Sốt xuất huyết là bệnh đặc biệt nguy hiểm nên việc chăm sóc cho người bệnh nhanh khoẻ mạnh cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, trong đó sốt xuất huyết có được tắm không và tắm nước nóng có sao không là vấn đề được nhiều người đặt ra khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết.
BS Đoàn Thị Khánh Châm - Quản lý Y khoa vùng 2 - miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Người mắc bệnh sốt xuất huyết có thể tắm, nhưng không nên tắm nước nóng hoặc nước lạnh, tốt nhất là dùng nước ấm và hạn chế tắm quá lâu để tránh cho cơ thể nhiễm lạnh. Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý về việc tắm rửa trong trường hợp sốt xuất huyết giảm tiểu cầu. Kỳ cọ mạnh khi tắm ở người sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới da hoặc trong cơ, vô cùng nguy hiểm với người bệnh”.Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết toàn cầu đã tăng gấp 30 lần trong suốt 50 năm qua. Ước tính có 50-100 triệu ca bệnh hằng năm tại hơn 100 quốc gia có dịch, đe dọa sức khỏe gần 50% dân số thế giới. Nếu được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách có thể giảm tỷ lệ tử vong của bệnh xuống dưới 1%. (1)
Người mắc bệnh sốt xuất huyết có được tắm không?
Bệnh nhân sốt xuất huyết hoàn toàn CÓ THỂ tắm rửa bình thường. Đa phần người bệnh sốt xuất huyết rất mệt mỏi, uể oải và có tâm lý không tắm để tránh bệnh nặng hơn, thực tế, đây là quan niệm sai lầm. Tắm không khiến bệnh sốt xuất huyết trở nên nặng hơn, trừ những người hợp tắm quá lâu khiến cơ thể bị nhiễm lạnh.
Người bệnh sốt xuất huyết có thể tắm bằng nước ấm và tắm nhanh trong phòng kín để hạn chế tiếp xúc với gió lùa. Nếu không tắm, bệnh nhân có thể lau người bằng khăn sạch và nước ấm. Bên cạnh đó, khi bị sốt xuất huyết, sức đề kháng suy giảm, có thể người bệnh nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh, việc không vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đúng cách có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm, sốc hay suy đa tạng.
Sốt xuất huyết có được gội đầu không?
Sốt xuất huyết có được gội đầu không? Câu trả lời là CÓ THỂ, tuy nhiên, không phải bất kỳ giai đoạn nào của bệnh sốt xuất huyết cũng có thể gội đầu. Cần xem xét sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và giai đoạn bệnh để bác sĩ đưa ra quyết định bệnh nhân có được gội đầu hay không. Nếu sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể gội đầu, tắm rửa.
Tuy nhiên, nếu người bệnh sốt cao hoặc đang trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết (thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh), đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện, việc gội đầu thường không được khuyến nghị.
Ngoài ra, khi gội đầu, bệnh nhân sốt xuất huyết tránh chà sát mạnh, có thể làm trầm trọng tình trạng xuất huyết dưới da hoặc trong cơ. Nên tắm, gội nhẹ nhàng bằng nước ấm để tẩy sạch mồ hôi trên da đầu và nhớ tuyệt đối không gội đầu bằng nước lạnh. Sau khi tắm, nên lau khô người và ủ ấm ngay. Với phụ nữ có mái tóc dài và dày nên sấy khô tóc, tránh tình trạng tóc ẩm khiến cơ thể nhiễm lạnh.
Sốt xuất huyết tắm nước nóng được không?
Người bệnh sốt xuất huyết không nên tắm nước quá nóng hoặc nước lạnh, thay vào đó là dùng nước ấm ở nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều có thể ảnh hưởng đến việc co giãn mạch máu trên và dưới da, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Giai đoạn sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có được tắm không?
Các chuyên gia cảnh bảo, người bệnh sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý việc tắm rửa trong trường hợp sốt xuất huyết giảm tiểu cầu. Vì kỳ cọ mạnh trên da trong giai đoạn này, sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ, vô cùng nguy hiểm với người bệnh. Thay vào đó chỉ nên dùng khăn ấm lau người một cách nhẹ nhàng.
Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu xảy ra khi số lượng tiểu cầu giảm dưới mức bình thường (150.000 tế bào/1 micro lít máu) (2) hay dưới mức nguy hiểm (dưới 50.000 tế bài/1 micro lít máu). Ở người bệnh sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu thường xuất hiện ở giai đoạn giữa của bệnh (khoảng ngày thứ 3 đến thứ 7) và gây xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau.
Dưới da bệnh nhân lúc này xuất hiện màu đỏ hoặc bầm tím. Bệnh nhân sốt xuất huyết cũng có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng. Mặt trước hai cẳng chân, mặt trong cánh tay, bụng và đùi là những vị trí thường xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới da.
Khỏi sốt xuất huyết bao lâu thì được tắm?
Để trả lời cho câu hỏi “Khỏi sốt xuất huyết bao lâu thì được tắm?”, trước hết cần xác định được thời gian mà người bệnh sốt xuất huyết khỏi bệnh. Thông thường, bệnh sốt xuất huyết diễn tiến qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn ủ bệnh
Tùy thuộc vào cơ địa, thể trạng hay khả năng miễn dịch của mỗi người mà thời gian ủ bệnh dài hay ngắn. Thông thường, sau khi bị muỗi vằn Aedes mang virus Dengue đốt, virus đi vào cơ thể sẽ xâm nhập vào máu và lan ra toàn thân trong khoảng từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết có thể dao động trung bình từ 4 đến 7 ngày.
Giai đoạn sốt
Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân sốt xuất huyết bắt đầu sốt cao 39 đến 40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 đến 7 ngày và được chia làm 2 giai đoạn nhỏ: giai đoạn sốt cao và giai đoạn hạ sốt. Các triệu chứng khác bao gồm phát ban, đau nhức cơ thể, buồn nôn. Đôi khi những triệu chứng này có thể chuyển từ nhẹ đến rất nặng trong vòng vài giờ.
Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm bắt đầu từ lúc giảm sốt (từ 3-7 ngày sau khi sốt ngày đầu tiên), thường kéo dài từ 24-48 giờ. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể bị nhiễm trùng thứ phát với biểu hiện như cô đặc máu và hạ tiểu cầu.
Giai đoạn hồi phục
Nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm từ 1 đến 2 ngày sẽ bước vào giai đoạn hồi phục. Bệnh nhân hết sốt hoàn toàn, huyết áp bình thường, thèm ăn, triệu chứng rò rỉ huyết tương giảm, bạch cầu khỏe mạnh tăng, hồng cầu ổn định và tiểu cầu nhanh chóng hồi phục.
Ở giai đoạn hồi phục, bệnh nhân có thể tắm và gội đầu trở lại như bình thường, nhưng cần lưu ý tắm nhanh và tránh cho cơ thể bị nhiễm lạnh. Vì đây là lúc cơ thể vừa hồi phục sau cơn bệnh, vẫn còn suy yếu.
Tắm có tác dụng gì đối với bệnh nhân sốt xuất huyết
Khi mắc bất cứ bệnh nhiễm trùng nào, vệ sinh sạch sẽ là yếu tố quan trọng giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Tương tự, với bệnh sốt xuất huyết, môi trường sống và cơ thể sạch sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục. Nếu không được vệ sinh, cơ thể sẽ rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, tăng nguy cơ bội nhiễm và sự khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, tắm quá nhiều cũng không tốt, có thể khiến cơ thể nhiễm lạnh làm bệnh nặng hơn; đồng thời làm trôi lớp dầu tự nhiên trên da và các vi khuẩn có lợi hỗ trợ hệ miễn dịch.
Một số sai lầm khi tắm khiến bệnh sốt xuất huyết lâu khỏi
1. Tắm bằng nước lạnh
Người bệnh sốt xuất huyết không được tắm nước lạnh vì có thể khiến các mạch máu trên da co rút, các mạch máu bên trong giãn ra, từ đó dẫn đến tử vong.
2. Ngâm mình trong nước quá lâu
Ngâm mình trong bồn nước lạnh có thể rất tuyệt vời khi bạn có sức khỏe tốt. Điều này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng số lượng bạch cầu cơ thể sản sinh - các tế bào có vai trò bảo vệ cơ thể trước các mầm bệnh, tăng quá trình trao đổi chất, kích hoạt hệ thống miễn dịch,… Thế nhưng, khi bị sốt xuất huyết, cơ thể người bệnh nhạy cảm hơn bình thường. Ngâm mình trong nước quá lâu khiến tình trạng sốt nặng hơn, chưa kể khiến các mạch máu co giãn gây tử vong.
Một số lưu ý khác cho bệnh nhân sốt xuất huyết
1. Lưu ý cho người trưởng thành
Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân nên thăm khám tại bệnh viện để được bác sĩ chỉ định điều trị. Cần nghỉ ngơi tại nhà hoặc bệnh viện cho đến khi lành bệnh, tránh làm việc quá sức. Nếu bệnh nhân có biểu hiện bất thường như thoát dịch hoặc cô đặc máu có sẽ bị tụt huyết áp, tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, chảy máu cam và chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh… Khi xuất hiện những triệu chứng trên cần nhập viện ngay để cấp cứu.
2. Lưu ý cho trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ chưa thể tự chăm sóc bản thân khi mắc bệnh như người trưởng thành, do đó ba mẹ cần quan tâm nhiều đến tình trạng của trẻ. Khi chăm sóc trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết cần theo dõi sát sao thân nhiệt của trẻ. Khi trẻ tăng nhiệt độ cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất. Phối hợp với bác sĩ điều trị để dùng thuốc cho trẻ.
Tuyệt đối không tự mua thuốc hạ sốt, đặc biệt là các loại thuốc chứa Aspirin, Ibuprofen có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Vệ sinh mắt, mũi của trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước và mặc quần áo mềm, thấm hút mồ hôi.
Bị sốt xuất huyết có được tắm không? Bệnh nhân có thể tắm nhanh hay lau mình nhanh bằng nước ấm và tránh gội đầu, chà sát mạnh khi xuất huyết giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, tắm ở người sốt xuất huyết còn phụ thuộc vào diễn biến bệnh, tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Do đó, khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị.