Lột dên

* Xe máy của tôi có lần máy nổ nghe cạch cạch rất khó chịu, đem ra tiệm thì thợ nói xe bị “lột dên”. Xin cho hỏi, “lột dên” là xe máy bị “bệnh” gì? (Nguyễn Quang Tài, Liên Chiểu, Đà Nẵng)

- Dên là cách đọc trại của từ tiếng Pháp bielle, tiếng Việt nghĩa là thanh truyền hoặc tay dên. Nói là đọc trại, vì từ này phiên âm đúng phải là bi-ên. Vì thế, có thể nói “dên” là từ có “bà con khá xa” so với từ nguyên tiếng Pháp bielle.

Tay dên (trái và phải) và tay dên nối với pít-tông (giữa). Tay dên (trái và phải) và tay dên nối với pít-tông (giữa).

Dên là một chi tiết máy quan trọng được ứng dụng ở hầu hết các ngành kỹ thuật chế tạo máy, nối liền giữa pít-tông và trục khuỷu (cốt máy). Nhiệm vụ của dên là biến chuyển động tịnh tiến ngang của pít-tông thành chuyển động tròn của trục khuỷu. Trong động cơ đốt trong, dên làm nhiệm vụ truyền lực từ trục khuỷu tới pít-tông để nén ép không khí trong buồng đốt, và ngược lại truyền lực từ pít-tông do khí cháy giãn nở tạo ra tới trục khuỷu, làm quay trục.

Dên được chia làm 3 phần. Đầu nhỏ có lỗ hình trụ rỗng để lắp chốt pít-tông. Thân nối đầu nhỏ với đầu to thường có tiết diện ngang hình chữ I để tăng khả năng chịu lực mà giảm được trọng lượng. Đầu to để lắp với cổ khuỷu. Bên trong lỗ của đầu nhỏ và đầu to có lắp bạc lót hoặc ổ bi. Dọc lõi của thân dên có lỗ dẫn dầu để làm mát và xoa trơn các bạc lót hoặc ổ bi.

Khi nhớt trong xe cũ được bơm lên có lẫn cát, mạt kim loại, hoặc nhớt đã khô cạn thì vòng ngoài của bạc đạn (thuộc tay dên) sẽ bị bào mòn nhanh chóng, tạo ra khe hở lớn giữa tay dên (thanh truyền) và ắc dên (thuộc trục khuỷu, cốt máy) nên khi pít-tông chuyển động sẽ gây ra tiếng cạch cạch rất chói tai, người ta nói xe đã bị “lột dên”. Khi xe bị “bệnh” này, hiện tượng thấy rõ nhất là đầu pít-tông bị đen vì không có nhớt bơm lên để gạt khí cháy.

Kỹ thuật xe máy có từ “đôn dên” để chỉ việc thay đổi tỷ số truyền giữa bánh răng gắn ở trục quay kéo xích (bánh xe nhỏ) và bánh răng ở trục bánh xe (bánh răng lớn) bằng cách thay pít-tông và tay dên để tăng tỷ số nén buồng đốt; nếu tỷ số truyền lớn thì xe sẽ “mạnh” hơn, nhưng hao xăng hơn. Các loại xe thồ chạy đường nhiều dốc, xe chở nặng thường “đôn dên” là vì thế.

Các tay đua xe máy thường đôn dên để xe được mạnh hơn. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 30-10-2011 trong bản tin “Chống đua xe: Quản chặt tiệm đôn dên, xoáy nòng” có dẫn lời Đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, Công an TP. Hồ Chí Minh về việc này: “Tình trạng hàng quán bán sau 23 giờ, các quán bar, vũ trường hoạt động thâu đêm suốt sáng cũng là nơi tụ tập của các đối tượng đua xe trước giờ xuất phát. Các điểm sửa xe, đôn dên, xoáy nòng cũng chưa được quản lý chặt chẽ…”.

Gần 100 năm người Pháp đô hộ Việt Nam, vì thế tiếng Việt vay mượn khá nhiều từ có nguồn gốc tiếng Pháp. Một số người, nhất là giới bình dân, do không biết rõ từ gốc tiếng Pháp mà chỉ nghe loáng thoáng nên “phiên âm” sai với từ gốc, trong đó dên (bielle) là một ví dụ. Cũng thuật ngữ kỹ thuật xe máy, pointu được phiên âm thành pông-tu (có người phát âm khỏe re thành bông-tu), nghĩa đen là nhọn, nghĩa trong kỹ thuật chỉ cây kim điều chỉnh xăng trong xe máy; carburateur nghĩa là bộ chế hòa khí đã bị đọc sai một cách ngắn gọn thành... bi-ra-tơ.

ĐNCT

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/den-xe-may-la-gi-a61167.html