Năm 2024, trường ĐH Công nghệ TP. HCM đưa ngành Công nghệ Thẩm mỹ vào đào tạo. Sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo đầy đủ trong lĩnh vực làm đẹp, gồm: Nghệ thuật làm đẹp (làm đẹp da, móng, tóc), nghệ thuật trang điểm; chăm sóc cơ thể (dinh dưỡng làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp, trị liệu cơ thể làm đẹp, spa…); sáng tạo và phát triển các sản phẩm dinh dưỡng chức năng, mỹ phẩm chăm sóc da và cơ thể; vận hành và kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thẩm mỹ (spa chăm sóc và trị liệu, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm, dinh dưỡng chăm sóc sắc đẹp).
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Thẩm mỹ có thể đảm nhiệm các vị trí như: Chuyên viên chăm sóc sắc đẹp, chuyên viên trang điểm, thẩm mỹ; đại diện thương hiệu mỹ phẩm; chuyên gia tư vấn giải pháp dinh dưỡng trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm dinh dưỡng cải thiện sức khỏe và sắc đẹp; quản lý và vận hành các cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp và trị liệu; nghiên cứu, giảng dạy hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực này…
Ngành Công nghệ Thẩm mỹ có cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho sinh viên theo học.
Là một trong những trường đầu tiên mở ngành Công nghệ Thẩm mỹ, trường ĐH Văn Lang đưa ra mục tiêu sinh viên vừa am hiểu kiến thức chuyên ngành, vừa có cái nhìn tổng quát về thị trường, cũng như có khả năng vận hành, quản lý…
Trong xu hướng đào tạo, ngành Công nghệ Thẩm mỹ sẽ đẩy mạnh các phương pháp học tập mang tính ứng dụng cao.Khác với Phẫu thuật Thẩm mỹ, ngành Công nghệ Thẩm mỹ không thực hiện thẩm mỹ xâm lấn như cắt mí, nâng mũi… mà dạy về kỹ thuật làm đẹp không xâm lấn, xử lý trên bề mặt da. Theo học ngành này, sinh viên được đào tạo kiến thức về: Da liễu thẩm mỹ, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sinh học nano, công nghệ sản xuất mỹ phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thử nghiệm mỹ phẩm…
Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên sẽ được tham gia các dự án nghiên cứu khoa học và tiếp cận cơ hội nghề nghiệp sát với lĩnh vực thẩm mỹ, tích lũy kinh nghiệm cũng như tạo ra nguồn thu nhập. Ngoài ra, trường ĐH Văn Lang sẽ tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho sinh viên trong suốt quá trình học, sau khi tốt nghiệp, cũng như hỗ trợ cơ hội thực tập nghề tại những thẩm mỹ viện, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Khi học xong, sinh viên không chỉ thạo tay nghề mà nhìn vào sản phẩm, phải đọc được công thức, thành phần để sáng tạo ra quy trình sử dụng hiệu quả nhất giữa các loại mỹ phẩm”, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Văn Lang cho biết.
Ngoài hai trường có đào tạo chuyên ngành Công nghệ Thẩm mỹ nói trên, ở TP. HCM còn có nhiều trường đào tạo một trong những chuyên ngành của lĩnh vực thẩm mỹ trong ngành Hóa học. Cụ thể, như chuyên ngành Hóa Mỹ phẩm, được đào tạo ở trường ĐH Bách khoa, trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM); trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường ĐH Công Thương TP. HCM...