau xà lách xoong bởi cái tính giải nhiệt của nó. Với vùng đất đầy nắng và gió, thì rau xà lách xoong trở thành loại thực phẩm không thể thiếu để giải nhiệt trong những bữa ăn. Hiện nay, rau xà lách xoong hiện nay đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính cho một số gia đình.
Rau xà lách xoong có thể chế biến thành nhiều món bằng nhiều cách khác nhau: nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống hay đem xào qua với thịt bò. Nhưng phổ biến nhất là rau xà lách xoong xào với thịt bò, tuy nhiên để món ăn ngon nhất thì phải đợi thịt bò chín và thấm gia vị mới bỏ rau vào, làm như vậy ngọn rau chỉ nửa sống nửa chín, ăn rất giòn. Xà lách xoong là một đặc sản dân dã của vùng Quảng Trị, đến vùng đất này thì bạn nhớ đừng bỏ qua món ngon này.
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản Quảng Trị truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết ở nơi đây. Khi thưởng thức sẽ có cảm giác bánh dẻo dẻo, bùi bùi, thơm mùi lá gai hòa lẫn vị ngọt của nhân đậu và nếp. Bánh ít lá gai là một đặc sản xứ Quảng mang đậm chất mộc mạc, bình dị như chính con người nơi đây. Chỉ giản đơn vậy thôi cũng đủ làm người Quảng Trị nhớ nao lòng những lúc đi xa.
Bánh ít lá gai khá là dễ ăn, thơm ngon mà không hề ngán. Phần ngon nhất của bánh ít này là lớp bột nếp dẻo bên ngoài kết hợp với phần nhân đậu xanh mềm mịn, thơm lừng mùi gừng bên trong. Bánh ít lá gai ăn ngon nhất khi vừa mới vớt ra, bánh có thể để được vài ngày mà không phải lo trời nóng nhanh hư. Hơn nữa, bánh dùng làm quà cho người đi xa, mang theo như để thể hiện tấm lòng thơm thảo của người nhà quê…
Ở trên là các món ngon Quảng Trị mang đậm hương vị ẩm thực, đặc sắc xứ Quảng mà du khách có thể thưởng thức. Các món ăn ngon được gợi ý có kèm theo địa điểm ăn uống giúp du khách dễ dàng tìm đến và thưởng thức. Chúc du khách có một chuyến du lịch với nhiều trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.
Xem thêm:
Du khách có thể xem thêm bài Kinh Nghiệm Du Lịch Quảng Trị Tự Túc Chi Tiết Đầy Đủ Nhất tại danh mục miền Trung trên Kinhnghiemdulich.gody.vn.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/quang-tri-co-gi-ngon-a44618.html