Hiện nay, tình trạng đau nhức xương khớp là khá phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, bệnh có thể tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày . Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp chiếm khoảng 35% dân số, 70% trong số đó là những người từ 50 - 70 tuổi. Những năm gần đây, bệnh xương khớp đang có xu hướng trẻ hóa, số người từ 27 - 30 tuổi mắc bệnh xương khớp ngày càng nhiều.
Bệnh xương khớp có xu hướng ngày càng trẻ hóa do thói quen ăn uống và sinh hoạt
Bệnh đau cơ xương khớp là gì?
Bệnh cơ xương khớp là tình trạng bị suy yếu chức năng của các khớp, dây chằng, cơ bắp, thần kinh, gân và xương sống. Điều này có thể dẫn đến đau và làm giảm khả năng di chuyển, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Tổn thương cơ xương khớp để lại di chứng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Phân loại các bệnh đau cơ xương khớp phổ biến
Thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương, dịch khớp suy giảm, gây viêm nhiễm. Lâu dần lớp sụn khớp sẽ bị mỏng và xù xì khiến khớp bị đau nhức mỗi khi vận động.
Biểu hiện của thoái hóa khớp thường gặp nhất:
- Đau
- Cứng khớp
- Sưng khớp
- Khớp bị biến dạng
- Hạn chế vận động.
Đây là một bệnh lý mạn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn, thường diễn ra ở những người lớn tuổi (từ khoảng sau 40 tuổi) do quá trình lão hóa tự nhiên. Phụ nữ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nam giới do trải qua giai đoạn sinh nở và thay đổi nội tiết tố thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh. Nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn ở những người béo phì.
Quá trình của thoái hóa khớp
Viêm khớp
Viêm khớp là tình trạng viêm, sưng, nóng đỏ, đau rát ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Viêm khớp thường diễn ra do:
- Quá trình lão hóa
- Sụn khớp và xương dưới sụn bị mài mòn
- Nhiễm trùng
- Chấn thương
- Di truyền
Viêm khớp có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người lớn tuổi. Phụ nữ cũng có xu hướng bị viêm khớp nhiều hơn nam giới.
Tình trạng viêm khớp thường rất khó điều trị dứt điểm và có nguy cơ tái phát cao, nên người bệnh cần kiên trì trong thời gian dài để hạn chế các triệu chứng của bệnh lý này hiệu quả hơn.
Viêm khớp gây viêm, sưng, nóng đỏ, đau rát tại khớp
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên. Tổn thương cơ bản trong viêm khớp dạng thấp là màng hoạt dịch khớp, gây sưng đau cuối cùng có thể dẫn đến hủy xương và biến dạng khớp ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày như viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật.
Bệnh thường phổ biến ở những người có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Trong số đó, bệnh nhân nữ, nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam. Bệnh diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề do đó cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng và chèn ép vào các rễ thần kinh.
Bệnh lý này thường diễn ra do:
- Di truyền
- Quá trình thoái hóa
- Chấn thương
- Tư thế sai
Thoát vị đĩa đệm diễn ra phổ biến ở đốt sống cổ và thắt lưng. Những triệu chứng thường gặp là:
- Xuất hiện các cơn đau nhức âm ỉ kéo dài trong 1 - 2 tuần và tăng dần tần suất và mức độ đau theo thời gian.
- Tê ở vùng cổ lan đến vai, cánh tay hoặc tê ở thắt lưng và có thể lan đến mông, chân.
Thoát vị đĩa đệm có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh và rất khó chữa trị hoàn toàn. Các nhân nhầy sau khi thoát ra khỏi cơ thể sẽ khiến cột sống suy yếu hơn, làm thay đổi dáng đứng và gây teo cơ, vẹo cột sống.
Thoát vị đĩa đệm
Đau thần kinh tọa
Là tình trạng đau lan từ mông xuống dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
Các nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa gồm có:
- Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, khối lồi ra của đĩa đệm làm đè ép vào dây thần kinh tọa gây đau.
- Thoái hoá cột sống thắt lưng: Thoái hoá gây ra gai xương xâm lấn vào lỗ liên đốt cột sống, là nơi dây thần kinh tọa thoát ra khỏi cột sống, gai xương đủ lớn sẽ tác động tới dây thần kinh tọa mà gây đau. Đôi khi thoái hoá làm hẹp ống sống cũng là nguyên nhân gây đau.
- Trượt đốt sống: Khi trượt đốt sống sẽ làm hẹp lỗ liên đốt cột sống gây tác động vào thần kinh tọa gây đau.
- Nguyên nhân khác: chấn thương, viêm…
Đau thần kinh tọa lan từ mông xuống dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa
Bệnh loãng xương
Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ xương, hủy hoại cấu trúc khiến xương xốp và mỏng hơn bình thường, làm giảm khả năng chống đỡ và chịu lực của xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.
Loãng xương thường diễn ra do quá trình lão hóa, một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác, rối loạn nội tiết tố. Phụ nữ có thể mất từ 1 - 3% xương mỗi năm sau khi bước vào giai đoạn mãn kinh 5 - 10 năm.
Vẹo cột sống
Vẹo cột sống là tình trạng các đốt sống bị cong sang một bên hoặc xoay phức tạp làm ảnh hưởng đến diện mạo, dáng đi của bạn và gây ra một số bệnh về cột sống.
Biểu hiện:
- Gai đốt sống không thẳng hàng
- Dốc hai vai không đều nhau, bên thấp bên cao
- Phần xương bả vai nhô ra bất thường
- Khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau
- Tam giác eo tạo ra giữa thân và cánh tay có độ hẹp rộng không giống nhau
- Xương sườn lồi lên, thân lưng mất cân đối
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Do bẩm sinh
- Tập ngồi tập đi quá sớm
- Tư thế học tập, làm việc không đúng
- Chiều dài chân không đều
- Các bệnh lý về tủy sống, thần kinh cơ, bệnh xương khớp, còi xương, suy dinh dưỡng, loãng xương.
Ngồi sai tư thế là một trong những nguyên nhân gây vẹo cột sống
Gai cột sống
Gai cột sống là sự xuất hiện các gai xương phát triển ra thêm ở điểm giao nhau giữa các đốt sống. Đây là một diễn tiến của bệnh thoái hóa cột sống, viêm cột sống mạn tính, chấn thương hoặc tích tụ canxi ở dây chằng và gân tiếp xúc với đốt sống. Gai cột sống thường xuất hiện ở các vị trí như đốt sống cổ, cột sống lưng.
Tình trạng gai cột sống có thể gây đau nhức, đặc biệt là khi vận động và nếu không được điều trị kịp thời các gai xương có thể phát triển và chèn ép vào các dây thần kinh, gây tê bì, cứng khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Gai cột sống
Bệnh Gout
Bệnh gout diễn ra do sự lắng đọng tinh thể muối urat hoặc acid uric, gây đau nhức và viêm khớp. Bệnh gout thường xảy ra ở nam giới, đặc biệt là từ sau 40 tuổi.
Những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gout:
- Sự giảm bài tiết acid uric do bệnh về thận, sử dụng thuốc.
- Tăng sản xuất acid uric do sử dụng nhiều các loại thịt đỏ (thịt bò, dê, cừu,…).
- Nguyên nhân làm tăng nguy cơ khác: di truyền, tuổi tác.
Bệnh gout là sự lắng đọng tinh thể muối urat hoặc tinh thể acid uric
Các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa đau cơ xương khớp
- Dinh dưỡng: Xây dựng chế độ dinh dưỡng tốt cho xương khớp. Canxi là chất dinh dưỡng rất tốt cho hệ xương khớp, vì vậy chúng ta nên bổ sung canxi cho cơ thể thông qua việc ăn các thực phẩm chứa nhiều canxi như là cá, tôm, cua, sữa, trứng,…. Thực phẩm rau quả như súp lơ, cam, dâu tây, rau cải, đu đủ,… để giúp hệ xương vững chắc. Ngoài ra còn có hạt dẻ, hạnh nhân, đậu phộng,… cũng chứa boron - một chất giúp xương chắc khỏe.
- Vận động: Thường xuyên vận động hợp lý, nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập tốt cho xương khớp. Bạn nên bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng rồi dần dần nâng lên bài tập nặng hơn, không nên tập ngay từ đầu những bài tập quá nặng.
- Khi làm việc: Tránh mang vác nặng, ngồi quá lâu một tư thế.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Do lực đè nặng lên khớp nên béo phì thừa cân có thể làm tổn thương đến các khớp. Chính vì thế chúng ta cần phải điều chỉnh cân nặng cho hợp lý để có thể giảm bớt sức nặng nên khớp. Giảm cân là một trong những biện pháp để tránh các bệnh về xương khớp.
- Thăm khám khi có dấu hiệu bất thường