Một năm qua, hàng nghìn công nhân ngành Điện tử đã nghỉ hoặc mất việc. Tuy nhiên, trong tháng 7,8,9 năm 2023, thị trường lại chứng kiến đợt tuyển dụng hàng loạt của một số công ty điện tử lớn. Đây là đợt tuyển thường niên cho nhu cầu cao điểm cuối năm hay có nguyên nhân nào khác khiến một số công ty điện tử lớn tuyển hàng loạt như vậy vào thời điểm thị trường đang đi xuống?
Ông Nguyễn Tiến Chung, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Termo Việt Nam (từng đảm nhiệm vai trò Sales Manager tại Panasonic) - người nắm thông tin thị trường lao động rất sát sao đã chia sẻ về nội dung này.
Vừa qua, Công ty TNHH NEW WING INTERCONNECT TECHNOLOGY (Bắc Giang) chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tuyển dụng hàng ngàn lao động phổ thông. Ảnh: ĐVCC.PV: Thưa ông, theo quan sát của ông, đợt tuyển dụng hàng loạt vừa rồi của một vài công ty điện tử lớn có phải là đợt tuyển thường niên cho đợt cao điểm cuối năm không? Ngoài một vài công ty lớn này, phần lớn công ty điện tử khác ở miền Bắc hiện có tuyển công nhân nhiều không?
Ông Nguyễn Tiến Chung, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Termo Việt Nam: Dựa trên các số liệu báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu hoặc chỉ số quản lý thu mua trong 7 tháng đầu năm, chúng ta có thể thấy thị trường sản xuất có xu hướng giảm theo, cùng với sự suy giảm chung của nền kinh tế. Trong 7 tháng đầu năm, ngành Sản xuất điện tử, máy tính, linh kiện chỉ đạt được 30,7 tỷ đô, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành Điện thoại linh kiện chỉ đạt được 27,8 nghìn đô, giảm sâu đến 18%.
Bên cạnh đó, đợt tuyển dụng lớn hàng năm của ngành sản xuất thường rơi vào khoảng 6 tháng cuối năm. Đợt tuyển dụng hàng loạt gần đây của một vài công ty lớn trong ngành có thể được xem là đến từ các dự án mở rộng đầu tư của công ty hoặc quốc gia đó tại Việt Nam thay vì mang tính khái quát đại diện cho thị trường.
Cụ thể, một nhà máy điện tử lớn của Đài Loan đang tuyển dụng để chuẩn bị mở nhà máy mới và một công ty điện tử lớn của Trung Quốc tuyển dụng để phục vụ cho các đơn hàng tăng. Một lý do khác có thể kể đến đó là dựa trên tình hình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.
PV: Dường như nhiều người trẻ bây giờ không mặn mà với việc làm ở các nhà máy. Ông có quan sát được điều tương tự đang diễn ra với các nhà máy điện tử ở Bắc Giang, Bắc Ninh không?
Ông Nguyễn Tiến Chung: Nếu nói về tỷ lệ chuyển đổi việc làm ở các nhà máy, đặc biệt ở người trẻ hiện nay, có rất nhiều lý do có thể kể đến như: muốn kinh doanh riêng, muốn chuyển công việc về gần quê nhà, muốn kiếm nhiều tiền hơn bằng cách xuất khẩu lao động… Tuy nhiên, xu hướng thay đổi vẫn chưa được thấy rõ rệt trong ngành sản xuất, đặc biệt ở khối lao động phổ thông. Mặt khác, ý kiến trên vẫn có thể đúng đối với tuyển dụng nhân viên văn phòng trong ngành sản xuất.
PV: Theo ông, các nhà máy điện tử đang làm những gì để thu hút và giữ chân nhiều ứng viên hơn?
Ông Nguyễn Tiến Chung: Với tình hình từ năm 2022 đến nay, các nhà máy sản xuất nói chung không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, đặc biệt là ngành Điện tử. Tuy nhiên, các nhà máy cũng đang thực hiện một vài phương pháp để thu hút và giữ chân ứng viên như: về phương án liên quan tới tài chính, họ thiết kế các chính sách thưởng tuyển dụng (giới thiệu, thưởng nóng cho người đi làm), bổ sung các phụ cấp, quyền lợi cho người lao động, đề xuất mức lương tốt hơn… Đồng thời họ cũng chú trọng hơn các hoạt động chăm sóc người lao động.
PV: Tỉnh Nghệ An hiện nay đang được hai doanh nghiệp (DN) điện tử lớn đầu tư xây dựng nhà máy mới, tại sao họ lại chọn Nghệ An là điểm đến, đặc biệt xét về khía cạnh nguồn lao động?
Ông Nguyễn Tiến Chung: Xét về việc tỉnh Nghệ An hiện nay đang được các DN đầu tư xây dựng nhà máy, có thể kể đến một số lý do như sau:
● Tỉnh Nghệ An hiện nay đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, được xem là không thua kém so với các khu vực phía Bắc, nơi tập trung đông đúc các nhà máy sản xuất.
● Cự ly và thời gian di chuyển giữa Hà Nội - Diễn Châu được rút ngắn bởi đường cao tốc được khánh thành vào đầu tháng 9.
● Các cảng biển như Nghi Sơn, Vũng Áng, Cửa Hội đang được đầu tư để trở thành các cảng giao thương chính tại Việt Nam.
● Nguồn lao động tại Nghệ An được đánh giá là có tiềm năng khai thác tốt, khi tỉnh Nghệ An và khu vực lân cận có tỷ lệ lao động rất cao và còn được trải qua đào tạo bởi nhiều DN và nhà máy. Người Nghệ An hiện đang đi làm chủ yếu ở các tỉnh thành xa, số lượng DN lớn tại địa phương chưa nhiều, cạnh tranh về lực lượng lao động cũng chưa cao.
● Chính sách 4 miễn, 9 giảm dành cho các DN đầu tư, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An cũng được xem là một lợi thế khi lựa chọn tỉnh Nghệ An làm điểm đến.
Thị trường của tỉnh Nghệ An hiện nay với sự thiếu sót về hệ thống nhà cung cấp đa dạng, được đánh giá tương đồng với thị trường Bắc Ninh của 10 năm trước. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của các DN hiện nay đang lựa chọn điểm đến là Nghệ An thì không lâu nữa thị trường Nghệ An sẽ càng được phát triển hơn. Dự kiến nơi đây sẽ trở nên sôi động, sầm uất như Bắc Ninh ở thời điểm hiện tại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo thống kê, có 58% người lao động (NLĐ) ngành sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% ...
Xuất thân là một kỹ sư ngành Điện, sau hơn 11 năm làm việc tại Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Công ty ...
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các ...