Quy trình thu hoạch quả dừa xiêm Bến Tre

Tổng diện tích dừa toàn tỉnh đến nay là 73.990 ha, tăng 2,10% (tương ứng tăng 1.520 ha) so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích dừa xiêm xanh uống nước toàn tỉnh hiện nay khoảng 14.130 ha, chiếm 19,10% trong tổng diện tích dừa của tỉnh. Để có được quả dừa đạt chất lượng ngoài kỹ thuật chăm sóc việc xác định được thời điểm thu hoạch, phương pháp thu hoạch quả dừa xiêm là rất quan trọng.

Cây dừa Xiêm Xanh

Chất lượng dừa xiêm theo độ tuổi

Các đặc điểm về kích thước quả, trọng lượng quả, thể tích nước dừa, độ dày xơ và độ dày cơm dừa ở các độ tuổi khác nhau từ 7 đến 9 tháng tuổi của quả dừa xiêm với các số đo trung bình được thể hiện ở bảng 1.

Tuổi quả

Chiều dài quả (cm)

Chiều rộng quả (cm)

Trọng lượng quả (10g/quả)

Thể tích nước (ml/quả)

7th

15,1

13,6

131

314

8th

16,1

14,0

157

355

9th

16,3

14,0

148

283

Kích thước, trọng lượng và thể tích nước của quả dừa xiêm uống nước

Kích thước quả biểu thị qua số đo chiều dài và chiều rộng quả tăng nhanh ở tháng thứ 7 sang tháng thứ 8 trong khi đó tăng không đáng kể ở tháng thứ 8 sang tháng thứ 9. Kích thước quả ở tháng thứ 8 trung bình có chiều dài quả là 16 cm và chiều rộng quả là 14 cm. Trọng lượng nguyên quả tăng nhanh ở tháng thứ 7 sang tháng thứ 8 (đạt trung bình 1569 g/quả so với trung bình 1310 g/quả ở tháng thứ 7) và giảm đáng kể ở tháng thứ 9 (1478 g/quả). Lượng nước dừa trong 1 quả tăng ở tháng thứ 7 và thứ 8 (trung bình từ 314 ml ở tháng thứ 7 và đạt trung bình 355 ml ở tháng thứ 8) trong khi đó giảm ở tháng thứ 9 (trung bình 283 ml).

Độ dày xơ dừa và cơm dừa cũng thay đổi theo tuổi quả. Phần xơ dừa từ đầu núm tới gáo thay đổi nhiều hơn so với phần xơ từ đáy tới gáo và phần xơ ở giữa quả. Đối với xơ từ đầu núm tới gáo, độ dày đạt được trung bình 5,2 cm ở tháng thứ 9 trong khi đó độ dày xơ là 4,3 cm ở tháng thứ 7. Độ dày của xơ cũng khác nhau ở các phần quả khác nhau. Phần quả phía núm có độ dày xơ cao nhất, trung bình là 4,6 cm ở tháng thứ 8 trong khi đó chiều dày xơ từ phía đáy là 2,8 cm và từ phía giữa của quả là 2,2 cm ở tháng thứ 8. Độ dày cơm dừa tăng theo tuổi quả. Ở tháng thứ 7 cơm dừa rất mỏng, trung bình đạt 6 mm, tăng lên đến 66 mm ở tháng thứ 9.

Tuổi quả

Độ dày xơ từ đầu núm tới gáo (cm)

Độ dày xơ từ đáy tới gáo (cm)

Độ dày xơ từ điểm giữa thân tới gáo (cm)

Độ dày cơm dừa (mm)

7th

4,3

2,5

2,1

6

8th

4,6

2,8

2,2

28

9th

5,2

3,1

2,4

66

Độ dày trung bình của xơ và cơm dừa

Hàm lượng đường tổng, đường khử, đạm và lipid được trình bày trong bảng 3. Số liệu cho thấy hàm lượng đường tổng tăng dần theo tuổi quả và tăng nhiều trong giai đoạn 7 - 8 tháng tuổi. Trung bình đường tổng khi dừa đạt 7 tháng tuổi là 5,55%, 6,37% ở tháng thứ 8 và đạt 6,88% ở tháng thứ 9. Ngược lại so với đường tổng, lượng đường khử (glucose và fructose) tăng ở tháng thứ 7 - 8 sau đó giảm ở tháng thứ 9, chỉ đạt 3,37% so với 4,38% ở tháng thứ 8 và 3,65% ở tháng thứ 7.

Trong khi có sự biến động lớn về hàm lượng đường theo tuổi quả dừa thì hàm lượng protid biến động không nhiều. Trung bình quả dừa tươi ở 7 tháng tuổi có hàm lượng protid là 11 mg %, tăng lên 15 mg % ở tháng thứ 8 và đạt 18 mg % khi quả dừa đạt 9 tháng tuổi. Xu hướng tăng về hàm lượng lipid theo thời gian khảo sát. Trung bình quả dừa ở 7 tháng tuổi có hàm lượng lipid tổng trong nước dừa là 14 mg/100ml, 18 mg/100ml ở tháng thứ 8 và 21 mg/100 ml ở tháng thứ 9.

Tuổi quả

Đường tổng (%)

Đường khử (%)

Đạm (mg%)

Lipid (mg%)

7th

5,55

3,65

11

14

8th

6,37

4,38

15

18

9th

6,88

3,37

18

21

Hàm lượng trung bình đường tổng, đường khử, lipid và đạm của nước dừa xiêm theo tuổi quả

Kết quả khảo sát hàm lượng khoáng trong nước dừa được chỉ ra trong bảng 4. Nước dừa tươi chứa hàm lượng đáng kể về K, đạt trung bình 262 mg/100ml nước dừa. Lượng Ca, Mg và Na thấp hơn. Trung bình lượng Ca là 38 mg/100 ml, lượng Mg là 7,9 mg/100 ml và lượng Na là 24 mg/100ml nước dừa.

Hàm lượng khoáng trung bình của nước dừa xiêm

Kết quả khảo sát về một số đặc điểm hình thái và sinh học ở trên cho thấy việc lựa chọn tuổi quả để thu hoạch thì quan trọng vì một số đặc điểm này thay đổi theo tuổi quả, đặc biệt là các đặc điểm về chất lượng. Hàm lượng đường tổng tăng theo thời gian trồng nhưng hàm lượng đường khử (fructose và glucose) lại có qui luật khác. Đường khử tích luỹ trong nước dừa cao nhất khi quả dừa ở khoảng 8 tháng tuổi và giảm đáng kể khi quả dừa đạt 9 tháng tuổi. Lượng protid và lipid trong nước cũng có xu hướng tăng theo tuổi quả nhưng có hàm lượng thấp. Trong các khoáng chất khảo sát thì K chiếm tỷ lệ cao. Sự biến động của K cũng phụ thuộc vào tuổi quả và tăng đáng kể ở tháng thứ 8. Kích thước quả, trọng lượng và thể tích nước cũng đạt cao nhất ở tháng thứ 8 trong khi cơm dừa có độ dày trung bình, phù hợp với mục tiêu uống nước. Độ dày phần xơ dừa phân bố không đồng đều ở các phần của quả đã chỉ ra sự khó khăn trong việc thiết kế thiết bị gọt tự động vỏ quả. Tuy nhiên kết quả này cho thấy có khả năng thiết kế công cụ chặt phần vỏ ở 2 đầu quả. Công cụ có thể thiết kế để cắt bỏ phần vỏ quả kể từ núm khoảng 2-2,5 cm và phần vỏ quả kể từ đáy là 1-1,5 cm.

Xác định tuổi quả dừa xiêm để thu hoạch

Việc xác định tuổi quả để thu hoạch là yếu tố quan trọng và theo kết quả này, tuổi quả phù hợp cho thu hoạch bảo quản là ở 8 tháng tuổi.

Quả dừa là một quả nhân cứng, gồm một hạt duy nhất được bao bọc bởi nội quả bì cứng (gáo) và một trung quả bì mềm (xơ). Quả dừa phát triển to dần lên theo thời gian và thay đổi hình thái bên ngoài từ quả dạng hình tròn sang dạng hình trứng có 3 gờ, màu sắc vỏ quả cũng thay đổi từ màu xanh khi quả còn, xuất hiện các đốm nâu và chuyển thành màu nâu khi quả già.

Quá trình hình thành gáo kéo dài 4 tháng sau khi thụ phấn. Khi mới hình thành, gáo có màu trắng, mềm, dần dần trở nên cứng, chuyển dần sang màu nâu ở tháng thứ 8. 5 - 6 tháng sau khi thụ phấn, cơm dừa bắt đầu thành lập từ đỉnh xuống đáy quả, tạo thành một lớp mỏng, sền sệt. Sau đó, cơm dừa tiếp tục phát triển dày hơn, cứng hơn. Trọng lượng cơm dừa tăng đến tháng thứ 10 và dừng sau 11 tháng tuổi. Cơm dừa màu trắng, cứng bao bọc bên ngoài bởi lớp vỏ nâu.

Thu hoạch quả dừa xiêm xanh chủ yếu dựa vào việc xác định tuổi quả. Thực tế việc xác định tuổi quả dựa vào chất lượng của nước dừa ví dụ hàm lượng đường khử hoặc là dựa vào các đặc điểm sinh học như độ dày cơm dừa sẽ gặp khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên tuổi quả có thể xác định dựa vào các thay đổi về hình thái, màu sắc và các đặc điểm sinh học của quả dừa theo thời gian tăng trưởng.

Quả dừa Xiêm Xanh Bến Tre

Phương pháp thu hoạch dựa vào đặc điểm sinh học

Việc thu hoạch quả được căn cứ vào các đặc điểm sau: Đếm buồng quả. Dừa Xiêm khoảng 20 ngày sẽ cho một buồng mo (sau sẽ phát triển thành buồng quả). Nếu ta đếm buồng quả dự kiến thu hoạch là buồng thứ nhất, buồng kế tiếp phía trên là buồng thứ 2, thứ 3 cho tới buồng thứ 12 là buồng có bông mo vừa nhú ra, chưa bung thì buồng quả thứ nhất là buồng quả đủ độ tuổi để thu hoạch.

Quan sát buồng quả ở tầng trên. Đặc điểm sinh học của lá dừa phân bố theo kiểu tam phân tức là lá thứ 4, lá thứ 9, lá thứ 14, lá thứ 19, lá thứ 24 nằm trên cùng đường thẳng. Trong thực tế, dừa sẽ trổ buồng ở nách cuống lá. Nếu buồng quả ở nách lá thứ 24 dự kiến thu hoạch, buồng quả ở nách lá thứ 19 sẽ là buồng quả còn non, buồng quả ở nách lá thứ 14 là mo mới nhú lên thì buồng quả ở nách lá thứ 24 chưa thu hoạch được. Nếu buồng quả ở nách lá thứ 14 mang quả bằng nắm tay thì buồng quả ở nách lá thứ 24 đạt tiêu chuẩn thu hoạch.

Phương pháp thu hoạch dựa vào đặc điểm hình dạng, màu sắc, âm thanh

Quan sát đuôi chuột (gié hoa). Vỏ quả dừa già có màu sẫm đen thì đuôi chuột buồng quả sẽ khô từ đầu cuống đuôi chuột đến cuối đuôi. Đuôi chuột khô một nữa là buồng quả còn non. Cách quan sát này tùy thuộc vào mùa, nếu mùa khô nắng gắt, đuôi chuột sẽ khô nhanh hơn.

Quan sát màu quả. Khi còn non vỏ quả dừa Xiêm có màu xanh. Trong quá trình phát triển, vỏ quả sẽ chuyển dần sang màu nâu. Vỏ quả có màu nâu sẫm cho biết quả đã chín sinh lý hoàn toàn, lúc này quả đã được 12 tháng tuổi. Khi ở độ tuổi thu hoạch dừa Xiêm thì trên màu xanh của vỏ quả xuất hiện những vệt nâu. Đây là điểm nhận diện quả đã đạt tiêu chuẩn thu hoạch.

Nông đân hay bạn hàng thường búng tay vào vỏ quả dừa, quả kêu tiếng thanh (do xơ khô và gáo bắt đầu cứng) là nước vừa ngọt. Quả kêu tiếng trầm là còn non, chưa đủ cơm bên trong gáo. Còn búng đau tay là quả đã quá già, cơm đã đóng quá dày ở gáo, nước lạt và chua.

Xác định tuổi quả thông qua các đặc điểm sinh học là phương pháp chính xác hơn là xác định thông qua các đặc điểm cảm quan như màu sắc vỏ, tiếng kêu vỏ quả. Tuy nhiên phương pháp xác định theo đặc điểm sinh học đòi hỏi trình độ nhất định. Hơn nữa, các đặc điểm sinh học, các đặc điểm cảm quan như màu sắc vỏ quả, gié … phụ thuộc vào yếu tố môi trường, thời tiết. Do đó phương pháp xác định tuổi quả được đề nghị là phương pháp kết hợp các phương pháp nghĩa là xác định thông qua đặc điểm sinh học, đặc điểm hình thái bên ngoài và kinh nghiệm búng quả của nông dân.

Cách thức thu hoạch quả dừa xiêm

Dừa Xiêm thường thu hoạch 20 ngày một lần hoặc 2 tháng thu hoạch 3 lần, một năm có thể thu hoạch được 18 buồng quả (nếu tất cả các nách lá đều trổ buồng quả). Tuy nhiên sự phát triển của dừa xiêm phụ thuộc theo mùa. Mùa khô, dừa Xiêm phát triển nhanh và mau chín sinh lý hơn mùa mưa.

Thông thường sau khi xác định buồng quả thu hoạch, buồng quả sẽ được thu theo 2 cách. Cách thứ nhất là chặt từng quả và cho rơi tự do xuống đất hoặc là xuống mương rãnh. Cách thứ 2 là dùng dây câu nguyên buồng dừa xuống. Cách này phù hợp với việc bảo quản quả vì quả không bị dập do va chạm. Buồng dừa được chất thành đống, không tách quả ra khỏi buồng cho đến khi tiến hành bảo quản.

Đặng Văn Cử

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/dua-a55218.html