1. Đặt vấn đề
Theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì sinh viên các trường cao đẳng nghề có nhiều hình thức thi khi kết thúc một môn học hay một học phần. Bài tập lớn là một trong các dạng quy định mỗi giảng viên có thể lựa chọn để đánh giá sinh viên sau khi kết thúc môn học.
Bài viết này, giới thiệu một số kinh nghiệm bước đầu về hướng dẫn sinh viên làm bài tập lớn, đang triển khai ở các lớp Công nghệ thông tin của trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC).
2. Vai trò của bài tập lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo
Bài tập lớn của một môn học trong các trường cao đẳng là một hình thức rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức lý thuyết đã được tiếp thu vào giải quyết một vấn đề của thực tiễn. Như vậy, sinh viên phải nắm được kiến thức cơ bản của học phần, tìm tòi các vấn đề thực tiễn để xây dựng kế hoạch nghiên cứu triển khai. Ngoài ra, sinh viên phải phối hợp làm việc nhóm để hoàn thành công việc đề xuất.
Thông qua triển khai nghiên cứu bài tập lớn sinh viên được vận dụng kiến thức lý thuyết, rèn luyện các kỹ năng cơ bản sau:
a. Phát hiện những vấn đề thực sự cần thiết trong thực tiễn có thể vận dụng kiến thức môn học vào giải quyết.
Ví dụ 1. Khi học môn Cơ sở dữ liệu, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server sinh viên CNTT có thể liên hệ và đề xuất các chủ đề hay thực tiễ đang đặt ra như: + Quản lý các dự án cho một công ty;
+ Quản lý sinh viên của các trường cao đẳng, đại học: Quản lý hồ sơ, quá trình học tập, các quy chế đào tạo áp dụng trong đào tạo với sinh viên, …
+ Quản lý thư viện cho một trường cao đẳng đại học, …
… Các vấn đề quản lý khác của công ty, doanh nghiệp. Chúng ta không thể dùng ghi chép, sổ sách tức quản lý thủ công mà phải sử dụng kiến thức bộ môn trên xây dựng cơ sở dữ liệu với các yêu cầu cụ thể để có thể truy xuất thông tin quan trọng phục vụ quá trình quản lý.
Ví dụ 2. Học môn Quản trị dự án, sinh viên ngành Thương mại điện tử
có thể đề xuất một số vấn đề thực tiễn đang đặt ra:
- Xây dựng và quản lý một dự án khởi nghiệp. Chẳng hạn: Dự án cửa hàng bán thức ăn nhanh; Dự án bán sách online; Dự án cà phê sách, …
- Phân tích dự án kinh doanh của một công ty, …
b. Rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và các kỹ năng mềm trong triển khai bài tập lớn.
Sau khi đề xuất chủ đề cho bài tập lớn, nhóm sinh viên thực hiện cần phải sử dụng kiến thức môn học, các kỹ năng cần thiết và quan trọng phải tổ chức nhóm thực hiện một cách hiệu quả để hoàn thành khối lượng công việc kịp tiến độ. Như vậy, kiến thức môn học có thể nói thực sự trở thành kiến thức bền vững của mỗi thành viên, giúp họ có trải nghiệm bước đầu cho công việc sau khi tốt nghiệp tại FTC.
Ngoài ra, chúng ta biết hiện nay ở cuối bậc phổ thông, học sinh tập trung vào làm các đề thi và các dạng bài trắc nghiệm trong các đợt thi, đánh giá cuối kỳ. Đó là giai đoạn chuyển tiếp với chương trình giáo dục mới sau năm 2018. Do đó, kỹ năng trình bày báo cáo một vấn đề phải sử dụng đến viết có phần hạn chế. Sử dụng phần mềm Word trong trình bày văn bản chưa tốt. Như vậy, làm bài tập lớn chính là rèn luyện các kỹ năng viết, trình bày văn bản. Điều này thực sự cần thiết sau khi tốt nghiệp.
Tóm lại, khi làm bài tập lớn sinh viên được rèn luyện khá tổng hợp kiến thức, kỹ năng kết hợp với trải nghiệm thực tế và các kỹ năng mềm khác. Như vậy, có thể nói bài tập lớn có vai trò quan trọng, nếu sử dụng tốt sẽ nâng cao chất lượng đào tạo trong trường.
3. Một số kinh nghiệm tổ chức sinh viên làm bài tập lớn
Để nâng cao chất lượng đào tạo, hiện nay một số trường đại học, cao đẳng sử dụng hình thức cho sinh viên làm bài tập lớn khi kết thúc học phần. Chẳng hạn: trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, trường Đại học Đại Nam, … tại FTC các học phần CNTT sinh viên cũng được giao bài tập lớn để hoàn thành môn học. Sau đây là một số kinh nghiệm triển khai cho sinh viên làm bài tập lớn ở một số học phần CNTT của FTC tương đối đạt hiệu quả:
- Nêu các vấn đề thực tiễn có thể lấy làm chủ đề bài tập lớn của môn học. Đặt yêu cầu cho sinh viên chủ động nghiên cứu kiến thức, trải nghiệm thực tiễn, trao đổi nhóm để tìm được chủ đề bài tập lớn cho mỗi nhóm.
- Hướng dẫn cụ thể cách tiến hành nghiên cứu, triển khai bài tập lớn.
- Thường xuyên kiểm tra kết quả, tiến độ làm bài tập lớn của mỗi nhóm để nâng cao ý thức tự giác, sự phối hợp các thành viên tại mỗi nhóm.
- Nêu điển hình các nhóm tiến hành nghiên cứu tốt đồng thời nhắc nhở các nhóm còn hạn chế trong triển khai.
Kết luận. Làm bài tập lớn thay bài thi khi kết thúc môn học là một hướng nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi giảng viên phải nghiên cứu và làm việc nhiều hơn, sinh viên cần học chu đáo, cẩn thận hơn mới đảm bảo yêu cầu.
Những kết quả bước đầu tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội trong thời gian qua về việc triển khai làm bài tập lớn cho sinh viên ngành CNTT rất đáng trân trọng, cần được nghiên cứu và tiếp tục triển khai để góp phần ổn định và phát triển bền vững chất lượng đào tạo tại Nhà trường.
KHOA GDĐC