Nhiệt miệng là tình trạng viêm nhiễm gây các vết loét bên trong miệng. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng này gây phiền toán cho nhiều người. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết cách trị nhiệt miệng hiệu quả bạn nhé!
1Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là sự xuất hiện của những vết loét nhỏ, nông tại bề mặt niêm mạc bên trong má, môi, dưới lưỡi và nướu. Dù không gây nguy hiểm cho sức khỏe, nó vẫn ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, đặc biệt là trong việc ăn uống và giao tiếp.
Nhiệt miệng là sự các vết loét nhỏ, nông trên niêm mạc bên trong má, môi hoặc dưới lưỡi
2Nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng
Nguyên nhân gây nhiệt miệng vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Lý do tái phát của các vết loét miệng thường khác nhau đối với từng người. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiệt miệng thường xuyên, bao gồm:
- Tổn thương miệng: Việc đánh răng quá mạnh hoặc bị ngã có thể gây tổn thương và hình thành các vết lở trong miệng.
- Thiếu chất dinh dưỡng: Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng như vitamin B9, vitamin B12, vitamin C, kẽm, sắt,... có thể dẫn đến nhiệt miệng.
- Suy giảm chức năng gan: Khi gan không hoạt động hiệu quả, có thể dẫn đến tích tụ độc tố trong cơ thể và gây tổn thương niêm mạc miệng.
- Hệ miễn dịch yếu: Khi hệ miễn dịch không đủ mạnh làm cho cơ thể dễ bị tấn công bởi vi sinh vật, từ đó tạo ra các vết loét trong khoang miệng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi trường hợp nhiệt miệng có một nguyên nhân khác nhau và cần được xác định cụ thể bởi các bác sĩ.
Thiếu vitamin có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng
3Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả tại nhà
Dùng nước muối
Muối có tác dụng khử trùng, làm khô vết loét, an toàn và lành tính. Khi súc miệng bằng nước muối, ban đầu bạn sẽ có cảm giác hơi đau xót ngay tại vết loét, tuy nhiên điều này sẽ nhanh chóng biến mất khi vết loét lành.
Bạn có thể dùng nước muối pha tại nhà hoặc nước muối sinh lý để chữa nhiệt miệng theo các bước sau:
- Bước 1: Pha một thìa cà phê muối với 1/2 cốc nước ấm, khuấy đều cho tan hoàn toàn hoặc dùng nước muối sinh lý.
- Bước 2: Ngậm dung dịch này trong miệng từ 15 - 30 giây, sau đó nhổ ra.
- Bước 3: Thực hiện súc miệng nước muối từ 3 - 4 lần/ngày để vết loét mau lành.
Dùng nước súc miệng
Các loại nước súc miệng được bán trên thị trường đa phần chứa chlorhexidine hoặc NaCl 0.9% giúp làm lành vết loét, giảm cơn đau và ngăn ngừa nhiễm thêm các vi khuẩn khác trong quá trình lành vết thương. Tuy nhiên, chúng không có khả năng ngăn chặn tái phát nhiệt miệng.
Cách sử dụng nước súc miệng để chữa nhiệt miệng tại nhà:
- Bước 1: Súc 10 - 15ml nước/lần, ngậm 2 - 5 phút rồi nhổ ra.
- Bước 2: Sử dụng đều đặn 2 lần/ngày, sáng và tối sau khi đánh răng.
Dùng mật ong
Mật ong có khả năng kháng khuẩn và hỗ trợ quá trình làm lành nhanh các vết loét như nhiệt miệng. Bên cạnh đó, mật ong còn có tác dụng bảo vệ vùng da bị nhiễm trùng. Để đạt hiệu quả điều trị, bạn có thể thoa trực tiếp mật ong nguyên chất lên vùng miệng bị nhiệt miệng, thực hiện quy trình này 4 lần/ngày.[1]
Sử dụng sữa chua
Theo một số nghiên cứu, nguyên nhân gây ra nhiệt miệng có thể là do vi khuẩn H.pylori. Do đó, ăn sữa chua chứa lợi khuẩn có thể giúp lành các vết loét ở miệng.
Bạn nên bổ sung đều đặn mỗi ngày 1 hộp sữa chua để tình trạng nhiệt miệng nhanh chóng biến mất. [2]
Ăn sữa chua mỗi ngày hữu ích cho việc điều trị nhiệt miệng
Dùng baking soda
Baking soda (bột nở) có khả năng cân bằng pH của khoang miệng trong khoản 7 - 7,4 từ đó giúp nhanh lành các vết loét miệng. Cách pha nước súc miệng bằng baking soda thực hiện như sau:
- Bước 1: Hòa tan 1 thìa cà phê baking soda vào 1/2 cốc nước.
- Bước 2: Ngậm dung dịch này từ 30 - 60 giây, sau đó nhổ ra.
- Bước 3: Thực hiện lặp lại việc này 3 - 4 lần/ngày để đạt được hiệu quả.
Sử dụng dầu dừa chữa nhiệt miệng
Dầu dừa chứa acid lauric có tính kháng khuẩn cao, giúp giảm sưng đau, điều trị nhiệt miệng hiệu quả. Bạn có thể thoa dầu dừa trực tiếp lên vết loét nhiều lần trong ngày cho đến khi vết loét hoàn toàn lành hẳn.
Dầu dừa giúp giảm sưng đau và điều trị nhiệt miệng hiệu quả
Dùng trà hoa cúc
Trà hoa cúc có chứa hai hợp chất azulene - 2 và levomenol có tính chống viêm, khử trùng các vết thương như vết loét tại miệng. Để đạt được hiệu quả khi sử dụng trà hoa cúc, bạn có thể đắp túi trà lên vết loét khi chúng còn ấm hoặc súc miệng bằng trà hoa cúc 3 - 4 lần/ngày.
Trà hoa cúc giúp nhanh làm lành vết loét miệng
Bổ sung vitamin
Tăng cường bổ sung các loại vitamin giúp bạn tăng sức đề kháng và đẩy lùi các loại vi khuẩn gây nhiệt miệng. Bạn có thể bổ sung vitamin thông qua các loại thực phẩm như trứng cá, đậu nành, sữa gạo, rau chân vịt, cải xanh, măng tây hoặc sử dụng viên uống vitamin cần thiết cho cơ thể.
Dùng phèn chua
Theo Y học cổ truyền, phèn chua được sử dụng như một loại thuốc có khả năng kháng viêm và đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, đặc biệt trong trường hợp nhiệt miệng. Để sử dụng phèn chua để điều trị nhiệt miệng tại nhà, bạn có thể thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Trộn phèn chua với nước để tạo thành hỗn hợp sệt.
- Bước 2: Chấm hỗn hợp vào vết loét.
- Bước 3: Giữ yên trong 1 phút, súc miệng và thực hiện lặp lại 3 - 4 lần/ngày.
Phèn chua giúp nhanh lành vết loét ở miệng
Dùng Cúc La Mã
Nụ hoa Cúc La Mã có chứa bisabolol và flavonoid, từ đó nó có tác dụng giảm sưng tiêu viêm và giúp làm lành vết loét như nhiệt miệng. Để đạt được hiệu quả, bạn có thể sử dụng dùng trà Cúc La Mã để súc miệng 3 - 4 lần/ngày hoặc đắp túi trà còn ấm vào vết loét nhiều lần trong ngày.
Cúc La Mã giúp giảm sưng tiêu viêm và điều trị nhiệt miệng
Dùng trà xô thơm
Trà xô thơm có chứa axit rosmarinic có khả năng chống viêm, giảm đau, hỗ trợ làm lành các vết loét. Dưới đây là cách sử dụng trà xô thơm để điều trị nhiệt miệng:
- Bước 1: Pha 1 - 2 thìa cà phê lá trà xô thơm tươi với 1 ít nước sôi.
- Bước 2: Lọc dung dịch, để nguội.
- Bước 3: Sử dụng để súc miệng trong vài phút sau đó nhổ ra.
Trà xô thơm có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và trị nhiệt miệng
Dùng giấm táo
Giấm táo có chứa axit axetic có khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, giúp vết nhiệt miệng chóng lành hơn. Để trị nhiệt miệng bằng giấm táo, bạn hãy pha chúng với nước theo tỉ lệ 1:1 và sử dụng để súc miệng hàng ngày.
Giấm táo có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và nhanh lành vết nhiệt miệng
Viên ngậm kẽm
Đôi khi nguyên nhân nhiệt miệng cũng do cơ thể bạn đang thiếu kẽm. Sử dụng viên ngậm kẽm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình làm lành vết loét. Với phương pháp này, bạn cần ngậm viên kẽm cho đến khi tan hết và tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ hay dược sĩ có chuyên môn.
Viên ngậm kẽm giúp tăng sức đề kháng và làm lành nhanh vết loét miệng
Sử dụng oxy già
Oxy già là chất khử trùng mạnh giúp làm sạch vết thương, giảm cảm giác đau rát nhanh chóng. Oxy già có khả năng ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn trong khoang miệng từ đó giúp vết loét ở miệng lành nhanh hơn.
Các bước trị nhiệt miệng với oxy già như sau:
- Bước 1: Pha dung dịch oxy già 3% với một lượng nước phù hợp.
- Bước 2: Dùng tăm bông thấm dung dịch lên vị trí miệng bị nhiệt vài lần mỗi ngày.
Dùng oxy già giúp ngăn chặn sự sinh sôi vi khuẩn gây vết loét ở miệng
Dùng sữa Magie
Trong sữa Magie có chứa thành phần Magie Hydroxit có khả năng bao phủ vết loét, giảm đau và trung hòa axit trong khoang miệng, từ đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn khiến vi khuẩn ngừng phát triển. Để trị nhiệt miệng bằng sữa Magie, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Bôi một ít sữa Magie vào vết loét, để yên vài giây.
- Bước 2: Súc miệng lại với nước. Thực hiện 3 - 4 lần/ngày để vết loét nhanh lành.
Sữa Magie giúp bao phủ vết loét từ đó điều trị nhiệt miệng hiệu quả
Dùng nước cam
Nước cam chứa hàm lượng vitamin C dồi dào, đây là hoạt chất có khả năng phòng ngừa và trị nhiệt miệng một cách an toàn và hiệu quả. Uống 1 - 2 cốc nước ép cam mỗi ngày có thể giúp tình trạng nhiệt miệng của bạn mau chóng hồi phục. (Xem thêm các sản phẩm vitamin C hỗ trợ bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khoẻ).
Nước cam giúp phòng ngừa và trị nhiệt miệng
Dùng dầu đinh hương
Dầu đinh hương có chứa hoạt chất Eugenol có tính kháng khuẩn và gây tê mạnh, từ đó góp phần giảm đau và tăng cường quá trình lành vết loét trong miệng. Bằng cách sử dụng tăm bông và thấm dầu đinh hương trực tiếp lên vết loét miệng, thực hiện 3 - 4 lần/ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Dầu đinh hương có tính kháng khuẩn giúp trị nhiệt miệng
Dùng nước cốt dừa
Nước cốt dừa chứa dầu dừa có tác dụng diệt khuẩn và làm dịu các cơn đau do nhiệt miệng gây ra. Bằng cách sử dụng nước cốt dừa để súc miệng từ 3 - 4 lần/ngày, bạn sẽ thấy vết loét ở miệng nhanh chóng biến mất.
Nước cốt dừa có tính kháng khuẩn và làm dịu cơn đau do nhiệt miệng gây ra
Sử dụng tỏi
Trong tỏi chứa allicin, một hoạt chất có khả năng chống viêm, giảm nhiệt miệng hiệu quả. Để trị nhiệt miệng bằng tỏi, bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Xoa một tép tỏi lên vết loét miệng 1 - 2 phút.
- Bước 2: Súc miệng lại với nước sạch.
- Bước 3: Thực hiện đều đặn 2 - 3 lần/ngày để vết loét mau lành hơn.
Tỏi giúp vết loét miệng mau lành
Dùng nước ép bắp cải
Nước ép bắp cải có chứa vitamin C và vitamin PP giúp làm lành vết thương và sẹo tại dạ dày hoặc miệng. Bạn có thể làm nước ép bắp cải tại nhà giúp trị nhiệt miệng theo các bước sau:
- Bước 1: Bóc từng lá cải bắp, dọc đôi từng lá.
- Bước 2: Chần cải bắp qua nước sôi, để ráo nước.
- Bước 3: Cho cải bắp vào máy ép, lấy nước bỏ bã.
- Bước 4: Mỗi ngày uống 1 cốc nước ép bắp cải trước khi đi ngủ để vết loét ở miệng mau lành.
Nước ép bắp cải hỗ trợ làm lành vết thương trong miệng
4Bài thuốc chữa nhiệt miệng
Sử dụng rau ngót chữa nhiệt miệng
Rau ngót là một loại cây phổ biến ở Việt Nam, có tính mát, thanh nhiệt và khả năng giải độc tố tốt. Kết hợp với mật ong, rau ngót có thể nhanh chóng làm lành các vết nhiệt miệng. Có thể dùng rau ngót chữa nhiệt miệng theo các bước sau:
- Bước 1: Chọn rau ngót sạch, không chứa các chất độc hại từ thuốc trừ sâu hoặc chất bảo quản.
- Bước 2: Rửa sạch rau ngót, sau đó giã nhỏ và lọc để lấy nước cốt.
- Bước 3: Trộn nước cốt này với một ít mật ong.
- Bước 4: Sử dụng tăm bông để chấm dung dịch vừa trộn lên vùng nhiệt miệng và để trong khoảng 5-10 phút, sau đó súc miệng với nước sạch.
Rau ngót kết hợp với mật ong giúp vết loét miệng mau lành
Sử dụng rau diếp cá chữa nhiệt miệng
Diếp cá là một loại cây phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, chúng có vị cay, hơi lạnh và có tác dụng tốt trong việc thanh nhiệt và giải độc. Ngoài ra, nó còn có tính kháng khuẩn giúp tiêu diệt ký sinh trùng. Các bước dùng diếp cá trị nhiệt miệng có thể thực hiện tại nhà như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị 100g rau diếp cá, sau đó rửa sạch.
- Bước 2: Xay nhuyễn rau diếp cá để lấy nước uống. Sau khoảng 2 - 3 lần sử dụng, bạn sẽ thấy những triệu chứng nhiệt miệng nhanh chóng giảm đi.
Diếp cá giúp vết loét ở miệng mau lành hơn
5Các thực phẩm cần tránh khi bị nhiệt miệng
Bạn nên tránh một số loại thực phẩm dưới đây để tình trạng nhiệt miệng nhanh hồi phục hơn:
- Các loại thực phẩm nhiều acid như mận, dứa, chanh vì chúng có thể khiến vết loét miệng lâu lành hơn.
- Thức ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu vì chúng có thể gây kích ứng và làm tăng cảm giác đau đớn trong vùng nhiệt miệng.
- Cà phê và các loại nước ngọt: Đây là những loại đồ uống có chứa acid salicylic gây kích ứng các mô trong miệng, làm tình trạng nhiệt miệng trở nên nặng hơn.
Thực phẩm cay nóng có thể gây kích ứng vết loét miệng
6Các biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Đánh răng đều đặn 3 lần/ngày, vệ sinh đúng cách như làm sạch răng và dọc theo đường nướu răng để không gây tổn thương cũng như tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt, sau khi đánh răng, bạn nên sử dụng nước súc miệng để làm sạch răng cũng như ngăn ngừa vết loét miệng.
Vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào miệng
Lựa chọn bàn chải đánh răng
Bàn chải lông cứng dễ gây tổn thương niêm mạc miệng hoặc chảy máu chân răng. Do đó, bạn nên thay bằng bàn chải đánh răng lông mềm để phòng ngừa nhiệt miệng xảy ra.
Đánh răng bằng bàn chải lông mềm để đề phòng nguy cơ nhiệt miệng
Giảm căng thẳng, mệt mỏi
Tình trạng căng thẳng mệt mỏi dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch làm nhiệt miệng tái phát. Để giảm căng thẳng, hãy duy trì thói quen tập yoga, thiền và tập trung vào tịnh tâm.
Các bài tập thiền hoặc yoga sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, mệt mỏi
7Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bạn cần đến các cơ sở y tế để thăm khám nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Có vết loét lớn trong miệng, lan rộng.
- Sốt cao.
- Phát ban.
- Tiêu chảy.
- Đau đầu.
Sốt cao là một triệu chứng đáng lưu ý khi bị nhiệt miệng
Các bệnh viện chuyên khoa uy tín
Nếu có các triệu chứng cần gặp bác sĩ, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Nội để được thăm khám và điều trị:
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị...
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện 115...
Trên đây là những chia sẻ về 20 cách trị nhiệt miệng hiệu quả tại nhà. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm kiến thức để phòng chống và trị nhiệt miệng. Hãy chia sẻ bài viết tới người thân, bạn bè nếu thấy hữu ích nhé!