Thu Hà Nội đầy quyến rũ trong ca khúc Đoàn Chuẩn

Thu Hà Nội đầy quyến rũ trong ca khúc Đoàn Chuẩn

Cố nhạc sỹ Đoàn Chuẩn

Bài liên quan

Rực rỡ sắc thu Hà Nội

Cả cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều. Trong 19 tác phẩm đã được công bố của ông có 10 bài là phổ biến, để đời mà hầu như ai cũng biết là “Thu quyến rũ”, “Tình nghệ sĩ”. “Lá đổ muôn chiều”, “Tà áo xanh”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Lá thư”, “Gửi người em gái miền Nam”…

Theo gia đình nhạc sĩ, có thể những bài khác của ông còn ở đâu đó chưa tìm thấy nhưng cũng chỉ cần có thế, cái tên Đoàn Chuẩn đã tạo dựng một vị trí không thể nào thay thế trong nền tân nhạc Việt Nam, cũng như trong lòng thính giả.

Các giai phẩm ấy dù được ký dưới cái tên: Nhạc Đoàn Chuẩn, lời Từ Linh (tên người bạn tâm giao của ông) song Từ Linh không hề tham gia vào quá trình sáng tác. Bởi thế, tình bạn giữa hai người là mối quan hệ bằng hữu hiếm có từ trước đến nay.

Gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Trong những bài hát của ông, có rất nhiều câu từ đặc tả mùa thu. Từ “Trời đất kia ngả màu xanh lơ/ Đàn bướm kia đùa vui bên muôn hoa/ Bên những bông hồng đẹp xinh” (Thu quyến rũ) qua “Như duyên em thầm kín/ Trong hương thu màu tím buồn” (Cánh hoa duyên kiếp) với “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương” (Lá thư) rồi “Một sớm thu về chuyển bến xuôi” (Chuyển bến) hay “Ta quen nhau mùa thu” (Tà áo xanh) và “Thu đi cho lá vàng bay” (Lá đổ muôn chiều)…

Nhất là với “Gửi gió cho mây ngàn bay”, nét thu càng trở nên đắm đuối, yêu kiều như nhan sắc một người con gái: “Với bao tà áo xanh đây mùa thu/ Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ/ Lá vàng từng cánh rơi từng cánh/ Rơi xuống âm thầm trên đất xưa”…

Ta bắt gặp ở đây những hình ảnh, ca từ đẹp mà buồn mang mác lại đầy tính ước lệ, tượng trưng như trong thơ Đường. Để khi thả hồn mình vào những ca khúc ấy, tâm tư con người như một tấm mành tơ nhện, khẽ rung lên xao xuyến, bồi hồi trong hơi thở mùa thu dịu ngọt.

Có một điều đáng nhớ nữa, trong những ca khúc “rất thu” ấy, không có bất cứ một từ nào nhắc đến Hà Nội nhưng người nghe đều cảm nhận, chỉ có mùa thu Hà Nội mới đủ để gợi nên trong ông những cảm hứng tuyệt vời khi sáng tác những tác phẩm này.

Một Hà Nội với dáng vẻ cổ kính, trầm mặc mà sang trọng, thanh lịch trong hình ảnh những thanh nữ dạo guốc trên đường phố, con ngõ, bên thành quách, đền chùa nghìn năm. Rồi những cơn gió heo may như thổi từ thuở “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” về, thổi tung những tà áo dài trắng tinh khôi, vờn lên mái tóc búi xõa, đùa lên hàng mi như sóng nước hồ Gươm… Một Hà Nội mà đến bây giờ với chúng ta như đã là cổ tích.

Tuy nhiên, để nhạc sĩ nhìn và vẽ nên một Hà Nội với con mắt lãng tử như vậy cũng có một nguyên nhân sâu xa. Đoàn Chuẩn sinh ngày 15/6/1924 trong một gia đình tư sản cỡ lớn đất Hải Phòng, mảnh đất có nhiều nhân vật đóng góp lớn cho nền âm nhạc Việt Nam thời điểm khởi đầu như Lê Thương, Văn Cao, Hoàng Quý, Hoàng Phú (Tô Vũ)…

Sau đó, Đoàn Chuẩn lại trưởng thành ở Hà thành, mảnh đất ngàn năm văn hiến, trong thời buổi văn hóa Pháp đang tạo nên ảnh hưởng lớn với tầng lớp thanh niên bấy giờ. Đoàn Chuẩn, chàng công tử con một của hãng nước mắm Vạn Vân, từng nổi tiếng khắp Đông Dương và được lưu truyền bằng cả ca dao: “Cốm Vòng, cà Báng, húng Láng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”.

Tài hoa, đẹp trai và giầu có, Đoàn Chuẩn từng sở hữu những tiện nghi mà thời nay nhiều người còn mơ ước. Đoàn Chuẩn cũng nổi tiếng chơi ngông, khi cho cả Hà thành xôn xao vì một mình sở hữu sáu chiếc xe ô tô. Cả Việt Nam ngày đó chỉ có hai chiếc xe Cadillac, vì mê tiếng đàn guitar Hawaii (Hạ Uy cầm), ông đã đổi cả chiếc xe lấy một cây đàn ba cần sản xuất tại Tiệp Khắc (cũ).

Nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từng cho biết, cây đàn đó gia đình ông vẫn nâng niu cất giữ như bảo vật. Trong chương trình ca nhạc “Thu về trên phố” diễn ra tại Cung hữu nghị Hà Nội cách đây sáu năm, nghệ sĩ Đoàn Đính đã trình tấu bản “Chuyển bến” và đệm đàn cho ca sĩ Ánh Tuyết hát bằng chính cây đàn cha ông để lại. Cây Hạ Uy cầm đó dù đã thuộc dạng cổ nhưng tiếng vẫn hay, gỗ khô nhưng không cong vênh, âm phát ra ngấm vào từng thớ gỗ, cộng hưởng ngân rung.

Với cây đàn này và tình yêu vô bờ với âm nhạc, Đoàn Chuẩn đã cho ra đời những bài hát đi vào lòng người, đầy chất thu quyến rũ. Điều đặc biệt, dù trong bài hát của ông luôn dạt dào tình yêu, các câu chuyện đồn thổi về “bóng hồng” đi qua cuộc đời nhạc sĩ không ít nhưng nghệ sĩ Đoàn Đính từng cho biết, cha anh không bao giờ nhắc tới bất cứ người phụ nữ nào ngoài vợ.

“Mẹ tôi rất tự hào vì ca khúc “Đường về Việt Bắc” mà bố viết riêng tặng mẹ. Mẹ bảo chỉ cần một bài đó là đủ rồi, còn những bài hát khác bố viết tặng ai hay liên quan đến ai thì mẹ cũng không phiền lòng”, nghệ sĩ Đoàn Đính cho hay.

Là nghệ sĩ phong lưu và nhiều lúc rất “ngông” nhưng Đoàn Chuẩn lại là người cha mẫu mực và người thầy khó tính. Cái thời mở lớp dạy guitar Hawaii, ông thường xuyên thức cả đêm chép nhạc từ đĩa than để dạy học trò, kiên nhẫn chỉ bảo từng li từng tí. Một cậu học trò rất có năng khiếu nhưng chỉ một lần đùa cợt trong giờ học là ông đuổi luôn, xin thế nào cũng không lay chuyển được.

Mấy chục năm trời gắn bó với Hà Nội, trải qua nhiều mùa thu rạo rực, bâng khuâng, ông mất tại nhà, số 9 phố Cao Bá Quát năm 2001, sau một thời gian bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Lúc này, các bài hát của ông đã được lưu hành trở lại sau thời gian dài vắng bóng.

Gia đình nhạc sĩ tài hoa kể, trước lúc mất, người nhà hỏi ông có muốn được nghe lại những bản nhạc mà ông đã từng viết nên hay không. Ông gật đầu và ra dấu muốn được nghe lại bản “Vĩnh biệt” (còn có tên khác là “Vàng phai mấy lá”) qua giọng ca Ánh Tuyết.

Đúng như câu nói cuối cùng của ông trước khi chìm vào hôn mê và phải bút đàm: “Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại”. Ngày nay, những ca khúc của ông vẫn sống trong lòng người yêu nhạc.

Để mỗi khi Hà Nội vào thu, chỉ cần nghe “Thu quyến rũ” là chúng ta biết “chất” thu Hà Nội. Dù đã bao người đắm say với mùa thu của đất này, viết nên bao ca khúc về mùa thu Hà Nội thì những ca khúc của Đoàn Chuẩn vẫn chiếm một vị trí sâu thẳm và lâu bền trong trái tim những người yêu cái đẹp, yêu mùa thu Hà Nội, yêu những khoảnh khắc xuyến xao khi “trời đất kia ngả màu xanh lơ” hay “lá vàng từng cánh rơi từng cánh”…

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/thu-quyen-ru-thu-ha-a66977.html