Cụ thể trong video của mình, Hắc Hổ nói: “Có bao giờ các bạn tự hỏi rằng tại sao những thằng hồi xưa học trong trường nó rất là ngu nhưng khi ra đường nó lại làm chủ, còn những đứa học giỏi ra vẻ cứng cỏi thì ra đời làm cu li. Lý do mấy đứa hồi xưa học giỏi nhưng sau này làm lính chỉ xung quanh mấy chữ thôi, đó là: sĩ diện, cứng đầu…”.
TikToker Neko Land cho rằng: “Bằng cấp không phải là con đường duy nhất nhưng đó là con đường dễ và ngắn nhất để đến thành công”
K.N.N
Không đồng tình với ý kiến của TikToker Hắc Hổ, TikToker Neko Land có 1,2 triệu người theo dõi bày tỏ rằng đây là luận điểm đã xuất hiện từ lâu khi những tấm gương không học đại học trở thành “đại gia”. Neko Land cũng nhắn nhủ rằng những trường hợp thành công khi không có bằng cấp “chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”. Và số đông những người không học hành, thiếu bằng cấp thì cuộc sống có phần vất vả.
TikToker Neko Land cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với quan điểm “người ngu” thì có xu hướng lắng nghe còn những người có trình độ, bằng cấp thì sẽ tự cao, không chịu lắng nghe. Neko Land cho biết việc một người có cố chấp hay không phụ thuộc vào tính cách chứ không liên quan đến trình độ học vấn… Cuối clip nam TikToker chốt lại vấn đề: “Bằng cấp không phải là con đường duy nhất nhưng đó là con đường dễ và ngắn nhất để đến thành công”.
Khi xem được video của 2 TikToker này một số bạn trẻ tỏ ra đồng tình với cách lý giải của Hắc Hổ, số khác lại cho rằng lý lẽ của Neko Land sẽ dễ chấp nhận hơn. Tuy cùng một luận điểm “học ngu ra trường làm chủ, học giỏi ra đời làm cu li” nhưng Hắc Hổ lại lý giải việc thành công phụ thuộc vào thái độ sống, sự cầu tiến. Còn đối với Neko Land anh đề cao việc học, nỗ lực có bằng cấp để đảm bảo sự ổn định trong công việc dù có “làm chủ” hay “làm cu li”.
TikToker Neko Land bày tỏ quan điểm không đồng tình trước quan điểm mà Hắc Hổ đưa ra
CHỤP MÀN HÌNH
Trước cách lý giải và quan điểm của 2 TikToker về vấn đề “học ngu ra trường làm chủ, học giỏi ra đời làm cu li”, các bạn trẻ cũng đã nêu lên ý kiến của mình về vấn đề này.
Từng dừng lại việc học từ năm lớp 10 anh Nguyễn Anh Hồ, (30 tuổi) ngụ tại 245 Trần Xuân Soạn, P. Tân Kiểng, Q. 7, TP.HCM cho biết: “Thời đi học mình cảm thấy bản thân không thể tiếp thu được những kiến thức trên lớp học và cũng không định hướng học đại học. Thêm nữa là gia đình cũng khó khăn nên mình quyết định nghỉ học và đi làm. Ra đời sớm mà không có bằng cấp thì có vô số khó khăn, mình lên TP.HCM xin vào làm tại các công trình thi công thang máy. Thời gian học việc thật sự không dễ dàng vì đây là công việc mất nhiều sức lực, phải tập luyện sự can đảm khi cheo leo ở trên tòa nhà vài chục tầng…”.
Tuy không học giỏi các kiến thức trên lớp học nhưng khi ra ngoài làm việc anh Hồ đã nhanh chóng chứng tỏ được mình là một con người nhạy bén, học hỏi nhanh trong quá trình học việc. Hiện tại, anh Hồ đang là chủ thầu của một đơn vị thi công thang máy và có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, anh Hồ cho biết so với công việc khác thì những gì anh đang làm rất vất vả và thậm chí là nguy hiểm.
Anh Hồ bày tỏ: “Mỗi người chúng ta đều sẽ có thế mạnh riêng về một việc nào đó, không phải vì mình học không giỏi thì sau này sẽ không thành công. Tuy nhiên một người từng được cho là “học ngu” như mình phải nỗ lực rất nhiều để có thành quả như hiện tại. Vì thế những bạn trẻ hiện tại học hành không giỏi thì cũng không nên suy nghĩ tiêu cực vì chắc chắn bạn sẽ giỏi ở một khía cạnh khác. Tất nhiên hành trình tìm đến thành công của các bạn sẽ khắc nghiệt, phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt và tuổi trẻ”, anh Hồ chia sẻ.
Bạn trẻ quyết định không theo đuổi việc học phải chấp nhận sự vất vả, khó khăn và những rủi ro trong quá trình tìm đến thành công
K.N.N
Vũ Ngọc Kim Ngân (24 tuổi) làm việc tại đường số 17A, Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM bày tỏ không có ai "học ngu" mà do định hướng và lý tưởng của mỗi người. Ngân cho biết bản thân cô là người có thành tích học tập tốt, bằng cấp và hiện tại đang là quản lý cửa hàng của một nhãn hàng thời trang. Tuy chỉ là nhân viên, không làm chủ nhưng bản thân cô thấy đủ.
“Hiện tại, mình có một công việc ổn định, mức lương đủ để trang trải cuộc sống và tích lũy. Chỗ làm cũng gần nhà nên mình cảm thấy cuộc sống hiện tại là ổn định. Không ai ngu cả vì sự lựa chọn và mong muốn của mỗi người trong cuộc sống này là gì thì họ sẽ đặt quyết tâm để cố gắng. Bản thân mình chọn việc học và làm nhân viên vì mình nghĩ nó phù hợp với sức khỏe và khả năng chịu đựng áp lực công việc”, Kim Ngân chia sẻ.
Anh Nguyễn Hiếu Nhân (28 tuổi) người sáng lập phòng tập thể hình BloodFlame Fitness Studio (Quận 3, TP.HCM) cho biết: “Mình nghĩ rằng việc một người làm chủ hay làm nhân viên là do mong muốn và sự nỗ lực, khả năng của mỗi người. Ở mỗi vị trí đều sẽ có áp lực, vai trò và trách nhiệm khác nhau. Mỗi người một số phận và các vị trí công việc sẽ bổ trợ cho nhau để tạo thành một tập thể”, anh Nhân bày tỏ.
Anh Nhân cho biết trước khi “làm chủ” anh đã dành hơn 1 năm để học lấy bằng International Certified Personal Trainer (Chứng chỉ hành nghề huấn luyện viên thể hình) loại giỏi của NASM (Học viện y học thể thao quốc gia Mỹ).Theo anh Nhân việc “học giỏi” là bao gồm sự nỗ lực, khả năng thiên bẩm để đạt được kết quả cuối cùng. “Học giỏi có làm “cu li” hay không thì còn chưa chắc, nhưng khi làm chủ chắc chắn bạn phải có kiến thức, phải giỏi. Quan điểm “học ngu ra trường làm chủ, học giỏi ra đời làm cu li” nó chỉ đúng với một số trường hợp chứ không thể nào đánh đồng hết tất cả mọi người. Vì vậy, các bạn học không giỏi thì hãy cố gắng khai phá những khía cạnh khác của bản thân để có thể thành công. Còn những người đã học giỏi thì cần nên rèn luyện thêm về các kỹ năng thực hành, thái độ sống”, anh Nhân nhắn nhủ.
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/hoc-ngu-a66989.html