Yury Gagarin sinh ngày 8/3/1934 tại tỉnh Smolensk, làng Krushinno (nay là thành phố Gagarin). Khi cậu bé Yury chào đời, các bà đỡ ở nhà hộ sinh nói rằng một người đàn ông chân chính không nên sinh ra vào ngày Quốc tế Phụ nữ. Thế là trong giấy khai sinh, nhà du hành vũ trụ tương lai được “ấn định” sinh vào ngày 9 tháng 3.
Từ năm 1973, cứ vào ngày này người ta lại tổ chức những cuộc hội thảo, những buổi liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao để kỉ niệm ngày sinh Gagarin. Còn ngay tại ngôi làng anh đã sinh ra, người ta tiến hành nghi lễ uống nước từ chính cái giếng trong vườn nhà Gagarin thuở xưa.
Cũng như đối với hầu hết những con người huyền thoại, vinh quang của Gagarin được dệt nên bởi những nỗ lực phi thường của bao người kết hợp những phẩm chất cá nhân cùng những sự tình cờ nho nhỏ của riêng anh.
Yury Gagarin. Ảnh: TassĐể xác định ứng cử viên cho cái “chân” phi công vũ trụ đầu tiên, “bố già” Sergey Korolyov khó tính đã phải lặn lội trên nhiều nẻo đường của đất nước Liên Xô để tìm ra một nhóm 20 phi công xuất sắc nhất của toàn bộ Quân chủng Không quân Liên Xô.
Từ 20 người, ông “gút” lại một tổ 6 người. Nói một cách công bằng, Thượng uý phi công tiêm kích Yury Gagarin không phải là người nổi trội nhất. Xét về năng lực chuyên môn, người đó là Vladimir Komarov (hi sinh ngày 23/4/1967 khi hạ cánh từ tàu vũ trụ Soyuz).
Thế nhưng, vị Tổng công trình sư đã lựa chọn Gagarin do có ấn tượng rất tốt đẹp về chàng trai này ngay từ đầu: Trước khi bước vào cabin luyện tập, anh đã cẩn thận tháo bỏ tất chân. Theo quan niệm của Korolyov, người tử tế bao giờ cũng trân trọng mọi người, mọi thứ và ông đã không nhầm.
Trong chuyến bay lịch sử ngày 12/4/1961 kéo dài 108 phút ấy, công việc chủ yếu của Gagarin là ngồi yên một chỗ và anh chỉ trong trạng thái không trọng lượng khoảng 15 phút (khi bay qua Đại Tây Dương). Nhiều phương án đề phòng bất trắc đã được đề ra.
Dễ hiểu thôi, vì đây là chuyến bay đầu tiên vào khoảng không đầy bí ẩn. Hơn nữa, trước đó đã xảy ra một số tình huống nguy hiểm: Hai chú chó Pchelka và Mushka bay thử nghiệm trên tàu Phương Đông cùng kiểu đã chết từ trước khi trở về trái đất. Ngày 23/4/1961, chỉ vì sơ suất nhỏ trong khi tập mà Trung uý Valentin Bondarenko - cũng nằm trong “bộ 6” đã bị bỏng đến chết...
Trước khi ngồi vào ghế trên tàu, Gagarin đã được Korolyov trao cho mảnh giấy dán kín, bên trong ghi con số 25. Đó là mã số để mở hệ thống điều khiển bằng tay trong trường hợp thiết bị điều khiển tự động của con tàu bị trục trặc.
Các nhà tâm lí học e rằng, khi bay vào vũ trụ, con người rất dễ bị rơi vào tình trạng hoảng loạn do mất cân bằng. Trong tình huống đó, người phi công dễ vô thức khởi động bộ phận điều khiển bằng tay. Chính vì thế, người ta khoá mã số của thiết bị này.
Trong khi Gagarin đang bay trên quỹ đạo thì ở Kremlin đã chuẩn bị 3 bản tuyên bố về chuyến bay. Bản thứ nhất tôn vinh thắng lợi. Bản thứ hai sẽ được công bố trong trường hợp con tàu không lên được quỹ đạo cần thiết và đáp xuống một vị trí nào đó trên đại dương. Chính phủ các nước sẽ được yêu cầu hỗ trợ trong việc tìm kiếm cứu nạn. Bản thứ ba dành cho một kết cục bi thảm.
Rất may mắn là hai bản sau đã không được dùng đến. Chuyến bay thành công mĩ mãn. Gagarin thậm chi không bị ngất xỉu như nhiều người lo ngại.
Tờ báo đưa tin về việc Gagarin trở thành người đầu tiên lên vũ trụ. Ảnh: Huntsville TimesNgay sau khi hạ cánh, Gagarin được thăng quân hàm trước niên hạn và vượt cấp từ Thượng uý lên Thiếu tá. Ngay ngày hôm sau, Gagarin được Bí thư thứ nhất N. Khrushov tiếp tại Điện Kremlin và được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Ngày 1/5, trong lễ duyệt binh diễu hành tại Quảng trưởng Đỏ nhân ngày Quốc tế Lao động, anh được đứng trên lễ đài Lăng Lenin bên cạnh các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước Liên Xô, được hàng vạn quần chúng tung hô.
Tiếp đó, Gagarin được đi thăm nhiều nước, trở thành Anh hùng Lao động Tiệp Khắc, Bulgary, Việt Nam... Năm 1963, được phong quân hàm Đại tá và năm 1968 tốt nghiệp Học viện Kĩ thuật quân sự Hàng không mang tên E. Zhukovsky.
Anh là đại biểu Xô-viết Tối cao Liên Xô khoá 6 và 7. Song khác với nhiều người, Gagarin không bị choáng ngợp trong vinh quang. Ở mọi nơi trên đất nước Liên Xô và trên thế giới, anh luôn tiếp xúc với mọi người bằng thái độ thân thiện, với nụ cười tươi tắn thắp sáng cả bầu trời.
Ngày 27/3/1968, Yury Gagarin thực hiện chuyến bay tập cùng chỉ đạo viên nổi tiếng Vladimir Sheregin. Vào 10 giờ 30 phút, chiếc MiG-15 bất ngờ lao đầu xuống đất ở góc 51 độ, vận tốc 690 km/h, động cơ quay 10.540 vòng/giây, mang đi sự sống của hai người anh hùng.
Theo 2 nhà du hành vũ trụ lừng danh German Titov và Aleksey Leonov, nguyên nhân chính dẫn đến việc chiếc MiG-15 của Gagarin và Sheregin gặp nạn có lẽ là do phải bất ngờ ngoặt gấp, để tránh một chiếc máy bay Su-11 của Không quân Liên Xô bay lạc vào khu vực bay của họ.
Nguyên Phong
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/quoc-gia-nao-da-mo-dau-ky-nguyen-chinh-phuc-vu-tru-cua-loai-nguoi-a65578.html