Oni – Tìm hiểu về hình tượng quỷ trong văn hóa Nhật Bản

Nhắc đến Oni, chúng ta thường liên tưởng đến những sinh vật hung dữ với cặp sừng và đôi mắt lồi, cầm dùi cui như trong truyện cổ tích Momotaro (Cậu bé quả đào). Vậy nhưng chính xác Oni là gì? Hãy cùng Kilala tìm hiểu về nguồn gốc, đặc điểm và các loại quỷ Oni trong văn hóa dân gian Nhật Bản nhé.

Oni là gì?

Oni (鬼) là thuật ngữ dùng để chỉ một loại Yokai (yêu quái) trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Chúng thường được miêu tả là những sinh vật to lớn, xấu xí và quái dị với sừng, răng nanh cùng móng vuốt sắc nhọn, có thể có làn da màu đỏ hoặc xanh. tùy theo các dị bản.

Oni thường có tính cách tàn ác, là đối tượng gieo rắc tai ương cho con người. Ngoài ra chúng cũng thường sở hữu sức mạnh phi thường và khả năng thay đổi ngoại hình.

Nguồn gốc của Oni

Vẫn còn có những tranh cãi xoay quanh sự ra đời của Oni trong văn hóa Nhật Bản. Trong đó, một giả thuyết phổ biến cho rằng Phật giáo đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự xuất hiện của loài yêu quái này trong thần thoại xứ Phù Tang. Theo một số ghi chép lịch sử, khái niệm Oni đã được du nhập vào Nhật Bản thông qua Phật giáo.

Từ hơn 2.000 năm trước, người dân Trung Hoa đã có niềm tin rằng sau khi chết con người sẽ trở thành “gui - 鬼” (linh hồn, ma) và sống ở thế giới bên kia. “Gui” được coi là một phần của tôn giáo dân gian, Nho giáo và Đạo giáo Trung Quốc, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ Phật giáo.

Sau khi từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản, chữ “鬼” bắt đầu có sự thay đổi về nghĩa và trở thành một thực thể khác biệt so với khái niệm gốc.

Tại Trung Quốc, từ này đề cập đến linh hồn của người chết và không nhất thiết phải là ác quỷ. Họ thường cư trú ở địa ngục, nhưng những linh hồn xấu xa đôi khi cũng xuất hiện ở dương gian để ám con người, và bị các đạo sĩ dùng sức mạnh siêu nhiên để tiêu diệt.

Mặt khác, “鬼” của Nhật Bản là những sinh vật tà ác có thực thể, sống ở một số nơi nhất định trong thế giới con người, chẳng hạn như núi, có thân hình màu đỏ hoặc xanh lam với sừng và răng nanh, được trang bị kanabo (chùy sắt), và có thể bị giết về mặt vật lý, chẳng hạn như khi bị chém bằng kiếm.

momotaro chiến đấu với quỷ

Sách “Fudoki vùng Izumo” (Izumo no Kuni Fudoki) và “Nhật Bản Thư Kỷ” (Nihon Shoki) là những ví dụ sớm nhất về việc mô tả Oni như một thực thể chứ không phải linh hồn của người chết.

Izumo no Kuni Fudoki, được biên soạn từ năm 713, kể câu chuyện về yêu tinh một mắt ăn thịt một người đàn ông. Còn Nihon Shoki, hoàn thành vào năm 720, kể về một Oni đội nón đang theo dõi đám tang của Hoàng đế Saimei từ đỉnh núi Asakura.

Oni được đồng hóa với các sinh vật trong Phật giáo như quỷ dạ xoa ăn thịt người và La Sát, trở thành loài quỷ tra tấn những người phạm tội với tư cách là người cai quản Địa ngục, thi hành các bản án theo lệnh của Diêm Vương.

Những ngạ quỷ - “Gaki” (餓鬼) đôi khi cũng được coi là một loại Oni. Theo đó, một linh hồn độc ác không thể phục hồi sẽ biến thành quỷ sau khi chết. Chỉ những người xấu xa nhất mới biến thành Oni khi còn sống, và đây là những Oni gây rắc rối cho con người, thường thấy trong truyện dân gian.

ngạ quỷ

Ngoại hình của quỷ Nhật Bản

Oni được miêu tả trong nhiều bối cảnh khác nhau như tôn giáo và truyện cổ tích. Hơn nữa, có vô số loại quỷ và mỗi vùng khác nhau lại có những dị bản riêng. Tuy nhiên, có những đặc điểm được cho là thường gắn liền với Oni.

Quỷ Oni có 5 màu

Hầu hết mọi người khi nghĩ đến màu sắc của quỷ sẽ liên tưởng đến màu đỏ hoặc xanh lam. Tuy nhiên, thực sự vẫn có những màu sắc khác của quỷ, đó là: đỏ, xanh lam, vàng, xanh lá và đen.

Điều này đại diện cho ngũ dục - năm dục vọng trần thế trong Phật giáo; hay nói cách khác, mỗi màu quỷ đều có một ý nghĩa.

Quỷ đỏ (Aka Oni - 赤鬼)

Ham muốn trần thế được đại diện bởi quỷ đỏ là "lòng tham". Nói cách khác, nó tượng trưng cho tham vọng của con người. Sở dĩ Oni màu đỏ nổi tiếng nhất có lẽ bởi vì dục vọng này là biểu tượng của mọi linh hồn tà ác.

Quỷ xanh (Ao Oni - 青鬼)

Ham muốn được đại diện bởi con quỷ xanh là "thù hận", đề cập đến cảm giác căm ghét của con người như giận dữ và oán hận.

quỷ oni

Quỷ vàng (Kiiro Oni - 黄鬼)

Những ham muốn trần thế mà con quỷ màu vàng đại diện là sự xao động, yếu đuối của trái tim con người. Quỷ vàng đôi khi được thay thế bởi quỷ trắng và nó cũng có ý nghĩa tương tự.

Quỷ xanh lá (Midori Oni - 緑鬼)

Quỷ màu xanh lá đại diện cho sức khỏe kém và thói quen ăn uống kém do lười biếng, không làm những điều nên làm hoặc chỉ muốn ngủ thật nhiều.

quỷ xanh lá

Quỷ đen (Kuro Oni - 黒鬼)

Ham muốn mà con quỷ đen đại diện là “sự nghi ngờ”. Nó đề cập đến việc nghi ngờ bản thân hoặc nghi ngờ người khác, phàn nàn. Có thể nói quỷ đen phản ánh cảm giác bất mãn, sự thấp hèn trong chính bản thân con người.

Các đặc điểm khác

Nhìn chung Oni được mô tả với hình dạng giống con người, cụ thể là nam giới. Chúng thường mặc chiếc khố là một mảnh da hổ nhỏ.

Oni được cho là to lớn hơn một người đàn ông trưởng thành; thường có bộ râu to và lởm chởm; đôi mắt hoang dã, trừng trừng; móng vuốt cùng hàm răng dài, sắc nhọn; trên đầu có một hoặc nhiều sừng, được cho là của một con bò.

ngoại hình của quỷ

Sự kết hợp giữa Hổ (chiếc khố) và Bò (sừng) có liên quan đến từ Ushitora*, có nghĩa là hướng Đông Bắc, hướng này mang lại xui xẻo bởi nó dẫn đến Quỷ Môn (Kimon - 鬼門). Theo Đạo giáo Trung Quốc và Âm Dương Đạo Nhật Bản, Quỷ Môn là con đường mà linh hồn ma quỷ đi qua.

Chính vì thế, các ngôi chùa thường được xây dựng quay về hướng Đông Bắc, ví dụ như Enryaku-ji trên núi Hiei nằm ở hướng Đông Bắc từ Kyoto để bảo vệ kinh đô, và tương tự Kanei-ji cũng được xây dựng về hướng đó từ Lâu đài Edo.

*Ushi và Tora lần lượt là bò và hổ trong tiếng Nhật.

Oni sợ gì nhất?

Gặp phải quỷ chắc hẳn là điều cuối cùng chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, theo văn hóa dân gian Nhật Bản, có một số thứ có thể giúp bạn chống lại chúng.

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/mat-quy-nhat-a53412.html