Hướng dẫn tỉa chân nhang đúng cách nhất

Theo phong tục tập quán của người Việt Nam việc rút tỉa chân nhang, dọn dẹp ban thờ thường được bắt đầu sau ngày 23 tháng Chạp tới 30 tháng Chạp, sau khi các gia đình làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo.

Tất nhiên là ban thờ gia tiên của gia đình chúng ta lúc nào cũng cần phải sạch sẽ, trang nghiêm. Tuy nhiên, vào những dịp lễ quan trọng trong văn hoá cổ truyền của dân tộc, thì việc dọn dẹp ban thờ, bao sái đồ lễ, bát hương lại được chú trọng đặc biệt và phải làm rất cẩn thận. Vì đó là việc thể hiện sự kính lễ với thần linh, gia tiên, cũng như tỏ lòng tri ân, biết ơn với các vị. Người Việt Nam chúng ta khi cúng lễ, việc không thể thiếu được đó là phải dâng hương để kính cáo tổ tiên, qua một năm chân hương sẽ đầy lên, nếu chúng ta không dọn dẹp, tỉa các chân hương đi thì sẽ khiến bát hương trên ban thờ trông bị lộn xộn, thiếu trang nghiêm. Nhưng rất nhiều người còn lúng túng không biết làm thế nào cho phải phép vì theo quan niệm của ông cha ta thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Phật sự Tản Viên xin gửi tới quý độc giả một số hướng dẫn đầy đủ về nghi thức này.

Tuỳ vào điều kiện của mình là chúng ta chọn thời điểm để rút chân hương cho phù hợp. Đầu tiên, trước khi rút chân hương hay bao sái ban thờ chúng ta cần rửa tay sạch sẽ, quần áo ngay ngắn, trang nghiêm và đặc biệt là tâm phải giữ cung kính trong suốt quá trình làm việc. Sau đó chúng ta làm lễ xin được tỉa chân nhang ở ban thờ như sau:

Nam mô A Di Đà Phật ( 3 lần)

Kính lạy thập phương chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Thiện Thần.

Kính lạy chư vị Tôn Thần, bản gia Thổ Công, Đông Trù Tư Mệnh, Táo Phủ Thần Quân, cập chư vị Tôn Thần cai quản trong khu vực này.

Kính lạy chư vị Gia Tiên, Cửu Huyền Thất Tổ, Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Cao Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, cô dì tỷ muội, cập chư hương linh Gia Tiên chúng đẳng.

Hôm nay ngày … tháng … năm … chúng con phát tâm thành xin phép được tỉa chân nhang, để cho ban thờ được trang nghiêm, thanh tịnh, trong khi làm nếu có vô ý sai sót, con kính mong các Ngài từ bi hoan hỷ cho chúng con xin sám hối.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

Sau khi bao sái xong thì chúng ta lại xá lễ để kính cáo với chư vị Phật, Bồ tát, thần linh, gia tiên… là việc làm đã hoàn thành.

Phật sự Tản Viên tổng hợp

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/cach-rut-chan-huong-a68524.html