Hàng loạt kỷ lục về sự cạnh tranh ngang ngửa
Chưa bao giờ khoảng cách giữa đội 3 và đội thứ 9 bảng xếp hạng Premier League sau 11 vòng đấu lại ngắn như hiện nay với vỏn vẹn 1 điểm. Kỷ lục cũ là 3 điểm, xuất hiện cách đây hơn 20 năm (mùa bóng 2002-2003).
BXH Ngoại hạng Anh sau 11 vòng
Cũng sau 11 vòng đấu, khoảng cách ngắn nhất giữa đội số 3 và đội số 11 trước đây là 4 điểm (mùa bóng 2002-2003), nay chỉ còn 3 điểm. Còn kỷ lục cũ về khoảng cách ngắn nhất giữa đội số 3 và đội số 13 là 6 điểm (mùa bóng 1993-1994), nay là 4 điểm.
Đội số 3 và đội số 10 có thể hoán chuyển vị trí với nhau chỉ sau 1 vòng. Đấy là nói theo thực tế, chứ trên lý thuyết cả đội số 11 cũng có thể đồng điểm với đội số 3 sau một trận đấu, do họ chỉ đang cách nhau 3 điểm. Chúng ta đang nói về khác biệt giữa một vị trí thuộc nửa dưới của bảng với một vị trí có vé dự Champions League.
Trong 4 vòng đấu gần đây nhất, tất cả các đội ở Premier League đều thắng, nhưng chỉ có 2 đội thắng được nhiều hơn 2 trận. Cũng trong 4 vòng vừa qua, có đến 19/20 đội phải nếm mùi thất bại. Liverpool là đội duy nhất bất bại, cũng là một trong hai đội thắng được nhiều hơn 2 trận trong 4 vòng đấu. Đấy là lý do vì sao họ vừa dẫn đầu bảng xếp hạng, vừa được máy tính của hãng Opta xếp ngay vào vị trí ứng cử viên vô địch số 1.
Bóng đá là môn thể thao mà mọi kết quả đều có thể xảy ra, bất chấp mọi sự so sánh về tương quan trước trận. Đấy là đặc điểm cơ bản làm nên tính hấp dẫn của môn thể thao vua. Ngay lúc này, đặc điểm quan trọng ấy càng lộ rõ ở Premier League. Mọi chuyện đã, đang và sẽ còn thay đổi rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn sắp tới. Vì sao ư? Xin thưa, thời gian sắp tới mới là lúc mà tốc độ ganh đua được đẩy lên cao nhất.
Bắt đầu chặng đua khốc liệt
Vòng đấu cuối tuần này sẽ là cột mốc mở ra chặng đua “nghẹt thở”, với 90 trận đấu chỉ trong vòng 45 ngày. Quả bóng sẽ lăn ở hơn nửa số ngày vừa nêu (luôn có ít nhất một trận ở 25/45 ngày sắp tới). Sẽ có cả thảy 9 vòng đấu, với 6 vòng trải dài qua 3 ngày khác nhau.
Chặng đua sắp tới sẽ rất khốc liệt
Sẽ có đến 4 thời điểm (vào các ngày 2, 6, 28, 31/12), giới hâm mộ chỉ phải nghỉ 1 ngày trước khi có trận đấu để xem tiếp. “Bóng đá đỉnh cao quá khốc liệt với mật độ thi đấu hàng tuần, thậm chí 2 trận mỗi tuần”, ngay cả câu bình luận quen thuộc và rất hiện đại ấy, hóa ra cũng đã lỗi thời với lịch thi đấu sắp tới ở Premier League.
“Ngày tặng quà” (26/12, Boxing Day) vốn luôn là ngày bóng lăn, theo truyền thống trên quê hương bóng đá. Vậy nên, chẳng có gì lạ khi vào ngày này, sẽ có 8 trận thuộc Premier League diễn ra trong 4 khung giờ khác nhau. Giới mộ điệu sẽ được mãn nhãn (hay bội thực) với gần 10 giờ xem trực tiếp các trận đấu.
Sẽ có cuộc đụng độ đỉnh cao giữa 2 ứng cử viên vô địch Liverpool - Manchester City; derby vùng Merseyside (Everton - Liverpool); derby thành Manchester; derby nước Anh (Liverpool - M.U); Arsenal - M.U. Và dĩ nhiên, luôn phải có các trận derby London. Tóm lại, các cặp đấu “nặng ký” nhất trên quê hương bóng đá, dù là xét theo truyền thống hay thực tế mùa này, đều sẽ diễn ra trong chặng đua kinh hoàng sắp tới.
Mật độ thi đấu khốc liệt đòi hỏi các đội phải có lực lượng hùng hậu để giải quyết vấn nạn chấn thương, và đòi hỏi các cầu thủ phải có thể lực dồi dào để giữ vững phong độ. Ngoài các vấn đề quá rõ ràng ấy, mật độ thi đấu dày đặc còn dễ dẫn đến tình trạng một đội mạnh liên tục mất điểm, hoặc một đội trung bình thắng như chẻ tre.
Đấy là vì khi một đội mạnh sẩy chân, cả làng có thể dễ dàng nhận ra nhược điểm chuyên môn để tiếp tục khai thác, trong khi việc chỉnh sửa lối chơi không dễ thực hiện trong thời gian ngắn.
Mặt khác, chiến thắng trong giai đoạn này rất dễ làm bùng nổ sự hưng phấn, để các đội trung bình liên tiếp gặt hái thành quả cao hơn khả năng thực. Mọi chuyện còn chưa lắng dịu, đã lại quyết chiến. Nói cách khác, đây là giai đoạn mà sự thành/bại của các đội ở Premier League như được nhân thêm hệ số.
Lịch sử gợi lại điều gì?
Hồi Wolfsburg lần đầu đoạt chức vô địch Bundesliga (cũng là lần duy nhất xưa nay), họ tiến thẳng từ khu giữa bảng vào giữa mùa bóng lên vị trí số 1, ở mùa bóng 2008-2009.
Còn khi Ole Gunnar Solskjaer cầm quân thay chỗ Jose Mourinho vừa bị sa thải giữa mùa bóng 2018-2019, M.U thắng liền 6 trận và bất bại trong 12 trận liên tiếp ở Premier League. Chuỗi trận ấy được nối tiếp bởi chiến thắng hoành tráng trên sân Paris SG, lấy vé vào vòng tứ kết Champions League.
Amorim liệu có biến giấc mơ của MU thành hiện thực?
Vậy thì, với khoảng cách vỏn vẹn 4 điểm so với vị trí số 3 hiện thời, M.U hoàn toàn có quyền hy vọng về điều “không dám mơ”: lấy vé dự Champions League ngay trong mùa này? Khả năng đó hoàn toàn xảy ra, và không cần phải thắng liên tiếp 6 trận. Với fan "Quỷ đó" khi ấy, “Nhà hát của những ước mơ” xin được phép bắt đầu.
Thật ra, giới hâm mộ M.U đang khấp khởi hy vọng về một sự “đổi đời” không phải vì vài ví dụ vừa nêu, mà chủ yếu là vì cả một thời kỳ mới - mang tên Ruben Amorim - sẽ mở ra từ trận gặp Ipswich vào cuối tuần này. Đấy đã là đề tài sôi động được bàn mãi suốt 2 tuần nay. Tất nhiên, mọi chuyện chỉ đang ở mức “có thể”. Người ta đâu dám khẳng định điều gì, kể cả với Amorim đang bay bổng.
Vẫn như mọi khi, mùa bóng này liên tục bị ngắt quãng bởi các loạt trận thuộc FIFA Days trong các tháng 9, 10, 11 (đấu trường CLB cứ phải hưu chiến 2 tuần để nhường chỗ cho các ĐTQG). Bây giờ sẽ khác, chỉ đến tháng 3 năm sau mới lại có FIFA Days. Ai xem bóng đá cũng biết đấu trường CLB sẽ khác hẳn như thế nào nếu không bị mất nhịp vì các ĐTQG. Bóng đá Anh, với đặc điểm không nghỉ trong đợt lễ Giáng sinh - năm mới, lại càng khác biệt. Khác như thế nào thì người hâm mộ phải… chờ xem thôi!
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]
Link nội dung: https://world-link.edu.vn/lich-anh-a68327.html