Trong bộ hồ sơ xin việc hay xin học bổng, sơ yếu lý lịch là tài liệu quan trọng bậc nhất, dù là thiếu hay sai sót khi soạn sơ yếu lý lịch đều ảnh hưởng lớn đến cơ hội cạnh tranh ứng tuyển. Chính vì vậy, quân sư TalentBold đặc biệt dành riêng bài viết hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch đơn giản, chuẩn nhất, vừa tốn ít nguồn lực, vừa gia tăng sức mạnh cho quá trình chinh phục mục tiêu của bạn. MỤC LỤC:
1- Sơ yếu lý lịch là gì? 2- Mục đích của bản Sơ yếu lý lịch 3- Có những dạng sơ yếu lý lịch nào? 4- Hướng dẫn viết từng mục trong sơ yếu lý lịch 4.1. Ảnh sơ yếu lý lịch 4.2. Các thông tin cá nhân 4.3. Hoàn cảnh gia đình 4.4. Quá trình hoạt động của Bản thân 4.5. Khen thưởng và Kỷ luật 5- Sơ yếu lý lịch xin việc hợp lệ khi nào? 6- Thay thế sơ yếu lý lịch bằng CV được không?
1- Sơ yếu lý lịch là gì?
Sơ yếu lý lịch (hay còn gọi là lý lịch trích ngang, sơ lược lý lịch…) là văn bản kê khai thông tin liên quan đến người viết và nhân thân của họ. Cụ thể, trong sơ yếu lý lịch, người viết sẽ liệt kê những nội dung:
-
Thông tin cá nhân
-
Thông tin gia đình
-
Thông tin tiểu sử
Đây được xem như bản tóm tắt xác nhận tính hợp pháp và những năng lực, kiến thức, thành tích mà người viết đã và đang có.
2- Mục đích của bản Sơ yếu lý lịch
Sơ yếu lý lịch có thể xem như một “bức thư” mà người viết gửi đến người đọc, thông qua đó, người đọc chưa gặp người viết nhưng vẫn có thể nắm bắt sơ lược về thông tin nhân khẩu học, mối quan hệ gia đình, quá trình học tập, phấn đấu từ quá khứ đến hiện tại.
-
Nếu sơ yếu lý lịch phục vụ nhu cầu kê khai hành chính thì đây là tài liệu chứng minh người viết là công dân hợp pháp, gương mẫu trong xã hội.
-
Nếu sơ yếu lý lịch phục vụ nhu cầu tìm kiếm việc làm thì nhà tuyển dụng sẽ có cơ sở để đánh giá mức độ phù hợp giữa yêu cầu tuyển dụng và năng lực, điều kiện cuộc sống của ứng viên.
3- Có những dạng sơ yếu lý lịch nào?
Mỗi đối tượng người viết, mỗi nhu cầu sử dụng sơ yếu lý lịch sẽ hướng đến mục đích kê khai khác nhau. Do đó, tại Việt Nam hiện nay phổ biến có 03 dạng sơ yếu lý lịch, mỗi dạng sở hữu những nội dung kê khai đáp ứng chuẩn xác mong muốn của từng đối tượng người viết và người đọc:
3.1. Sơ yếu lý lịch tự thuật
Sơ yếu lý lịch tự thuật là dạng sơ yếu lý lịch phổ biến nhất, được xem là mẫu chung cho những nhu cầu sử dụng sơ yếu lý lịch để xin việc làm, xin học bổng. Những thông tin trong mẫu sơ yếu lý lịch này đề cập tổng quát nhiều nội dung phổ biến, chủ yếu yêu cầu kê khai thông tin cá nhân, hoàn cảnh gia đình, họ tên anh chị em ruột, quá trình hoạt động của bản thân, khen thưởng, kỷ luật…
Người kê khai có thể mua sơ yếu lý lịch mẫu tại các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm, hoặc tải trực tiếp từ các trang chia sẻ trên mạng. Một số bạn còn tự đánh máy lại, bổ sung thêm một số thông tin muốn kê khai thêm, hoặc để đánh chữ vi tính cho sạch đẹp. Lưu ý, doanh nghiệp thì đa phần dùng mẫu sơ yếu lý lịch chung, còn đối với xin học bổng, bạn nên liên hệ trường đào tạo để hỏi xem có mẫu riêng không hay sẽ dùng mẫu chung.
3.2. Sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên
Đây là văn bản do Bộ giáo dục và đào tạo quy định mẫu chuẩn. Học sinh, sinh viên sử dụng mẫu sơ yếu lý lịch này để hoàn thiện bộ hồ sơ trúng tuyển khi nhập học hoặc khi đăng ký dự thi tại các trường. Dạng sơ yếu lý lịch này sẽ có một số nội dung đặc biệt như: ngàn học, điểm thi, xếp loại học tập, xếp loại hạnh kiểm, lý do được tuyển thẳng…
Thông thường khi trúng tuyển hoặc dự thi, học sinh sinh viên sẽ liên hệ trực tiếp trường mình theo học để mua bộ hồ sơ. Trong bộ hồ sơ này sẽ có đầy đủ những văn bản, tài liệu cần thiết, bao gồm cả mẫu sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên. Kèm theo đó là hướng dẫn điền thông tin đúng quy định.
Quân sư khuyên bạn nên mua ngay tại trường, vì mỗi trường có thể điều chỉnh một chút so với mẫu gốc đăng tải trên mạng (ví dụ: in logo trường, thêm tên trường…). Một số nơi trường sẽ cung cấp cho bạn đường link trên website nhà trường để tải xuống.
3.3. Sơ yếu lý lịch viên chức
Đây là mẫu sơ yếu lý lịch sử dụng cho các cá nhân làm việc tại cơ quan nhà nước như trường học công lập, cơ quan chính quyền, sở ban ngành… Nội dung sơ yếu lý lịch viên chức tập trung ghi nhận thông tin đặc biệt về lịch sử bản thân, chức vụ, chức danh nghề nghiệp viên chức, trình độ lý luận chính trị, ngày vào Đảng, ngày tham gia tổ chức chính trị xã hội…
Viên chức khi cần sử dụng sơ yếu lý lịch có thể liên hệ văn phòng của ủy ban phường gần nhất, hoặc tải từ trên mạng xuống mẫu sơ yếu lý lịch viên chức HS02-VC/BNV, hoặc liên hệ nơi cần nộp sơ yếu lý lịch để tìm mua mẫu đúng theo quy định.
4- Hướng dẫn viết từng mục trong sơ yếu lý lịch
Nội dung sơ yếu lý lịch là cơ sở để người đọc ghi nhận, đánh giá về người kê khai. Chính vì vậy, người viết cần đảm bảo tính trung thực, minh bạch, nhưng phải súc tích. Cách viết sơ yếu lý lịch sao cho hiệu quả, quân sư TalentBold sẽ chia sẻ ngay dưới đây:
4.1. Ảnh sơ yếu lý lịch
Ảnh dán trong sơ yếu lý lịch là loại ảnh thẻ kích thước 4 x 6cm, phông nền trắng hoặc xanh, được chụp trong vòng 06 tháng trước khi làm sơ yếu lý lịch. Khi đi chứng thực, bên ủy ban phường sẽ đóng mộc giáp lai lên thẻ, đảm bảo ảnh không thể bị thay thế hay chỉnh sửa.
4.2. Các thông tin cá nhân
Thông tin cá nhân hay còn gọi là phần Tự thuật trong sơ yếu lý lịch, sẽ bao gồm:
-
Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, nơi sinh, dân tộc: ghi theo đúng thông tin trên giấy khai sinh
-
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại: ghi rõ số nhà, địa chỉ, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/ thành phố
-
Tôn giáo: ghi tôn giáo bạn đang theo như Phật, Thiên Chúa, Cao Đài…, nếu không theo tôn giáo nào thì ghi “Không”
-
Số căn cước công dân: ghi theo số thẻ căn cước bạn được cấp
-
Điện thoại, email
-
Thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất: có thể ghi là cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản…
-
Thành phần bản thân gia đình hiện nay: phổ biến là công nhân viên, công chức, viên chức, nhà báo, …
-
Trình độ văn hóa: ghi theo số lớp mà bạn đã hoàn thành học, ví dụ 9/12, hoặc 12/12. Lưu ý dù bạn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học thì trình độ văn hóa tối đa cũng ghi 12/12
-
Trình độ chuyên môn: chỗ này mới ghi bằng cấp giáo dục cao nhất mà bạn có, ví dụ: cử nhân kinh tế, kỹ sư xây dựng, thạc sĩ, tiến sĩ…
-
Loại hình đào tạo: sẽ có chính quy, tại chức, liên thông…
-
Chuyên ngành đào tạo: ví dụ quản trị kinh doanh, xây dựng dân dựng…
-
Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh: cần ghi rõ ngày tháng năm và nơi kết nạp theo sổ Đoàn, nếu không có thì bạn ghi “Chưa có”
-
Ngày và nơi kết nạp Đảng Cộng Sản Việt Nam: cần ghi rõ ngày tháng năm và nơi kết nạp theo sổ Đoàn, nếu không có thì bạn ghi “Chưa có”
- Ngày nhập ngũ, ngày xuất ngũ: dành cho những bạn đã tham gia quân đội, nếu không có thì bạn để trống.
4.3. Hoàn cảnh gia đình
Phần này nằm ở trang 2 của sơ yếu lý lịch, tại đây, người kê khai sẽ thể hiện thông tin về ngành nghề, quá trình hoạt động của những thành viên trong gia đình. Nhu cầu thông thường, bạn chỉ cần kê khai các thành viên gồm bố, mẹ, anh chị em ruột. Còn với những bạn làm hồ sơ kết nạp Đảng thì cần chi tiết hơn nên sẽ phải kê khai cả về ông bà nội, ông bà ngoại, nếu đã lập gia đình thì kê khai thêm gia đình vợ/chồng và cả con cái.
Mỗi thành viên sẽ kê khai riêng nên bạn cần thu thập thông tin từng người:
-
Phần họ tên, tuổi, nghề nghiệp thì bạn căn cứ theo chứng minh nhân dân và thông tin nghề nghiệp hiện tại để điền vào. Với người lớn tuổi thì ghi “Nghỉ hưu”, “Nội trợ”.
-
Phần hoạt động theo các mốc thời gian lịch sử, bạn có thể ghi “đi bộ đội”, “nội trợ”, “đi học”… cùng thông tin về địa chỉ nơi công tác như sư đoàn…, tại nhà số…, trường học…
4.4. Quá trình hoạt động của Bản thân
Bạn sẽ liệt kê trong khoảng 12 năm trở lại, theo thứ tự khoảng thời gian từ gần nhất đến xa nhất. Chủ yếu tập trung các hoạt động đi làm (làm gì, công ty nào, vị trí), đi học (học gì, trường nào, chuyên ngành)
4.5. Khen thưởng và Kỷ luật
Khen thưởng: thành tích khen thưởng nên gắn liền với mục đích mà bạn làm sơ yếu lý lịch, ví dụ
-
Để kết nạp Đảng thì thành tích cháu ngoan Bác Hồ liên tục 12 năm, chiến sĩ thi đua hạng nhất tại sư đoàn, được thăng chức vượt cấp năm…
-
Để xin học bổng thì khoe học sinh giỏi 12 năm liền, ngoại ngữ IELTS 6.5, học sinh giỏi cấp quận năm…
-
Để xin việc thì thể hiện thành tựu trong công việc, bằng khen kỹ sư sáng tạo, bằng sáng chế của Cục sở hữu trí tuệ…
Nếu không có thì bạn ghi “Chưa có”
Kỷ luật: nếu không phải lỗi lớn bị kỷ luật công khai thì bạn không nên ghi ra, chỉ cần ghi “Không”
5- Sơ yếu lý lịch xin việc hợp lệ khi nào?
Một bản sơ yếu lý lịch được đánh giá tính hợp lệ khi thỏa các tiêu chuẩn sau:
5.1. Đầy đủ nội dung thông tin
Nội dung thông tin gồm những gì thì quân sư đã chia sẻ cặn kẽ ở phần 4. trong bài viết này. Đối với những bạn xin học bổng hoặc xin việc nhà nước thì cần tuân thủ nội dung theo mẫu quy định. Còn với những bạn xin việc tại các doanh nghiệp tư nhân thì có thể linh hoạt thêm một số nội dung về kinh nghiệm làm việc, hoặc bớt một số nội dung về hoàn cảnh gia đình, thông tin anh chị em ruột nhằm tập trung làm nổi bật năng lực và kỹ năng chuyên môn của mình trước nhà tuyển dụng.
5.2. Sử dụng đúng định dạng sơ yếu lý lịch
Tùy theo tính chất tổ chức (cơ quan nhà nước, trường học, doanh nghiệp tư nhân…) và vai trò của ứng viên (công chức/ viên chức, học sinh/ sinh viên, nhân viên…) mà chúng ta sẽ có những định dạng sơ yếu lý lịch phù hợp. Các định đạng này cũng đã được quân sư chia sẻ ở mục 3.
5.3. Công chứng sơ yếu lý lịch
Đây là tiêu chuẩn khẳng định tính hợp lệ cao nhất cho sơ yếu lý lịch. Một bản sơ yếu lý lịch có chứng thực và mộc đỏ của chính quyền địa phương được xem là yêu cầu bắt buộc để xác nhận tính minh bạch, chuẩn xác của tài liệu này.
Đơn vị chứng thực sơ yếu lý lịch chính là ủy ban phường/ xã nơi bạn đang cư trú. Bạn chỉ cần cầm thẻ căn cước công dân cùng bản sơ yếu lý lịch đến xin xác nhận là cán bộ phường/ xã sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh.
6- Thay thế sơ yếu lý lịch bằng CV được không?
Nhiều người viết sơ yếu lý lịch còn phân vân không biết thay vì nộp sơ yếu lý lịch thì mình nộp CV được không? Vì sơ yếu lý lịch trong tiếng Anh là Curriculum Vitae - viết tắt là CV - mà mẫu CV thì có nhiều nguồn tham khảo lựa chọn hơn.
Câu trả lời là “Không, bạn nhé”. Tại Việt Nam, sơ yếu lý lịch và CV là hai loại văn bản hoàn toàn khác nhau.
-
Thứ nhất, về nội dung, CV hướng đến năng lực làm việc nhiều hơn, còn sơ yếu lý lịch thì hướng đến chứng thực đạo đức và tính hợp pháp của công dân nhiều hơn.
-
Thứ hai, CV chỉ dài cỡ 01 trang A4, còn nội dung sơ yếu lý lịch trình bày có thể lên đến 3 - 4 trang hoặc hơn nếu như người viết có tuổi đời lớn sẽ kê khai quá trình hoạt động nhiều.
-
Thứ ba, CV phải liên tục thay đổi khi ứng tuyển vị trí công việc mới, còn sơ yếu lý lịch nội dung phần lớn không thay đổi nên có thể nộp một sơ yếu lý lịch cho nhiều nơi khác nhau.
-
Thứ tư, CV chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu tìm việc làm, còn sơ yếu lý lịch thì phạm vi sử dụng rộng hơn từ tìm việc, xin học bổng, kê khai đăng ký tạm trú, tạm vắng…
Sơ yếu lý lịch không chỉ là văn bản xác nhận thông tin cá nhân hợp pháp mà còn phản ánh năng lực, kiến thức, kỹ năng của mỗi cá nhân. Những kinh nghiệm hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch đơn giản, chuẩn nhất mà quân sư TalentBold chia sẻ hôm nay sẽ là bí kíp hữu ích giúp bạn trình bày nội dung kê khai chuẩn xác, súc tích và làm nổi bật năng lực của chính mình.
-
Chi tiết liên hệ: Talentbold - We bold your talents Hotline: 077 259 1080 Mail: sales@talentbold.com Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam