Điều trị ung thư hắc tố da phụ thuộc nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, vị trí khối u, thể trạng, bệnh lý đi kèm, tinh thần và nguyện vọng của bệnh nhân. Bệnh được phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả, tiên lượng sống càng khả quan.
Theo số liệu của Globocan năm 2020, Việt Nam có 193 trường hợp mắc mới ung thư hắc tố da và có 120 ca tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư hắc tố (ung thư sắc tố) phát triển từ các tế bào thượng bì (biểu bì) tạo hắc tố (Melanocyte). Các tế bào này có nhiệm vụ sản xuất melanin (sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt). Ung thư hắc tố được đánh giá là loại ung thư da nguy hiểm nhất. Chúng có khả năng tiến triển nhanh và di căn xa đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh lý ung thư ác tính vẫn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Ung thư hắc tố da có chữa được không?
Nhìn chung, tiên lượng sống đối với bệnh nhân ung thư hắc tố da tương đối khả quan nếu được phát hiện và can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn sớm.
Các phương pháp điều trị ung thư hắc tố da phổ biến
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư hắc tố da như phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích, hóa trị, xạ trị… Tùy theo giai đoạn bệnh, vị trí khối u, thể trạng bệnh nhân, bệnh lý đi kèm, tinh thần, nguyện vọng của bệnh nhân và thân nhân, bác sĩ sẽ chọn cách điều trị phù hợp. (1)
1. Phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cắt bỏ khối u hắc tố ra khỏi cơ thể. Việc lựa chọn loại phẫu thuật phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như kích thước, số lượng và vị trí của khối u. Phẫu thuật là phương pháp điều trị được chỉ định đầu tiên của hầu hết các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư hắc tố da. Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ triệt để các khối u ác tính ra khỏi cơ thể. Đối với các khối u ít có nguy cơ di căn đến các nơi khác, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị duy nhất. (2)
- Phẫu thuật cắt rộng: Đây là phương pháp cắt bỏ tổn thương khối u và các mô lành bao quanh khối u (diện cắt). Diện cắt được đo lường bằng đơn vị cm hoặc mm. Kích thước của diện cắt tùy thuộc vào bề dày của khối ung thư sắc tố da. Sau mổ, khối u sẽ được bác sĩ giải phẫu bệnh soi dưới kính hiển vi nhằm đánh giá, xác định diện cắt còn tế bào ung thư hay không. Nếu diện cắt vẫn còn u, người bệnh có thể cần phải phải phẫu thuật lại. Các tác dụng phụ của phẫu thuật bao gồm đau, sưng, chảy máu, dị ứng và sẹo mổ. Nếu lo lắng nhiều về vấn đề sẹo mổ, người bệnh có thể thảo luận trực tiếp, rõ ràng với bác sĩ phẫu thuật. Trong một số tình huống do vị trí và kích thước của khối u, người bệnh cần phải được can thiệp ghép da (lấy da từ vùng khác của cơ thể người bệnh để che kín vết mổ).
- Sinh thiết hạch gác cửa: Hạch gác cửa là hạch đầu tiên mà nghi ngờ tế bào ung thư có thể lan đến. Phẫu thuật viên sẽ mổ lấy một hoặc nhiều hạch nghi ngờ gửi đến phòng xét nghiệm để bác sĩ giải phẫu bệnh xác định hạch bạch huyết đã bị di căn hay chưa. Phẫu thuật sinh thiết hạch gác cửa thường được thực hiện đồng thời với phẫu thuật cắt rộng u. Để xác định được hạch gác cửa, bác sĩ phẫu thuật có thể phải tiêm một chất chỉ thị màu dưới da khu vực ngay cạnh khối u. Chất chỉ thị màu này sẽ theo đường mạch bạch huyết chảy đến các chặng hạch bạch huyết, bác sĩ sẽ có thiết bị chuyên dụng để xác định được đâu là hạch gác cửa của khối u.
Nếu ung thư di căn hạch gác cửa, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật nạo hạch hoặc theo dõi sát hạch gác cửa bằng các xét nghiệm hình ảnh.
2. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là một loại trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên (được tạo nên từ các tế bào bạch cầu và hệ thống cơ quan, mô của hệ thống bạch huyết) nhằm chống lại ung thư. Phương pháp này giúp cải thiện hoặc khôi phục các chức năng của hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. (3)
Các tế bào ung thư có khả năng “ẩn mình” được sự phát hiện và kiểm soát của những tế bào miễn dịch trong cơ thể. Cơ chế này giúp chúng không bị hệ miễn dịch cơ thể phát hiện và tiêu diệt. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư hắc tố giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách đánh dấu tế bào ung thư, kích thích khả năng hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và tấn công tiêu diệt tế bào ung thư. Từ đó, làm ngừng hoặc ức chế phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng đến các cơ quan khác trong cơ thể và hỗ trợ cải thiện hệ thống miễn dịch giúp việc điều trị bệnh ung thư hiệu quả hơn.
Một số loại thuốc nhắm vào các protein giúp kiểm soát, kích thích hệ miễn dịch chống lại các tế bào ung thư sắc tố gồm:
- Thuốc ức chế PD-1: Pembrolizumab (Keytruda) và Nivolumab (Opdivo)
- Thuốc ức chế PD-L1: Atezolizumab (Tecentriq)
- Chất ức chế CTLA-4: Ipilimumab (Yervoy)
- Chất ức chế LAG-3: Relatlimab
- Liệu pháp virus oncolytic: talimogene laherparepvec (T-VEC)
- Kem Imiquimod (Zyclara) dạng bôi trực tiếp lên da
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần phải kết hợp 2 thuốc miễn dịch để tăng hiệu quả điều trị.
3. Liệu pháp nhắm trúng đích
Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của tế bào ung thư là sự xuất hiện của những đột biến ở các gen. Chúng chịu trách nhiệm kiểm soát quá trình nhân đôi và chết có lập trình của tế bào ung thư. Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích là phương pháp tác động đặc hiệu riêng biệt và trực tiếp vào các gen đột biến này. (4)
Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư sắc tố da sử dụng thuốc để tấn công vào nhóm tế bào ung thư cụ thể, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh khối u. Các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Một số thuốc nhắm trúng đích để điều trị ung thư sắc tố da gồm:
- Ức chế BRAF: Vemurafenib (Zelboraf), Dabrafenib (Tafinlar), Encorafenib (Braftovi)…
- Ức chế MEK (có thể dùng điều trị cho người bệnh có đột biến BRAF và thường được sử dụng chung với các thuốc ức chế BRAF để tăng hiệu quả điều trị): Trametinib (Mekinist), Cobimetinib (Cotellic), Binimetinib (Mektovi)…
- Ức chế KIT (hiếm gặp, thường gặp ở ung thư hắc tố da lòng bàn tay, bàn chân hoặc dưới móng): Imatinib (Gleevec), Dasatinib (Sprycel), Nilotinib (Tasigna), Ripretinib…
Một số trường hợp sẽ cần phối hợp giữa liệu pháp miễn dịch và nhắm trúng đích để cải thiện hiệu quả điều trị.
4. Phương pháp xạ trị
Xạ trị có thể tập trung tại chỗ khối u hoặc tại vùng hạch bạch huyết di căn. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để điều trị giảm nhẹ giúp giảm đau và cảm giác khó chịu do khối u gây ra, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Xạ trị ngoài (đi từ bên ngoài cơ thể vào vị trí tổn thương chứa ung thư) là phương pháp điều trị thường được sử dụng nhất cho ung thư sắc tố da. (5)
5. Phương pháp hóa trị
Thuốc hóa trị trong điều trị ung thư hắc tố có thể tiêu diệt các tế bào tăng sinh nhanh trong cơ thể, bao gồm cả tế bào lành và tế bào ung thư. Phương pháp hóa trị thường không được chỉ định sử dụng nhiều trong điều trị ung thư sắc tố da bởi 2 lý do: một là hiệu quả hóa trị không cao, hai là kết hợp liệu pháp miễn dịch và thuốc nhắm trúng đích đem lại kết quả điều trị khả quan. Hóa trị có thể là một lựa chọn trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với thuốc miễn dịch và thuốc trúng đích hoặc không chấp nhận được tác dụng phụ của điều trị. (6)
Các thuốc hóa trị thường dùng cho bệnh nhân ung thư sắc tố da có thể kể đến như Dacarbazine, Temozolomide, Nab-Paclitaxel, Paclitaxel, Cisplatin, Carboplatin…
Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn phương pháp điều trị ung thư sắc tố
Các lựa chọn phương pháp điều trị ung thư sắc tố da phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố quan trọng, bao gồm: vị trí của khối u, giai đoạn bệnh, thể trạng thực tế của người bệnh, bệnh lý nền đi kèm, trạng thái tinh thần và nguyện vọng của bệnh nhân. Các hướng dẫn điều trị ung thư từ Bộ Y tế và các hiệp hội ung thư trên thế giới hiện nay đều nhấn mạnh vai trò của phối hợp nhiều phương pháp điều trị, trong đó có ung thư hắc tố như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… (điều trị đa mô thức với bệnh nhân ung thư), nhằm tối ưu hóa hiệu quả quá trình điều trị. Đồng thời, việc đưa ra kế hoạch điều trị ung thư còn phụ thuộc từng trường hợp bệnh nhân cụ thể (cá thể hóa). Do đó người bệnh cần tham khảo, tư vấn chi tiết và tuân theo phác đồ điều trị mà bác sĩ điều trị trực tiếp đề xuất.
Mỗi bệnh nhân ung thư hắc tố da là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai; dẫn đến việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Vậy nên bệnh nhân và gia đình cần chủ động trao đổi với bác sĩ để có được các hướng dẫn điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư hắc tố da tại khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:
Phần lớn người bệnh đến bệnh viện điều trị ung thư hắc tố da khi đã bước sang giai đoạn tiến triển. Do đó, chúng ta cần thăm khám sức khỏe định kỳ và thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường trên da để được chẩn đoán và can thiệp sớm.