Nguồn gốc và ý nghĩa tết Trung thu
Theo tích xưa, tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm rằm tháng 8, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp 1 vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ.
Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.
Theo các nhà khảo cổ học, tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121, từ đời nhà Lý, tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Phong tục ngày tết Trung thu ở Việt Nam rất đa dạng và tùy theo từng vùng miền. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động đều hướng đến trẻ em.
Vào dịp lễ này, trẻ em khắp nơi đều được nghe kể sự tích chú Cuội - chị Hằng, cùng nhau bày cỗ Trung thu, rước đèn, múa lân, hát trống quân…
Nhịp sống hiện đại, nhiều nơi không còn phá cỗ trông trăng. Thay vào đó, các gia đình dành thời gian quây quần, đoàn viên, cùng ăn bánh trung thu, uống chén trà, hỏi thăm nhau…
Ngoài ra, tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng và tiên đoán về mùa màng sắp tới cũng như vận mệnh quốc gia theo quan niệm của người xưa. Trăng tròn, sáng và có màu cam là dấu hiệu của đất nước có một năm thịnh trị, người dân ấm no và hạnh phúc.
(Tổng hợp)