Da bong tróc có thể xảy ra do bị tổn thương trực tiếp từ các yếu tố bên ngoài hoặc là dấu hiệu của một rối loạn hệ thống miễn dịch hay bệnh lý khác. Hiểu về các nguyên nhân và cách xử lý khi da tay bị tróc sẽ giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng khó chịu này.
1. Các nguyên nhân gây tróc da tay
Nhiều người trong chúng ta thường gặp phải tình trạng này và thắc mắc “da đầu ngón tay bong tróc là bệnh gì”. Thông thường, da tay bị tróc là một tổn thương ngoài ý muốn, làm mất lớp trên cùng của da tay. Có nhiều nguyên nhân gây hiện tượng bị tróc da tay như:
Rửa tay quá nhiều: Việc rửa tay quá nhiều bằng xà phòng thường xuyên sẽ vô tình loại bỏ lớp dầu bảo vệ của da. Khi dầu mất đi, da không còn giữ được độ ẩm, sẽ gây tình trạng bị tróc da tay. Do đó, bạn chỉ nên rửa tay khi cần thiết, dưỡng ẩm và tránh làm khô da bằng khăn giấy thô.
Thời tiết khắc nghiệt: Thời tiết quá lạnh, khô hay độ ẩm không khí thấp cũng có thể làm da tay bị tróc hoặc nứt nẻ. Tình trạng bị tróc da tay có thể nặng hơn nếu bạn không đeo găng tay khi ra ngoài trời.
Tia UV: Tác hại của tia UV có thể khiến da bị cháy nắng, đau rát, sưng đỏ trước khi bong tróc. Để giảm thiểu tác hại của tia UV lên da bạn có thể mang những đôi găng tay dày tối màu, hạn chế đi ra đường vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều (lúc tia UV có cường độ mạnh nhất), bôi kem chống nắng,...
Trẻ mút ngón tay: Mút đầu ngón tay là thói quen phổ biến ở trẻ nhỏ và có thể dẫn đến tróc da tay. Tình trạng này gây ra do nước bọt tiếp xúc với ngón tay quá nhiều làm mất nước trên da. Ngoài ra ở một số người lớn khi bị căng thẳng cũng có thể nhai đầu ngón tay của mình, khiến da tay bị tróc.
Tay tiếp xúc với các loại hóa chất: Các chất tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hàng ngày như xà phòng, bột giặt, nước rửa bát... có thể trực tiếp làm tổn hại sự bền vững của các tế bào da, gây bong tróc khi tiếp xúc thường xuyên.
Mất cân bằng vitamin: Thiếu hụt hoặc dư thừa vitamin đều có thể khiến bạn bị tróc da tay. Thiếu Vitamin B3 hoặc thừa vitamin A có thể dẫn đến bong tróc da tay. Trong trường hợp thiếu hụt vitamin bạn nên bổ sung bằng rau xanh, trái cây và các loại thức ăn khác.
Ngoài ra, tróc da tay còn do một số nguyên nhân như ngâm tắm trong nước nóng, ra nhiều mồ hôi tay, nấm móng và da, chàm, tổ đỉa, vảy nến hay Kawasaki...
2. Cách xử lý khi bị tróc da tay
Ngoài các cách xử lý cho da tay bị tróc đi kèm các nguyên nhân đã nói ở trên chúng ta có thể thực hiện thêm một số cách sau:
Mật ong: Mật ong là chất giữ ẩm tự nhiên giúp hút độ ẩm từ môi trường lên bề mặt da. Dùng mật ong thoa lên các khu vực bị ảnh hưởng và để trong nửa giờ rồi nhẹ nhàng rửa sạch, lặp lại 3 lần mỗi ngày. Đây là phương pháp khá hiệu quả giúp bạn khắc phục được tình trạng da tay bị tróc.
Yến mạch: Cho yến mạch vào một tô nước ấm lớn, chờ nó mềm, sau đó cho tay vào ngâm trong 10 đến 15 phút. Hỗn hợp yến mạch giúp cung cấp độ ẩm, dưỡng da tay rất tốt.
Dưỡng da bằng dưa chuột: Cắt dưa chuột thành từng lát dày rồi chà lên vùng da tay bị bong tróc trong 10 đến 15 phút, sau đó rửa tay bằng nước ấm, massage cùng với kem dưỡng ẩm tốt hoặc dầu vitamin E.
Thoa dầu dừa hoặc dầu oliu: Thoa dầu dừa lên vùng da bị tróc một vài lần trong ngày, bạn cũng có thể dưỡng ẩm vào ban đêm và rửa sạch tay vào sáng hôm sau. Nếu không có dầu dừa, bạn có thể thay thế bằng dầu oliu, thoa 1-2 lần/ngày, có hiệu quả rất tốt giúp làm mềm da.
Uống đủ nước: Để hạn chế tình trạng bị tróc da tay và những vùng khác, bạn cần uống đủ nước mỗi ngày. Đặc biệt vào những ngày trời hanh khô cần uống nhiều nước hơn. Trung bình mỗi sáng thức dậy nên uống 200-300ml nước, hàng ngày cung cấp đủ 1.5-2 lít nước.
Tắm đúng cách: Không nên tắm nước quá nóng vì sẽ làm giảm lớp dầu bảo vệ trên da khiến da khô hơn. Tuy nhiên cũng không nên tắm bằng nước lạnh mà dùng nước ấm là tốt nhất. Tắm thời gian vừa đủ, không nên kéo dài quá lâu, khi tắm cần nhẹ nhàng, không chà xát kỳ cọ mạnh.
Sử dụng kem dưỡng da: Một số loại kem dưỡng ẩm có thành phần giàu vitamin E sẽ giúp bạn điều trị tình trạng bị tróc da tay. Bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn chọn sản phẩm dưỡng da tay phù hợp.
Lá trầu: Lá trầu dùng trong những trường hợp da tay bị tróc đi kèm tình trạng mưng mủ, nổi mụn nước, chảy dịch vàng. Lá trầu không đem rửa sạch, nghiền nát và vắt lấy nước cốt, mỗi ngày bôi 3 lần, khoảng 60 phút sau rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện đều đặn trong 3-4 tuần, các đầu ngón tay của bạn sẽ giảm tối đa tình trạng bong tróc và mụn nước li ti. Kết hợp cùng bôi dưỡng ẩm mỗi tối sẽ giúp da đầu ngón tay láng mịn hơn rất nhiều
Sau khi thực hiện một số biện pháp đơn giản như trên mà làn da không phục hồi hoặc có kèm sốt nhiễm trùng, chảy nước vàng nhiều hơn, nứt nẻ, mưng mủ, tình trạng ngày càng nặng nề thì bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.