15 năm tuyên chiến với nạn in lậu, cơ quan liên ngành xử phạt hơn 6 tỷ đồng

Trong 15 năm qua, các cơ quan liên quan đã phối hợp, xử lý nhiều vụ in lậu sách, xuất bản phẩm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trong 15 năm qua, các cơ quan liên quan đã phối hợp, xử lý nhiều vụ in lậu sách, xuất bản phẩm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong giai đoạn từ năm 2015-2022, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều vụ in lậu, tiến hành xử phạt với số tiền lên tới hơn 6 tỷ đồng.

Đó là thông tin ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), đưa ra trong Hội nghị tổng kết 15 năm công tác liên ngành về phòng, chống in lậu, ngày 9/12, tại Hà Nội.

Trong vai trò Phó Trưởng Đoàn liên ngành-Đội liên ngành phòng, chống in lậu, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho hay thời gian qua đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương và Trung ương, các bộ phận có chức năng, nhiệm vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống in lậu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện đúng quy định pháp luật, phát hiện, phối hợp xử lý một số vụ in lậu lớn, tạo được niềm tin cho xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quán triệt quan điểm “chủ động phòng ngừa là chính,” suốt 15 năm hoạt động, các tổ chức liên ngành phòng, chống in lậu luôn quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống in lậu với nhiều hình thức đa dạng thông qua các hội nghị tập huấn, ban hành văn bản hướng dẫn tuyên truyền phổ biến Luật Xuất bản; các văn bản quy định về hoạt động in của Chính phủ...

Nhằm phát huy những kết quả đạt được suốt 15 năm qua đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng chống in lậu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, các Đoàn liên ngànhĐội liên ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Cụ thể, ông Nguyên kiến nghị xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 bổ sung khái niệm “in lậu,” bổ sung phương thức quản lý “phát hành xuất bản phẩm trên môi trường số,” quy định về “đối tượng dịch vụ trung gian” theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp, chú trọng vào công tác chuyển đổi số trong hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các chủ thể tham gia hoạt động in, photocopy, phát hành trên địa bàn về các quy định pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm và việc xử phạt hành vi vi phạm nhằm làm cho các chủ thể hiểu rõ và không vi phạm hoặc vô ý tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng để in, phát hành các loại sách không có nguồn gốc hợp pháp, sách có nội dung xấu, độc, nhạy cảm… lưu hành trên thị trường.

Cục trưởng Nguyễn Nguyên cũng đề nghị tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phòng chống in lậu. Hợp tác với doanh nghiệp công nghệ lớn như Google, Facebook, YouTube... để phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện và xử lý những nội dung vi phạm bản quyền khi có yêu cầu pháp lý./.

Link nội dung: https://world-link.edu.vn/anh-ae-a69865.html