Không chủ quan khi bị tái nhiễm Covid-19

Về vấn đề này, Thầy thuốc Ưu tú, PGS, TS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, chia sẻ: Theo một số nghiên cứu, những đợt tái nhiễm Covid-19 triệu chứng thường nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên. Dù trước đó người bệnh đã nhiễm bất cứ biến chủng nào, ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ khỏi lần lây nhiễm thứ hai, nhưng vẫn có tác dụng giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng cũng như tử vong, đặc biệt ở những người đã tiêm vaccine Covid-19.

Không chủ quan khi bị tái nhiễm Covid-19. Ảnh: NHANDAN.VN

Tuy nhiên, nhiều người có suy nghĩ khi tái nhiễm Covid-19 không có gì đáng ngại. Điều này dẫn đến tâm lý chủ quan, không phòng bệnh đầy đủ, khi nhiễm bệnh tự điều trị tại nhà, không theo dõi diễn tiến phổi sau khi khỏi bệnh.

Việc tái nhiễm những lần sau có nặng hơn lần trước hay không tùy thuộc vào biến chủng bị nhiễm, khả năng miễn dịch của cơ thể, cũng như các đợt tái nhiễm quá gần nhau và cơ địa bệnh nền của mỗi người bệnh, ví như nhóm người cao tuổi, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, tăng huyết áp, đái tháo đường... Do đó vẫn có một tỷ lệ nhất định người bệnh gặp biến chứng nghiêm trọng khi tái nhiễm Covid-19.

Thực tế ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiễm Covid-19 nhiều lần gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Các nhà khoa học phát hiện rằng so với người không tái nhiễm, người tái nhiễm có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cao hơn do nhiều nguyên nhân. Mỗi lần nhiễm Covid-19 tiếp theo sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh thận, suy nội tạng và thậm chí cả các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Rủi ro rõ ràng ở những người chưa được tiêm chủng hoặc đã tiêm một hoặc hai mũi trở lên trước khi tái nhiễm. Rủi ro rõ rệt nhất ở giai đoạn cấp tính nhưng vẫn tồn tại ở giai đoạn tái nhiễm sau cấp tính, thậm chí rủi ro về mọi di chứng vẫn còn rõ ràng sau 6 tháng.

Mặt khác, việc cơ thể liên tục kích hoạt các phản ứng miễn dịch khi bị tái nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, dù tái nhiễm Covid-19 có thể không gây nên các triệu chứng nặng nhưng nguy cơ Covid-19 kéo dài hay hậu Covid-19 vẫn giống như lần đầu với tỷ lệ dao động từ 6% đến 15%, càng nhiễm nhiều lần thì nguy cơ mắc hậu Covid-19 càng cao. Các triệu chứng hậu Covid-19 thường rất đa dạng, như: Mất ngủ, khó thở, hụt hơi, ho khan, mệt mỏi... Nguy cơ tái nhiễm cao thường gặp ở nhóm người cao tuổi trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch, người phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản... Do đó nguy cơ tổn thương phổi nặng khi tái nhiễm ở nhóm bệnh nhân này cũng là cao nhất.

Bởi vậy, người dân nên tuân thủ tốt các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là đeo khẩu trang khi tiếp xúc, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng ngay cả khi đã khỏi bệnh. Tốt nhất cố gắng giữ không bị bệnh Covid-19, nếu đã mắc thì cố gắng không để bị tái nhiễm. Những người tái nhiễm chú ý theo dõi diễn tiến sức khỏe phổi bằng cách thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, nhằm phát hiện, theo dõi và điều trị các tổn thương phổi có thể còn sót lại sau mắc Covid-19.

Các thắc mắc về sức khỏe xin gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/bi-covid-a53026.html