Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Bác sĩ hóa trị và điều trị giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh trĩ với biểu hiện sưng đau, chảy máu khiến nhiều người lo sợ bị ung thư. Tuy nhiên, có nhiều sự khác nhau giữa bệnh trĩ và ung thư hậu môn, ung thư đại tràng.
1. Bệnh trĩ và ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn là một sự phát triển bất thường của các tế bào hậu môn, có thể di căn sang các bộ phận khác cơ thể. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị sớm thì có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Bệnh trĩ là tình trạng các mô hậu môn (có chứa tĩnh mạch) bị sưng do quá trình táo bón kéo dài, gây ra viêm, phát triển cục máu đông hoặc hậu môn trở nên phình to và nhô ra gây khó chịu. Những búi trĩ này có thể ở bên trong hậu môn (trĩ nội) hoặc nhô ra ngoài một phần hay toàn bộ (trĩ ngoại).
Bệnh trĩ và ung thư hậu môn có nhiều triệu chứng tương đồng, dễ gây chủ quan hoặc lo lắng quá mức cho người bệnh.
Xem thêm: Bệnh trĩ từ A đến Z: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
1.1. Nguyên nhân gây bệnh khác nhau
Nguyên nhân gây ung thư hậu môn thường gặp nhất là do virus HPV (Human Papilloma Virus), thường gặp ở người trên 40 tuổi. Những người có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ cao với bệnh hơn bình thường.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ được cho là do lối sống và căng thẳng kéo dài, ăn nhiều thức ăn cay nóng, ít vận động, thiếu tập thể dục, táo bón mạn tính. Bệnh trĩ cũng thường gặp ở những bà bầu trong quá trình mang thai.
1.2. Triệu chứng của bệnh trĩ và ung thư hậu môn
Tuy cùng có những triệu chứng tương đồng như táo bón, máu trong phân... nhưng 2 bệnh này vẫn có nhiều sự khác biệt như sau:
- Thay đổi thói quen đại tiện: Đối với ung thư hậu môn, triệu chứng thường gặp là sự thay đổi thói quen đại tiện, người bệnh có thể bị mót rặn (mắc đi cầu nhiều lần, mỗi lần ra ít hoặc không ra phân), đi ra khuôn phân nhỏ và dẹt. Trong khi đó, người bị bệnh trĩ thường là bị táo bón mạn tính.
- Chảy máu hậu môn: Cả 2 bệnh đều gây ra chảy máu hậu môn. Tuy nhiên, người bị trĩ thường bị chảy máu màu đỏ tươi, máu giảm sau khi khi đại tiện xong. Trong khi ở ung thư hậu môn, máu có thể màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi.
- Xuất hiện u, cục: Ở người bệnh trĩ ngoại, có thể sờ thấy búi trĩ ở hậu môn hoặc nhô hẳn ra ngoài. Búi trĩ cũng có thể thò ra ngoài khi người bệnh hắt hơi, cười, ho hoặc khi đứng một thời gian dài. Trong khi đó, ở người bệnh ung thư hậu môn khó có thể nhìn thấy khối u mà chỉ là cảm giác như có một cục vướng ở hậu môn. Sờ vùng hậu môn có thể cảm thấy gồ ghề, sượng cứng.
Triệu chứng khác của bệnh ung thư hậu môn: Sưng hạch bạch huyết ở bẹn, chảy máu bất thường từ hậu môn, giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân, sức khỏe suy yếu, trong khi người mắc bệnh trĩ vẫn bình thường.
2. Sự khác nhau giữa bệnh trĩ và ung thư đại tràng
Một vài biểu hiện nhận diện bệnh trĩ mà ung thư đại tràng không có:
- Búi trĩ: Có khối lồi ra ngoài hậu môn khi đi cầu, nhất là khi đi cầu bón. Khối này lúc đầu có thể tự lên được nhưng về sau khi lớn hơn thì không tự lên được, phải dùng tay để đẩy lên hoặc thậm chí lớn hơn nữa thì sẽ nằm thường trực ở hậu môn. Có trường hợp búi trĩ bị nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây đau rất nhiều.
- Đi cầu ra máu, nhất là khi táo bón: Đặc điểm là khuôn phân vẫn có màu vàng kèm theo máu hoặc có trường hợp điển hình hơn là máu chảy thành tia sau khi phân đã ra.
Phẫu thuật Longo cắt búi trĩ cho kết quả khá khả quan, thời gian nằm viện ngắn, giảm đau đớn sau mổ. Tuy nhiên, loại bỏ búi trĩ bằng phương pháp này vẫn rất đau đớn và có thể xảy ra 1 số biến chứng như nhiễm trùng hoặc hẹp hậu môn,...
Để giảm biến chứng của phẫu thuật trĩ, mang lại hiệu quả lâu dài và phòng ngừa tái phát, bệnh nhân nên thực hiện tại các bệnh viện uy tín, bác sỹ có kinh nghiệm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những cơ sở y tế hàng đầu trong điều trị trĩ. Vinmec đã điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh trĩ nặng, phức tạp. Người bệnh đau sau mổ ít, thời gian nằm viện ngắn.
Bệnh lý đại tràng thực ra là nhóm bệnh của ruột kết chứ không đơn thuần là một bệnh. Các biểu hiện giúp hướng đến bệnh lý ở đại tràng là:
- Đau bụng dọc theo khung đại tràng;
- Tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy và táo bón xen kẽ nhau; đặc biệt là khi đi lắt nhắt, mỗi lần chỉ được ít phân nhưng kèm đàm nhầy;
- Tiêu phân nát;
- Buốt mót (mót rặn, cảm giác đi cầu không hết phân nhưng cứ mót đi cầu liên tục);
- Các dấu hiệu báo động nguy hiểm cần tầm soát để loại trừ ung thư: Mới khởi phát ở tuổi trên 40; tiêu ra máu (điểm khác biệt với trĩ là máu thường trộn lẫn với phân chứ không nằm riêng lẻ, có khi máu đen sệt hoặc máu màu đỏ sậm như máu cá); táo bón xen kẽ tiêu chảy kéo dài trên 4 tuần; mót rặn kéo dài vài tuần; đi tiêu ra phân nhỏ dẹt; tiền sử trong gia đình có người bị ung thư ruột kết.
Trên thực tế, có không ít các trường hợp bệnh với biểu hiện không điển hình, phải dùng đến các phương pháp khám, xét nghiệm mới có thể phân biệt được sự khác nhau giữa bệnh trĩ và ung thư đại tràng, bệnh trĩ và ung thư hậu môn.
Một số điểm khác nhau điển hình có thể giúp bệnh nhân phân biệt bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo một cách chính xác bệnh của mình, người bệnh cần đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác cũng như có hướng điều trị phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế uy tín luôn triển khai Gói tầm soát ung thư đại tràng dành cho các khách hàng có nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là khách hàng có polyp tuyến đại tràng, viêm ruột, gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hay nghi ngờ đa polyp tuyến có tính gia đình, Hội chứng Lynch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM:
- Bệnh trĩ vòng là gì? Tìm hiểu phẫu thuật Longo giúp chữa trĩ vòng hiệu quả
- Tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại tràng?
- Chữa trĩ ngoại như thế nào là hiệu quả, an toàn?