AI-EO VÌ SAO PHẢI THEO ?
Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế IELTS (International English Language Testing System) thường được gọi theo tiếng Việt là ai-eo. Những năm gần đây, nhiều trường đại học của Việt Nam sử dụng kết quả thi IELTS để tuyển chọn sinh viên. Có người phàn nàn “ai-eo vì sao phải theo?” trong khi ngành giáo dục nước nhà đâu có thiếu các hệ thống kiểm tra, đánh giá.
Học viên 19 nước đối tác tại Hàn Quốc
Sau kỳ thi cuối cùng ở bậc trung học phổ thông là đến thời điểm nhiều học sinh đi thi lấy bằng lái xe máy. Đó là một bước chuyển nho nhỏ từ trường học ra trường đời. Có bạn bảo, hóa ra thi lấy bằng lái xe máy và thi IELTS lại có điểm tương đồng, đó là cùng đề cao thực hành. Việc đánh giá toàn diện, thực chất và coi thi, chấm thi nghiêm khắc, khách quan đã khẳng định vị trí của IELTS. Hiện nay có trên 11.000 tổ chức ở 145 quốc gia công nhận IELTS là một chứng chỉ xác thực kỹ năng tiếng Anh của người học trên toàn thế giới.
Ở Mỹ, SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học. Bài thi SAT đánh giá các kiến thức tự nhiên, xã hội và một số kỹ năng khác như phân tích, ứng phó, giải quyết vấn đề... Với việc đánh giá toàn diện, thực tế như vậy, SAT được nhiều trường lựa chọn.
Nếu muốn có cơ hội du học ở Mỹ, bạn phải chấp nhận thi SAT. Cũng như muốn thi bằng lái xe, bạn phải chấp nhận đi xe của đơn vị sát hạch. Ngày trước, người thi được sử dụng xe của nhà mình, cán bộ chấm thi kiểu thủ công. Nhưng những năm gần đây, xe sát hạch được gắn chíp tự động chấm điểm, đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, theo tiêu chuẩn chung của nhiều nước trên thế giới.
Hội nhập là bước vào sân chơi chung, tuân theo tiêu chuẩn, luật lệ chung. Nhà Nguyễn giữa thế kỷ XIX lại chơi kiểu “một mình một sân”. Về đối nội, nhà nước độc quyền công thương đã kìm chế sự năng động của sản xuất và thương mại. Về đối ngoại, triều đình thực thi chính sách “bế quan tỏa cảng”, cấm đoán nhân dân trong nước giao lưu với thế giới bên ngoài. Chính sách đóng cửa của nhà Nguyễn đã đẩy đất nước vào tình trạng suy kiệt, rồi bị thôn tính.
Cùng thời với nhà Nguyễn bên ta “bế quan tỏa cảng” thì nước Nhật của chính quyền Mạc phủ cũng thực thi chính sách “toả quốc” (khóa cửa đất nước). May cho dân tộc Nhật Bản, giới tinh hoa đã sớm nhận ra nguy cơ bại vong. Họ quyết tâm mở cửa thông thương, thúc đẩy duy tân, học tập phương Tây để không bại trước phương Tây.
Tháng 1 năm 1868, thời kì Minh Trị (cai trị sáng suốt) bắt đầu ở Nhật Bản. Với mong muốn đuổi kịp phương Tây, giáo dục phải đi trước một bước. Trong cuốn sách Khuyến học (Nhà xuất bản Thế giới 2018), nhà cải cách giáo dục Fukuzawa viết “Trời không tạo ra người đứng trên người. Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nếu có khác biệt là do học vấn”.
Để có học vấn tân tiến, nhiều phái đoàn của Nhật được cử sang phương Tây học hỏi về cách thức quản lý hành chính và kỹ thuật. Đồng thời, chuyên gia phương Tây được mời vào Nhật để phổ biến kiến thức và công nghệ. Trong những năm đầu cải cách giáo dục, ước tính có tới 500 giảng viên nước ngoài tới giảng dạy tại các trường đại học đầu tiên của Nhật. 80% sách và tài liệu chuyên ngành của Nhật được biên soạn theo mẫu phương Tây. Kết quả là chỉ sau vài thế hệ, Nhật Bản không chỉ giữ được độc lập mà còn trở thành cường quốc ngang hàng với các đế quốc phương Tây hùng mạnh nhất.
Hàn Quốc sau giải phóng năm 1945 là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Họ mong có học vấn tân tiến như của Nhật Bản. Không muốn tốn phí thời gian, tiền bạc, họ lấy nguyên sách giáo khoa của Nhật, dịch sang tiếng Hàn để dạy dỗ con em mình. Loài người đã biết làm ra lửa từ thời nguyên thủy, bấy giờ người Hàn không cần thêm những công trình phát minh ra lửa nữa.
Trong khóa học hội nhập dành cho cán bộ đối ngoại 19 nước đối tác tổ chức tại Seoul năm 2018, Giáo sư Park Tae Gyun, Trường Đại học Seoul National University, đã nói với chúng tôi về bí mật tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc. Ông khẳng định khả năng hấp thụ (absorptive capability) cũng là một lối sáng tạo của người Hàn.
Học nước ngoài không đáng chê cười. Nếu có đáng cười là cười thói sính ngoại, sùng ngoại. Và đáng cười hơn cả là đóng cửa, thủ cựu, giấu dốt. Nếu chúng ta có cách thức thi cử, sát hạch trung thực, uy tín, việc gì học sinh phải tốn kém tiền của, công sức với IELTS? Dùng hàng Việt là yêu nước. Rất đúng. Nhưng phải là hàng Việt chất lượng cao, giá thành hạ. Ca dao thời hội nhập vì thế mới có câu rằng: “Ta về ta tắm ao ta, phải trong không đục ao nhà mới hơn”.
Huyền Dư
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/tieng-anh-ai-eo-a66616.html