Cảm thấy mệt mỏi và hay buồn ngủ có thể xuất phát từ nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Theo đó, hay buồn ngủ nhiều hay thường xuyên buồn ngủ có thể là dấu hiệu của những bệnh lý thần kinh, tim mạch, nội tiết… nguy hiểm.
Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Thường xuyên buồn ngủ kể cả khi đã ngủ đủ giấc có thể ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ và chất lượng sống của người bệnh. Vậy, hay buồn ngủ là bệnh gì? Tại sao hay buồn ngủ? Dấu hiệu hay buồn ngủ là gì? Buồn ngủ nhiều có cần đi khám hay không?
Buồn ngủ là gì?
“Buồn ngủ” là một thuật ngữ đề cập đến cảm giác mong muốn được ngủ. Mọi người cảm thấy buồn ngủ mỗi ngày, đặc biệt là vào những thời điểm lẽ ra phải ngủ, chẳng hạn như vào ban đêm. Điều này liên quan đến vai trò của nhịp sinh học. Mức độ buồn ngủ có thể tăng lên khi bạn thức lâu hơn, thiếu ngủ hoặc làm việc nặng nhọc, lao lực.
Buồn ngủ liên quan đến sự tích tụ của một chất dẫn truyền thần kinh trong não có tên là adenosine. Adenosine có thể tích tụ bên trong và ở giữa các tế bào thần kinh. Khi mức độ adenosine trong hệ thống kích hoạt dạng lưới của thân não cao hơn, bạn cũng dễ buồn ngủ nhiều hơn.
Tình trạng buồn ngủ có thể xuất hiện như một nhu cầu bình thường của cơ thể hoặc do chứng rối loạn giấc ngủ. Khi cảm thấy buồn ngủ nhiều nhưng không ngủ được hoặc có chất lượng giấc ngủ kém, bạn có thể dễ mệt mỏi, uể oải hay thậm chí có cảm giác đau đầu, choáng váng.
Hay buồn ngủ là bệnh gì hoặc có thể tiềm ẩn bệnh lý gì?
Thường xuyên buồn ngủ đôi khi không phải là một dấu hiệu sức khỏe bình thường. Buồn ngủ nhiều, đặc biệt là vào ban ngày có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm về thần kinh, tim mạch, hô hấp, nội tiết… Cụ thể, các bệnh lý có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi, muốn ngủ nhiều gồm có:
1. Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ được xem là nguyên nhân phổ biến nhất khiến một người mệt mỏi, hay buồn ngủ. Các vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ có thể kể đến như chứng ngủ rũ, mất ngủ, khó ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ… (1)
Rối loạn giấc ngủ khiến chất lượng giấc ngủ suy giảm, dễ gây thiếu ngủ. Lúc này, cơ thể cần ngủ nhiều hơn để bù đắp lại số giờ ngủ bị thiếu hụt, biểu hiện bằng tình trạng hay buồn ngủ kể cả ban ngày. Ngoài ra, chứng ngủ rũ, một hình thức của rối loạn giấc ngủ, cũng có thể là nguyên nhân khiến một người thường xuyên buồn ngủ.
2. Alzheimer và sa sút trí tuệ
Alzheimer và sa sút trí tuệ là nhóm bệnh lý thần kinh làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, có thể dẫn đến tình trạng hay buồn ngủ nhiều. Ngủ ngày càng nhiều là đặc điểm chung của người mắc bệnh mất trí nhớ giai đoạn sau. Khi bệnh tiến triển, tổn thương não của người bệnh ngày càng lan rộng và họ dần trở nên yếu hơn, cảm thấy mệt mỏi khi thực hiện những công việc tương đối đơn giản như giao tiếp, ăn uống hoặc cố gắng hiểu những gì đang diễn ra xung quanh họ. Điều này có thể khiến người bệnh ngủ nhiều hơn vào ban ngày vì các triệu chứng của họ trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số loại thuốc sử dụng để điều trị bệnh cũng có thể góp phần gây buồn ngủ, bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine và thuốc ngủ.
3. Chấn thương sọ não
Buồn ngủ là một triệu chứng thường xảy ra sau chấn thương sọ não. Những vết thương nặng hơn sẽ dẫn đến buồn ngủ nhiều hơn. Khoảng 1/4 đối tượng bị chấn thương sọ não vẫn buồn ngủ 1 năm sau chấn thương.
4. Trầm cảm
Tâm trạng buồn bã, cáu kỉnh kéo dài; cảm giác mất hứng thú với mọi thứ; cảm giác tuyệt vọng, vô dụng hoặc tội lỗi;… là những trạng thái tâm lý thường gặp ở người bị trầm cảm. Ngoài mặt tâm lý, trầm cảm còn “tấn công” sức khỏe thể chất của người bệnh, khiến người bệnh mệt mỏi và có thể buồn ngủ nhiều. (2)
Trầm cảm và giấc ngủ liên hệ chặt chẽ với nhau. Phần lớn những người bị trầm cảm đều gặp vấn đề về giấc ngủ. Trầm cảm và các vấn đề về giấc ngủ cũng có mối quan hệ hai chiều. Giấc ngủ kém chất lượng có thể góp phần vào sự phát triển của trầm cảm và trầm cảm khiến người bệnh khó ngủ hơn và dễ mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày hơn.
5. Đột quỵ
Buồn ngủ ban ngày quá mức có thể là một triệu chứng phổ biến ở những người bệnh may mắn sống sót sau đột quỵ, đặc biệt là ở trong giai đoạn hồi phục đầu tiên.
Điều này là do não cần thêm năng lượng để chữa lành những tổn thương phát sinh. Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ thúc đẩy sự dẻo dai của hệ thần kinh sau đột quỵ.
Ngoài ra, hay buồn ngủ, thường xuyên buồn ngủ có thể là biểu hiện của các bệnh lý hay vấn đề sức khỏe khác nhau dưới đây:
6. Thiếu máu
Khi bị thiếu máu, cơ thể bạn có ít tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến nơi cần thiết hơn. Việc thiếu oxy này gây ra các triệu chứng liên quan đến thiếu máu như mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, khát nước, đổ mồ hôi và thở nhanh. Một số trường hợp bạn cũng có thể bị thiếu máu mà không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào - đặc biệt nếu bệnh nhẹ hoặc phát triển chậm theo thời gian.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng sắt thấp có liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là chứng rối loạn giấc ngủ. Bạn có thể bị mất ngủ do thiếu máu bởi sắt cần thiết để tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến giấc ngủ như serotonine và dopamine. Thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến các lượng chất dẫn truyền thần kinh giảm đi và gây mất ngủ. Tuy nhiên, do thiếu máu gây mệt mỏi, uể oải và thiếu năng lượng nên nhiều người cũng cảm thấy muốn ngủ nhiều hơn dù không thể ngủ được, chất lượng giấc ngủ kém. (3)
7. Bệnh tự miễn
Mệt mỏi, suy nhược và mất ngủ là những triệu chứng phổ biến ở người bệnh mắc các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh đa xơ cứng, bệnh tiểu đường loại 1, bệnh celiac, hội chứng mệt mỏi mãn tính và viêm khớp dạng thấp,… Đây cũng được xem là các triệu chứng vô cùng khó chịu vì người bệnh luôn cảm thấy kém tỉnh táo, không đủ năng lượng cho bất kỳ hoạt động nào.
8. Bệnh ung thư
Bệnh ung thư ảnh hưởng đến thể chất và lượng hormone của cơ thể người bệnh, gây nên tình trạng hay buồn ngủ nhiều, mệt mỏi, thiếu năng lượng. Tình trạng buồn ngủ nhiều ở người bị ung thư có thể tùy vào loại ung thư, thể trạng người bệnh, giai đoạn ung thư hay phương pháp điều trị ung thư. Những người mắc bệnh ung thư giai đoạn muộn có nhiều khả năng bị mệt mỏi buồn ngủ hơn những người mắc bệnh ung thư giai đoạn sớm.
9. Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính là tình trạng một người cảm thấy mệt mỏi dai dẳng kéo dài hơn sáu tháng và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Triệu chứng chính của hội chứng mệt mỏi mãn tính là kiệt sức quá mức nên người bệnh dễ cảm thấy buồn ngủ, khó chịu sau gắng sức, gặp các vấn đề về tập trung hoặc trí nhớ, nhức đầu hoặc đau cơ, đau họng,…
10. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
COPD làm giảm lượng oxy cung cấp cho toàn bộ cơ thể bạn, khiến bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, muốn ngủ nhiều hơn. Không chỉ vậy, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường có chất lượng giấc ngủ kém vào ban đêm nên sẽ dễ cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
11. Bệnh tiểu đường
Mệt mỏi, buồn ngủ nhiều, luôn cảm thấy uể oải thiếu năng lượng là triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường. Các triệu chứng này thường là kết quả của lượng đường trong máu cao và các biến chứng khác của bệnh tiểu đường hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường.
12. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là một rối loạn đặc trưng bởi đau cơ xương lan rộng kèm theo các vấn đề về mệt mỏi, giấc ngủ, trí nhớ và tâm trạng. Đau cơ xơ hóa có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ nhiều vào ban ngày, khó ngủ vào ban đêm và khiến người bệnh cảm thấy cạn kiệt toàn bộ năng lượng.
Đối với một số người bị đau cơ xơ hóa, việc khó ngủ nhưng luôn mệt mỏi, cảm thấy buồn ngủ làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Khi bệnh càng nghiêm trọng, người bệnh lại càng khó ngủ và thấy buồn ngủ hơn vào ban ngày. Như vậy, người bệnh sẽ vào vòng luẩn quẩn và khiến chất lượng cuộc sống suy giảm.
13. Bệnh tim
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của các mô trong cơ thể. Do đó, người mắc các bệnh lý tim mạch đặc biệt là suy tim xung huyết thường dễ cảm thấy buồn ngủ hơn. (4)
14. Sự nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng gây ra những thay đổi đáng kể trong giấc ngủ. Người bị nhiễm trùng có thể cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn, tay chân uể oải, chán ăn,…
15. Mãn kinh
Mệt mỏi, muốn ngủ nhiều hơn là một trải nghiệm thường gặp trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Liệu pháp hormone có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, giàu năng lượng hơn.
16. Thai kỳ
Cảm giác buồn ngủ, thậm chí kiệt sức khi mang thai là một triệu chứng hoàn toàn bình thường, đặc biệt là trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Sự thay đổi nội tiết tố vào thời điểm này có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, buồn nôn và dễ xúc động hơn.
17. Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp tạo ra hai loại hormone là thyroxine và triiodothyronine, điều chỉnh cách cơ thể sử dụng năng lượng. Mất cân bằng tuyến giáp, kể cả cường giáp hay suy giáp ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, liên quan đến việc bạn bị khó ngủ vào ban đêm và cảm thấy mệt mỏi, hay buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
Nguyên nhân khác gây buồn ngủ nhiều?
Bên cạnh các bệnh lý, có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, hay buồn ngủ kể cả khi đã ngủ đủ giấc vào buổi tối. Những lý do khiến bạn thường xuyên buồn ngủ bao gồm: yếu tố lối sống, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng mãn tính, thiếu hụt dinh dưỡng hay tình trạng sức khỏe tâm thần.
1. Yếu tố lối sống
Lối sống ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và năng lượng của bạn. Những vấn đề liên quan đến lối sống dễ gây buồn ngủ bao gồm:
- Ăn uống thiếu khoa học: Cơ thể bạn nhận được phần lớn năng lượng từ thức ăn. Do đó, một chế độ ăn uống không cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng hoặc tình trạng thường xuyên bỏ bữa đều có thể gây buồn ngủ. Một số nguyên nhân gây buồn ngủ quá mức liên quan đến chế độ ăn uống bao gồm:
- Ăn kiêng: cắt giảm calories thực phẩm đột ngột có thể dẫn tới thiếu hụt năng lượng và gây buồn ngủ
- Khẩu phần ăn có sự hiếu hụt vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, vitamin B12 và vitamin D.
- Ăn nhiều đồ ngọt cũng gây buồn ngủ do những thay đổi về lượng đường trong máu làm hạn chế khả năng vận chuyển năng lượng đến các tế bào của cơ thể.
- Uống rượu, bia và thực phẩm có cồn, thực phẩm chứa caffeine quá mức.
- Mất nước: Khoảng 50% đến 60% trọng lượng cơ thể của bạn bao gồm nước. Khi bạn không nhận đủ nước hoặc các chất lỏng khác, bạn có thể bị mất nước. Khi không được bổ sung đủ nước, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường và trở nên buồn ngủ, thiếu năng lượng.
- Hoạt động thể chất thiếu khoa học: Ít vận động, không hoạt động thể chất nhiều khiến bạn dễ có giấc ngủ kém chất lượng. Điều này đã dẫn đến cảm giác buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày. Ngược lại, những người tập thể dục quá nhiều hoặc gắng sức quá mức cũng có thể bị suy kiệt, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ.
2. Yếu tố sức khỏe tâm thần
Trầm cảm hoặc những vấn đề liên quan đến tâm trạng như lo lắng, căng thẳng,…. đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Lo âu và căng thẳng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và là nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
3. Yếu tố sức khỏe
Như trình bày ở trên, mệt mỏi, suy nhược và cảm thấy buồn ngủ là những triệu chứng liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý. Cảm giác thiếu ngủ, hay buồn ngủ nhiều vào ban ngày có thể là triệu chứng của các bệnh như: (5)
- Thiếu máu
- Bệnh tự miễn
- Bệnh ung thư
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Trầm cảm
- Bệnh tiểu đường
- Đau cơ xơ hóa
- Bệnh tim
- Sự nhiễm trùng
- Mãn kinh
- Bệnh tuyến giáp
- Mang thai
Dấu hiệu đi kèm tình trạng hay buồn ngủ cần lưu ý
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn ngủ nhiều, đây có thể là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe hoặc lối sống thiếu khoa học. Người bệnh không nên chủ quan nếu hay buồn ngủ và có một số dấu hiệu sau đây:
- Khó tập trung: Cảm giác buồn ngủ khiến bạn luôn trong trạng thái lờ đờ, uể oải, khó tập trung cho bất kỳ công việc nào.
- Suy giảm trí nhớ: Cơn buồn ngủ ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng học tập cũng là một dấu hiệu mà bạn không nên xem thường.
- Tăng cân hoặc sụt cân đột ngột: Buồn ngủ mệt mỏi kém tỉnh táo nếu đi cùng với triệu chứng tăng cân hoặc sụt cân đột ngột thì bạn không nên chủ quan mà cần chú ý thăm khám sớm.
- Tình trạng tâm lý không ổn định: Cảm giác buồn ngủ có thể đi kèm với cảm giác căng thẳng, lo lắng, bực bội, cáu gắt,… Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo mà bạn không nên chủ quan.
- Giấc ngủ kém chất lượng: Nếu bạn luôn buồn ngủ nhưng không thể ngủ được, ngủ không sâu giấc, thường xuyên giật mình tỉnh giấc giữa đêm,… thì đó cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
- Có các triệu chứng bệnh lý khác: Không nên chủ quan nếu tình trạng buồn ngủ đi kèm với các vấn đề sức khỏe khác như đau đầu, chu kỳ kinh nguyệt không đều, chán ăn,….
Xem thêm: Đau đầu buồn ngủ là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị.
Ngủ bao nhiêu 1 ngày là đủ?
Thời gian cần thiết để đảm bảo duy trì chất lượng giấc ngủ ở mức tốt nhất sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng người, từng độ tuổi và từng giai đoạn. Tổng thời gian ngủ trong 1 ngày theo từng độ tuổi được CDC Hoa Kỳ khuyến cáo như sau: (6)
Nhóm tuổi Số giờ ngủ khuyến nghị mỗi ngày Trẻ sơ sinh 0 - 3 tháng 14 - 17 giờ Trẻ sơ sinh 4 - 12 tháng 12 - 16 giờ (bao gồm cả giấc ngủ ngắn) Trẻ 1 - 2 tuổi 11 - 14 giờ (bao gồm cả những giấc ngủ ngắn) Trẻ 3 - 5 tuổi 10 - 13 giờ (bao gồm cả những giấc ngủ ngắn) Trẻ 6 - 12 tuổi 9 - 12 giờ Thiếu niên 13 - 18 tuổi 8 - 10 giờ Người trưởng thành từ 18 - 64 tuổi 7 - 9 giờ Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên 7 - 8 giờCách chẩn đoán bệnh thường xuyên buồn ngủ
Để chẩn đoán xem nguyên nhân gây buồn ngủ là gì, có phải do vấn đề bệnh lý hay không, trước tiên, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng và trao đổi với người bệnh về các triệu chứng đang gặp phải. Một số câu hỏi bác sĩ thường hỏi xoay quanh: thời gian ngủ trong một ngày, số lần thức dậy trong một đêm, chế độ ăn uống, sử dụng thuốc để điều trị bệnh, tiền sử gia đình, các triệu chứng mà bạn gặp phải trong giấc ngủ… Để có thể trả lời được những câu hỏi này, bạn cần theo dõi sức khỏe của mình và ghi lại nhật ký giấc ngủ đều đặn mỗi ngày.
Nếu bác sĩ nghi ngờ các bệnh lý có liên quan tới giấc ngủ như: động kinh khi ngủ, hội chứng chân không yên, chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn giấc ngủ… là nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, bạn có thể được chỉ định thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán như:
- Điền vào Thang đo độ buồn ngủ Epworth (ESS): Thang đo này là một bảng câu hỏi chẩn đoán đơn giản yêu cầu bạn đánh giá khả năng bạn buồn ngủ theo thang điểm từ 0 đến 3 trong tám tình huống, chẳng hạn như khi đang xem TV hoặc bị dừng xe khi đang tham gia giao thông.
- Kiểm tra độ trễ nhiều giấc ngủ (MSLT): Nếu bạn có các triệu chứng mất ngủ vô căn hoặc chứng ngủ rũ, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện kiểm tra độ trễ nhiều giấc ngủ (MSLT) bên cạnh đo đa ký giấc ngủ. Trong bài kiểm tra này, bạn sẽ được yêu cầu ngủ 5 giấc, mỗi giấc 20 phút, cách nhau 2 giờ trong ngày. Bác sĩ sẽ ghi lại thời gian bạn chìm vào giấc ngủ.
- Đo đa ký giấc ngủ: Kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ giúp theo dõi sóng não, hoạt động của tim và phổi, kiểu thở, chuyển động cơ thể và các chỉ số quan trọng khác trong khi bạn ngủ,… Đo đa ký giấc ngủ giúp phát hiện các bệnh lý thần kinh, hô hấp liên quan gây ra rối loạn giấc ngủ.
Tùy theo các biểu hiện đi kèm mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu, chụp CT, chụp MRI,…
Trung tâm Khoa học Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ uy tín trong thăm khám, chẩn đoán rối loạn giấc ngủ bằng các thiết bị, máy móc hiện đại, trong đó có đo đa ký giấc ngủ. Trung tâm quy tụ đội ngũ Chuyên gia, Bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ, sở hữu các trang thiết bị, máy móc thế hệ mới. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác nhằm hội chẩn xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả cao nhất cho người bệnh.
Cách điều trị tình trạng buồn ngủ nhiều
Các phương pháp điều trị tình trạng buồn ngủ quá mức sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này là gì.
1. Điều trị bệnh lý
Nếu buồn ngủ xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, trước tiên, bác sĩ sẽ tập trung vào việc điều trị bệnh liên quan. Khi tình trạng bệnh lý được thuyên giảm thì các triệu chứng bệnh, bao gồm cả triệu chứng buồn ngủ cũng sẽ được cải thiện.
Chẳng hạn như với trường hợp mắc chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ có thể chỉ định dùng áp lực đường thở dương (PAP). Liệu pháp PAP được áp dụng qua mũi, miệng hoặc cả hai thông qua máy, chẳng hạn như máy áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) hoặc máy áp lực đường thở dương hai cấp độ (BiPAP hoặc BPAP).
2. Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ là cách xây dựng thói quen và các hành vi tốt để đạt được chất lượng giấc ngủ. Việc thay đổi thói quen và hành vi ngủ một cách khoa học có thể phần nào cải thiện tình trạng khó ngủ, tăng sự tỉnh táo, tăng chất lượng giấc ngủ và hạn chế buồn ngủ nhiều vào ban ngày. Theo đó, bạn nên:
- Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối.
- Tạo ra một môi trường ngủ thoải mái, hạn chế âm thanh và ánh sáng cũng như giữ cho phòng luôn ở nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.
- Nếu có thể, hãy tránh những loại thuốc có thể gây buồn ngủ. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc buồn ngủ khi sử dụng thuốc xem có thể thay đổi thành một loại thuốc khác hay không.
- Không sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử trước khi ngủ 1-2 tiếng.
- Nếu bạn khó ngủ sau 20 phút nằm trên giường, hãy đứng dậy và tìm một hoạt động yên tĩnh, thư giãn cho đến khi buồn ngủ.
3. Thay đổi lối sống
Một số bí quyết giúp điều trị tình trạng thường xuyên buồn ngủ, buồn ngủ nhiều vào ban ngày gồm có:
- Tập thể dục đều đặn, phù hợp: Bạn nên tập thể dục 15-30 phút mỗi ngày. Chú ý không tập quá sức để tránh việc kiệt sức dẫn đến mệt mỏi buồn ngủ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp: Xây dựng thực đơn đầy đủ các nhóm chất, hạn chế việc ăn kiêng hay ăn uống tập trung vào một nhóm chất cụ thể. Tránh uống rượu và caffeine, nhất là vào buổi tối trước khi ngủ sẽ làm khó ngủ, mất ngủ, dẫn đến buồn ngủ nhiều vào ban ngày. Một số tinh chất thiên nhiên như từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) giúp tăng cường máu lên não, cải thiện giấc ngủ hiệu quả.
- Tránh căng thẳng: Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức. Có thể tập yoga hoặc thiền hay các liệu pháp hành vi để xua tan những cảm xúc tiêu cực.
4. Sử dụng thuốc
Để giúp người bệnh dễ ngủ, có giấc ngủ sâu hay nhanh đi vào giấc ngủ, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau như: thuốc bình thần, thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm ba vòng… Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kết hợp các phương pháp điều trị khác để đạt hiệu quả chữa trị. Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc để hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Cách chống lại cơn buồn ngủ tạm thời
Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ nhưng cần phải tỉnh táo, bạn có thể áp dụng một số mẹo để chống lại cơn buồn ngủ như:
- Nghỉ giải lao: Tập trung vào công việc trong thời gian dài có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và căng thẳng, từ đó dễ buồn ngủ hơn. Do đó, bạn có thể cho mình những cuộc giải lao ngắn khoảng 10 phút sau một thời gian dài tập trung vào công việc.
- Dùng một ít caffeine: Caffeine là một cách hiệu quả để tỉnh táo khi năng lượng của bạn bắt đầu tụt dốc và làm cho bạn cảm thấy buồn ngủ. Tuy nhiên, để tránh cảm giác bồn chồn, nhịp tim nhanh và các tác dụng phụ khác của caffeine, bạn nên giảm liều lượng và giới hạn lượng caffeine sử dụng hàng ngày. Người lớn không nên uống quá 400 miligam (mg) hoặc khoảng 4-5 tách cà phê mỗi ngày. Việc dùng caffeine có thể làm bạn tỉnh táo tức thời nhưng khó ngủ ban đêm, dẫn đến những ngày hôm sau bạn sẽ tiếp tục buồn ngủ.
- Có một bữa ăn nhẹ: Ăn nhẹ có thể giúp bạn tỉnh táo hơn. Nhưng bạn nên tránh đồ ăn nhẹ có đường vì thực phẩm nhiều đường có thể làm bạn dễ cạn kiệt năng lượng hơn sau vài giờ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Có một giấc ngủ ngắn: Nếu bạn buồn ngủ do nhiều đêm thiếu ngủ, một giấc ngủ ngắn có thể đủ để nạp lại năng lượng cho bạn. Những giấc ngủ ngắn không chỉ làm bạn tỉnh táo hơn mà còn giúp cải thiện đáng kể kỹ năng học tập và trí nhớ.
- Đến những khu vực có ánh sáng tự nhiên và không khí thoáng đãng: Loại ánh sáng ở khu vực bạn sinh hoạt cũng khiến bạn tỉnh táo hơn hoặc buồn ngủ hơn. Nên ưu tiên những không gian có ánh sáng tự nhiên, môi trường thoáng đãng, không bí bách.
Buồn ngủ là một tình trạng bất kỳ ai cũng có thể gặp. Bạn cần đến thăm khám tại chuyên khoa thần kinh khi thấy hay buồn ngủ thường xuyên vào ban ngày, kèm theo mỏi mệt, suy nhược hoặc có thêm các triệu chứng khác. Không nên chủ quan với việc hay buồn ngủ, người bệnh cần biết chính xác nguyên nhân để can thiệp, điều trị hiệu quả.