Đừng bao giờ... ăn cua ghẹ lạ
Có những con cua ghẹ đẹp mà độc, có những con mang mầm bệnh ăn vào rất dễ mắc bệnh, nguy hại cơ thể. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng từng cấp cứu 1 người dân ở quận Sơn Trà đang khỏe mạnh, đùng một cái vì ăn cua lạ, đã bị trúng độc và tử vong.
Nguyên nhân do nạn nhân ra biển bắt được mấy con cua lạ, màu sắc sặc sỡ, đẹp mắt, đem về luộc ăn và… trúng độc. Các bác sĩ đã lọc máu và điều trị tích cực nhưng bệnh nhân trúng độc quá nặng nên không cứu được.
Cua mặt quỷ rất độc. Ảnh minh họa.
Chia sẻ với truyền thông, TS.BS Trần Bá Thoại (BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng) cho hay đã có nhiều trường hợp ngộ độc do ăn cua lạ. Năm 2015, một cháu bé 10 tuổi ở Quảng Trị tử vong do ăn cua đá bắt từ đảo Cồn Cỏ về.
Cùng năm đó nhóm công nhân bắt được cua mặt quỷ ở dọc bờ biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm mồi nhậu. Ăn xong cả nhóm đều có dấu hiệu tê cứng chân tay, khó thở… May mắn họ ăn ít, cấp cứu sớm nên đã đã được cứu sống.
Các nhà khoa học khuyến cáo, một số loại cua biển lạ, màu sắc sặc sỡ có chứa các độc tố chết người trong thịt, trứng, và nhiều nhất là chân và càng, gây hại cho tim mạch, nguy cơ tử vong cao.
Vì vậy gặp cua đẹp, màu sắc sặc sỡ, hình thù kỳ quái… thì đừng vui miệng, hay "ăn thử", mà hãy cảnh giác đừng có ăn, bởi ăn vào sẽ nguy hiểm, có thể trúng độc.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, có vài loại cua đẹp và độc có thể gặp ở bờ biển Việt Nam như sau:
Cua đá biển: Thân cua to lớn, vỏ màu tím sậm, chân dài, càng ngắn, đêm đi ăn, ngày ẩn trong các hang đào, luộc chín vỏ có màu gạch.
Cua hạt dây: Chứa chất độc nguy hiểm, hay gặp ở các rạn san hô sống ở khu Hòn Tầm (Nha Trang, Khánh Hòa). Đầu cua phủ kín các u lồi dạng hạt. Cua sống thì có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng, hoặc hơi đỏ tía. Đốt chân kìm có màu đen.
Cua mặt quỷ: Rất độc và phổ biến ở vùng biển miền Trung, nơi có vùng triều thấp. Độc tố của cua nằm ở thịt, trứng, nhiều nhất là thịt càng cua, gây ngộ độc thần kinh.
Cua Florida: Có vỏ đầu ngực gần giống hình elip ngang. Mặt lưng của vỏ cua hơi lồi nhưng láng phẳng. Con cua sặc sỡ với những vệt màu xanh da trời nhạt pha lục, có những vết loang màu đỏ tía. Các chân cua có màu sậm.
Tuyệt đối không ăn cua ghẹ sắp chết, đã chết
Ngoài cua đẹp mà độc trên, có những con cua ghẹ mang trong mình mầm bệnh, nếu ăn vào rất dễ mắc bệnh, nguy hại cơ thể. Đó là bởi cua ghẹ sống ở tầng đáy, thức ăn là xác động vật, chất mùn, phù du… nên bề mặt cua và mang, đường ruột rất nhiều vi khuẩn, bùn đất.
Loại cua ghẹ sắp chết, cua ghẹ ươn bốc mùi đều có vi khuẩn và chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh trong thân cua, xâm nhập vào phần thịt cua khiến người ăn bị nôn mửa, đau bụng, đi ngoài.
Vì vậy khi sơ chế cua ghẹ phải ngâm nước muối và dùng bàn chải cọ sạch trước khi chế biến, và phải nấu chín kỹ để diệt các vi khuẩn gây bệnh, các kí sinh trùng để tránh bị tiêu chảy và các bệnh khác. Cách ăn cua ghẹ an toàn nhất là luộc, hấp chín kỹ rồi ăn.
Cua ghẹ rất bổ, nhưng những người có tì vị hư, bị cảm lạnh sốt, tiêu chảy, viêm dạ dày mãn tính, loét tá tràng, viêm túi mật, sỏi mật, bệnh viêm gan... ăn thịt cua ghẹ vào rất dễ thành "thuốc độc", bởi thịt cua ghẹ có tính hàn, khiến bệnh của họ nặng hơn.
Những người mắc bệnh tim mạch vành, bệnh huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh mỡ trong máu cao thì cua ghẹ giàu cholesterol trong thịt nên ăn vào tình trạng bệnh cũng nặng hơn, do đó cần hạn chế ăn cua ghẹ.
Chính người tiêu dùng hãy tự trang bị kiến thức cơ bản để có sự lựa chọn, kiểm tra kỹ cua ghẹ để không mua phải cua ghẹ có độc. Tốt nhất nên mua ở những cửa hàng đã có uy tín, cua ghẹ có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Mua cua ghẹ về cần dùng bàn chải rửa sạch. Ảnh minh họa.
Cua ghẹ dễ gây dị ứng
Tuy cua ghẹ được ưa chuộng, thơm ngon, nhiều dưỡng chất, nhưng cũng đứng đầu nguyên nhân gây dị ứng, gây nổi mề đay, mẩn ngứa, sưng phù nề mặt và trong cuống họng. Do đó người mẫn cảm hãy ăn ít một, nếu thấy dị ứng, nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, khó thở… phải tới bệnh viện cấp cứu ngay kẻo hôn mê, tụt huyết áp… có thể dẫn tới tử vong.
Cua nướng, mắm cua dễ nhiễm sán lá phổi
Th.s Nguyễn Hồng Hà - nguyên Phó Giám đốc BV Nhiệt đới TƯ từng cho biết: cua sống, gỏi, nhất là cua suối nướng than hoa, mắm cua sống rất dễ có nang sán lá phổi - người hoặc động vật ăn phải nang sán vào dạ dày, ruột và xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, xuyên qua cơ hoành vào màng phổi và phế quản làm tổ. Chỉ 5-6 tuần sán lá phổi trưởng thành (vì chúng ít đẻ trứng nên khó phát hiện), chúng sẽ ăn rỗng phổi, khiến phổi bị tổn thương, sốt, ho ra máu…
Do đó hạn chế ăn cua chưa chín, gỏi... Các món ăn từ cua đều phải nấu chín.
Dễ nhiễm độc, ngộ độc
Một số cua ghẹ ngon bổ vô tình trở thành "kho chứa chất độc" do sống ở vùng nước bị ô nhiễm, khiến chúng bị nhiễm khuẩn. Dễ nhiễm độc, ngộ độc nhất là cua ghẹ chết, chế biến không đúng cách dễ "dính" các vi khuẩn gây ngộ độc như: khuẩn cầu trùm, khuẩn dấu phẩy… thường tấn công người có hệ miễn dịch yếu, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… Phụ nữ mang thai ăn phải loại cua ghẹ này dễ bị sảy thai, sinh non, trẻ gặp nguy hại sau sinh.
Cua ghẹ cần phải nấu chín kỹ hãy ăn để tránh nguy hại cho cơ thể. Ảnh minh họa.
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/ghe-mat-quy-a61338.html